Friday, April 19, 2024

Nhớ ông

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục “Độc giả viết” nhằm mời gọi quý độc giả “cùng làm báo” với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Và, biết đâu, đây là cơ hội cho chúng ta, những độc giả, trở thành tác giả. Để tham gia, quý độc giả vui lòng gởi cho Người Việt qua email: [email protected]. (Bài trong mục này không có nhuận bút)

 ***

Tác giả Đinh Trường Chinh và bố – họa sĩ Đinh Cường, trong lần thăm mộ ông nội. (Hình: FB Đinh Trường Chinh)

Đinh Trường Chinh

Ngày xưa, trước Tết, tôi vẫn thường theo ông cụ lên Gò Dưa thăm mộ ông nội. Tấm hình kèm đây là một kỷ niệm quý, hiếm hoi. Đến mộ ông nội xong, lần nào hai cha con cũng qua thắp nhang cho mộ Hoàng Trúc Ly gần đó. Bây giờ Gò Dưa còn có thêm ông Bùi Giáng, ông Trịnh Công Sơn… đã “đăng ký hộ khẩu thường trú.”

Tuy rất ít thông tin, ông nội tôi cũng là một tay họa sĩ cừ khôi trong xóm Tân Định thời ấy, người ta gọi ông là “ông Năm.” Ông không trở thành họa sĩ sáng tác thực thụ như con trai, nhưng rất nổi tiếng Sài Gòn thời ấy nếu ai cần vẽ chi tiết, đồ họa, vẽ những gì thật tỉ mỉ. Ông vẽ như thật. Sau 1975, mình còn nhớ ông nội vẽ một góc tờ tiền bị mất, nối vào để xài. Ông kiếm được tiền nhờ vẽ những nhãn chai rượu, bao thuốc (giả)… y như hàng “gin.” Thời bao cấp khó khăn, tôi đã được ông nội đèo theo đi “giao hàng” (các mẫu vẽ nhãn rượu) vài lần. Sài Gòn thời ấy chỉ một, hai người vẽ được (và chịu vẽ) như thế. Có lần, một người bạn bố đến chơi, thấy trên bàn có điếu thuốc đầu lọc, lấy tay tính cầm lên hút, thì ra là điếu thuốc ông nội vẽ trên giấy, để trên mặt bàn. Tấm tranh chân dung hiếm hoi dưới đây là của ông vẽ cho một cô “đầm” thời ấy. Trong một bài về ĐC, Trịnh Cung đã viết:

“… Năm sau Đinh Cường tốt nghiệp và gặp lại tôi ở Sài Gòn vì Đinh Cường có nhà của ba mẹ tại Tân Định, Sài Gòn. Ba của Đinh Cường là bác Dõng, một họa sĩ chuyên vẽ các mẫu huy hiệu, các logo có nhiều chi tiết cực nhỏ. Ông có cái bàn nhỏ để sát tường với bộ cọ đặc biệt dành đi những nét tinh vi, một cái kính lúp để nhìn rõ hơn các chi tiết của mẫu vẽ. Ông là một người vui tính và để cho con cái được tự do theo đuổi sở thích của mình. Đặc biệt, vợ ông, mẹ của Đinh Cường, là một bà mẹ hiền hậu, hết mực thương con. Dù không giàu có nhưng bạn tôi, Đinh Cường được bà không để cho thiếu tiền trong túi mỗi khi ra đường. Lúc còn đi học Mỹ Thuật Huế, Đinh Cường đã có xe Vélo Solex, thời này, ở Sài Gòn đã sang lắm rồi huống chi là ở Huế. Trong ba chàng ngự lâm pháo thủ chúng tôi, Trịnh Công Sơn và Trịnh Cung là nghèo rớt mồng tơi. Tôi không đủ tiền ăn cơm tháng, phải đi ăn cơm xã hội, cơm giá bèo do nhà nước tổ chức dành cho người nghèo. Hồi đó, quán cơm này nằm bên bờ sông Hương gần chân cầu Trường Tiền, phía phố Trần Hưng Đạo…” (http://damau.org/archives/38822)

Tấm tranh chân dung hiếm hoi dưới đây là của ông vẽ cho một cô “đầm” thời ấy. (Hình: FB Đinh Trường Chinh)

Thời tuổi nhỏ, bố tôi sống trong đồn điền cao su Terre Rouge của ông nội tôi. Những rừng cây cao su bạt ngàn đất đỏ ở Thủ Dầu Một, tuổi thơ của bố tôi, “ông Năm” nói tiếng Pháp giỏi, lúc gần qua đời, cuối năm 2015, ông nằm mê man nhớ những chuyện xa xưa, bố tôi có viết một “nhật ký thơ” cảm động, nhắc đến “cha.” Đó là lần hiếm hoi, bố tôi nói về cha mình.

https://phamcaohoang.blogspot.com/…/1788-tho-inh-cuong-thuc…

“Mẹ bồng thì cũng thường thôi
Cha bồng sao cứ nhớ hoài cha ơi
… cha bây giờ nằm bên nghĩa trang Gò Dưa
xa nửa quả địa cầu. Mẹ nằm bên Hồ Muối
con thuơng cha nhớ mẹ vô cùng…”

Những ngày cuối năm, tôi nhớ cha tôi, nhớ cha tôi nhớ đến cha mình. Ôi cha mẹ của những “đứa con đi hoang trở về”… đi mê hoang trong mải miết của tranh, của thơ, của nỗi cô đơn, đi tìm những cái đẹp vô hình, dường như không bao giờ chạm đến…

Ông nội tôi đã mất ở Sài Gòn một ngày giáp Tết, sau 1975. Ông đã nằm ngủ một giấc ngon sau khi đi uống rượu về, rồi không bao giờ dậy nữa.

MỚI CẬP NHẬT