Friday, April 26, 2024

Chuyện tình buồn

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục “Độc Giả Viết” nhằm mời gọi quý độc giả “cùng làm báo” với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý độc giả vui lòng gởi email: [email protected].

Hồ Ngọc Danh

Mãi cho đến đúng một năm sau khi con bé lần đầu tiên chập chững gọi tiếng cha, ba má chồng mới khóc mà thú thiệt. (HÌnh minh họa: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)

“Ở hai đầu nỗi nhớ”
Ở hai bờ đại dương
Nghe xong lòng ngỡ ngàng thương
Mối tình trong sáng học đường miền quê

Quen nhau thuở chân quê
Chiến tranh lỗi hẹn thề
Bút nghiên đành vội cất đi
Áo thư sinh khoát chiến y đoạn trường

Bao năm tình lận đận
Ngang trái cờ đổi nền
“Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì Ai gây dựng cho nên nổi này”

(Chinh phụ Ngâm khúc)

Chờ năm mươi năm dài
Tóc xanh nhuốm bạc rồi
Bóng chiều hoài niệm người ơi!
Yêu người hai chữ rụng rời… lệ rơi. (HND)

Bóng chiều đổ ngang trên cánh đồng An Nhứt, gió thổi mát rười rượi. Bình thường, khi chiếc xe đạp vừa xuống dốc nàng cảm thấy khoan khoái trong lòng, tâm hồn dễ chịu thưởng thức mùi hương lúa mới đang trĩu nặng bông.

Nhưng hôm nay thì khác, cái anh chàng này coi bộ gan lì thật. Ở cái quận lỵ còn nhỏ hơn một thành phố, đi dăm phút đã về chốn cũ mà một ông nhạc sĩ đã phổ thơ thành nhạc. Thế mà dám đứng chờ mình ở cổng trường, gan thật đấy.

Lúc đầu, cứ nghĩ là phụ huynh học sinh, nào ngờ lại đạp xe theo, không biết rồi ngày mai mấy nhỏ bạn phản ứng ra sao với cái tin động trời này, một chuyện hy hữu mà lần đầu xảy ra tại đây.

Anh chàng này nàng biết, ở Đất Đỏ mấy tháng trước trời hạn hán đã đánh chiếc xe bò xuống trước cái giếng nhà của nàng để xin nước.

Gặp nàng rồi hỏi thăm rồi làm quen, tự nhiên giới thiệu tên tuổi rồi còn bảo nếu năm nay thi đổ tú tài toàn phần sẽ học Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, còn không thì vào trừ bị Thủ Đức.

Nàng mắc cỡ đến chín người, may mà có cô bé Phụng hàng xóm đi theo chứ không, dám nàng té xuống giếng theo thùng nước còn gì.

Má nàng lúc nào cũng nhắc khéo với bài vè:

“Gái An Nhứt má hồng, môi đỏ
Trai Đất Đỏ ế vợ, thấy mà thương.”

Nàng hỏi tại sao thì được giải thích bởi Đất Đỏ nằm trên một ngọn đồi, cả bốn hướng đều là bốn con dốc nên nguồn nước ngọt rất khó khăn.

Giếng thì phải sâu hơn 30, 40 mét mới chạm được mạch nước ngầm. Mùa mưa thì còn đỡ chứ mùa nắng; người ta phải xếp hàng cả đêm để đi gánh nước.

Tiếng va chạm của những thùng nước, tiếng trò chuyện nô đùa hay cãi lộn làm náo động cả một vùng giữa đêm khuya thanh vắng.

Chính vì vấn đề này, nên con gái Đất Đỏ rất được ưa chuộng vì giỏi giang chịu khó, nhưng ngược lại con trai Đất Đỏ thì bị ế bởi mấy cô sợ làm dâu, sợ phải kéo nước bằng cái ròng rọc dài hơn 30 mét. Nghe mà phát ớn lạnh chẳng bù cái giếng nước trước cửa nhà chỉ quăng cái gầu hơn một thước là có nước.

Mấy anh bạn học vẫn thường ngâm nga:

“Quê hương Đất Đỏ trên đồi
Giếng ba mươi thước chẳng con sông nào
Muốn tắm mát hãy lên ngọn sông đào
Muốn ăn sim chín hãy vào rừng xanh”

Nhưng Đất Đỏ có cái đặc thù riêng của nó. Nàng mê nhất là bánh tét bắp của Đất Đỏ. Có lẽ ngày xưa vùng đất này là một ngọn núi lửa nên đất có nhiều chất sắt, bắp nơi đây thật là ngọt bùi và dẻo. Bánh tét bắp này có cái hương vị đặc biệt rất thơm ngon.

