Thursday, April 18, 2024

Tình thơ

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục “Độc giả viết” nhằm mời gọi quý độc giả “cùng làm báo” với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Và, biết đâu, đây là cơ hội cho chúng ta, những độc giả, trở thành tác giả. Để tham gia, quý độc giả vui lòng gởi cho Người Việt qua email: [email protected]. (Bài trong mục này không có nhuận bút)

***

Anh chỉ định chép tay nguyên cả cuốn sách thơ hiếm có này. (Hình: TL)

Đông Văn

Vào những ngày cuối tuần, thời là học trò trường trung học Trần Quốc Tuấn, tôi thường từ nhà trên phố xuống nhà ngoại tôi ở xóm Gốc Gáo để học ôn bài vở, hoặc đọc các sách truyện và thơ xưa cho ông nghe; và riêng tôi thì có thể đọc nhiều tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn cũng như các nhà văn khác trong tủ sách của cậu tôi để viết các bài luận văn hoặc trần thuyết trước lớp học. Đôi khi tôi ra khu vườn nhỏ tìm hái trái chín, hoặc nằm đu đưa trên chiếc võng cột dưới tàng cây. Hôm ấy, đang lúc chăm chú tìm những trái mận cuối mùa lẩn khuất trong đám lá rậm trên ngọn cây, tôi chợt nghe giọng con gái gọi từ bên dưới:

– Anh cho Lộc mấy trái được không?

Tôi nhìn xuống:

– Được chớ. Chờ chút nghe.

Cô gái tên Lộc đứng khá xa gốc cây mận, có lẽ sợ trái rơi trúng đầu hoặc tôi lỡ sút tay té xuống. Cũng may, hôm đó tôi mặc quần dài là thói quen mới tập từ khi sắp lên học lớp đệ tam. Tôi thấy vui vui vì còn tìm được một chùm mận làm quà để rồi đón nhận một nụ cười rất dễ thương của cô bé mới quen. Tôi đưa luôn hai trái mận lẻ còn cất trong túi áo.

– Lộc thử ăn đi. Ngọt lắm.

Lộc nhón lấy một trái, ngón tay khẽ chạm vào bàn tay tôi.

– Để một trái phần anh Văn.

– Ủa! Sao Lộc biết tên tôi?

– Em thường vẫn đến nhà ngoại cùng nhỏ Cầm học bài, quét dọn sân vườn, thỉnh thoảng thay Cầm đem cho ngoại các món ăn ngon do dì nấu. Có khi em bên nhà còn được nghe anh ngâm thơ, hình như có hẹn hò với ai đó “Sao em không về chơi thôn Vỹ, nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên…”

Nhà ngoại? Tôi đâu có cô em bạn dì nào ngoài Cầm ở cạnh đây. Lại không có bà dì nào lấy chồng người Bình Định, mà giọng Lộc thì rõ là cùng quê mẹ với nhà thơ Hàn Mặc Tử. Còn chuyện ngâm thơ? Lúc ấy tôi đang phát rầu vì bị chọc quê có giọng như gà trống choai vừa tập gáy…

– Có cô em gái ngoan thế này mà bữa nay mới biết. Anh tệ quá!

Tôi bỗng nhận ra mình tự xưng anh một cách dễ dàng. Lộc mỉm cười:

– Chưa muộn mà.

Ba Lộc bấy giờ là công chức tòa hành chánh tỉnh, đang cùng gia đình ở căn nhà thuê cạnh nhà Cầm trong xóm Gốc Gáo. Hai người là bạn học chung lớp đệ ngũ trường Hùng Vương. Xóm Gốc Gáo quá quen thuộc với tôi, nhất là từ những ngày nghỉ hè chuẩn bị thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, vì nhà ngoại luôn yên tĩnh và mát mẻ. Thi xong tôi vẫn xuống, nhà vắng người khi cậu Út tôi vào Sài Gòn học tu nghiệp sư phạm. Lý do khác nữa là tôi muốn dành thì giờ chép tay lại một cuốn sách rất hiếm của cậu tôi cho mượn, đó là cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân xuất bản tại Hà Nội năm 1942. Tôi nhớ rõ trong những năm 1964 và 1965, tạp chí Văn ở Sài Gòn liên tục trong nhiều tháng đăng thông báo cần mua hoặc mượn tác phẩm ấy theo điều kiện thỏa thuận để in lại. Dù rất ham, nhưng sau khi chép được vài chục trang thì số lượng trang chép mỗi ngày mỗi giảm. Năm học đệ tam bài vở khá nhẹ nhàng nên thường được coi là năm “dưỡng lão”, nhưng chắc không ai có cách dưỡng lão như tôi!

Một hôm, đang ngồi trước tập vở và cuốn Thi Nhân Việt Nam cùng để mở trên bàn đặt dưới mái hiên rộng nhà ngoại tôi, tôi chợt thấy Lộc bước lên bậc thềm. Tôi tưởng tượng đôi mắt Lộc lúc ấy như ống kính máy ảnh, trong tích tắc đã chớp được bộ dạng tôi đang ngồi thẫn thờ với cây viết trong tay.

– Anh Văn đang làm thơ hả?

– Không dám đâu. Anh chỉ định chép tay nguyên cả cuốn sách thơ hiếm có này, nhưng nó dày hơn ba trăm trang, chắc không đủ kiên nhẫn; nên có lẽ chỉ chép phần thơ thôi, bỏ qua phần tiểu sử và phê bình các tác giả.

Lộc đến đứng cạnh tôi, im lặng mở vài trang sách rồi xem đề của tác phẩm. Mùi hương tóc và hơi thở Lộc thoang thoảng bên tôi.

– Vậy anh chép phần phê bình đi. Để em chép phụ phần thơ cho.

Thật đúng là tôi có số quới nhơn phò trợ! Nhưng tôi cũng làm bộ “xã giao”

– Nhưng mất thời giờ của em quá!

– Không sao. Hôm nào sang đây nhờ anh chỉ bài Anh Văn xong rồi thì em chép thơ. Sòng phẳng?

À ra thế! Lúc ấy, tôi mới để ý trên tay Lộc có cầm tập vở và cuốn Practice Your English tập I. Sau đó, tôi dặn Lộc hôm nào vắng tôi cứ chép lần lượt các bài thơ, rồi canh số trang trống chừa lại để tôi chép phần kia, và nếu có gì cần nhắn thì ghi lên tấm bảng đen treo trên vách ngoài hiên mà tôi cũng như Lộc và Cầm vẫn dùng để làm bài.

-Vậy anh nhớ xin phép ngoại và cậu Út cho em đến đây học bài và… chép thơ cho anh.

-Thì mọi khi em vẫn thường cùng Cầm đến đây mà!

– Ý em muốn nói là xin để em đôi khi có thể đến một mình.

Và chắc chắn Lộc đã đến nhiều lần hơn Cầm, vì Cầm thường sau khi đi học về phải ra chợ phụ mua bán với dì tôi. Tôi còn nhận ra Lộc đã chép thêm được năm bài thơ trong thời gian mấy ngày tôi vắng mặt vì bận việc ở nhà. Nhưng điều khiến tôi bất ngờ nhất là, một hôm tôi đọc thấy trên tấm bảng hai câu thơ của Hàn Mặc Tử, nhưng đã được Lộc sửa lại mấy chữ:

Sao anh không về thăm Gốc Gáo
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên?         

Tôi cứ để nguyên không xóa đi những câu ấy. Hôm sau Lộc gặp tôi nhưng không nói gì, lẳng lặng đến xóa hai câu thơ đã bị em cải biên. Sau đó Lộc nhờ tôi giúp dịch một bài Anh Văn rồi ra về, không chép thơ như thường lệ!

Thấm thoát đã đến mùa đông năm 1964, cũng là dịp cuối Tháng Mười Giáp Thìn, Quảng Ngãi bị một trận lụt rất lớn và thành phố cũng bị ngập nặng gây rất nhiều hư hại. Sau khi nước rút đi, tôi đến trường và được nghỉ học vì phải chờ bàn ghế khô ráo, nên xuống Gốc Gáo thăm ngoại. Vườn nhà ngoại, kế bên hào nước rộng chảy quanh khu thành cổ, nhưng nhờ nền nhà đắp rất cao so với sân vườn nên nước lụt chỉ ở dưới bậc thềm. Tôi gặp Lộc ngoài vườn, em kể:

– Cầm mới vừa về nhà lấy đồ ăn sáng đem cho ngoại sau khi quét dọn sân vườn. Cả nhà dì và ba mẹ em cùng sang đây tránh lụt từ chiều hôm kia, vừa về nhà sáng nay. Bọn em chưa đi học vì ba đi trực trên sở về nói trước trường Hùng Vương nước chưa rút hẳn.

Tôi nhìn Lộc, ấm áp trong chiếc áo nỉ màu lục đậm, trông ngoan hiền và tươi tắn dưới những tia nắng mai xuyên qua vòm lá xanh mướt được gội sạch sau những cơn mưa lớn. Mắt Lộc lãng nhìn lên cây mận.

– Mận năm nay chắc trổ hoa nhiều lắm.

Tôi lẩm nhẩm trong miệng: Em như cô gái hãy còn xuân, trong trắng thân chưa lấm bụi trần. Xuân đến hoa mơ hoa mận nở…

– Anh ca bài gì đó?

– Bài Gái Xuân của Từ Vũ, phổ thơ của Nguyễn Bính.

– Em thích thơ Nguyễn Bính và thơ Tế Hanh, lãng mạn và nhẹ nhàng…

Tết Ất Tỵ đến. Cây mận và cây mai nhà ngoại đã trổ đầy hoa nhưng tôi không gặp Lộc vì em, đã lặng lẽ, cùng ba mẹ về quê ăn Tết. Rồi em lại ra đi học, cũng may cổng nhà em không có cây hoa đào, nên tôi đã không gặp cảnh: Trước sau nào thấy bóng người, hoa đào năm ngoái còn cười gió đông – như trong hai câu thơ sáu-tám trong Truyện Kiều của Nguyễn Du lấy ý từ hai câu thơ Đường trong bài bảy-chữ tám-câu của Thôi Hộ: Nhân diện bất tri hà xứ khứ, đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Lộc từ quê ra có mang bánh và kẹo dừa đặc sản để biếu ngoại, nói đã do chính em phụ với mẹ làm. Tôi khen ngon, và đùa:

– Nghe nói mấy cô Bình Định da đẹp nhờ tắm nước dừa, nên cũng trắng hơn mấy cô Quảng Ngãi.

– Vậy chắc em ở đây càng lâu càng đen ra hay sao… Anh thật dẻo miệng! À, mấy chị lớp ban C của anh coi đẹp và dễ thương quá.

– Sao em biết?

– Em thấy hình của anh và bạn học chụp hôm đi du Xuân dưới Phú Thọ, đang phơi ở tiệm chụp hình của ông Hứng người Hoa ngoài đầu đường Nguyễn Thái Học, khi em và Cầm đến đó chụp mấy tấm kỷ niệm. Bữa nào lấy hình cho em xem với. Em nhìn qua là biết chị nào thương anh!

– Vậy nhờ cô thầy tướng coi dùm đường tình duyên năm nay của anh ra sao? Nói đùa cho vui thôi. Chứ em biết học cùng lớp thường coi nhau là bạn, có thân tình thì cũng chỉ như bạn cùng phái, mà như anh chắc chẳng hấp dẫn được ai.

Thật tình mà nói, ở cái tuổi ấy tôi chưa có một cô “bạn gái” hoặc cô láng giềng nào, ngoài các cô “bạn chị” khá thân cùng tuổi học chung lớp.

