Friday, March 29, 2024

‘Bài Hương Ca Vô Tận,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Trầm Tử Thiêng

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – “Hát nữa đi Hương, hát điệu nhạc buồn điệu nhạc quê hương/ Hát nữa đi Hương, hát lại bài ca tiễn anh lên đường…”

Bìa nhạc phẩm “Bài Hương Ca Vô Tận” của nhà phát hành Minh Phát năm 1967. (Hình: Tài liệu)

Hương ơi! Trong giây phút biệt ly, xin em chớ để tâm hồn nặng câu lưu luyến mà hãy hát lại bài ca tiễn anh lên đường làm nhiệm vụ người trai thời ly loạn, cho dù đây cũng là điệu nhạc buồn muôn thuở của quê hương mình trải qua bao cuộc xung đột triền miên, từ thời thực dân xâm lược cho đến thời nội chiến từng ngày.

Nền hòa bình mà cả hai miền Nam, Bắc đã tốn biết bao xương máu mới giành được từ tay thực dân, đế quốc nay lại đang có nguy cơ tiêu tan chỉ sau ba, bốn năm tồn tại, vì tham vọng của bên này cứ muốn giành lấy độc quyền cai trị đất nước chứ không muốn để cho bên kia cùng tồn tại trong hòa bình, thực hiện quyền tự quyết định lấy tương lai chính trị và kinh tế của người dân sinh sống trên cả hai miền đất nước.

Và nếu không có sự đồng thuận nào về tương lai của dân tộc thì không ai biết chắc được cuộc chiến huynh đệ tương tàn này sẽ kéo dài cho tới bao giờ, trong khi cái chuyện miền Nam và miền Bắc có cơ hội được thống nhất một nhà để vợ chồng khỏi chia lìa, anh em không xa cách và mẹ con được sum vầy phải nói là một điều may mắn quá hiếm hoi.

Vậy thì, xin em cứ tiếp tục hát lên những bài tình ca quê hương muôn thuở, đừng bận lòng làm chi vì những khắc khoải đợi chờ cái ngày vui đoàn viên ấy: “Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu/ Cuộc phân ly may lắm thì qua mau/ Hát nữa đi Hương, hát để đợi chờ…”

Mặc dù đất nước mình đang lâm cảnh chinh chiến đau thương, khiến cho quê hương xơ xác, điêu tàn đến thế, nhưng “Hương ơi! Sao tiếng hát em nghe vẫn dạt dào, nghe vẫn ngọt ngào…” làm cho lòng người càng thêm nao nao xúc động.

Những khúc hát mà em ca, cho dù về những cuộc tình nồng thắm, hay ngay cả những đoạn tính buồn dang dở, những tan tác, điêu linh, bãi bể nương dâu mà người dân lành phải hứng chịu trong khói lửa chiến tranh cũng đều khơi dậy những rung động dạt dào như thuở nào trong lòng người dân miền Nam hiền hòa: “Dù em ca những lời yêu đương, hay chuyện tình gãy gánh giữa đường/ Dù em ca nỗi buồn quê hương, hay mưa giăng thác đổ đêm trường…”

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng chụp vào Tết năm 1975. (Hình: Đỗ Thái Tần)

Nhìn em ca thấy cả một trời hoa mộng, đôi môi em mấp máy dịu dàng và làn tóc mềm mại bồng bềnh như chơi vơi trên bờ vai em rung động nhẹ nhàng, vậy thì cứ hát mãi nghe em, để cho má em thêm tươi hồng và để cho người em giữ mãi nét thanh xuân: “Hát chuyển vai em tóc xõa bồng mềm, dịu ngọt môi em/ Hát mãi nghe Hương cho hồng làn da kẻo đời chóng già…”

Không còn nghi ngờ gì nữa, giọng hát ngọt ngào và dạt dào tình cảm của em chính là món quà vô giá mà em thừa hưởng được từ mẹ hiền qua những bài hát ru con, những câu ca dao mà mẹ hát cho em nghe ngày em còn nằm trong nôi, và giờ thì em hãy hát cho cha nghe để người thấy ấm áp tuổi già: “Ngày xa xưa em vẫn nằm trong nôi, mẹ ru em câu hát dài buông lơi/ Hát để yêu cha ấm lại ngày già…”

Rồi giọng hát đó của em bỗng chuyển thành não nuột với những ca khúc kể lể những đau thương của người dân vì cuộc chiến tranh phá hoại của Cộng Sản tại Miền Nam Tự Do mặc dù hòa bình đã đạt được ở hai bên bờ sông Bến Hải chia đôi đất nước, với những đoạn cầu đường mà người dân đi lại bị phá hủy, những chiếc xe đò chở người bị phục kích giữa đường và đoàn xe lửa Xuyên Việt vừa được chính quyền Quốc Gia tái lập thỉnh thoảng lại bị giật mìn làm hư hại, tất cả chỉ là nhằm phục vụ cho sách lược phá hoại nền kinh tế thời bình của miền Nam Việt Nam.

Thật không thể nào tưởng tượng nổi cái tàn khốc của chiến tranh khi cả một khu rừng đầy hoa thơm, cỏ lạ trên quê hương mến yêu bỗng một sớm, một chiều trở thành bãi chiến trường loang máu người đồng chủng: “Hát nữa đi Hương, câu nhạc thành nguồn gợi chuyện đau thương/ Hát kể quê hương núi rừng đầy hoa bỗng thành chiến trường…”

Chiến tranh ngày càng lan rộng, khiến cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại nhiều nơi bị đình trệ, và tại một số thôn làng chỉ thấy còn những cánh đồng trơ trọi, trên đó lúa dường như quá hoảng sợ đến độ không dám đơm bông, mặc dù các nông dân cần cù vẫn ngày ngày cày sâu, cuốc bẫm để có được hạt gạo nuôi sống con người.

