Friday, May 17, 2024

Viện trợ cho Ukraine còn xa lắm…

Hiếu Chân/Người Việt

Thượng Viện Hoa Kỳ hôm Thứ Năm, 8 Tháng Hai, đã có phiên bỏ phiếu thủ tục để quyết định xem có nên soạn thảo một dự luật viện trợ quân sự cho đồng minh hay không sau khi một dự luật rộng rãi hơn – kết hợp viện trợ quân sự nước ngoài với củng cố an ninh biên giới – bị ngăn chặn trước đó một ngày dù đã được đại diện của cả hai đảng thương lượng nhiều tháng.

Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), trưởng Khối Đa Số Thượng Viện, trả lời phóng viên hôm 8 Tháng Hai sau khi Thượng Viện đồng ý bỏ phiếu dự luật viện trợ cho Ukraine và Israel. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

Tuy Thượng Viện bỏ phiếu thuận nhưng đường đi tới một dự luật cung cấp vũ khí đạn dược cho các chiến binh Ukraine, Israel và đồng minh hãy còn lắm gian truân và chưa chắc Ukraine sẽ tiếp tục được viện trợ trong cuộc chiến tranh sinh tử hiện nay.

Theo đó, Thượng Viện do đảng Dân Chủ lãnh đạo đã bỏ phiếu với tỷ lệ 67-32, quá túc số 60/100, đồng ý thúc đẩy một dự luật chi $95.34 tỷ để viện trợ quân sự cho Ukraine, Israel và các đồng minh Châu Á-Thái Bình Dương. Trong số này có $61 tỷ viện trợ Ukraine chống cuộc xâm lược của Nga, $14 tỷ viện trợ Israel chống lại Hamas và $4.83 tỷ hỗ trợ an ninh cho các đối tác của Mỹ ở Châu Á, bao gồm cả Đài Loan, ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc. Ngoài ra, dự luật cũng dành $9.15 tỷ viện trợ nhân đạo cho thường dân Palestine, Ukraine và người dân nhiều nơi khác bị ảnh hưởng do các vụ xung đột quân sự.

Sau cuộc bỏ phiếu có tính thủ tục, Thượng Viện sẽ mất nhiều ngày nữa để soạn thảo nội dung dự luật, thảo luận và thông qua văn bản cuối cùng trước khi chuyển cho Hạ Viện xem xét. Ách tắc sẽ xảy ra vì cho đến nay, thành phần cực đoan của đảng Cộng Hòa trong Hạ Viện, hành động theo chỉ thị của cựu Tổng Thống Donald Trump, vẫn cương quyết chống lại mọi dự định viện trợ quân sự cho các đối tác và đồng minh và không thật tâm muốn giải quyết rốt ráo cuộc khủng hoảng ở biên giới.

Dân Biểu Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana), chủ tịch Hạ Viện, luôn gắn vấn đề viện trợ với vấn đề ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp, bảo đảm an ninh biên giới Mỹ-Mexico dù hôm Thứ Tư, 7 Tháng Hai, ông ta đã đưa ra một dự luật viện riêng lẻ (standalone) yêu cầu viện trợ $17 tỷ cho Israel mà không đề cập đến an ninh biên giới hay hỗ trợ Ukraine. Dự luật đó cũng đã bị bác bỏ vì thiếu sự ủng hộ ngay trong đảng Cộng Hòa. Chưa rõ ông Johnson sẽ phản ứng thế nào nếu dự luật viện trợ được Thượng Viện soạn thảo và thông qua nhưng sau hai dự luật tương tự bị chết yểu trong vòng một tuần lễ, có thể đoán số phận của dự luật của Thượng Viện tương lai cũng sẽ gập ghềnh và chưa chắc biến thành luật.

***

Cuộc kháng chiến của người dân Ukraine diễn ra đã hai năm và sở dĩ đến nay Ukraine chưa bị Nga chinh phục có phần nhờ viện trợ của Mỹ, Liên Âu và các đồng minh dân chủ. Trong hai năm qua, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn $47 tỷ viện trợ quân sự. Phần lớn số tiền đó được dùng để mua vũ khí, đạn dược từ các công ty công nghiệp quốc phòng của Mỹ và cung cấp cho quân đội Ukraine, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ. Vũ khí Mỹ, từ hỏa tiễn diệt xe tăng Javelin, hỏa tiễn phòng không vác vai Stinger, hệ thống hỏa tiễn tầm xa phóng hàng loạt HIMARS, xe tăng Abrams M1, cho đến gần đây là hệ thống phòng không tân tiến Patriot … đã ngăn chặn hiệu quả đà tiến của quân đội Nga vốn vượt xa Ukraine về quân số và tiềm lực quân sự.

Các chuyên gia nhận định, nếu mất nguồn viện trợ vũ khí đạn dược từ Mỹ, quân đội Ukraine sẽ không bị sụp đổ ngay lập tức nhưng khả năng chiến đấu của họ sẽ suy giảm và Kiev có nguy cơ thất thủ sau khoảng một năm nữa, lặp lại số phận bi thảm của Việt Nam Cộng Hòa sau khi bị Mỹ rút quân và cắt viện trợ 50 năm về trước. Các quốc gia Châu Âu như Đức, Pháp và Anh không có những kho vũ khí đạn dược lớn và tân tiến như Mỹ nên không thể bù đắp cho Ukraine khi nguồn viện trợ Mỹ chấm dứt. Trong khi đó, mấy tháng qua Nga vừa phục hồi được các cơ sở sản xuất vũ khí nhờ nguồn linh kiện, phụ tùng từ Trung Quốc, vừa được tiếp tế đạn dược, hỏa tiễn, phi cơ không người lái từ Iran và Bắc Hàn nên đang dần dần giành lại thế chủ động trên chiến trường. Tình hình ở Ukraine bắt đầu có dấu hiệu nguy ngập, buộc ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, phải cải tổ cơ cấu chỉ huy quân đội và thay Tướng Valeriy Zaluzhnyi, tổng tư lệnh, bằng Tướng Lục Quân Oleksandr Syrskyi trong một động tác được cho là thiếu khôn ngoan vì Tướng Zaluzhnyi được quân đội ủng hộ mạnh mẽ.

Lập trường phản đối viện trợ cho Ukraine của đảng Cộng Hòa phản ảnh một sự thay đổi đáng ngạc nhiên trong đường lối của đảng này, nghiêng về “chủ nghĩa biệt lập” (isolationism) mà ông Trump đề xướng. Mười bốn tháng trước, khi Tổng Thống Zelensky lần đầu tiên đặt chân đến thủ đô Washington, DC, và được tiếp đón trọng thể, được mời đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội, quan điểm chung của người Mỹ là ủng hộ tối đa cuộc kháng chiến của Ukraine chừng nào người lính Mỹ chưa phải trực tiếp tham chiến và đổ máu trên chiến trường.

Tổng Thống Joe Biden nhiều lần nhấn mạnh, cuộc chiến Nga-Ukraine là xung đột giữa hai khối dân chủ và độc tài và Hoa Kỳ sẽ làm hết sức để độc tài không được chiến thắng. Với phương thức “của đi thay người,” Quốc Hội Mỹ đã rất hào phóng phê chuẩn các gói viện trợ cho Kiev, cả quân sự và phi quân sự, và viện trợ của riêng nước Mỹ đã lớn hơn tổng số viện trợ của khối Liên Âu 27 quốc gia. Người Mỹ khi ấy đồng ý rằng, cuộc chiến Nga-Ukraine có liên quan mật thiết đến an ninh của chính nước Mỹ; chỉ có 9% người Cộng Hòa nói rằng Mỹ viện trợ quá nhiều cho Ukraine.

Bây giờ thì tình hình đã thay đổi 180 độ; có tới 48% người Mỹ Cộng Hòa nói viện trợ Mỹ cho Ukraine là quá nhiều, theo kết quả một cuộc khảo sát của Pew Research Center hôm 8 Tháng Mười Hai, 2023! Các chính trị gia Cộng Hòa trong Quốc Hội lập luận, họ không muốn đổ hàng tỷ đô la vào một đất nước có lịch sử lâu dài về tham nhũng; rằng tiền đóng thuế của người dân Mỹ phải được dùng để bảo vệ biên giới Mỹ thay vì bảo vệ biên giới Ukraine. Có người viện dẫn nước Mỹ chi tiêu quá nhiều cho quốc phòng, ngân sách liên tục bị thâm hụt phải liên tục tăng mức vay mượn làm lý do phản đối viện trợ cho nước ngoài…

Những lập luận như vậy trùng khớp với lý thuyết của ông Donald Trump về “nước Mỹ trước hết” (American First). Ngay từ năm 2016 khi ra tranh cử lần đầu, ông Trump đã nói ông ta không muốn bảo vệ Ukraine, ông ta dọa rút nước Mỹ ra khỏi Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), rút quân đội Mỹ khỏi các căn cứ ở Nam Hàn và Nhật. Khi Nga ồ ạt xua quân vượt biên giới tấn công Ukraine ngày 24 Tháng Hai, 2022, ông Trump thậm chí còn ca ngợi hành động của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, là “một thiên tài.” Ở phương Đông, ông ta gọi ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, và ông Kim Jong Un, chủ tịch Bắc Hàn, là “những người bạn tốt.”

Chủ nghĩa biệt lập của ông Trump, một thời bị coi là ngược với đường lối của đảng Cộng Hòa của Tổng Thống Ronald Reagan, Thượng Nghị Sĩ John McCain… nay đã biến hóa thành luồng tư tưởng chính của đảng này và làm thay đổi cả đường lối ngoại giao của nước Mỹ. Họ quan niệm Ukraine, Đài Loan… “không phải là cuộc đấu tranh của chúng ta, chúng ta vô tình bị dính vào chiến tranh, sự hỗ trợ của chúng ta quá đắt đỏ,…”

Sự thay đổi đường lối chính trị từ tả sang hữu ở Washington không chỉ có hại cho Ukraine mà còn nguy hiểm cho vị thế và uy tín của chính nước Mỹ trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với các thế lực chuyên chế. Nước Mỹ đã nhiều lần bội ước với các đồng minh từng cùng người Mỹ chia sẻ chiến hào bảo vệ tự do ở miền Nam Việt Nam, ở Afghanistan và ở Trung Đông và chịu nhiều tai tiếng. Nếu Mỹ bỏ rơi Ukraine bây giờ thì sai lầm của quá khứ lại tái diễn và khó mà phục hồi được vị thế của nước Mỹ.

Sau khi dự luật lưỡng đảng về viện trợ quân sự và an ninh biên giới bị các thượng nghị sĩ Cộng Hòa ở Thượng Viện bác bỏ hôm Thứ Tư, các nhà ngoại giao cao cấp ở Berlin đặt nghi vấn: liệu Châu Âu có nên tin vào tuyên bố của Tổng Thống Joe Biden rằng Hoa Kỳ “sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO” nữa hay không. Tuy chưa nói ra công khai nhưng các chính trị gia Đài Loan cũng lo sốt vó trước viễn cảnh bị Mỹ bỏ rơi nếu Trung Quốc tiến hành xâm lược.

Tướng H.R. McMaster, từng giữ nhiệm vụ cố vấn an ninh quốc gia dưới thời cựu Tổng Thống Trump, còn thất vọng hơn nữa khi cho rằng ngừng viện trợ Ukraine là dâng cho Tổng Thống Putin một chiến thắng chiến lược.

“Nước Mỹ có một lựa chọn rõ ràng: trang bị cho Ukraine những vũ khí mà họ cần để tự bảo vệ, hoặc cắt viện trợ và từ bỏ nước Ukraine dân chủ đang chiến đấu để sinh tồn trong cuộc xâm lược của Putin.” Theo ông McMaster, việc Quốc Hội Mỹ bỏ rơi Ukraine vào lúc này là món quà tặng cho “trục xâm lược” (axis of aggressors) Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Kim Jong Un và chế độ thần quyền Iran. “Các đối tác và đồng minh sẽ mất niềm tin vào nước Mỹ trong khi những kẻ xâm lược sẽ thêm liều lĩnh,” ông McMaster nói, The New York Times trích dẫn.

***

Chính phủ Mỹ vẫn đang tìm cách nối lại viện trợ quân sự cho Ukraine; một mặt đảng Dân Chủ thúc đẩy Quốc Hội thông qua dự luật về viện trợ như trình bày trên, một mặt Mỹ cùng lãnh đạo Liên Âu xem xét các giải pháp pháp lý để sử dụng khoản tiền của chính phủ Nga hiện bị phong tỏa trong các ngân hàng Mỹ và Châu Âu, trị giá khoảng $300 tỷ, giúp cho Ukraine. Nhưng cả hai phương cách này đều có những trở ngại khó vượt qua cho dù các nhà lãnh đạo Mỹ và Châu Âu vẫn tỏ ra lạc quan và không tin rằng Ukraine sẽ thất bại, Nga sẽ chiến thắng. [qd]

MỚI CẬP NHẬT