Có lần, suốt tuần Lộc không đến nên tôi nghĩ rằng chắc em giận tôi. Tôi hỏi Cầm thì nhận được câu trả lời “nó bị cảm, sợ lây cho anh nên không sang.” Mấy hôm sau gặp lại, Lộc không nhắc gì đến chuyện bị cảm, chỉ hỏi tôi vài câu về Anh văn rồi chăm chú ngồi viết bài. Lát sau, Lộc mở cuốn Thi Nhân Việt Nam, có vẻ như sắp tiếp tục chép thơ. Em lật lật vài trang, rồi hỏi mà không nhìn tôi:

– Anh có biết đoạn văn: Tội thay cho bao nhiêu đàn ông suốt kiếp phải làm một người đời mà chưa từng làm một gã con trai. Họ đã bỏ qua mất cái tuổi nụ hoa không biết hưởng. Rồi đến khi trời nắng chang chang, đang lúc phải kiếm cơm giật gạo, tay làm hàm nhai, họ có thể trở lại mà hái hoa được sao!

– Đó là một đoạn trong bài Giao Lại Tuổi Thơ trích trong tập Phấn Thông Vàng của Xuân Diệu. Anh cũng còn nhớ được mấy câu: Hai tay em đang đầy những hoa lộc của cuộc đời, như một trái quý phong màng giấy xanh. Anh hãy mở ra cho trân trọng…

– Anh nhớ sai rồi, em hãy mở ra cho trân trọng, không phải là anh hãy mở ra…                                                                                       

Đang nói, Lộc chợt ngừng lại nhìn tôi, rồi tiếp:

– Anh xạo! À, em nghe thầy dạy văn nói Xuân Diệu viết bài này khi mới 21 tuổi. Mà sao giọng văn như ông cụ vậy! Còn thơ của các ông Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên cũng sáng tác thời trẻ nhưng ý tưởng thường lại dằn vặt và buồn thảm.

– Có lẽ tại đàn ông Bình Định ưa lãng mạn. Ngay cả Nguyễn Vỹ người Quảng Ngãi chắc vì vào Quy Nhơn đi học trung học nên cũng thành thi sĩ luôn. Còn Hàn Mặc Tử nhờ ra chơi nhà Bích Khê ở Thu Xà nên để lại cho đời tình sử thơ với Mộng Cầm. Em biết trong cuốn Thi Nhân Việt Nam này kể ra cả nước chỉ có 46 nhà thơ mà Bình Định có đến 4 người, và người thứ tư là Yến Lan.

– Là nữ thi sĩ?

– Cũng là nam. Ở quê em hình như các cô không ưa thơ. Chắc họ thích múa roi đi quyền hơn là than mây khóc gió.

Lộc lườm tôi, bàn tay chợt đưa ra, có vẻ như định nhéo vào cánh tay tôi, nhưng rồi rụt lại.

– Vậy em không chép thơ nữa!

– Xin lỗi, anh đùa thôi. Bớt giận nghe em gái… Nhưng thật tình anh cũng rất nể các bậc nữ lưu Bình Định. Hồi hai trăm năm trước, chính nữ tướng Bùi Thị Xuân từng đích thân ra tận Mộ Đức dẫn ông Trần Quang Diệu về phò vua Tây Sơn Nguyễn Huệ đó.

Tôi lại nhận thêm cái liếc xéo, nhưng có kèm theo… một nụ cười mỉm. Tôi vẫn xuống nhà ngoại, và thường gặp Lộc những ngày nghỉ lễ hoặc cuối tuần. Sau khi làm xong các bài tập Anh ngữ và các môn khác, Lộc cũng hỏi về sinh hoạt của tôi ở trường, đặc biệt là tìm hiểu về “các chị đẹp” trong lớp tôi, hoặc tò mò xem danh sách lớp ban C trong bảng điểm tổng kết lục cá nguyệt và các bài thi của học sinh trong lớp mà các thầy cô giáo giao cho tôi đem về làm “chemise.”