Thứ nhì là mắm bầm; một đặc trưng dân dã có một không hai ở vùng Đất Đỏ Bà Rịa Phước Tuy.

“Mắm bầm đặc sản quê tôi
Trộn đu đủ sống, nuốt trôi lưỡi liền.”

Mắm bầm làm bằng các loại cá đã được bầm như: cá lẹp, cá cơm, cá rựa… được ướp bằng muối rồi bỏ vào trong một cái chum sau khi rắc thính bằng gạo rang hay bắp rang và cuối cùng đem ra phơi nắng vài ba ngày cho mắm chín, xong rồi mới ủ một thời gian đôi ba tháng.

Mắm thường được ăn chung với đu đủ vừa hườm hườm, cùng với ớt tỏi rồi bầm nhuyễn nên được gọi là mắm bầm.

Có lẽ vì ở gần vùng biển xã Phước Hải nên Đất Đỏ là một nơi tiêu thụ mỗi buổi chiều khi các ghe cá Phước Hải cặp bến, cho nên mới có câu:

“Cá thiều nấu với tương me
Ăn cùng bún nóng không chê chỗ nào.”

Đây cũng là một món ăn độc nhất vô nhị của miền Đất Đỏ: Canh chua tương me.

Bún nóng tuy không bằng bánh hỏi của An Nhứt nhưng cả hai đều được làm từ gạo.

Gạo Nanh chồn nổi tiếng khắp Việt Nam là bắt nguồn từ An Nhứt Long Điền và gạo Nàng thơm thì là từ Đất Đỏ vậy.

Rồi chuyện gì đến rồi nó cũng sẽ đến. Một ngày sau buổi học, nàng phụ má tráng bánh tráng để giao cho một tiệm bánh hỏi gần nhà. Nhìn thấy mồ hôi nhỏ từng giọt, má nàng âu yếm bảo:

-Dầu sao tráng bánh cũng không thể nào bằng đi gánh nước ở Đất Đỏ đâu con ơi!

Nàng thoáng giật mình, chẳng lẽ chỉ có một lần duy nhất trốn học để đi xi nê ở rạp Thành Thái Bà Rịa với anh, mà má nàng cũng biết?

Ngập ngừng nàng trả lời:

-Má nói cái gì mà con không hiểu gì hết vậy.

-Thôi đi cô ơi, tui nuôi cô hơn 18 năm, chẳng lẽ tui không biết cái bụng của cô.

Sao, tên gì? gia cảnh ra sao, nói cho thiệt tình để tui với ba cô chuẩn bị.

-Chuẩn bị cái gì vậy má, con còn đi học mà.

Má nguýt dài một cái rồi nói tiếp:

-Thời buổi chiến tranh, con đã hơn 18 mà chưa lên được đệ nhị cấp, thôi thì lấy chồng cho rồi.

Cái câu này sao mà giống y hệt cô bé Phụng trước nhà; nhân chứng của cuộc tình giữa chàng và nàng.

Hai chữ lấy chồng lại làm cho nàng đỏ mặt, không phải hơi nóng từ lò tráng mà mỗi lần có ai nhắc đến hai chữ này, nàng cảm thấy tận đáy lòng nó nở một nỗi rạt rào sung sướng len lén dâng lên không thể nào diễn tả nổi. Đúng là làm thân con gái khổ thật.

Má thấy nàng vẫn luôn tay tráng bánh rồi lấy bánh để lên khung mà không trả lời, biết nàng đang suy nghĩ và mắc cỡ nên làm thinh.

Đợi một chút má ôn tồn bảo:

-Thôi rửa tay rồi tắm mình đi con, phần còn lại để má làm nốt cho. Tội nghiệp con tôi, nhà có thiếu thốn gì đâu, tự nhiên lại nhận bỏ mối bánh tráng cho người ta. Nhà mình tuy không giàu có, nhưng tổ tiên từ bao đời vẫn có tiếng ở xứ An Nhứt này.

