Tuesday, March 19, 2024

Góc nhìn của người lính cũ: Những thời gian huấn nhục trong đời

Chính Biên

Có lẽ đa phần người lính VNCH đều đã phải qua ba phần đời Huấn Nhục. Nhưng chữ Nhục ở đây trong mỗi phần đời có hơi khác nhau. Và chữ Huấn cũng vậy.

Phần đầu là huấn nhục trong quân trường thì chữ nhục là da thịt, thân xác. Còn chữ Huấn là huấn luyện, trau dồi. Nhận lãnh sự huấn nhục này trong quân trường, người tân binh đều vui vẻ vì ý thức rằng “Quân trường đổ mồ hội, chiến trường bớt đổ máu.”

Những buổi leo “dây tử thần” hay “bò dưới hỏa lực” đều là những buổi tập kinh hoàng cho những chàng thanh niên nào yếu bóng vía. Bởi, từ cuộc sống dân sự bỗng nhiên phải bó khuôn trong mọi nền nếp sinh hoạt. Từ cái ăn cái ngủ cho đến rong chơi cuối tuần về phép cũng phải trong một khuôn khổ,có giờ có giấc. Quả là một sự huấn nhục rất cần thiết.

Nhưng sự huấn nhục ấy chỉ là trong một thời gian ngắn, dài thì cũng chỉ có ba năm. Rồi ra trường lon lá trên vai, trên cổ áo tha hồ vi vút trong 10 ngày phép để sau đó, như đàn chim tung cánh đi khắp phương trời, bốn vùng chiến thuật đem những vinh quang về cho một thế hệ vì nước quên mình.

Nhưng chẳng được bao lâu, những người lính ấy phải buông súng tan hàng để mãi mãi mang một mối u buồn nuôi ngày phục hận trong một thời gian dài hơn cả cuộc đời trong lính của mình.

Đó là thời gian huấn nhục trong các trại tù “cải tạo.” Kẻ thắng, phe Cộng Sản mồm mép gian xảo lấp liếm rao giảng “Cải tạo cho các anh trở thành người công dân lương thiện.” Nghe là muốn chửi!

Ròng rã hàng chục năm trời, cứ phải nghe những lời gian xảo ấy hằng ngày, hàng giờ, trong giờ lao động khổ sai cũng như trong những buổi sinh hoạt hằng đêm những luận điệu xỉ nhục của kẻ dốt, gian xảo lại hợm hĩnh.

Đã có những anh hùng, đứng lên chống lại dù biết rằng đó là sự tự kết án tử cho mình. Những anh hùng đó rõ ràng đã “Sống vinh còn hơn sống nhục.” Nhưng đã là anh hùng thì chẳng có được bao nhiêu, còn số đông thì lấy sự nhẫn nhục để có được thời cơ quật khởi. Những người lính tù “cải tạo” ấy thường nhắc nhau chuyện Hàn Tín bên Tàu ngày xưa phải chịu luồn khố một kẻ đê tiện thách thức giữa chợ, Hàn Tín nhẫn nhịn chui qua để có ngày trở thành tể tướng.

Nhưng ở đời nay, đã có được bao nhiêu Hàn Tín!

Nên đa phần đã tự xác nhận không thể là anh hùng trong cái thế cọp ở trong chuồng.

Chính cái thời gian bị huấn nhục “cải tạo” này, những người lính VNCH đã làm kẻ thù phải kiêng nể, vì cái tinh thần “không thể nào cải tạo được các anh” như lời một cán bộ “chấp pháp” từ trung ương xuống trại Vĩnh Phú điều tra, tìm tòi thêm tin tức.

Nhắc lại chuyện này không phải để biện minh cho cái hèn của mình. Tất cả những người lính VNCH trong thời tù “cải tạo” cũng là thời gian huấn luyện cho mình sự chịu đựng như cổ nhân ta thường nói là “nín thở qua sông.” Mà qua sông rồi tất phải đi tiếp con đường của mình. Họ nghĩ nếu đã như không cứu được nước thì cũng phải cứu được nhà mà muốn cứu được nhà thì “Anh Phải Sống.”

Vâng, thời cơ cũng đã đến khi CSVN thuận để cho Hoa Kỳ đưa những người tù cải tạo ra khỏi nước. Nhưng thời cơ ấy lại không như những người tù mong mỏi là quật khởi. Phong trào Phục Quốc Hoàng Cơ Minh tan rã cũng làm tan rã luôn mộng phục quốc nuôi nấng trong suốt thời gian huấn nhục “cải tạo.”

Thôi thì không cứu được nước thì phải cứu được nhà. Thế là, dù tuổi đã cao, nghề nghiệp không thích hợp trong xã hội mới, chữ nghĩa cũng chẳng là bao, chỉ còn cái quyết tâm cứu nhà. Thôi thì chịu đựng gian lao khó nhọc như sự huấn nhục của trường đời để mong nuôi được cho các con học hành đến nơi đến chốn sau khi bị đầy đọa thất học vì là “con ngụy” ở trong nước.

Biết bao cảnh sống lam lũ kể cả nhục nhằn. Từng là tướng lãnh, nay đứng bán xăng, năm sáu đồng một giờ. Từng là sĩ quan cấp tá nay là anh thợ cắt chỉ, thợ ủi trong các tiệm may của người đồng hương, lương vẻn vẹn chưa đầy 2 đồng một giờ. Từng là mệnh phụ phu nhân, nay là bà đầu bếp, dọn bàn… Ấy thế mà còn bị cảnh ma cũ bắt nạt ma mới. Cùng đồng hương với nhau mà hễ có tí quyền chức dù là nhỏ nhoi trong tay cũng không ngần ngại trù dập nhau để lấy lòng “boss”…

Có sao đâu, vợ chồng bàn nhau, có việc làm là mừng rồi, ráng nhịn đi “rồi đời mình cũng qua.”

Ăn ở thì quanh năm gà kho (món ăn rẻ nhất ở Mỹ) đôi khi có thêm được bó rau muống (món ăn khá đắt trong chợ Việt gốc Tàu). Tất cả tiền lương của hai vợ chồng chắt bóp dành dụm để trả được tiền nhà mua trả góp do bà con giúp đỡ khoản tiền “down” mua cho. Vợ chồng con cái chia nhau cái “gara” hai xe ăn ngủ, học hành, để dành các phòng lớn nhỏ trong nhà cho “share” lấy tiền trả góp căn nhà.

Phải chịu đựng gian khổ như thế thì mới hy vọng cứu được vợ con, có khi cả cha mẹ anh em còn kẹt lại, đó là những người đã từng cưu mang giúp đỡ vợ con mình khi mình ở trong tù “cải tạo,” không thể vô ơn được.

Thế rồi năm tháng trôi qua. Nay thì phần lớn những người từng qua ba thời gian huấn nhục đã chạm tới được vinh quang của đời mình. Đó là một cuộc sống tương đối ổn định, con cái ra trường phần nhiều là thành thân cả, có nhiều người nên ông nọ bà kia như dân biểu, nghị sĩ, kỹ sư, bác sĩ, luật sư hay thương gia có tiếng…

Nay được gác tay vì “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo” như thi hào Nguyễn Công Trứ từng reo mừng, những người lính già của VNCH chợt nghĩ lại mình quả đã trải qua ba lần huấn nhục. Lần đầu huấn nhục là để trở thành một người lính can trường bảo vệ quê hương, tổ quốc.

Lần hai, huấn nhục là để chịu sự trả thù hèn mạt của kẻ chiến thắng, không phải vì tài giỏi mà vì chính tình thời cuộc.

Và lần huấn nhục thứ ba, tuy âm thầm nhỏ bé trong đời nhưng lại có được kết quả thực tiễn nhất. (Chính Biên)

MỚI CẬP NHẬT