Trong khi “Đồng tan hoang nên lúa ngại đơm bông” thì những chàng trai thế hệ phải đành lòng xa làng xóm thân yêu, vui vẻ lên đường nhập ngũ để bảo vệ non sông, tạo nên cảnh vợ trông chồng, mẹ chờ con trên quê hương nay không còn ánh trăng thanh bình nữa: “Thuyền ham vui nên nước còn trông mong…” Như thế đó, hỏi sao giọng hát em không nghe não nuột canh trường: “Khiến cả đêm thâu tiếng em rầu rầu?”

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đứng sau máy quay một chương trình truyền hình Người Việt. (Hình: Tài liệu)

***

“Bài Hương Ca Vô Tận” là một trong những bài hát đầu tay do nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sáng tác hồi cuối thập niên 1950 trên quê hương miền Nam Việt Nam và đã được nữ danh ca Thái Thanh trình bày, lần đầu tiên, tại Sài Gòn hồi năm 1959.

Đặc biệt, nhóm từ ngữ “Bài Hương Ca” ở đây không hẳn có nghĩa là “ca khúc mà một người con gái tên Hương hát lên” do bởi chữ Hương được viết hoa như một danh từ riêng. Theo một số tác giả nghiên cứu về dòng nhạc Trầm Tử Thiêng, “hương ca” ở đây có nghĩa là “ca khúc viết về quê hương,” nhưng vì tác giả đã tình tứ hóa và lãng mạn hóa hai chữ “hương ca” bằng cách viết hoa chữ “Hương” để mọi người nghĩ rằng đây là ca khúc do một nàng ca sĩ tên Hương hiền dịu trình bày. Và đây không phải là một bài hương ca bình thường mà là một bài “hương ca vô tận.”

Quê hương của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (tên thật là Nguyễn Văn Lợi) ở mãi tận xứ Quảng Nam. Người nhạc sĩ tài hoa này xuất thân là một nhà giáo ở Sài Gòn, và khi nhập ngũ thì phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trầm Tử Thiêng sáng tác rất mạnh, cả khi ở trong nước lẫn khi sống lưu vong tại Hoa Kỳ.

Ngoài “Bài Hương Ca Vô Tận,” các nhạc phẩm nổi tiếng của Trầm Tử Thiêng còn gồm có “Kinh Khổ,” “Đưa Em Vào Hạ,” “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy,” “Hòa Bình Ơi! Việt Nam Ơi!”, “Trộm Nhìn Nhau,” “Đêm Nhớ Về Sài Gòn,” “Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng,” “Mười Năm Yêu Em,” “Cám Ơn Anh” (với Trúc Hồ), “Bên Em Đang Có Ta” (với Trúc Hồ), “Một Ngày Việt Nam” (với Trúc Hồ)…

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng tại Trung Tâm Học Liệu. (Hình: Tài liệu)

Theo tác giả Đông Kha trong “‘Bài Hương Ca Vô Tận’ của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng – Những lời buồn bất tận của một thuở phân ly” trên trang mạng nhacvangbolero.com, ngày 29 Tháng Bảy, 2020, thì bản nhạc của Trầm Tử Thiêng còn có một phiên khúc cuối mà ít người hát, như sau đây: “Hát nữa đi Hương, câu nhạc bình thường một giờ đau thương/ Hát nữa nghe Hương cho rộn lòng ai ở ngoài chiến trường/ Chờ em ca cho ấm nguời ra đi, mình yêu thương trong tuổi đời si mê/ Hát nữa đi Hương đón nhau ngày về”(Vann Phan) [qd]



Nhạc phẩm “Bài Hương Ca Vô Tận”

Hát nữa đi Hương hát điệu nhạc buồn điệu nhạc quê hương.
Hát nữa đi Hương hát lại bài ca tiễn anh lên đường.
Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu,
cuộc phân ly may lắm thì qua mau
Hát nữa đi Hương hát để đợi chờ.

Đ.K:
Hương ơi… sao tiếng hát em,
nghe vẫn dạt dào, nghe vẫn ngọt ngào
Dù em ca những lời yêu đương,
hay chuyện tình gãy gánh giữa đường.
Dù em ca nỗi buồn quê hương,
hay mưa giăng thác đổ đêm trường.

Hát chuyện vai em tóc xõa bồng mềm dịu ngọt môi em.
Hát mãi nghe Hương cho hồng làn da kẻo đời chóng già.
Ngày xa xưa em vẫn nằm trong nôi,
Mẹ ru em câu hát dài buông lơi
Hát để yêu cha ấm lại ngày già.

Hát nữa đi Hương câu nhạc thành nguồn gợi chuyện đau thương.
Hát kể quê hương núi rừng đầy hoa bỗng thành chiến trường.
Đồng tan hoang nên lúa ngại đơm bông,
Thuyền ham đi nên nước còn trông mong.
Khiến cả đêm thâu tiếng em rầu rầu.

Hát nữa đi Hương, hát đi Hương, hát mãi đi Hương.


 

MỚI CẬP NHẬT