Bất ngờ nàng chợt lên tiếng:

-Ảnh lớn hơn con 4 tuổi, đang học đệ nhất ở Châu văn Tiếp Bà Rịa. Con nghe nói hình như có bà con gì với vợ vua Thành Thái.

-Uý mèn đét ơi! Vậy là dân Đất Đỏ chính gốc rồi. Bà thứ phi Đê đó mà, bên nhà ông ngoại có lưu trữ một bài báo viết về vấn đề này để chút nữa ba về, qua mượn đọc.

Buổi tối hôm ấy, giọng ba nàng cất lên sang sảng cho cả nhà cùng nghe

“Chuyện về Thứ Phi Trần Thị Đê

Người viết: Xuân Sang

Năm 1907, vua Thành Thái bị thực dân Pháp phế truất rồi đưa người con của ông là Hoàng tử Vĩnh San lên thay với niên hiệu Duy Tân. Chúng buộc ông phải rời triều đình vào an trí tại Vũng Tàu mà thực chất là giam lỏng ông.

Mùa Hè năm 1916, trong một lần cựu hoàng Thành Thái lái xe tr ắc xông từ Vũng Tàu lên Đất Đỏ tham quan, ông gặp một người con gái dong dỏng cao, khuôn mặt thanh tú, đôi mắt sắc như dao cau, đang cưỡi ngựa. Mới thấy lần đầu, ông đã ưng bụng liền cho xe chạy theo tới gần đình Phước Thọ (Đất Đỏ).

Khi biết nhà của người con gái ấy, cựu hoàng liền tới nhà ông Hội đồng làng, hỏi thăm rồi nhờ ông Hội Đồng dẫn tới nhà thưa chuyện với cha mẹ cô gái, xin cưới nàng làm thứ phi. Nàng là Trần Thị Đê, sinh năm 1884, là con thứ chín trong một gia đình có đến 12 người con.

Trở thành thứ phi, cô thôn nữ Trần Thị Đê về Vũng Tàu chung sống cùng cựu hoàng ở Bạch Dinh.

Hàng ngày, thứ phi Trần Thị Đê cưỡi ngựa cho cựu hoàng ngắm. Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu thì ngày 3 Tháng Mười Một, 1916, thực dân Pháp bí mật tổ chức một chuyến tàu đưa vua Duy Tân cùng cựu hoàng Thành Thái đi đày tại đảo Réunion ở Châu Phi.

Khi ấy, thứ phi Trần Thị Đê đang mang trong mình giọt máu của cựu hoàng Thành Thái, bà đành rời Bạch Dinh về Đất Đỏ sinh ra cô con gái đặt tên là Trần Thị Kiều.

Sau 31 năm bị đày ải xa cách, năm 1947, vua Thành Thái được về Việt Nam nhưng bị thực dân Pháp buộc phải sống tại Sài Gòn để dễ bề kiểm soát. Thỉnh thoảng, ông có về Phước Thọ gặp lại thứ phi Trần Thị Đê và cô con gái Trần Thị Kiều.

Vua Thành Thái rất yêu quý con gái Trần Thị Kiều và thường đưa con đi dạo chơi dọc bờ biển, đi chụp hình… Cuộc đoàn tụ ngắn ngủi, đến ngày 24-3-1954, vua Thành Thái qua đời tại Sài Gòn. 13 năm sau, thứ phi Trần Thị Đê cũng qua đời ở tuổi 73.”  (trích bài viết của Xuân Sang).

Xếp bài báo cho thật kỹ lưỡng, ba nàng từ tốn lên tiếng:

-Gia đình có nề nếp, gốc gác đàng hoàng, thôi con kêu nó với người lớn lên đây gặp ba.

-Kỳ cục quá ba ơi! Tụi con mới quen chỉ có mấy tháng, vả lại con còn nhỏ xíu mà ảnh thì vẫn đang học ở Bà Rịa. Để từ từ đi ba.

-Chiến tranh loạn lạc dữ dội rồi con ơi. Trên quận có văn thư là sẽ động viên ở tuổi 21, con thấy quân đội Mỹ tràn ngập tại Vũng Tàu và lính Úc đại Lợi làm sân bay ở Hoà Long Núi Đất phải không?

Ba chỉ sợ một vài năm nữa, có cơ hội ẵm cháu ngoại của ba không đây?

-Ảnh nói năm nay thi đậu hay rớt gì cũng đăng lính, chắc ảnh biết cái vụ động viên ba à.

