Sunday, April 28, 2024

Sau cánh mai vàng

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

Trần Thiên Hương

Ba tôi đứng trên bậc ghế, lặt lá trên cành cao, còn tôi đứng dưới đất lặt lá cành thấp. (Hình minh Hoạ: Quang Định/ Tuổi Trẻ)

Ngày ấy, đời sống còn khó khăn nên ít người chơi hoa và cây cảnh, nhưng hầu như trước sân nhà ai cũng trồng một vài cây mai.

Người xứ Quảng yêu chuộng giống mai hoa vàng lộc biếc, thường trổ hoa vào tiết Lập Xuân. Nhưng ai cũng mong cây mai nở hoa đúng vào dịp Tết để năm mới được an khang thịnh vượng nên năm nào cũng canh ngày để trảy lá mai. Cứ qua tiết Đông Chí là ba tôi lại nhắc: “Đã đến ngày lặt lá mai rồi đó nghe con!”

Nếu giống mai Hồng diệp của miền Nam phải đợi qua Tháng Chạp mới trảy lá thì giống mai Thanh diệp của xứ Quảng đã trảy từ rằm Tháng Mười Một mới kịp ngày. Đi ngang qua những ngôi nhà có trồng mai trong dịp này, bạn sẽ thấy xúm xít quanh cây mai là những người trong gia đình họ đang cùng nhau lặt lá. Cảnh tượng ấy năm nào cũng lặp đi lặp lại nhưng không hề nhàm chán mà ai nấy đều cảm thấy rộn ràng, có thể nói đó là một phần trong văn hoá – tín ngưỡng, là hồn cốt của đất đai xứ sở này.

Mai là loài cây dễ trồng, không kén đất và có sức chịu đựng phi thường, bất chấp thời tiết khắc nghiệt đến đâu. Dưới cái nắng chói chang của mùa Hạ, cành lá vẫn xanh tươi; sang Thu, dẫu phải oằn mình trong những cơn dông bão nhưng ở những nách lá vẫn nhú ra những nụ mầm. Khi mùa Đông đến, mai hiên ngang vươn mình trong giá rét và tất cả sinh lực dồn vào bảo vệ nụ, giống như những bà mẹ trong kì hoài thai…

Với những người trồng mai, lặt lá mai là việc làm đầu tiên để đón năm mới, ấp ủ những ước mong và hy vọng tương lai.

Ba tôi lấy chiếc ghế gỗ cao hai bậc, hằng ngày dùng để đứng thắp nhang trên bàn thờ, đem đến bên cây mai. Ba tôi đứng trên bậc ghế, lặt lá trên cành cao, còn tôi đứng dưới đất lặt lá cành thấp. Ông bày cho tôi cách làm, tuy đơn giản nhưng phải hết sức chú tâm, chỉ cần vô ý làm gãy cành sứt nụ thì hỏng việc.

Lần đầu tiên, tôi lóng ngóng lỡ tay làm sứt vài cái nụ khiến ba tôi nuối tiếc và buồn lắm. Đứng trên ghế cao thỉnh thoảng ông lại cúi nhìn xuống chỗ tôi và nhắc: “cẩn thận kẻo gãy nụ đó!” Những mầm nụ nứt ra từ kẽ lá, được lá chở che, khi trảy lá phải nhẹ nhàng cầm từng chiếc lá kéo lật ngược ra phía sau cho lá rời cành thì sẽ không làm hư nụ. Cứ như thế, sang năm sau, rồi nhiều năm sau nữa, tôi vẫn cùng ba tôi trảy lá mai chờ Tết đến.

Khi lá mai đã trút hết thì chất dinh dưỡng trong cây sẽ tập trung nuôi nụ, mầm nụ lớn dần lên, sang Tháng Chạp tróc “vỏ trấu” rồi nở ra thành từng chùm xanh biếc. Đến khoảng hai tám, hai chín Tết, bắt đầu xuất hiện những búp hoa màu hồng vàng trên mỗi đầu nụ. Ngày ba mươi, mai e ấp hoa hàm tiếu, và sáng Mùng Một sẽ bung thành từng chùm vàng rực, sáng cả một khoảng trời!

Những năm tôi xa nhà đi đại học, đến tiết Đông Chí vẫn chưa kịp về, tôi nhớ cây mai lắm, và thương cảnh ba tôi đứng trên bậc ghế lặt lá một mình, lòng buồn ghê gớm…

Tôi ra trường đi dạy học, rồi có gia đình riêng, nhưng năm nào cũng vậy, cứ qua tiết Đông Chí là tôi lại thu xếp công việc hối hả đạp xe về với ba tôi để trảy lá mai…

Những tháng năm êm đềm rồi cũng qua mau. Giờ đây ba tôi đã đi về nơi xa khuất, chỉ còn mình mẹ già đã lưng còng tóc bạc, chân chậm mắt mờ ngày ngày ngóng trông con. Một mình trở về bên cội mai già, tôi lại lấy chiếc ghế gỗ năm xưa đứng lên trảy lá. Những kỷ niệm ùa về, thương nhớ vô cùng.

Giờ đây, tôi mới hiểu vì sao ba tôi lại yêu quý mai đến vậy. Cốt cách mai đã khiến người ta phải thốt lên: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa!” Trải qua những năm tháng cuộc đời với bao chìm nổi đắng cay, có những lúc phải đương đầu với những cơn giông bão nhưng ba vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu. Gia tài ông để lại cho cháu con là niềm kiêu hãnh của một con người đã cống hiến cả cuộc đời cho quê hương tổ quốc và thân xác ông vẫn còn gửi lại cho những thế hệ mai sau, khi ông tự nguyện hiến xác thân cho y học…

Tôi như thấy ba vẫn nhìn tôi sau vòm lá và nhắc nhở: “cẩn thận kẻo gãy nụ nghe con!”

Những ngày Tết, ẩn hiện sau cánh mai vàng là hình bóng ba tôi với nụ cười tươi mãn nguyện, vừa đếm những bông mai mới nở, vừa nói: “Mai nở đúng dịp Tết thế này, năm nay làm ăn phát đạt, vui vẻ cả năm rồi các con ơi!”

Sau cánh mai vàng… sau cánh mai vàng…

MỚI CẬP NHẬT