Thành phố Quảng Ngãi Tháng Năm, 1965. Phượng đã bắt đầu trổ hoa trên đường phố và khắp các sân trường. Lộc và tôi đã chép đầy hai cuốn vở trăm trang, nhưng chỉ mới được hơn phân nửa số trang in của cuốn Thi Nhân Việt Nam. Số trang vở chép thơ của Lộc rõ ràng nhiều hơn của tôi vì mỗi dòng chỉ chép được một câu thơ chỉ có dài 5, 6, 7 hoặc 8 chữ; lại có bài thơ như Sương Rơi của Nguyễn Vỹ có tất cả 80 chữ nhưng tính ra phải chép hai tờ giấy vì mỗi câu chỉ có 2 chữ. Lộc đếm số trang thơ nhiều hơn rồi chê tôi lười và ỷ lại. Được em trêu chọc cũng là một niềm vui, nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao có ngày Lộc chép được đến ba bốn bài thơ đang lúc vui và cả khi đang lúc buồn vì một chuyện gì đó. Có điều tôi để ý là chữ viết của em vẫn đẹp và giữ đều nét, nhất là phần đề của các bài thơ.

Một hôm tôi thấy Lộc đem tới một cuốn carnet (bằng cỡ tập vở nhưng có bìa dày, giấy kẻ ô vuông), bìa được bọc nhựa lộng hình một nhánh hoa phượng:

– Người bạn biểu em viết một bài thơ thay vì những dòng văn xuôi trong tập lưu bút này. Bữa nay em không có bài tập, định sẽ chép thêm vài bài thơ nữa.

Rồi Lộc chăm chú viết những trang đầu của cuốn vở thứ ba, thỉnh thoảng đưa tay vén những sợi tóc lòa xòa trước trán, trông thật ngoan hiền.

Hôm sau Lộc đến, đưa tôi xem bài thơ em mới viết vào tập lưu bút: Mới hôm nào gặp gỡ, tưởng đã lâu thân quen. Tình học trò áo trắng, đâu dễ gì lãng quên. Xuân tàn rồi hè đến, tháng ngày lướt qua mau. Rồi đường đời vạn nẻo, biết có còn gặp nhau?

Tôi tò mò:

– Cuốn lưu bút này của người bạn con gái hay con trai vậy?

Lộc không đáp, chớp mắt nhìn tôi rồi đưa tay mở trang đầu của tập lưu bút, chỉ hình cô bạn học kèm theo lời từ biệt mở đầu.

– Qua mùa hè, rồi em sẽ gặp lại bạn bè khi vào học lớp đệ tứ mà!

Lộc xếp cuốn lưu bút, im lặng hồi lâu.

– Em sẽ không còn học ở đây nữa mà về học ở Quy Nhơn, ba em đã có công vụ lệnh chuyển công tác về nhiệm sở trong đó từ tháng tới.

Tôi tự nhiên đưa tay giữ bàn tay Lộc còn đặt trên cuốn lưu bút, em để nguyên không rụt lại. Bàn tay thon nhỏ và ấm áp làm tôi nhớ lại lần đầu chạm tay em khi trao cho em trái mận ngọt ngày đầu mới quen.

Một tuần sau ngày nghỉ hè, chúng tôi hẹn gặp ở nhà ngoại tôi, có em Cầm cùng đến. Lộc nói Cầm đã đưa em vào chào từ giã ông ngoại. Đó là lần gặp mặt sau cùng trước ngày Lộc về Quy Nhơn. Chúng tôi yên lặng, chỉ nhấm nháp chút đỉnh món chè đậu ngự mà chúng tôi đã cùng hái ngoài vườn ngoại mấy hôm trước, do Cầm vừa nấu. Tôi đưa tặng Lộc cuốn từ điển Anh Việt- Việt Anh của Lê Bá Kông sau khi ký tên, và đưa em đọc lời dặn dò: Học Anh Văn, nhớ Anh Văn... Lộc chớp mắt nhìn tôi, không nói gì. Một lát, Lộc mở cuốn sách em đem theo lấy ra đưa cho tôi một tấm hình có khuôn mặt xinh đẹp của em… nhưng là hình chụp chung với nhỏ Cầm! Phía sau là chữ ký của Lộc và lời ghi: “Thương tặng anh Văn.” Tôi lên tiếng:

– Lộc có tặng tấm hình chụp riêng nào cho Cầm không vậy?

