Thursday, April 25, 2024

Bế tắc trong vụ ‘trần nợ:’ Mỹ bị ám ảnh với rủi ro vỡ nợ

Hiếu Chân/Người Việt

Cuộc đàm luận hơn một tiếng đồng hồ trong phòng kín giữa Tổng Thống Joe Biden và Chủ Tịch Hạ Viện Kevin McCarthy ở Tòa Bạch Ốc chiều Thứ Tư 1 Tháng Hai về nâng “trần nợ” không đạt được thỏa thuận, khiến cả nước Mỹ bị ám ảnh với nỗi lo “vỡ nợ.”

Chủ Tịch Hạ Viện Kevin McCarthy từ trong Tòa Bạch Ốc bước ra trả lời báo giới hôm 1 Tháng Hai. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

Theo tính toán của Bộ Tài Chính và các chuyên gia kinh tế, nếu Quốc Hội không thông qua luật tăng “trần nợ” (debt ceiling, debt limit) thì chính quyền liên bang có nguy cơ mất khả năng thanh toán các khoản nợ quốc gia trong vài tháng nữa. Điều đó nếu xảy ra thì không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của Mỹ, tới nền kinh tế và cuộc sống của người dân mà còn có tác động dây chuyền đến toàn bộ các quốc gia khác, đẩy kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới. “Trần nợ” là cái gì, tại sao nâng trần nợ lại quan trọng như vậy và triển vọng nâng trần nợ sẽ như thế nào?

Do số chi ra nhiều hơn số thu nên nước Mỹ gần như phải thường xuyên vay tiền để bù đắp khiếm hụt. Chính phủ vay tiền bằng cách phát hành các loại trái phiếu có kỳ hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm và 10 năm. Người mua trái phiếu được lãnh tiền lời theo lãi suất đã công bố, được nhận lại tiền vốn khi đáo hạn. Trái phiếu cũng được trao đổi mua bán trên thị trường chứng khoán.

Quốc Hội khóa trước đã đặt ra mức trần nợ quốc gia là $31.381 ngàn tỷ, tức là giới hạn tối đa giá trị trái phiếu mà Bộ Tài Chính được phép phát hành. Bà Janet Yellen, bộ trưởng Bộ Tài Chính, nói rằng nước Mỹ đã đụng trần nợ vào ngày Thứ Năm, 19 Tháng Giêng. Trong khi chờ Quốc Hội xem xét nâng trần nợ, Bộ Tài Chính sẽ áp dụng các “biện pháp đặc biệt” để vẫn có tiền chi dùng, nhưng chỉ có thể cầm cự tới đầu Tháng Sáu năm nay. Nếu đến thời điểm đó, mà giới phân tích kinh tế gọi là “X-date,” Quốc Hội vẫn chưa cho phép nâng trần nợ thì nước Mỹ có nguy cơ không trả được tiền lời cho người sở hữu trái phiếu, trả lương cho quân đội và người về hưu, bị coi là “vỡ nợ” hoặc “phá sản.” Các nhà kinh tế cảnh báo một biến cố như vậy sẽ đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng.

Dân Mỹ sẽ là những người chịu thiệt hại trước tiên. Theo dữ liệu của USA Facts, vào ngày 30 Tháng Chín, 2022, ngày cuối của năm tài chính 2022, trong số nợ $30.93 ngàn tỷ của quốc gia thì các cơ quan chính quyền nợ lẫn nhau $6.61 ngàn tỷ, nhà đầu tư nước ngoài nắm $7.13 ngàn tỷ, còn người dân Mỹ nắm $17.02 ngàn tỷ, khoảng 55%. Như vậy, chủ nợ lớn nhất của Mỹ chính là người dân Mỹ. Nếu chính phủ không thể trả nợ đúng hạn thì người dân Mỹ bị thiệt hại nhiều nhất.

Để có tiền trả nợ trái phiếu, chính phủ cần vay thêm nợ mới, nhưng phải được Quốc Hội cho phép. “Nâng trần nợ” là cách duy nhất để chính phủ có tiền trả tiền lời và tiền vốn của các khoản nợ hiện hữu, tránh vỡ nợ. Ông Jerome Powell, chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương (Fed), khẳng định hôm Thứ Tư, 1 Tháng Hai, rằng: “Chỉ có một con đường tiến lên duy nhất là Quốc Hội nâng trần nợ, cho phép chính phủ Mỹ có thể thanh toán các nghĩa vụ tài chính của mình. Đi ra ngoài con đường đó là hết sức rủi ro.”

***

“Trần nợ” là khái niệm được đặt ra năm 1917. Trước đó, mỗi khi muốn phát hành trái phiếu để vay nợ thì Bộ Tài Chính phải làm đề nghị để Quốc Hội phê chuẩn. Ấn định mức “trần nợ” là nhằm đặt ra một giới hạn để chính phủ xoay xở, không nhất thiết phải xin phép Quốc Hội trước mỗi lần muốn đi vay. Mức trần nợ đầu tiên được đề ra trong Đạo Luật “Second Liberty Bond Act” năm 1917 và được mở rộng vào năm 1939. Từ đó đến nay, nâng trần nợ là việc làm thường xuyên. Nhưng khi môi trường chính trị trở nên chia rẽ, hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đối lập nhau gay gắt thì việc nâng trần nợ là cơ hội để hai bên đòi hỏi sự nhượng bộ từ phía bên kia. Từ thập niên 1960 đến nay chính phủ và Quốc Hội đã tranh cãi về việc nâng trần nợ 80 lần. Nội dung chính của các cuộc tranh cãi về trần nợ là làm sao cân bằng thu-chi ngân sách quốc gia, giảm thâm hụt để giảm vay nợ. Nói chung để cân bằng thu-chi, đảng Cộng Hòa thường yêu cầu chính phủ phải giảm chi tiêu trong khi đảng Dân Chủ lại muốn tăng thuế những thành phần dân cư có thu nhập cao.

Trần nợ và cân bằng ngân sách do vậy có quan hệ hữu cơ với nhau nhưng quan điểm cho rằng nâng trần nợ sẽ làm tăng chi tiêu của chính phủ, tăng thâm hụt là một sự ngộ nhận không chính xác. Chính phủ liên bang được chi tiêu những khoản nào, bao nhiêu tiền…được quy định trong các luật ngân sách của Quốc Hội, dù nợ có đụng trần hay chưa thì việc chi tiêu theo luật vẫn phải thực hiện. Nâng trần nợ chỉ là cho phép chính phủ vay thêm tiền để trả các khoản nợ cũ và thực hiện nghĩa vụ tài chính, tránh vỡ nợ. Khi nào ngân sách được cân bằng, hoặc thặng dư, tức chính phủ thu nhiều hơn chi thì nhu cầu phát hành trái phiếu để vay nợ sẽ giảm hoặc không còn nữa, cũng không còn nhu cầu nâng trần nợ.

Có một sự ngộ nhận khác rằng chính quyền Biden chi tiêu nhiều quá, vay nợ nhiều quá rồi buộc Quốc Hội nâng trần nợ để được tiếp tục vay mượn. Thực tế không phải như vậy. Khoản nợ $31 ngàn tỷ hiện nay là kết quả tích tụ đã nhiều năm, qua vài nhiệm kỳ tổng thống, do tình trạng thâm thủng ngân sách kéo dài.

Từ năm 2000 đến nay, năm nào ngân sách chính phủ Mỹ cũng bị thâm thủng, phải vay nợ để chi tiêu. Số liệu theo dõi của USA Facts ghi nhận, năm 2020 lúc ông Joe Biden chuẩn bị nhậm chức tổng thống, số nợ của Hoa Kỳ đã là $30.05 ngàn tỷ. Trước đó, trong tám năm cầm quyền của ông Barack Obama, số nợ đã tăng thêm $10.44 ngàn tỷ, bốn năm nhiệm kỳ của ông Donald Trump nợ tăng thêm $6.15 ngàn tỷ.

Hai năm cuối nhiệm kỳ ông Trump (2019-2020) là thời kỳ nợ tăng nhanh nhất, thêm $4.8 ngàn tỷ, một phần do luật giảm thuế của ông làm chính phủ giảm thu, một phần do phải tăng chi để ứng phó với đại dịch COVID-19. Trong hai năm này, số chi tiêu của chính phủ đã tăng gần gấp đôi, từ $4.77 ngàn tỷ năm 2018 lên đến $7.34 ngàn tỷ năm 2020. Số thâm hụt ngân sách cũng gia tăng tương ứng, từ $0.9 ngàn tỷ năm 2018 lên đến $3.49 ngàn tỷ năm 2020.

Trong bốn năm nhiệm kỳ của ông Trump, Quốc Hội có ba lần ra luật cho phép nâng trần nợ.

***

Như đề cập ở trên, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa có quan điểm đối lập nhau gay gắt chung quanh việc nâng trần nợ. Tổng Thống Biden và đảng Dân Chủ đề nghị Quốc Hội nên thông qua luật nâng trần nợ mà không có điều kiện ràng buộc để tránh một vụ sụp đổ kinh tế. Đảng Cộng Hòa và Chủ Tịch Hạ Viện McCarthy thì từ chối nâng trần nợ trừ khi chính quyền Biden chấp nhận cắt giảm nhiều khoản chi trong ngân sách liên bang.

Ông Biden thậm chí khẳng định ông sẽ không thương lượng về các điều kiện để nâng trần nợ, đồng thời nói rằng ông sẵn sàng “thảo luận riêng với các nhà lãnh đạo Quốc Hội về giải pháp giảm thâm hụt ngân sách, kiểm soát nợ của quốc gia trong khi tiếp tục duy trì tăng trưởng của nền kinh tế,” theo bản tóm tắt của Tòa Bạch Ốc về nội dung cuộc thảo luận Biden-McCarthy.

Ông McCarthy chưa đưa ra các điều kiện mà đảng Cộng Hòa đòi hỏi cho việc nâng trần nợ ngoài lời hứa ông sẽ không yêu cầu giảm các khoản chi cho các chương trình an sinh xã hội như Medicare. Nhưng theo giới quan sát, ông McCarthy đang bị các đồng viện Cộng Hòa gây sức ép, không được nhượng bộ đảng Dân Chủ. Họ cho rằng mức nợ công hiện nay của Mỹ là không bền vững và có rủi ro làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Cuộc thương lượng bất thành giữa hai ông Biden và McCarthy gợi nhớ vụ đối đầu giữa Tổng Thống Barack Obama của đảng Dân Chủ và Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner của đảng Cộng Hòa năm 2011. Do hai bên không tìm được tiếng nói chung, Quốc Hội dùng dằng không cho nâng trần nợ, khiến cả thế giới lo lắng chính phủ Mỹ có nguy cơ phá sản. Lần đầu tiên trong lịch sử, công ty thẩm định tín dụng Standard & Poor’s đã hạ thấp một bậc khả năng trả nợ của nước Mỹ. Ngày hôm sau, thị trường chứng khoán tụt giá thê thảm.

Lịch sử có lặp lại hay không thì chưa rõ, nhưng câu chuyện nâng trần nợ hay không xem ra còn kéo dài và tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường cho người dân Mỹ trong vài tháng tới. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT