Thursday, March 28, 2024

Tỷ phú Michael Bloomberg không ra tranh cử


Nguyễn Văn Khanh


Tháng trước ông cho tờ The Financial Times biết “đang tính toán xem có nên ra tranh cử tổng thống hay không.” Cũng tháng trước, dàn cố vấn của ông nói với báo chí rằng “mọi quyết định phải chờ đến sau Super Tuesday mới tính.”


Hôm mùng 7 Tháng Ba 2016, ông thông báo quyết định cuối cùng: sẽ không dự cuộc đua chính trị 2016. Lý do: thứ nhất, ông nhìn nhận không thấy đường thắng cử, thứ nhì, ông không muốn sự xuất hiện của mình sẽ giúp các ứng cử viên Cộng Hòa như Donald Trump hay Ted Cruz cơ hội làm chủ Tòa Bạch Ốc. Theo lời một nhân vật thân cận với ông, “ông suy nghĩ rất kỹ, hiểu rằng cách hay nhất là không ra tranh cử.”








Tỷ phú Michael Bloomberg. (Hình: Getty Images)


Ông đây là nhà tỷ phú Michael Blomberg, 74 tuổi, nổi tiếng trong chính trường và thương trường, từng làm thị trưởng thành phố New York 3 nhiệm kỳ. Lúc còn có ý định tranh cử tổng thống, ông cho rằng cuộc bầu cử năm nay “xuất hiện quá nhiều ứng cử viên cực đoan, lối nói chuyện, những lời phát biểu của họ coi thường cử tri” kèm theo câu “nếu tranh cử tôi sẽ bỏ tiền túi ra vận động, không trông chờ vào sự yểm trợ của bất cứ ai hay tổ chức nào.”


Chuyện ông Bloomberg định ra tranh cử cũng như chuyện ông quyết định không ra tranh cử được xem là một trong những tin rất lớn trong ngày. Theo nhà quan sát chính trị Joshua Ornstein, “ông Bloomberg hiểu rất rõ tình hình chính trường, ông cân nhắc cho đến phút cuối cùng mới đưa ra quyết định sẽ không tranh cử.” Ông ta cân nhắc như thế nào? “Ông ta biết không có thực lực chính trị để tranh cử với tư cách độc lập hay đại diện cho một đảng thứ ba trong khi thấy rõ bà Clinton đang trên đường trở thành người đại diện cho đảng Dân Chủ. Nếu ra tranh cử thì ông ta sẽ cản trở đường tiến của bà bạn thân, đặc biệt có lợi cho 2 ứng cử viên Cộng Hòa mà ông ta từng gọi là không xứng đáng để lãnh đạo quốc gia là tỷ phủ Donald Trump và Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz.”


“Ngay từ ngày đầu tôi đã nói chẳng có gì lợi cho ông Bloomberg,” một quan sát viên khác là ông John Carlson của tiểu bang New Hampshire nhắc lại điều từng nói hồi tháng trước, ngay khi có đồn đãi cho rằng ông tỷ phú Bloomberg của New York sẽ ra tranh cử tổng thống.


“Muốn ra tranh cử với tư cách độc lập, ông ta phải vận động xin chữ ký của cử tri từng tiểu bang để có tên trong danh sách ứng cử viên, giả sử ông ta làm được điều khó khăn này và chấp nhận bỏ cả núi của để tranh cử, nghe đâu lên đến 2 tỷ bạc, câu hỏi kế tiếp là ông ta có lực lượng ủng hộ để vận động tại địa phương hay không? Câu trả lời của tôi là không, ông ta chẳng có ai cả. Như thế làm sao chiến thắng? Ðó chính là lý do tại sao lịch sử bầu cử cận đại cho thấy ứng cử viên độc lập hay tranh cử với tư cách đại diện của một đảng thừ ba chẳng khi nào thành công.” Ngay chính ông Howard Wolfson, cố vấn của ông Bloomberg, cũng nói điều này, cho rằng hệ thống chính trị lưỡng đảng cản đường tiến của “đảng thứ ba,” tức những người muốn phục vụ quốc gia như ông Bloomberg không có cơ hội thắng cử.


Ông Carlson đưa thêm một lý do khác nữa: quá trễ!


“Ðợi đến sau Super Tuesday mới loan báo quyết định tranh cử hay không thì đúng là quá trễ. Nếu thật sự muốn tranh cử ông ta đã phải nhảy vào cuộc đua từ giữa năm ngoái, ngay sau ngày ông Trump báo tin muốn trở thành tổng thống. Chuyện 2 ông tỷ phú ở cùng một thành phố (New York) đều muốn lãnh đạo quốc gia sẽ tạo chú ý cho mọi người, giúp tên tuổi ông được biết đến nhiều hơn.” “Ðừng quên,” ông Carlson trình bày tiếp, “người dân Hoa Kỳ biết đến ông Trump vì trong bao nhiêu năm trời tuần nào họ cũng nhìn thấy ông ta qua show truyền hình, trong khi ông ta chỉ nổi tiếng ở New York và Washington D.C., chỉ có những người thật sự quan tâm đến chính trị quốc gia mới biết ông Bloomberg là ai.” Tóm gọn lại: “đúng là không có đường thắng như chính ông ta nói.”


Không ra tranh cử không có nghĩa là không can dự vào cuộc bầu cử.


Mặc dù ông Bloomberg chưa tuyên bố ủng hộ ai, nhưng những người thân cận với ông đều nói “nếu bà Clinton yêu cầu, ông sẵn sàng đứng ra vận động cho bà cựu ngoại trưởng.”


Ông và gia đình Clinton quen biết nhau mấy chục năm nay, đồng thời từ năm 2001 đến năm 2009, ông và bà Clinton làm việc rất chặt chẽ với nhau, bà trong vai trò thượng nghị nghị sĩ đại diện cho tiểu bang New York, ông trong cương vị thị trưởng thành phố quyền uy nhất nhì nước Mỹ.

MỚI CẬP NHẬT