Lộc nhìn tôi mỉm cười, vừa đứng dậy vừa đưa ngón tay trỏ lên dí dí ra dấu cảnh cáo. Tôi vỗ nhẹ vào cánh tay Lộc vừa thả xuống. Cầm cười, đứng lên thu dọn ly chén mang ra nhà sau. Tôi nhìn vào mắt Lộc, em cũng ngước nhìn tôi.

– Mai anh lên ga tiễn em nghe.

– Thôi anh. Em cũng đã dặn nhỏ Cầm đừng đưa tiễn. Cảnh chia ly ở nhà ga buồn còn hơn thơ của Tế Hanh.

Cầm có lẽ đã ra về. Tôi và Lộc còn ngồi lại một hồi lâu, cách nhau một mặt bàn hẹp, lặng lẽ nhìn nhau, tay em nắm lấy tay tôi, và vẫn nắm thật chặt khi chúng tôi cùng đi xuống bậc thềm ra sân đến tận đầu ngõ. Rồi em bước đi. Không ngoảnh nhìn lại.

Lộc về Quy Nhơn có gởi thư cho Cầm vài lần, nhờ nhắn lời thăm tôi. Rồi thôi. Ba tập vở tôi và Lộc đã cùng chép cuốn Thi Nhân Việt Nam, vẫn còn dang dở, tôi đã đem về cất trên đầu tủ, và thường mở ra xem mà không đọc. Những lần xuống nhà ngoại, tôi ngồi lại bên chiếc bàn học nhìn lên tấm bảng thấy những bài học của em Cầm, đôi khi cứ tưởng Cầm và Lộc vẫn đến học chung. Ngoài vườn, cây mận giữa mùa hè vẫn còn nhiều trái chín và dưới gốc rải rác những trái mận rụng dù tôi biết em Cầm đã quét dọn vào mỗi sáng… Cuối mùa hè năm 1965, học sinh chuẩn bị trở lại trường cho một niên học mới. Tình cờ vào một buổi tối, lúc mở coi lại các tập vở chép Thi Nhân Việt Nam, tôi thấy ở trang cuối tập III bài thơ do Lộc sáng tác và chép lại, như đã từng viết trong tập lưu bút của cô bạn học trường Hùng Vương. Bài thơ đã được Lộc sửa lại một chữ và viết thêm nhan đề bằng tiếng Pháp!

Partir, c’est mourir un peu

Mới hôm nào gặp gỡ, tưởng đã lâu thân quen.
Tình học trò trong trắng, đâu dễ gì lãng quên.
Xuân tàn rồi hè đến, tháng ngày lướt qua mau.
Rồi đường đời vạn nẻo, biết có còn gặp nhau!

Lưu bút cho bạn trong câu hai em viết áo trắng, được sửa lại thành trong trắng. Có vài chữ trong bài thơ bị lem vì nhòe nước… Tôi đã mang những cuốn tập chép đầy thơ ấy theo khi tôi vào Sài Gòn tiếp tục việc học hành. Vẫn thỉnh thoảng đem ra đọc lại những bài thơ từng được Lộc tự tay chép lại, và ngay trang đầu cuốn một tôi có thể nhìn Lộc trong tấm hình em chụp một mình và bên dưới em có ghi hai chữ thương tặng – thật ra là hình tặng em Cầm, nhưng Cầm đã thương tình cho lại tôi… Năm 1967, tác phẩm Thi Nhân Việt Nam không còn khó kiếm vì đã được tái bản ở Sài Gòn. Nhưng tôi không cần cuốn sách mới in còn thơm mùi mực ấy nữa. Tôi cũng không muốn viết thêm một chữ nào vào công trình chép thơ của tôi và Lộc, vốn đã trở thành quý hiếm, dù nó chỉ là một công trình nửa chừng dang dở!

MỚI CẬP NHẬT