Thursday, May 16, 2024

Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ (kỳ 1)


Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

LTS – Loạt bài này sẽ gồm nhiều đoạn ngắn đăng trong nhiều kỳ, nhằm trình bày đơn giản, dễ hiểu, về thể lệ bầu cử tổng thống, đồng thời phù hợp với thực tế, để dễ mô tả đầy đủ từng bước cụ thể tương ứng với thời điểm đang diễn ra cuộc bầu cử.


Một cuộc họp “caucus” tại tiểu bang Iowa. (Hình minh họa: Michael B. Thomas/AFP/Getty Images)

Thể thức bầu cử tổng thống Mỹ thật ra đơn giản và dễ hiểu, không quá rắc rối như người ta thường nói. Hầu hết sự phức tạp do đây là một hệ thống bầu cử gián tiếp chứ không phải trực tiếp, và thêm nữa nhiều tiểu bang có những luật lệ rất khác nhau.

Nước Mỹ có khoảng trên 15 đảng phái chính trị và bình thường mỗi đảng đều có thể đưa ra một ứng cử viên. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, chưa bao giờ một ứng cử viên đảng nào khác ngoài Cộng Hòa hay Dân Chủ đắc cử tổng thống.

Tiến trình bầu cử tổng thống Hoa Kỳ gồm hai giai đoạn chính: sơ cử (bầu cử sơ bộ) và chung cử (tổng tuyển cử). Sơ cử là sự lựa chọn ứng cử viên của hai đảng Cộng Hòa, Dân Chủ. Chung cử là sự lựa chọn của dân chúng giữa hai ứng cử viên đó (và những ứng cử viên đảng khác nếu có).

Sơ cử và chung cử đều theo cùng một nguyên tắc: Hoa Kỳ là một liên bang. Tổng thống là tổng thống của liên bang, dân Mỹ bầu lên qua các tiểu bang chứ không phải do dân chúng toàn quốc trực tiếp bầu chọn. Sơ cử cũng vậy, không phải do toàn thể đảng viên (nghĩa là cử tri ghi danh theo mỗi đảng) bầu ra, mà do đại biểu đảng của các tiểu bang chấp thuận, dựa theo ý muốn của cử tri.

Giai đoạn sơ cử năm nay từ Tháng Hai đến Tháng Sáu với một loạt các cuộc bầu cử ở mỗi đảng, dưới hai hình thức gọi là “primary” hay “caucus.”

Tranh cử trong giai đoạn sơ cử là nhằm giành được đa số đại biểu đảng ở đại hội toàn quốc. Ðại Hội Toàn Quốc Cộng Hòa họp từ 18 đến 21 Tháng Bảy tại Cleveland, Ohio. Ðại Hội Toàn Quốc Dân Chủ họp từ 25 đến 28 Tháng Bảy tại Philadelphia, Pennsylvania. Hai đại hội sẽ chính thức tấn phong ứng cử viên tổng thống và ứng cử viên phó tổng thống của đảng, do ứng cử viên tổng thống đề nghị.

Sau đó là giai đoạn vận động tranh cử giữa các ứng cử viên chính thức của hai đảng. Tương tự như sơ cử, mục tiêu tranh cử bây giờ là nhằm chiếm được đa số đại biểu cử tri đoàn của các tiểu bang, chứ không phải đa số phiếu cử tri toàn quốc.

Kết quả trong ngày tổng tuyển cử Thứ Ba, 8 Tháng Mười Một, 2016 có thể cho biết ứng cử viên nào chiếm được đa số đó. Tuy nhiên, trên lý thuyết, hai người của một đảng chỉ chính thức trở thành tổng thống và phó tổng thống tân cử sau khi cử tri đoàn họp biểu quyết tại thủ phủ mỗi tiểu bang vào ngày Thứ Hai đầu tiên sau ngày Thứ Tư thứ nhì của Tháng Mười Hai ngay sau ngày bầu cử. Việc này hoàn toàn mang tính cách tượng trưng theo thủ tục không thể có biến chuyển bất ngờ nào khác.

Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định nguyên tắc vị lãnh đạo quốc gia phải do dân chúng bầu gián tiếp qua cử tri đoàn như thế. Nhưng trong Hiến Pháp không có quy định nào về sơ cử, những thể thức này là do hai đảng đặt ra đầu thế kỷ 20 và đã sửa đổi nhiều lần trong quá khứ.

Trước đó, chọn lựa một ứng cử viên hoàn toàn là việc của các lãnh tụ và giới chức dân cử cao cấp trong đảng. Ông James A. Bryce, đại sứ Anh và học giả nghiên cứu về hệ thống bầu cử Mỹ hồi cuối thế kỷ 19, viết: “Ðảng muốn có một ứng cử viên giỏi chứ không phải một tổng thống giỏi.” Thực tế thì chỉ có những ứng cử viên giỏi mới có cơ hội để chứng tỏ mình là một tổng thống giỏi. Nhưng khởi đầu, theo ông Bryce, trung ương đảng sẽ xét xem người nào có thể thu được nhiều sự ủng hộ và ít bị chống đối rồi khuyến cáo các đảng bộ tiểu bang đồng thuận chấp nhận ứng cử viên đó.

Như thế, hầu hết các đại biểu địa phương về dự đại hội đảng chỉ có nhiệm vụ… vỗ tay đồng ý! Các chi bộ đảng, Dân Chủ cũng như Cộng Hòa, muốn gia tăng ảnh hưởng thực tế của mình nên đã viện vào lý lẽ đảng viên cần phải có tiếng nói và vai trò trong sinh hoạt dân chủ để vận động cải cách. Kết quả là lập ra một hệ thống chỉ định ứng cử viên tổng thống của đảng, sao cho các tiểu bang có sự tham gia đóng góp chủ động hơn.

Năm 1910, Oregon là tiểu bang đầu tiên đề ra luật tổ chức bầu cử sơ bộ và các tiểu bang khác dần dần bắt chước theo sáng kiến ấy, chẳng hạn cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên tại New Hampshire là vào năm 1915.

Hiện nay, tại tất cả các thực thể pháp nhân, tiểu bang hay lãnh thổ trực thuộc Hoa Kỳ, có vòng sơ cử: bằng thể thức “primary” ở 35 thực thể, “caucus” ở 13 thực thể, 8 thực thể khác một đảng bầu theo lối “primary” đảng kia bầu theo lối “caucus.”

(Kỳ tới: Primary-Caucus – Ðại biểu đảng)

MỚI CẬP NHẬT