-Ừ, thân trai thời loạn mà con, chỉ có hai con đường. Một là đăng lính quốc gia, hai là vào rừng nhảy núi.

Gia đình hai bên đã gặp mặt và anh được phép đi chơi riêng với nàng.

Thật ra, ở cái tỉnh Bà Rịa Phước Tuy này, chẳng có một nơi an toàn nào gọi là danh lam thắng cảnh. Anh muốn những kỷ niệm thật đẹp, thật thiên nhiên được ghi ở hồ Đá bàng Long Tân, ở vũng nước sôi Xuyên Mộc nhưng không dám khởi hành. Ngay cả có lần hai đứa ra tận Dinh Cô Long Hải cầu nguyện bình an hạnh phúc, muốn tắc đường qua Phước Hải dọc theo bờ biển để nhìn rừng hoa anh đào rồi đi thẳng về Đất Đỏ An Nhứt mà cũng không dám bởi vì sợ mật khu Minh Đạm của mấy Ổng.

Trước ngày anh thi Tú tài toàn phần, hai đứa viếng Thích ca Phật đài ở Vũng Tàu. Anh hôn nàng đắm đuối, nói rằng suốt cả cuộc đời này trong lòng chỉ có một mình em, duy nhất một mình em. Anh sẽ không bao giờ sống nổi nếu mất em. Xin Phật Trời chứng giám tấm lòng của anh.

Nàng rất xúc động định thả lỏng trước những đòi hỏi của anh, trước đôi bàn tay ma thuật và trước những lời thì thầm em ơi, anh yêu nhất là chỗ này.

Bóng người thấp thoáng, nàng lấy lại bình tĩnh hướng về Phật đài nhỏ nhẹ:

-Mấy lời của anh có thiệt không nè, hãy thề với em đi.

Chàng cười cười làm bộ nghiêm trang nói:

-Nghe này, anh mà dối em thì khi trèo lên cây ớt sẽ bị té, rồi rớt xuống bị cây hành đâm lòi ruột.

Nàng bật cười dòn:

-Đúng là:

Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Miệng nào nói dóc bằng miệng của anh.

Cái may thường không trọn vẹn hai lần cùng một lúc, chàng đã có được một tình yêu của người con gái An Nhứt, thì phải đành xếp lại bút nghiên vì thi rớt tú tài phần hai.

Chàng cũng không vào trường trừ bị Thủ Đức mà xin đăng lính không quân. Trước ngày nhập ngũ cả hai nhà tổ chức lễ dạm hỏi. Và bắt đầu kể từ nay cuộc đời của nàng chuẩn bị gắn liền vào đời sống của anh.

Mỗi lần nhìn con là mỗi lần nàng chảy nước mắt, đôi lúc trong lòng nàng vẫn không biết chính tâm thức của mình vẫn còn yêu chồng hay hận. (Hình minh họa: Goh Chai Hin/AFP via Getty Images)

Mãn khoá huấn luyện tại Nha Trang, anh được tu nghiệp bên Mỹ để lái phi cơ chiến đấu A 37.

Dấu chân của anh và nàng đã từng in trên nền cát trắng Nha Trang trong những lần ra thăm. Anh đã từng dìu nàng vào thương nhớ, từng xây mộng mơ cùng nàng trên một hòn đảo rất đẹp: hồ cá Trí Nguyên; nhưng rồi bỏ lại nàng một mình với nỗi  thương yêu vô vàn.

Những tháng ngày nhớ mong chờ đợi, ôi nó dài thường thượt làm sao. Chuyện đời, có cùng một hoàn cảnh thì mới thấu hiểu với nhau.

Nhớ lại những ngày học đệ ngũ, đọc bài Chinh Phụ Ngâm mà ngậm ngùi cho người phụ nữ Việt Nam có chồng trong thời chinh chiến. Bây giờ cảm xúc chợt dâng trào bởi những câu thơ:

“Chàng thì đi cỏi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ gối chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mắt biếc, trải ngần núi xanh” (Chinh phụ Ngâm).

Hay

“Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai
Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây.” (Chinh phụ Ngâm).

Ngày cưới đã được định sẵn, chỉ còn chờ anh khi trở về từ Mỹ, cô bé Phụng đã may tặng chị cặp gối uyên ương với hàng chữ thêu trăm năm hạnh phúc, loan phụng hoà duyên.

