Wednesday, April 24, 2024

Ngoại giao vaccine – mặt trận mới của Trung Quốc

Hiếu Chân/Người Việt

Đối với thế giới hôm nay có lẽ không vấn đề nào cấp bách hơn là có đủ vaccine ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho dân chúng, càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt, để nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế, trở lại cuộc sống bình thường như thời trước đại dịch. Nhưng thế giới chỉ có vài nước có năng lực bào chế vaccine an toàn và hiệu quả.

Bà Alicia Martinez ở Chile giơ thẻ chích ngừa vaccine COVID-19 của mình sau khi được chích liều thứ hai vaccine Sinovac của Trung Quốc hôm 5 Tháng Ba, 2021. (Hình minh họa: AP Photo/Esteban Felix)

Và thế là từ một phương thuốc cứu người, vaccine vô hình trung trở thành một thứ vũ khí để các cường quốc sử dụng nhằm tranh giành ảnh hưởng chính trị và kinh tế. Trong cuộc đua tranh mới này, Trung Quốc đã vượt lên thành người chiến thắng, bỏ xa Mỹ và Âu Châu. Tại thời điểm đầu Tháng Ba, 2021, nỗ lực tạo dựng “quyền lực mềm” của Bắc Kinh thông qua ngoại giao vaccine đã bắt đầu có kết quả.

Thành tích “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc nói lên điều gì?

Trung Quốc đã cam kết cung cấp nửa tỷ liều vaccine COVID-19 do nước này sản xuất cho 45 quốc gia, phần lớn là các nước thu nhập thấp và trung bình, theo số liệu của hãng tin AP. Còn theo Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Bắc Kinh đã viện trợ vaccine cho 68 nước và bán thương mại cho 28 nước khác, nhưng bộ này từ chối cung cấp cho báo chí danh sách các nước nhận viện trợ hoặc mua vaccine của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng là nước đầu tiên đã phê duyệt và cho phép sử dụng tới năm loại vaccine COVID-19. Được quảng bá rộng rãi nhất là vaccine của các tập đoàn dược phẩm quốc doanh Sinovac ở Bắc Kinh và Sinopharm ở Vũ Hán – hai loại vaccine Trung Quốc đã kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với kết quả tích cực. Loại vaccine thứ ba do CanSino Biologics – liên doanh giữa Trung Quốc và Canada – cũng đã kết thúc thử nghiệm giai đoạn ba với tỷ lệ hiệu quả 66%, tương đương với vaccine Johnson & Johnson của Mỹ và cũng chỉ tiêm một liều duy nhất như J&J.

Khác với các loại vaccine phương Tây như Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Moderna, tất cả các loại vaccine Trung Quốc đều có thể được trữ trong điều kiện nhiệt độ của tủ lạnh thông thường, yếu tố đặc biệt hấp dẫn với các nước nghèo thiếu các phương tiện bảo quản siêu lạnh.

Do vậy, cùng với tình trạng khan hiếm vaccine trên thị trường, nhiều quốc gia đang phát triển đã chọn vaccine Trung Quốc. Lãnh đạo của các nước Chile, Cambodia, Peru, Serbia, Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống Nhất (UAE), Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Zimbabwe, và Seychelles hoặc trở thành người đầu tiên trong nước tiêm vaccine, hoặc tiêm vaccine Trung Quốc trước ống kính truyền hình để cổ vũ dân chúng.

Theo Giáo Sư Yanzhong Huang (Hoàng Ngạn Trung), trường Ngoại Giao và Quan Hệ Quốc Tế của đại học Seton Hall University ở New Jersey, chuyên gia về y tế toàn cầu của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Hoa Kỳ (CFR), trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs, đến đầu Tháng Hai, 2021, ba nhà sản xuất vaccine COVID-19 của Trung Quốc (Sinopharm, Sinovac và CanSino) đã nhận được đơn đặt hàng 572 triệu liều vaccine, bằng 8% số đơn hàng vaccine trên toàn cầu.

Ở Đông Nam Á, các hãng vaccine Trung Quốc đã được đặt hàng 250 triệu liều vaccine, bằng 44% tổng số liều vaccine được đặt mua. Tại Indonesia chẳng hạn, chỉ riêng hãng Sinovac đã nhận cung cấp 38% trong tổng số 330 triệu liều vaccine mà nước này cần, thu về khoản tiền lời hơn $1 tỷ. Đến giữa Tháng Hai, 2021, Trung Quốc đã xuất cảng và viện trợ hơn 46 triệu liều vaccine ra nước ngoài dù ở trong nước, nhu cầu vaccine cho khối dân số đông nhất thế giới là vô cùng lớn.

Trong lúc phương Tây và Hoa Kỳ vẫn chật vật trong việc bào chế và tiêm chủng cho dân chúng thì thành tích trên của Trung Quốc quả là đáng nể.

Do đâu Trung Quốc vượt lên được?

Do đâu mà ngoại giao vaccine của Trung Quốc đạt được thành quả lớn như vậy? Giáo Sư Huang cho rằng yếu tố quyết định là Trung Quốc bắt đầu thực hiện các dự án nghiên cứu và bào chế vaccine rất sớm và coi bào chế vaccine là một chiến dịch khẩn cấp do chính phủ Bắc Kinh đầu tư, kiểm soát và thúc đẩy.

Chỉ vài tháng sau khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán Trung Quốc vào cuối năm 2019, đến Tháng Hai, 2020, Trung Quốc đã cho ra lò mẻ vaccine COVID-19 đầu tiên, đặt tên là vaccine Ad5-nCoV, bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 ngày 16 Tháng Ba, 2020, và thông báo kết quả vào cuối Tháng Năm, 2020. Khi ấy COVID-19 vẫn chưa được Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đánh giá là đại dịch (pandemic) và phương Tây vẫn còn loay hoay giải mã cơ chế hoạt động của con virus Corona bí hiểm đang phát tán mạnh ở Ý.

Khác với Hoa Kỳ và Châu Âu – nơi công việc nghiên cứu vaccine gần như thuộc về các phòng thí nghiệm ở đại học và ở các hãng dược phẩm tư nhân – chính phủ Bắc Kinh đã huy động 22 viện nghiên cứu và công ty theo đuổi 17 dự án vaccine COVID-19, phần lớn các viện và công ty đó đều liên quan tới quân đội Trung Quốc. Đến mùa Hè năm ngoái, Trung Quốc là nước dẫn đầu về nghiên cứu vaccine, vượt lên trước các hãng dược phẩm tầm cỡ của Châu Âu và Mỹ.

Các chính phủ phương Tây chỉ thúc đẩy việc nghiên cứu và bào chế vaccine thông qua việc tài trợ cho các phòng thí nghiệm, hoặc ứng tiền mua trước vaccine cho các hãng bào chế tư nhân, chẳng hạn như chương trình Operation Warp Speed (Chiến Dịch Thần Tốc) của chính phủ Mỹ dưới thời Tổng Thống Donald Trump hoặc tài trợ của chính phủ Đức cho các công ty vaccine BioNTech, Curevac, nhưng không can thiệp vào hoạt động nghiên cứu, bào chế như chính phủ Trung Quốc.

Với kết quả đầy hứa hẹn trong việc bào chế vaccine, Tháng Ba, 2020, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra “sáng kiến” “Con Đường Tơ Lụa Y Tế” (Health Silk Road), kết nối việc cung ứng vaccine và sản phẩm y tế với đại dự án “Vành Đai và Con Đường” (Belt and Road Initiative, BRI), theo đó các quốc gia tham gia dự án BRI sẽ được ưu tiên tiếp cận vaccine của Trung Quốc.

Để trấn an dư luận cho rằng Trung Quốc đang khuấy động chủ nghĩa dân tộc vaccine (vaccine nationalism), lợi dụng cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 để mở rộng ảnh hưởng chính trị, Tháng Năm, 2020, ông Tập Cận Bình tuyên bố vaccine do Trung Quốc sản xuất sẽ là một thứ “hàng hóa công toàn cầu” và hứa hẹn sẽ ưu tiên cung cấp vaccine Trung Quốc cho các nước kém phát triển. Ông Tập còn nhấn mạnh, bằng việc cung cấp một thứ hàng hóa thiết yếu trong thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh, Trung Quốc chỉ đơn giản hành động như một cường quốc có trách nhiệm (!).

Vaccine đi kèm chính trị

Cho đến nay, các giới chức Trung Quốc từ ông Tập trở xuống đều không thừa nhận rằng, Bắc Kinh sử dụng vaccine làm công cụ ngoại giao – như họ từng dùng việc cung cấp khẩu trang và trang bị bảo hộ cá nhân lúc đại dịch mới bùng phát – để mở rộng ảnh hưởng chính trị. Họ cho rằng, “trong việc thúc đẩy hợp tác để chống lại đại dịch, Trung Quốc không nhằm đạt tới mục tiêu địa chính trị nào hoặc nhắm tới một lợi ích kinh tế nào, không bao giờ đưa ra ràng buộc chính trị nào,” hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã tuyên bố.

Nhưng hành động của Trung Quốc bao giờ cũng đi ngược với lời nói. Mới đây, Bắc Kinh thông báo sẽ cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc để làm ăn, du lịch, thăm viếng thân nhân, nhưng chỉ cho vào những ai đã được tiêm chủng vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất, có giấy tờ chứng nhận, còn những người đã tiêm chủng nhưng bằng các loại vaccine khác thì vẫn phải trải qua các cuộc xét nghiệm và cách ly phòng dịch như từ trước đến nay.

Các quốc gia đã nhận vaccine do Trung Quốc viện trợ thì phải đáp ứng một số yêu cầu chính trị, kinh tế của Bắc Kinh, chẳng hạn như phải đoạn giao với đảo quốc Đài Loan, phải chấp nhận cho tập đoàn công nghệ Huawei của họ tham gia đầu tư mạng viễn thông thế hệ thứ năm (5G) mà trước đây nhiều nước từ chối sau khi Hoa Kỳ cấm cửa Huawei vì nghi ngờ Huawei tiếp tay cho tình báo Trung Quốc hoạt động gián điệp.

Báo The New York Times số ra Thứ Hai, 15 Tháng Ba, 2021, phân tích trường hợp rất đáng chú ý của Brazil, là nước mới đây rất ác cảm với Huawei nhưng đã đột ngột thay đổi chính sách vì cần vaccine của Trung Quốc.

Brazil, mà tổng thống có quan điểm dân túy Jair Bolsonaro rất gần gũi với cựu Tổng Thống Donald Trump của Hoa Kỳ trong vấn đề ứng phó đại dịch COVID-91, từng quyết định sẽ xây dựng mạng viễn thông an toàn “không có gián điệp Trung Quốc.” Nhưng bây giờ, khi số tử vong vì COVID-19 tăng chóng mặt, ông Fabio Faria, bộ trưởng Thông Tin nước này, phải bay sang Bắc Kinh gặp gỡ các giới chức của Huawei để nhờ giúp cho Brazil mua được vaccine Trung Quốc, đổi lại Huawei được tham gia đấu thầu mạng viễn thông 5G trị giá nhiều tỷ đô la của Brazil mà chỉ vài tháng trước đây Huawei bị cấm.

Tổng Thống Jair Bolsonaro mấy tháng trước từng tuyên bố trên Twitter “Nhân dân Brazil không phải là chuột bạch thí nghiệm của ai cả,” và ngăn chặn Bộ Y Tế nước này đặt mua 45 triệu liều vaccine Trung Quốc, thì nay đã chỉ thị cho các quan chức dưới quyền phải tìm mua cho được nhiều triệu liều vaccine và dược chất để sản xuất hàng loạt vaccine đó ngay tại Brazil. Bên cạnh Brazil, Trung Quốc cũng đang cung cấp vaccine cho Mexico, Peru, Columbia, Ecuador và Bolivia.

Cũng ở châu Mỹ La Tinh nhưng Paraguay muốn mua vaccine Trung Quốc nhưng không thể mua được vì nước này vẫn còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, đảo quốc mà Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ của họ.

Ở Đông Nam Á, Trung Quốc hứa hẹn cung cấp vaccine cho chín trong mười nước ASEAN, trừ Việt Nam, bởi vì Việt Nam là nước mạnh miệng nhất trong việc phản đối các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông. Để tránh phương hại cho an ninh quốc gia và do dư luận phản đối trong nước, Hà Nội đã không đặt mua vaccine Bắc Kinh mà thay vào đó chỉ mua vaccine của Nga và tìm kiếm viện trợ từ cách tổ chức quốc tế.

“Tình trạng tuyệt vọng tìm kiếm vaccine ở Châu Mỹ La Tinh đang tạo ra cơ hội hoàn hảo cho Trung Quốc,” ông Evan Ellis, giáo sư chuyên nghiên cứu quan hệ giữa Châu Mỹ La Tinh với Trung Quốc ở Đại Học Chiến Tranh Lục Quân Hoa Kỳ, nhận xét, theo New York Times.

Tính đến nay các nước và tổ chức quốc tế đã đặt mua 8.2 tỷ liều vaccine COVID-91, trong đó các nước giàu ở phương Tây đã mua 5.8 tỷ liều, các nước thu nhập thấp và trung bình không có con đường nào khác hơn là dựa vào vaccine của Trung Quốc và Nga, theo dữ liệu của Giáo Sư Krishna Udayakumar, thành viên sáng lập Trung Tâm Canh Tân Y Tế Toàn Cầu của đại học Duke University, tiểu bang North Carolina.

Ưu thế của thể chế chính trị và công nghệ?

Trung Quốc không chỉ sử dụng vaccine ngừa COVID-19 để thu phục các nước đang phát triển, mở rộng ảnh hưởng chính trị mà còn để chứng tỏ “sự ưu việt” của thể chế Cộng Sản, giành lợi thế về công nghệ và kinh tế so với các nền dân chủ Tây phương.

Tướng Quân Y Chen Wei (Trần Vĩ), người phụ trách chương trình vaccine COVID-19 của Trung Quốc ca ngợi những thành quả đó là “thể hiện tiến bộ về khoa học và công nghệ của nước ta, thể hiện hình ảnh và trách nhiệm của Trung Quốc như một siêu cường và hơn thế nữa, là một đóng góp cho nhân loại.”

Tưởng cần lưu ý Tướng Chen là người được cử từ quân đội sang tiếp quản chức vụ lãnh đạo Viện Nghiên Cứu Virus Vũ Hán (WIV) – nơi có bộ sưu tập lớn và nghiên cứu sâu các chủng virus Corona ở loài dơi – hồi Tháng Mười, 2019, sau khi ở viện này xảy ra một trục trặc mà Trung Quốc giấu kín, nhưng đã bị các nhà ngoại giao Hoa Kỳ phát hiện và báo cáo về Washington trong một điện văn mật về tình trạng thiếu an toàn và nhân lực có trình độ cần thiết ở WIV.

Trục trặc ở Viện WIV ngay trước khi dịch COVID-19 bùng phát là sự kiện làm cho nhiều nhà khoa học và chính phủ Hoa Kỳ đặt nghi vấn về khả năng virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ, vô tình hay cố ý, từ các phòng thí nghiệm của viện này ra cộng đồng dân cư ở Vũ Hán từ Tháng Mười năm ngoái.

Một nhà virus học Trung Quốc còn huênh hoang trên tờ báo lá cải sặc mùi dân tộc chủ nghĩa Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo): “Chúng ta không còn rớt phía sau Hoa Kỳ trong những lĩnh vực liên quan tới công nghệ.” Một học giả khác ca ngợi lợi thế hệ thống của Trung Quốc, cho rằng chế độ độc đảng toàn trị kiểu Trung Quốc tạo ra lợi thế lớn trong việc huy động toàn lực của xã hội mà chế độ dân chủ không có được: “Hoa Kỳ không sánh nổi với Trung Quốc trong việc tập trung sức mạnh để hoàn thành những việc lớn.”

Ngoài ngoại giao, chính trị và uy tín quốc tế, việc bào chế được vaccine sớm nhất còn mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, giành thị phần trên thị trường vaccine thế giới và thu về những khoản lợi lớn. Theo dữ liệu của Giáo Sư Huang, trước đại dịch, ngành dược phẩm Trung Quốc chỉ có vài công ty được WHO chấp nhận làm nhà cung cấp dược phẩm cho các tổ chức quốc tế, các quỹ tài trợ và chỉ chiếm 1.9% lượng thuốc mà cơ quan này mua, rất thấp so với tỷ lệ 21.9% của Ấn Độ.

Trong danh mục 155 loại vaccine mà WHO phê chuẩn sử dụng, Trung Quốc chỉ có bốn sản phẩm so với 44 sản phẩm của Ấn Độ. Nhu cầu khổng lồ của thế giới về vaccine COVID-19, cùng với sự lúng túng của phương Tây đã mở ra cơ hội vàng cho Trung Quốc mở rộng thị phần trên thị trường vaccine toàn cầu mà hiện có 60% nằm trong tay Ấn Độ.

Một trong những lô vaccine Sinopharm của Trung Quốc được chuyển đến Borsod-Abauj-Zemplen County ở Miskolc, Hungary, hôm 3 Tháng Ba, 2021. (Hình minh họa: Janos Vajda/MTI via AP)

Thách thức phía trước

Chắc chắn là chế độ độc tài đảng trị của Trung Quốc không ưu việt hơn chế độ dân chủ và sức mạnh công nghệ của Trung Quốc chưa thể nào sánh nổi với công nghệ phương Tây, kể cả trong lĩnh vực vaccine. Bắc Kinh có thể tạm thời dẫn trước cuộc đua nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy lợi thế “ngoại giao vaccine” đó sẽ sớm tan biến trước sức cạnh tranh và trở ngại tâm lý ở khách hàng nước ngoài.

Ngay ở trong nước, đa số người dân Trung Quốc không tán thành chính sách ngoại giao vaccine của chính phủ Bắc Kinh. Tính đến ngày 15 Tháng Ba, Trung Quốc đã tiêm chủng được 69 triệu người, khoảng 4% dân số, thấp hơn mức 71 triệu người Mỹ (21.3% dân số) dù khối dân Trung Quốc đông gấp bốn lần Hoa Kỳ. Để tạo được tình trạng miễn dịch cộng đồng, cần phải tiêm chủng cho ít nhất 70%-80% dân số nhưng theo dữ liệu của cơ quan tình báo kinh tế Economist Intelligence Unit của Anh, với tốc độ như hiện nay thì phải đến cuối năm 2022 Trung Quốc mới tiêm chủng được khoảng 60% dân số.

Năng lực sản xuất còn hạn chế buộc các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc tính tới việc bán vaccine theo kiểu bán sỉ, bán sản phẩm thô rồi người mua sau khi nhận hàng phải tự chiết vaccine ra lọ (vial) để sử dụng. Do vậy, dù cam kết cung ứng cho các nước khác một số lượng lớn vaccine nhưng Trung Quốc chỉ cung cấp nhỏ giọt, mỗi nước chỉ được nhận từ 20,000 đến 300,000 liều. Việc chậm trễ giao hàng đã làm dư luận ở một số nước như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ Bắc Kinh không thực hiện được cam kết.

Nhưng quan trọng nhất là dư luận không thuận lợi cho vaccine Trung Quốc do các công ty bào chế của nước này không minh bạch trong việc công bố dữ kiện kết quả các cuộc thử nghiệm lâm sàng, dẫn tới sự hoài nghi về độ an toàn và hiệu quả của các loại vaccine đó.

Hồi Tháng Giêng, 2020, công ty nghiên cứu thị trường YouGov của Anh tổ chức thăm dò ý kiến của 19,000 người ở 17 quốc gia và khu vực, kết quả cho thấy vaccine Trung Quốc đứng cuối bảng trong số các loại vaccine mà người dân chọn để tiêm chủng. Theo một cuộc khảo sát khác, trong năm 2020 và 2021 thiện cảm của người Đông Nam Á với Trung Quốc đã giảm xuống chứ không tăng lên. Sự hoài nghi của công chúng đối với vaccine Trung Quốc đã có tác động xấu tới hình ảnh của nước này thay vì cải thiện nó.

Nước Mỹ trở lại

“Nước Mỹ trở lại” báo hiệu “ngoại giao vaccine” Trung Quốc sắp phải kết thúc. Dưới thời Tổng Thống Donald Trump, Mỹ không chủ trương quảng bá quyền lực mềm thông qua việc viện trợ vaccine COVID-19, từ chối tham gia Tổ Chức Cung Ứng Vaccine Toàn Cầu COVAX do Liên Hiệp Quốc chủ trì, thậm chí từ chối hỗ trợ vaccine cho các nước khác, kể cả các nước đồng minh. Chính sách “nước Mỹ trước hết” của ông Trump đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc đẩy mạnh cuộc chinh phục của họ. Nếu như các loại vaccine phẩm chất cao của Mỹ được cung ứng rộng rãi thì lãnh đạo các nước thu nhập thấp và trung bình chắc chắn sẽ không bỏ qua những vấn đề hiệu quả, tính minh bạch của vaccine Trung Quốc. Bắc Kinh chỉ lấp vào khoảng trống mà Washington bỏ lại.

Nhưng “nước Mỹ đã trở lại.” Việc bào chế thành công với số lượng lớn các loại vaccine dùng công nghệ mRNA mới, vừa an toàn, vừa hiệu quả cao đã chứng tỏ Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số một về khoa học và công nghệ. Không chỉ tái gia nhập WHO, Hoa Kỳ đã cam kết tài trợ $4 tỷ cho Liên Minh COVAX – phát đi tín hiệu rằng Hoa Kỳ đã trở lại là một cường quốc y tế toàn cầu.

Chính phủ Joe Biden tích cực thúc đẩy một chương trình tiêm chủng COVID-19 lớn chưa từng có, và dự báo sẽ tiêm chủng cho hầu hết người Mỹ trong năm 2021, đạt được tình trạng miễn dịch cộng đồng sớm hơn Trung Quốc rất nhiều, tạo điều kiện để Hoa Kỳ chuyển sang hỗ trợ các nước khác trên toàn cầu và thực hiện vai trò nhà lãnh đạo trong chống dịch COVID-19.

Tuần trước, tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của khối Quad, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đã đề ra kế hoạch cung cấp một tỷ liều vaccine cho các nước khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Kế hoạch sử dụng tài chính và công nghệ của Hoa Kỳ và Nhật Bản, năng lực sản xuất vaccine của Ấn Độ và hoạt động hậu cần của Úc, nếu được thực hiện, sẽ góp phần đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.

Giáo Sư Huang nhận định, các nhà lãnh đạo thế giới đang phát triển vẫn trông mong Hoa Kỳ giữ vai trò tích cực hơn trong việc bào chế và phân phối vaccine trên toàn cầu, và nếu được như thế, chắc chắn ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ bị thu hẹp. Triển vọng tốt nhất là hai quốc gia tìm được tiếng nói chung, sao cho vaccine không còn là một thứ vũ khí cạnh tranh mà là một phương thuốc để đưa nhân loại ra khỏi tình thế quẫn bách hiện nay và tương lai. [qd]

MỚI CẬP NHẬT