Thursday, April 25, 2024

Sao họ sợ quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa đến thế?

Hiếu Chân/Người Việt

Dư âm những hoạt động kỷ niệm ngày 30 Tháng Tư chưa qua thì lại xảy ra một chuyện ruồi bu: Nhà cầm quyền Việt Nam lên tiếng phản đối chính phủ Úc cho phát hành đồng tiền lưu niệm có hình quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Đồng tiền lưu niệm 2 đô la Úc có hình cờ VNCH. (Hình: Facebook Royal Australian Mint)

Số là, nhân kỷ niệm 50 năm ngày quân đội Úc kết thúc nhiệm vụ tham chiến ở Việt Nam (1973-2023), xưởng đúc tiền Hoàng Gia Úc (Royal Australian Mint) và Bưu Chính Úc cho phát hành đồng 2 đô la Úc mạ vàng và bạc dùng làm vật lưu niệm. Mỗi đồng tiền vàng hay bạc một mặt đều được dập nổi dòng chữ Chiến Tranh Việt Nam, hình một chiếc phi cơ trực thăng đang bay trên đồng ruộng giữa một dải quốc kỳ VNCH và đồng minh. Mặt khi in chân dung nhìn nghiêng của cố Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị, nguyên thủ quốc gia tượng trưng của Úc.

Thông báo của Royal Australian Mint nói rõ hai đồng tiền này không dùng để giao dịch trong hệ thống tiền tệ quốc gia Úc mà “đồng bạc tưởng niệm ghi nhớ cuộc Chiến Tranh Việt Nam vì những tổn thất sinh mạng và khổ đau mà nó gây ra cho những người phục vụ, vì tác động đối với nước Úc trong một thập niên biến động.”

Úc cùng với nhiều nước khác đã gửi quân đội sang miền Nam Việt Nam, sát cánh cùng đồng minh VNCH chống lại Cộng Sản Bắc Việt. Có 57,000 quân dân Úc đã phục vụ tại Việt Nam, trong đó khoảng 520 người hy sinh và nhiều người khác bị thương trước khi những người lính Úc cuối cùng rút về nước vào Tháng Mười Hai, 1973. Việc Úc đúc tiền lưu niệm để ghi dấu một sự kiện quan trọng như vậy trong lịch sử của họ là chuyện hết sức bình thường, không có gì phải bàn cãi.

Thế nhưng trong một cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 4 Tháng Năm vừa qua, bà Phạm Thu Hằng, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, lại giãy nảy: “Chúng tôi lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối việc công ty [Royal Australian Mint] và Bưu Chính Úc đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh cờ vàng, cờ của một chế độ đã không còn tồn tại.”

Bà Hằng nhấn mạnh: “Việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Úc,” theo báo Tuổi Trẻ.

Cái mà bà Hằng “kiên quyết phản đối” tất nhiên là quốc kỳ VNCH, nền vàng ba sọc đỏ, biểu trưng của một dân tộc da vàng máu đỏ có ba miền Bắc Trung Nam. Không chỉ “kiên quyết phản đối” mà Bộ Ngoại Giao Việt Nam “cũng đã trao đổi với phía Úc và đề nghị có hình thức dừng lưu hành các vật phẩm này và không để xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai”, vẫn theo Tuổi Trẻ.

Quả là một lối hành xử kẻ cả, bề trên đầy ngạo mạn và ngu ngốc khi can thiệp vào công việc nội bộ của Úc – một quốc gia có chủ quyền và khá thân thiện với Việt Nam. Lối hành xử sai lầm đó không thể hiện tư thế của kẻ mạnh mà ngược lại cho thấy nỗi sợ hãi VNCH cùng những gì liên quan đến thể chế một thời của miền Nam Việt Nam đã thâm căn cố đế trong đầu óc giới lãnh đạo cộng sản Hà Nội, khiến họ khó phân biệt đúng sai, phải trái.

***

Tuy chế độ VNCH chấm dứt sự tồn tại vào trưa ngày 30 Tháng Tư, 1975 nhưng lá quốc kỳ của VNCH vẫn tiếp tục được các cộng đồng người Việt hải ngoại ở khắp thế giới tôn vinh như một di sản văn hóa thể hiện khát vọng tự do dân chủ đã mất dưới ách bạo quyền. Theo một số tài liệu, hiện cờ vàng ba sọc đỏ được chính quyền 14 tiểu bang, bảy quận hạt, và nhiều thành phố ở Mỹ công nhận là “Lá cờ tự do và di sản” (Heritage and Freedom Flag) của người gốc Việt sống tại các địa phương này. Quốc kỳ VNCH cũng tung bay tại nhà riêng, trụ sở hội đoàn của nhiều cộng đồng người Việt ở Mỹ, Canada, Úc và nhiều quốc gia khác.