Nàng cảm động vô cùng trước một nhân chứng của cuộc tình này làm cho cô bé cũng ngưỡng mộ nàng, để tâm sự rằng ngày sau sẽ giống như chị, sẽ thủy chung trọn đời với người mình yêu. Một lòng một dạ.

Và rồi ước mơ một đời người con gái cũng thành tựu. Nàng khép nép bên “anh chồng độc đáo,” trước bàn thờ gia tiên hai họ mà bên chồng có di ảnh của bà thứ phi cuối cùng của đức vua Thành Thái.

Đám cưới thật lớn được tổ chức trước ngày anh ra đơn vị mà món ăn chính lại là bánh hỏi An Nhứt. Những cuốn chả giò giòn rụm cắt dọc làm đôi cùng những lát thịt heo quay thơm bùi bên chén nước mắm ngó sen.

Cuộc đời của nàng hạnh phúc qua những lời chúc tụng của bà con bè bạn thân hữu. Nàng khóc thật nhiều, khóc vì sung sướng, khóc vì phải xa ba xa má. Khóc cho đời con gái mười hai bến nước trong nhờ đục chịu kể từ đây.

Bảy ngày phép đám cưới trôi qua thật nhanh, bảy ngày đêm hạnh phúc làm dâu làm vợ, may mắn là nàng chưa có dịp kéo ròng rọc nước giếng bởi vì cái hồ lưu trữ nước mưa bên chồng vẫn còn đầy.

Đà Nẵng là nơi đầu tiên chàng thi thố tài năng bay bổng và hai tháng sau, nàng từ giã đồng bằng miền Đông Nam bộ, khăn gói theo chồng về miền Trung đất cày lên sỏi đá.

Vì tại quê nhà lòng mãi canh cánh lo lắng cho anh, ở gần anh mới an tâm đôi chút.

“Tin chiến sự ngày càng khốc liệt
Sợ vô cùng chẳng biết tin anh
Sợ tin điềm dử đến nhanh
Anh lên lon giữa hai hàng nến trong”

Mấy năm lại trôi qua những địa danh: bãi biển Mỹ Khê, chùa Non Nước, núi Ngũ hành Sơn, phố cổ Hội An không còn xa lạ với nàng.

Rồi chiến tranh càng lan rộng hơn, nhất là sau hiệp định Paris được ký kết anh đi bay thường xuyên, những ngày đó nàng cùng một vài chị bạn, từ cư xá đón xe vào tận phòng hành quân của phi đoàn theo dõi phi đội của anh nên cái tên như Charlie, Đức Cơ, Tân Cảnh, Triệu Phong, Kon Tum, Pleiku rất là quen thuộc.

Khi căn cứ sôi động bởi tin Ban Mê Thuộc thất thủ, anh vội vàng gởi nàng theo phi cơ về lại Sài Gòn bởi vì nàng đang mang thai.

Ngày phi đoàn của anh di tản đến phi trường Biên Hòa là ngày hai vợ chồng gặp nhau lần cuối cùng. Ôi, cái giây phút tương phùng ngày ấy mãi mãi là một dấu ấn trong cuộc đời còn lại của nàng.

Chàng bơ phờ hốc hác, râu tóc không còn chải chuốt như xưa. Hôn nàng nghẹn ngào đắm đuối, đưa tay xoa bụng nàng tìm cái cử động của thai nhi.

Tiếng hối thúc của bạn bè dồn dập vang lên vì cả phi đoàn một lần nữa phải chuyển về Cần Thơ tử thủ, nàng đòi đi theo nhưng cái bụng đang trên đà phát triển nên đành gạt nước mắt chia tay. Một sự chia tay vĩnh viễn. Một buổi chiều trên quê hương điêu tàn, một buổi chiều mà suốt cả cuộc đời còn lại mãi mãi không quên.

“Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong (Tống biệt hành).

Những ý tưởng cứ lang thang trên đầu óc nàng suốt cả chuyến xe về lại An Nhứt;

Tối 26 Tháng Tư, 1975, súng nổ vang rền trên bầu trời Bà Rịa Long Điền. Những trái sáng thả trong đêm nhiều vô kể, nàng nhìn thấy đạn phòng không đan chéo vào nhau, những hàng tên lửa bắn tua tủa ngập trời.

Thắp vội mấy nén hương nàng lâm râm cầu nguyện. Nàng chỉ còn làm một điều duy nhất có thể làm cho anh:

“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”

Ra đi mà không hẹn ngày về, hay là xưa nay chinh chiến mấy ai về?

Trưa ngày 27, bộ đội, du kích từ Xuyên Mộc, Đất Đỏ đã kéo qua An Nhứt và trên đường đang tiến về Bà Rịa.

Nàng không ngờ sự việc đã xảy qua quá nhanh, chính quyền toàn tỉnh Bà Rịa Phước Tuy đã thuộc vào Mặt trận Giải phóng Miền Nam.

Và rồi ba ngày sau, Sài Gòn đầu hàng. Thế là hết, chỉ mong anh chạy thoát. Nàng với cái bụng bầu chạy đôn chạy đáo hỏi thăm tin tức từ những người bạn của anh, có người trở về nhà, có người mất tích trong số đó có anh.

Những ngày đầu khi hoà bình lập lại, toàn xã tưng bừng náo nhiệt. Mít tinh, chào mừng tuần nào cũng xảy ra. Rồi đấu tố, rồi trả thù đã làm cho gia đình nàng thấp thỏm lo âu.

Nàng nhớ rất rõ, trong một buổi họp toàn ấp. Một người đàn ông, người mà lúc trước là tá điền của ông ngoại đã đứng lên chỉ tay vào mặt nàng nói:

-Chồng của con hai này là một tên nguỵ ác ôn, hôm đó tui đi ruộng thấy “gõ gàng” thằng chồng của nó lái máy bay thả bom giết biết bao nhiêu người vô tội.

Nàng định đứng lên chất vấn thì bàn tay của cô bé Phụng ghì chặt lại.

Cái ấm ức trong lòng với câu hỏi, phản lực cơ A-37 bay ngang qua mà ông ấy tận mắt nhìn thấy người phi công, thật là chuyện lạ bốn phương!

Gần cuối năm 1975, nàng sinh hạ một bé gái, ngày Tết năm ấy nàng bồng con về mừng tuổi bên chồng và nhận thấy có nhiều điều khác lạ từ những ánh mắt thương hại. Hỏi thăm tin tức anh, ai cũng lắc đầu. Mãi cho đến đúng một năm sau khi con bé lần đầu tiên chập chững gọi tiếng cha, ba má chồng mới khóc mà thú thiệt.

Thì ra sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 anh đem phi cơ đến Thái Lan, qua đảo Guam và cuối cùng định cư tại Mỹ.

Nhờ một địa chỉ người bà con ở Pháp, anh liên lạc với gia đình và cho biết đã lấy vợ sau khi đến Mỹ một thời gian ngắn.

Hung tin như sét đánh ngang tai, nàng không ngờ mới xa nhau mà lòng người lại thay đổi nhanh đến thế. Còn đâu những lời thề non hẹn biển ngày xưa, còn đâu những kỷ niệm của hai đứa ngày nào. Tất cả mất hết rồi. Con người phải có thủy có chung, có tín có nghĩa. Đó chính là những câu nói của anh khi bàn về hai chữ thủy chung.

Mỗi lần nhìn con là mỗi lần nàng chảy nước mắt, đôi lúc trong lòng nàng vẫn không biết chính tâm thức của mình vẫn còn yêu chồng hay hận.

Cuộc đời từ từ trôi qua, truyền thống gia đình đã khiến nàng sắc son một mực hiếu thảo với bên chồng. Ngày Tết ngày đám giỗ nàng đều đặn không bao giờ quên, duy nhất một điều là từ chối những quà cáp và tiền bạc của anh nhờ chuyển.

Đêm nay vầng trăng chợt sáng lạ thường. Nó êm dịu như cái tên của chị. Ánh trăng chênh chếch nhẹ nhàng trên cánh đồng An Nhứt.

Đứng tại con dốc ngày xưa mà lòng bồi hồi cảm xúc, không biết bên kia ở nửa vòng trái đất, ánh trăng có được như vầy không?

Có người nào đó, còn nhớ một người chinh phụ, một người con gái đã goá chồng gần 50 năm rồi.

Nàng thổn thức ngâm:

“Ngỡ quá khứ vùi sâu màu nhớ
Ngỡ xót xa đau khổ đã bay
Ngỡ niềm ký ức nhạc phai
Ngỡ ngàng khi biết lòng này còn yêu.

MỚI CẬP NHẬT