Tuesday, March 19, 2024

Mẹ Nấm không bao giờ làm thinh

Ngô Nhân Dụng

Mỗi lần đảng Cộng Sản Trung Quốc hay Việt Nam chịu trả tự do cho một nhà tranh đấu dân chủ ra khỏi nước, lại có những người thiếu ý thức nói một câu, theo lối, “Bọn Cộng Sản lại thắng nữa rồi!” Sau khi Mẹ Nấm được tự do, có người còn nói rằng đảng Cộng Sản “đã tống được ‘cái gai’ ra nước ngoài!” Vì Mẹ Nấm không được ở trong nước chống đối nữa.

Trước Mẹ Nấm, những ông Phương Lệ Chi, Ngụy Kinh Sinh, Vương Đán đã được Bắc Kinh “tống” đi từ ba bốn chục năm rồi. Ở Việt Nam thì những ông Đoàn Thanh Liêm, Đoàn Viết Hoạt được đưa từ nhà tù thẳng ra phi trường. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện cũng bị tống đi. Gần đây hơn thì có Nguyễn Văn Hải, Trần Khải Thanh Thủy, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ, Việt Khang, Nguyễn Văn Đài, vân vân, phải sống lưu vong sau khi Cộng Sản đã giam cầm, hành hạ bao nhiêu năm tháng. Chịu thua vì không khuất phục được họ, Cộng Sản đành phải “tống đi.”

Có thể nói rằng Cộng Sản đã “thắng” các chiến sĩ dân chủ tự do trên đây hay không? Phải nói rõ ràng: Đó chỉ là những luận điệu rất cũ của bộ máy tuyên truyền rất thạo việc bẻ cong sự thật. Bộ máy mà Trung Cộng hay Việt Cộng coi là quan trọng hơn cả những tay chân cầm súng hay mang còn số tám, bây giờ còn được gọi tên là “dư luận viên” có bổn phận nhắc đi nhắc lại rằng “Đảng Ta” lúc nào cũng thắng.

Khi Cộng Sản Liên Xô “tống” được nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn ra sang Đức, hoặc xé giấy thông hành, hộ chiếu, của nhạc sĩ Mstislav Rostropovich trong lúc ông đang đi trình diễn hồ cầm ở nước ngoài, bộ máy tuyên truyền Cộng Sản cũng mô tả đó là những “thắng lợi” của “cách mạng vô sản thế giới.”

Sự thật là chế độ Xô Viết đã chịu thua, lùi bước khi bắt buộc phải “tống xuất” Solzhenitsyn và Rostropovich. Sau cùng Solzhenitsyn và Rostropovich mới là kẻ chiến thắng. Họ chứng kiến chế độ Cộng Sản sụp đổ trên quê hương, họ vinh quang trở về và được đồng bào nhiệt liệt đón chào. Trước đó, những người đào thoát để sống lưu vong như Leon Trotsky còn bị Stalin cho người đuổi theo ám sát nhiều lần, cho đến khi giết được ông ở Mexico mới yên tâm.

Khi mới mất hộ chiếu, bị tước bỏ quốc tịch Nga, Rostropovich còn dự tính sẽ ở nước Pháp; vì từ mấy thế kỷ nay bao nhiêu người Nga lưu vong đã chọn Paris làm chỗ dung thân, ông nói, tôi “không khôn hơn mà cũng không dại hơn họ” nên cũng chọn Paris. Nhưng sau cùng, cả Solzhenitsyn và Rostropovich đều chọn sống ở Mỹ.

Cũng sống ở Mỹ như Phương Lệ Chi, Vương Đán, như Đoàn Viết Hoạt hay Điếu Cầy sau này. Bây giờ, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mới cùng mẹ và các con qua Mỹ cư ngụ. Cô cũng “không khôn hơn mà cũng không dại hơn” những Solzhenitsyn hoặc Ngụy Kinh Sinh!

Nói rằng đảng Cộng Sản đã tống được “cái gai Mẹ Nấm” ra nước ngoài, nếu không phải nhằm ca tụng Cộng Sản lúc nào cũng thắng; thì cũng do một lối nhìn của những kẻ chủ bại, trong bụng luôn luôn sợ Cộng Sản!

Dù Mẹ Nấm còn ở trong nước thì cô vẫn bị cầm tù, không thể tranh đấu gì nữa. Cũng như những Đoàn Viết Hoạt, Ngụy Kinh Sinh, Vương Đán hay Nguyễn Chí Thiện, khi được sống ở một nước tự do Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ có nhiều cơ hội đấu tranh hơn. Họ được tự do đi tới bất cứ nơi nào họ muốn, họ có một thính chúng đông đảo gấp ngàn, gấp vạn lần so với thời gian còn sống ở trong nước Trung Hoa hay nước Việt Nam! Hơn nữa, họ cũng được mở rộng tầm mắt nhìn cách sống của con người trong thế giới tự do, dân chủ.

Trước khi rời Trung Quốc hoặc Việt Nam, Vương Đán hay Nguyễn Chí Thiện chỉ biết những lý thuyết về xã hội tự do dân chủ. Khi sống ở Mỹ, họ biết rõ hơn con người trong các xã hội đó thực sự sống ra sao. Họ có dịp so sánh các chế độ độc tài khác chế độ tự do như thế nào, họ thấy và biết rõ hơn phải làm gì để đồng bào mình được sống giống như vậy. Khi đó, những lời kêu gọi của họ gửi về nước được diễn tả cụ thể hơn, rành mạch hơn và tác động đồng bào họ dễ dàng hơn. Tinh thần tranh đấu của họ mạnh hơn, con đường họ chọn chắc chắn vững vàng hơn. Nếu cứ tiếp tục sống trong nước, nhất là ở trong tù, họ không có được cơ hội tạo nên những tiếng nói mạnh mẽ như thế.

Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cảm thấy tương lai đó cận kề khi cô được ôm con, “cảm xúc của con trai tôi vỡ òa trên máy bay.” Cô nhìn thấy cảnh tự do và đoàn tụ của gia đình mình “là câu trả lời cho những người đã bắt và giam giữ tôi trong suốt thời gian qua! Tôi không cô đơn và những tiếng nói yêu tự do không bao giờ lạc lõng hết.” Mẹ Nấm biết mình đã thắng chế độ Cộng Sản.

Những người bi quan chủ bại phải nghe lời Mẹ Nấm nói khi đặt chân trên đất Mỹ: “Ở trong nước tôi đã không làm thinh thì bây giờ chắc chắn tôi cũng không bao giờ làm thinh.”

Trước đây, những Solzhenitsyn, Đoàn Viết Hoạt, Vương Đán hay Nguyễn Chí Thiện cũng không bao giờ chấp nhận làm thinh. Họ là nhân chứng sống đã phơi bày cho cả thế giới biết chế độ Cộng Sản phi nhân tàn bạo là một vết nhơ cho đất nước họ và trong lịch sử loài người. Mọi người phải cùng nhau xóa bỏ các chế độ lạc hậu, dã man đó, nếu muốn bảo vệ những giá trị chung của nhân loại. Các đảng Cộng Sản Liên Xô, Trung Cộng hay Việt Cộng, trước khi tống họ ra đi, đều biết họ sẽ là những tiếng nói thách thức và đe dọa các chế độ chuyên chế độc tài. Các đảng Cộng Sản đã chịu thua nên đành phải trả tự do cho họ.

Những con người bất khuất “chắc chắn không bao giờ làm thinh” đó nay càng mạnh hơn, nhờ các phương tiện truyền thông tân tiến. Những trang Facebook của Đoàn Viết Hoạt, Vương Đán hay của Điếu Cầy, khi họ thoát vòng cương tỏa của Cộng Sản, còn trở thành những tiếng nói quyết liệt, minh bạch và cụ thể, có thể gây ảnh hưởng trên đồng bào trong nước họ nhiều hơn trước, gấp nhiều lần hơn những gì họ có thể làm nếu còn ở trong nước, nhất là nếu họ còn bị tù.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ sử học ở Đại học Harvard, Vương Đán đã dạy môn “Lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc” ở Đại Học Thanh Hoa ở Tân Trúc, Đài Loan. Năm 2010, ông đã bị một người đàn bà cầm dao tấn công trong lúc đang giảng bài. Vương Đán đã chống cự, giật được con dao trong tay hung thủ. Cuộc điều tra sau đó cho biết người phụ nữ này đã theo dõi Vương Đán ba năm trước khi ra tay. Nhưng Vương Đán đã thoát nạn và tiếp tục gửi tới đồng bào của ông những thông điệp về tự do dân chủ. Ông không chịu làm thinh, dù sinh mạng vẫn còn bị đe dọa.

Khi Mẹ Nấm quả quyết “chắc chắn tôi không bao giờ làm thinh” thì chúng ta hiểu rằng cô là người chiến thắng, đảng Cộng Sản đã chịu thua người phụ nữ quả cảm này. (Ngô Nhân Dụng)

MỚI CẬP NHẬT