Nhà cầm quyền Việt Nam coi lá cờ vàng mang ý nghĩa phản kháng và đối lập chính trị với chế độ cộng sản nên có chính sách cấm đoán quyết liệt, trừng phạt nặng nề những ai có biểu hiện quyến luyến với lá cờ VNCH. Nhà hoạt động trẻ tuổi Huỳnh Thục Vy ở trong nước đang phải ở tù gần ba năm vì hành vi “xúc phạm cờ đỏ sao vàng,” thực chất là vì cô quảng bá quốc kỳ VNCH bằng những sản phẩm thời trang như cà vạt, áo dài in hình cờ vàng sản xuất hàng loạt để bán và tặng cho đồng bào trong nước. Cô nói việc làm của cô là “để truyền đạt sự ủng hộ cho quyền tự do lương tâm của người Việt Nam đang bị dày xéo dưới gót giày độc tài” và cô sẵn sàng trả giá cho việc làm đó.

Quốc kỳ VNCH tuy không còn được các nước trên thế giới công nhận, nhưng do không có tính chính danh cai trị nên đảng Cộng Sản Việt Nam cứ giãy nảy như đỉa phải vôi mỗi khi có ai nhắc tới VNCH hoặc nhìn thấy lá quốc kỳ VNCH xuất hiện trên trường quốc tế.

Trong ý nghĩa sâu xa, lá quốc kỳ VNCH là biểu trưng cho nền cộng hòa mà người dân miền Nam đấu tranh xây dựng trong hoàn cảnh chiến tranh tự vệ. Chế độ cộng hòa đó có rất nhiều khiếm khuyết, có tham nhũng, có đàn áp, nhưng về nhiều mặt, vẫn hơn hẳn chế độ cộng sản hiện tại ở Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, luật pháp, kinh tế, đạo đức xã hội… Chế độ Cộng Hòa ở miền Nam – một thể chế dân chủ trong đó quyền lực thuộc về nhân dân, tam quyền phân lập rõ rệt, và các nhánh quyền lực kiểm soát lẫn nhau – về bản chất là tương đồng với các chính thể tự do hiện hành ở những nước tân tiến dù khác biệt về trình độ phát triển.

Bất chấp sự thù địch, bôi nhọ liên tục của nhà cầm quyền hiện hành, chế độ Cộng Hòa vẫn là nỗi luyến tiếc của người dân miền Nam và là khát vọng đấu tranh của thế hệ trẻ trong nước như cô Huỳnh Thục Vy nêu trên. Dù đã không còn tồn tại, chế độ Cộng Hòa vẫn là “oan hồn” ám ảnh giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua.

Đừng nhầm lẫn chế độ Cộng Hòa với các chính quyền thực thi nó. Chính quyền Dương Văn Minh có thể đầu hàng, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu có thể sụp đổ, nhưng thất bại của họ không phải là dấu chấm hết của nền Cộng Hòa, xét như một thể chế chính trị, một lý tưởng, một đường lối xây dựng quốc gia.

Chế độ Cộng Hòa không còn hiện diện tại Việt Nam sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 nhưng các giá trị dân tộc, nhân bản và khai phóng mà nó ươm mầm ở miền Nam vẫn còn đó, trong các cộng đồng người Việt hải ngoại, và đặc biệt gần đây đã trở thành khát vọng chung của cả dân tộc.

Càng thất vọng, bất mãn với một chế độ độc đảng toàn trị đang ép buộc cả dân tộc “đi lên chủ nghĩa xã hội” hoang tưởng, người Việt Nam không có khát vọng nào lớn hơn, mục tiêu gì khác hơn là đưa đất nước tới chỗ tự do, dân chủ và thịnh vượng, như Mỹ và Châu Âu, gần gũi hơn như Nhật hoặc Nam Hàn. Đi tìm một mô hình thể chế chính trị cho Việt Nam tương lai, người dân đã có hành trang tinh thần là nền cộng hòa từng được xây dựng trên một nửa đất nước, được biểu trưng bằng lá cờ vàng ba sọc đỏ – quốc kỳ VNCH. Người cộng sản lo sợ dân chúng đi theo khát vọng đó, mô hình đó chứ không hẳn sợ một lá cờ không còn được quốc gia nào chính thức công nhận.

Nói như vậy không có nghĩa là trong tương lai, lá cờ vàng ba sọc đỏ lại trở lại tung bay trên toàn cõi Việt Nam. Lá quốc kỳ tương lai có thể là một lá cờ khác, hiện nay chưa ai hình dung được, nhưng cái tinh thần tự do dân chủ của thể chế Cộng Hòa mà lá quốc kỳ VNCH đại diện chắc chắn sẽ trở lại khi chế độ Cộng Sản không còn nữa.

Hạt giống dân chủ đã được gieo ở Việt Nam chắc chắn sẽ có lúc đơm hoa kết trái để đưa đất nước hội nhập vào trào lưu dân chủ, tự do, nhân quyền của thế kỷ 21. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT