Friday, March 29, 2024

‘Giờ Này Anh Ở Đâu?’ nhạc tình mùa chinh chiến của Khánh Băng

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Những mối tình thơ mộng giữa người trai lính chiến và người em gái hậu phương tại miền Nam Việt Nam trong thời tao loạn đã được thể hiện qua rất nhiều bản nhạc tình mùa chinh chiến mà giá trị vượt thời gian của các nhạc phẩm này là điều không thể chối cãi được.

Một nữ sinh Sài Gòn với chiếc xe đạp nhìn vào một cửa hàng trưng bày ở Sài Gòn. (Hình minh họa: Three Lions/Getty Images)

Nhạc phẩm “Giờ Này Anh Ở Đâu” của Khánh Băng chuyên chở tâm trạng của những người em gái hậu phương – trong đó có không ít người đã trót mang trong lòng mối tình sâu đậm với những chàng trai thế hệ đang dấn chân vào cuộc chiến – thương gởi đến các anh chiến sĩ những tâm tình tha thiết của mình. Đó là các anh tân binh và khóa sinh tại các quân trường đẫm mồ hôi và lắm gian lao như Quang Trung của Vùng III Chiến Thuật, hoặc Dục Mỹ, Lam Sơn và Đồng Đế của Vùng II Chiến Thuật.

Đã bao lần đến thăm các anh nơi những “vườn tao ngộ” tại các quân trường, chúng em đã quen rồi với cảnh nắng cháy da người tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung ở Hóc Môn (Gia Định), hoặc Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ ở Ninh Hòa (Khánh Hòa), nơi các anh phải vất vả lội sình dưới trời mưa như trút nước, và Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn, cũng ở Ninh Hòa, nơi các anh phải ra sức trườn người bò hỏa lực dưới ánh nắng Hè thiêu đốt.

Rồi còn Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế ở Nha Trang nữa, nơi có bức tượng danh tiếng “Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ, em nằm xõa tóc đợi chờ anh” trên đỉnh núi Hòn Khô quay mặt vào quân trường. Và đây cũng chính là nơi, dù mưa hay nắng, các anh phải gian khổ thụ huấn để trở thành những hạ sĩ quan và sĩ quan ưu tú của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: “Giờ này anh ở đâu? Quang Trung nắng cháy da người/ Giờ này anh ở đâu? Dục Mỹ hay Lam Sơn? Giờ này anh ở đâu? Đồng Đế nắng mưa thao trường/ Anh ở đâu? ú u ù… Anh ở đâu?”

Rồi khi rời mái trường mẹ, các anh chiến sĩ Cộng Hòa như chim trời tung cánh bay đi khắp nơi trên bốn vùng chiến thuật trong sứ mệnh “bảo quốc, an dân” mà quân trường đã giáo huấn và rèn luyện các anh, thử hỏi địa danh nào thiếu dấu chân anh, khiến những người yêu của lính cứ mãi phân vân: “Giờ này anh ở đâu? Pleiku gió núi biên thùy/ Giờ này anh ở đâu? Miền Trung hỏa tuyến địa đầu/ Giờ này anh ở đâu? Cà Mau tiếng sét U Minh rừng/ Anh ở đấu? ú u ù… Anh ở đâu?”

Nhạc sĩ Khánh Băng và danh ca Bạch Yến trên bìa nhạc bài “Sầu Đông.” (Hình: Tài liệu)

Gì chớ địa danh Pleiku thì ai mà chẳng biết, dù ít người dân thị thành dám phiêu lưu lên chốn đèo heo hút gió đó ngoại trừ các anh, những kẻ từng đầu non, cuối ghềnh ôm cây súng canh rừng sâu. Còn Miền Hỏa Tuyến ngoài Trung nơi Vùng I Chiến Thuật thì lại quá xa vời, đến “mút mùa Lệ Thủy” chứ chẳng chơi, trong khi các anh chiến sĩ từng tham dự các cuộc hành quân bình định vào vùng U Minh Hạ tại Cà Mau đều thấm thía với những gian lao của miền sông nước âm u, vừa bao la vừa đầy muỗi mòng.

Thế nhưng, “dù rằng anh ở đâu, anh ở đâu, vẫn yêu anh hoài/ Vẫn yêu anh hoài, yêu suốt đời/ Vì lời thề xưa nở trên môi, và một tình yêu đã lên ngôi/ Kỷ niệm đầu tiên sống trong tôi, trên đường ta bước chung đôi.” Em vẫn mãi yêu anh, người lính chung tình của em, cho dù đời lính có khiến anh phải nay đây, mai đó. Kỷ niệm về những ngày đầu bên nhau luôn khắc sâu vào trái tim em, nhất là những lúc đôi ta sánh bước bên nhau trong ánh chiều buông hay vào những đêm trăng tà soi bóng.

Có thể các anh là những chàng trai tung mây, lướt gió trên quê hương dấu yêu, hay đang cùng đoàn người vượt qua biên giới quyết chiến đấu trên các mặt trận ngoại biên; cũng có thể, các anh là những Cọp Biển oai hùng, các “Lục Thần Thủy Mũ Xanh” của bao người em gái hậu phương áo trinh thơm mùi giấy; và cũng có thể, các anh chính là những chàng kỵ mã hào hoa trên ngựa sắt, con cháu của Phù Đổng Thiên Vương mãi tung hoành trên các chiến trường gai lửa: “Giờ này anh ở đâu? Không Quân vỗ cánh đại bàng/ Giờ này anh ở đâu? Thủy Quân Lục Chiến kiêu hùng/ Giờ này anh ở đâu? Vượt đường xa Thiết Giáp anh tung hoành/ Anh ở đâu? ú u ù… Anh ở đâu?”

Và tình yêu của em vẫn không hề thay đổi, cho dù anh còn mãi bận rộn với các cuộc hành quân “Toàn Thắng” đánh sang Căm Bốt, hoặc miệt mài, gian nan với cuộc “Hành Quân Lam Sơn 719” qua Hạ Lào, nơi có các mật khu và kho tiếp tiệu của quân Cộng Sản, hoặc đang về dưỡng quân sau những ngày chinh chiến chiến gian lao tại Trại Hoàng Hoa Thám của Sư Đoàn Nhảy Dù cạnh Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt: “Giờ này anh ở đâu? Tây Ninh tiếp ứng biên thành/ Giặc tan trên đất Hạ Lào/ Giờ này anh ở đâu? Trại Hoàng Hoa tung gió cánh hoa dù/ Anh ở đâu? ú u ù… Anh ở đâu? Anh ở đâu? ú u ù… Anh ở đâu? Anh ở đâu? ú u ù… Anh ở đâu?”

***

Nhạc phẩm “Giờ Này Anh Ở Đâu?” ra đời vào khoảng đầu thập niên 1970. Nhạc sĩ Khánh Băng (tên thật là Phạm Văn Minh) quê ở Vũng Tàu và xuất thân là một nhạc công trước khi trở thành một nhạc sĩ tại thủ đô Sài Gòn.

Khánh Băng có khả năng sáng tác vừa nhạc tình cảm vừa nhạc kích động. Những ca khúc của ông thường được trình diễn tại các sân khấu ca nhạc và vũ trường ở thủ đô.

Nhạc sĩ Khánh Băng và Ban Thời Đại. (Hình: Tài liệu)

Trước và sau năm 1975, bài “Giờ Này Anh Ở Đâu” đều rất phổ thông và đã được các ca sĩ của Sài Gòn và ở hải ngoại trình bày, trong đó có các danh ca trước năm 1975, như Thanh Tuyền, Phương Hồng Quế, Thanh Thúy… và các ca sĩ trẻ sau năm 1975, như Lâm Thúy Vân, Tâm Đoan, Như Quỳnh, Nguyễn Hồng Nhung, Cát Lynh, Ngọc Anh Vi, Kimberly Trương, Angela Gia Hân…

Khánh Băng qua đời năm 2005 tại Sài Gòn, để lại một gia tài âm nhạc khá đồ sộ với hàng trăm nhạc phẩm nổi tiếng, trong đó phải kể đến các ca khúc như “Vọng Ngày Xanh,” “Có Nhớ Hôm Nào,” “Vườn Tao Ngộ” (dưới bút danh Nhật Hà), “Đôi Ngả Chia Ly,” “Trăng Thề,” “Người Lính Chung Tình,” “Sầu Đông,” “Tiếng Mưa Rơi”… (Vann Phan) [qd]


Nhạc phẩm “Giờ Này Anh Ở Đâu?” của Khánh Băng

Giờ này anh ở đâu?
Quang Trung nắng cháy da người
Giờ này anh ở đâu?
Dục Mỹ hay Lam Sơn?
Giờ này anh ở đâu?
Đồng Đế nắng mưa thao trường
Anh ở đâu? ú u ù… Anh ở đâu?

Giờ này anh ở đâu?
Pleiku gió núi biên thùy
Giờ này anh ở đâu?
Miền Trung hỏa tuyến địa đầu
Giờ này anh ở đâu?
Cà Mau tiếng sét U Minh rừng
Anh ở đâu? ú u ù… Anh ở đâu?

Đ. K.:
Dù rằng anh ở đâu, Anh ở đâu, vẫn yêu anh hoài
Vẫn yêu anh hoài, yêu suốt đời…
Vì lời thề xưa nở trên môi
Và một tình yêu đã lên ngôi
Kỷ niệm đầu tiên sống trong tôi
Trên đường ta bước chung đôi.

Giờ này anh ở đâu?
Không Quân vỗ cánh đại bàng
Giờ này anh ở đâu?
Thủy Quân Lục Chiến kiêu hùng
Giờ này anh ở đâu?
Vượt đường xa thiết giáp anh tung hoành
Anh ở đâu? ú u ù… Anh ở đâu?

Giờ này anh ở đâu?
Tây Ninh tiếp ứng biên thành
Giặc tan trên đất Hạ Lào
Giờ này anh ở đâu?
Trại Hoàng Hoa tung gió cánh hoa dù.
Anh ở đâu? ú u ù … Anh ở đâu?
Anh ở đâu? ú u ù … Anh ở đâu?
Anh ở đâu? ú u ù … Anh ở đâu?

MỚI CẬP NHẬT