Thursday, March 28, 2024

Huỳnh Ngọc Thương dấn thân vào Biệt Kích Quân

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Những Biệt Kích Quân có nhiệm vụ đi nhảy toán ngoài biên giới. Họ còn được danh xưng là Biệt Kích Lôi Hổ. Nhiệm vụ của họ chỉ đi lẻ tẻ từ bốn đến sáu người vào lòng địch để thu thập tin tức, chiếm giữ tài liệu hay bắt sống địch quân.

Ông Huỳnh Ngọc Thương tại Little Saigon. (Hình: Huỳnh Ngọc Thương cung cấp)

Họ là những chiến sĩ vô danh, những bóng ma biên giới, một lần đi không hẹn ngày về! Nhưng nhiệm vụ ấy vẫn thôi thúc nhiều chàng trai trẻ tham gia, trong đó có ông Huỳnh Ngọc Thương.

Năm 1965, ở tuổi 19, chàng trai Huỳnh Ngọc Thương tình nguyện vào đơn vị Biệt Kích Quân của Hoa Kỳ đóng ở căn cứ Mỹ tại Phú Bài (FOB-1) còn gọi là đơn vị Tiền Danh 1 là một trong năm căn cứ tiền danh của FOB (Forward Operating Base).

Sở dĩ ông chọn Phú Bài vì nơi này thuộc Huế, là nơi ông sinh ra và lớn lên. Ngoài Tiền Doanh 1, FOB còn bốn căn cứ khác là FOB-2 đóng tại Non Nước, FOB-3 đóng tại Ái Tử, FOB-4 đóng tại Khe Sanh, và FOB-5 đóng tại Nông Sơn.

Ông Thương kể: “Lúc đó, tại FOB-1 Phú Bài, với sự chỉ huy của các sĩ quan như Đại Úy Ngụy Hiền, Đại Úy Đoàn Kim Tuấn, Đại Úy Lê Minh, Đại Úy Phạm Văn Hy, Trung Úy Nguyễn Cao Vỹ, Trung Úy Tống Hồ Huấn… Từ năm 1965, tại miền Nam đã từng xảy ra phong trào ‘phản chiến,’ vì một số dân miền Nam biểu tình chống các ông Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và Trần Thiện Khiêm. Trước đó, tôi đang là một sinh viên y khoa (Đông y), nhưng bị bãi khóa vì biến động của phong trào ‘phản chiến,’ nên đường học vấn của tôi bị trở ngại.”

Khi chính phủ miền Nam ra lệnh tổng động viên, ông Thương rơi vào tài nguyên Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 21 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, nhưng ông không nhập khóa này, vì ông đang là một Biệt Kích Quân.

Lúc đó, Bộ Chỉ Huy Biệt Kích Quân Lôi Hổ lập một danh sách để trình lên Bộ Quốc Phòng Miền Nam, nên những quân nhân này được Bộ Quốc Phòng cho miễn dịch lệnh tổng động viên, vì họ đang thi hành nhiệm vụ nhảy toán cho đơn vị Biệt Kích Quân Lôi Hổ. Vì thế, ông Thương được miễn tội là một sinh viên sĩ quan bất phục tùng của Nha Quân Pháp Miền Nam.

Sinh viên y khoa Huỳnh Ngọc Thương. (Hình: Huỳnh Ngọc Thương cung cấp)

Những cuộc hành quân ban đầu

Biệt Kích Quân Huỳnh Ngọc Thương và đồng đội có rất nhiều cuộc hành quân ngoài biên giới miền Nam.

Ông kể: “Trong năm 1967, chúng tôi đã nhảy toán nhiều lần. Phần nhiều, điểm xuất phát là từ Nam Đông, Huế. Nơi này cũng có một căn cứ Biệt Kích của Hoa Kỳ yểm trợ cho chúng tôi. Từ căn cứ Nam Đông chúng tôi vượt biên sang Hạ Lào, Cambodia, nhiều nhất là ở vùng Tam Biên, Krachie. Trong những cuộc hành quân này, phần nhiều chúng tôi không nổ súng, vì nhiệm vụ toán Biệt Kích chỉ xông vào lòng địch để thám sát hoặc lấy tài liệu về cho bộ chỉ huy. Hơn thế nữa, nếu khi chạm địch, bắt buộc chúng tôi phải nổ súng, thì 90% chúng tôi không thể toàn vẹn trở về, vì địch quá đông mà toán chúng tôi cao nhất chỉ có sáu người.”

Ngoài ra, toán của ông cũng đã từng nhảy ra Bắc Việt.

“Đầu năm 1968, toán chúng tôi được lệnh nhảy xuống Quảng Bình. Lúc đó, tôi là trưởng toán cùng với năm đoàn viên. Vì địa điểm hành quân là một cồn cát ở Quảng Bình cập bên bờ sông Nhật Lệ, nên lực lượng Biệt Kích Hoa Kỳ đã trang bị cho chúng tôi những mặt nạ bằng nhựa có ống hơi để thở khi chúng tôi ẩn nắp dưới cồn cát. Trong cuộc hành quân này, toán Biệt Kích Quân xâm nhập bằng đường không vận lúc đêm tối trời. Đến khi trời sáng, vì sợ lộ diện nên chúng tôi phải đào hố để nằm dưới cát, và chỉ được thở bằng những ống hơi được ngụy trang như những ống cỏ gắn liền với mặt nạ đặc biệt này. Ngoài ra, chúng tôi còn được trang bị những loại thuốc đặc biệt dùng thoa lên quần áo và vũ khí để tránh muỗi hoặc tránh những mùi của quân trang mà loài chó thuộc Quân Khuyển của địch có thể phát giác,” ông kể tiếp.

Biệt Kích Quân Huỳnh Ngọc Thương chụp hình năm 1965 tại Phú Bài. (Hình: Huỳnh Ngọc Thương cung cấp)

“Mục tiêu gần một đồn Công An Biên Phòng của địch quân. Nơi này, chúng tôi phát hiện ra những chiến tàu Hải Thuyền của Hải Quân Bắc Việt, nhiệm vụ của những chiếc tàu này là xâm nhập vào Nam để tiếp tế cho quân Giải Phóng Miền Nam. Và, nhiệm vụ của chúng tôi là phải đặt mìn hoặc sử dụng súng cối M-60 để tiêu diệt đoàn Hải Thuyền của địch. Nhưng trong chuyến hành quân này chúng tôi không thành công. Sau đó, trung tâm hành quân Biệt Kích Lôi Hổ mới giao nhiệm vụ này cho đơn vị Biệt Hải, với sự chỉ huy của Hải Quân Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại,” ông kể thêm.

Khi nhắc đến đơn vị Biệt Hải của Biệt Kích Lôi Hổ, ông Thương chia sẻ: “Đơn vị Biệt Kích Lôi Hổ lúc đó có năm sở, bao gồm Sở Liên Lạc có ba chiến đoàn, và Sở Công Tác có năm đoàn, gồm Đoàn 11, Đoàn 68, Đoàn 71, Đoàn 72 và Đoàn 75, những đoàn này đều có nhiệm vụ hành quân tác chiến như Sở Liên Lạc, và tôi thuộc Sở Liên Lạc. Sở thứ ba là Sở Tâm Lý Chiến, sở này gồm có hai đài radio, đó là ‘Đài Gươm Thiêng Ái Quốc’ và ‘Đài Mẹ Việt Nam.’ Thứ tư là Sở Không Yểm, trong đó có hai Phi Đoàn 219 và 110 được biệt phái cho Nha Kỹ Thuật để đi thả toán Biệt Kích Lôi Hổ. Sở thứ năm là Sở Phòng Vệ Duyên Hải trong đó có lực lượng Biệt Hải, lực lượng này khác với lực lượng Biệt Hải của Hải Quân.”

Gần cuối năm 1968, Không Quân Hoa Kỳ đưa toán của ông Thương gồm sáu người nhảy dù xâm nhập vào Đèo Ngang, Nghệ An, rồi từ đó toán của ông vượt biên sang Lào, với nhiệm vụ duy nhất là đặt mìn để tiêu hủy đoàn xe của địch trên đường di chuyển từ Bắc Việt xuống miền Nam theo đường biên giới của Lào.

Toán Biệt Kích Lôi Hổ nhảy xuống Tam Biên (biên giới Việt-Miên-Lào). (Hình: Huỳnh Ngọc Thương cung cấp)

Ông Thương kể: “Khi đến mục tiêu, chúng tôi được lệnh đặt hai trái mìn vô tuyến chỉ lớn bằng cục xà bông tại điểm đầu và điểm cuối cách nhau khoảng trên năm cây số để phá hoại đoàn xe này. Ngoài hai trái mìn vô tuyến ở hai đầu mục tiêu, chúng tôi còn phải đặt thêm nhiều mìn, mỗi trái mìn được cài đặt cách nhau khoảng 25-30 mét theo lối đăng chéo của hai bên đường. Tất cả những loại mìn này được điều khiển bằng đường vô tuyến, mà chỉ có bộ chỉ huy của lực lượng Biệt Kích Hoa Kỳ mới cho kích hoạt được.”

Khi xong nhiệm vụ đặt mìn thì trực thăng của Không Quân Hoa Kỳ đến “bốc” toán của ông về Bắc Xế, trên đất Lào. Khi đến Bắc Xế thì một sĩ quan vô tuyến của Hoa Kỳ cho ông Thương vào phòng kín có bày biện nhiều máy vô tuyến.

Ông Thương nói: “Vị sĩ quan Hoa Kỳ cho tôi xem trên màn ảnh vô tuyến để xác nhận những gì chúng tôi đã thực hiện trong chuyến công tác này. Không bao lâu, trên màn ảnh vô tuyến hiện ra đoàn xe của quân Bắc Việt đã hoàn toàn lọt trọn vào mục tiêu mìn bẫy của toán Biệt Kích Quân đã cài đặt. Vì hệ thống vô tuyến lúc đó con thô sơ, nên trên màn ảnh chỉ hiện ra hai chấm đỏ của hai trái mìn vô tuyến đặt tại hai đầu mục tiêu, và ngay khoảng giữa có nhiều vạch nhỏ màu trắng hiện ra, đó là đoàn xe của của địch. Ông sĩ quan vô tuyến Hoa Kỳ mới bấm vào một nút đỏ trên bàn điều khiển vô tuyến, thì những điểm đỏ và trắng trên màn ảnh bị nổ tung tóe trước khi bị xóa sạch. Sau đó vị sĩ quan này cho chúng tôi biết là mìn đã nổ và đoàn xe đã bị hủy.”

“Đến ba ngày sau, chúng tôi được lệnh tái xâm nhập mục tiêu để chụp hình và tịch thu những tài liệu quan trọng. Sở dĩ toán chúng tôi đến ba ngày sau mới xâm nhập vào mục tiêu, vì nếu đến ngay hiện trường thì có thể toán chúng tôi chạm địch khi chúng đang tải thương hay mang xác chết của bộ đội Bắc Việt đi nơi khác. Khi chúng tôi đến nơi thì xác của trên 10 chiếc xe đã bị hủy hoại vẫn còn đó, nhưng thây người và thương binh của họ đã chuyển đi nơi khác. Đây là sự thành công cuối cùng của tôi lúc còn là một Biệt Kích Quân,” ông Thương nhớ lại.

Ông Huỳnh Ngọc Thương (phải) cùng Biệt Kích Quân Lôi Hổ tại Căn Cứ FOB-1, Phú Bài. (Hình: Huỳnh Ngọc Thương cung cấp)

Được trở về nhiệm sở cũ

Năm 1968, sau trận chiến Mậu Thân, Huế, ông Huỳnh Ngọc Thương được lệnh về trình diện nhập khóa 4/69 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Nhập khóa vào đầu năm 1969, ra trường khoảng cuối năm 1969, với tổng số sinh viên sĩ quan trên 1,000 người.

Vì trước đó ông là một quân nhân của đơn vị Biệt Kích Lôi Hổ, nên khi ra trường, một số sĩ quan chỉ huy tiền nhiệm của FOB-1 đến quân trường Thủ Đức đón tân Chuẩn Úy Huỳnh Ngọc Thương về đơn vị Sở Liên Lạc Biệt Kích Lôi Hổ. Lúc này, Sở Liên Lạc gồm có ba chiến đoàn. Quân số của một chiến đoàn có trên 1,000 Biệt Kích quân, và số sĩ quan, hạ sĩ quan có khoảng trên dưới 150 người. Những quân nhân này được liệt kê vào danh sách của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, với nhiệm vụ là chỉ huy, huấn luyện các đại đội xung kích của Lôi Hổ.

Ông Thương cho biết: “Khi tôi về trình diện đơn vị Biệt Kích Lôi Hổ thì năm căn cứ của FOB đều được di chuyển về căn cứ FOB-2 tại Non Nước, Đà Nẵng. Địa danh này là CCN [CC có nghĩa là Trung Tâm Chỉ Huy và Kiểm Soát, N là North, là Bắc, cũng là trung tâm của Chiến Đoàn 1 Xung Kích Lôi Hổ] và hai căn cứ nữa đó là CCC ở Kon Tum [C có nghĩa là center, CCC là Trung Tâm Chỉ Huy Ở Vùng Trung (giữa)] thuộc Chiến Đoàn 2 Xung Kích Lôi Hổ, và tại Ban Mê Thuột là CCS [S là South, là vùng Nam] thuộc Chiến Đoàn 3 Xung Kích Lôi Hổ.”

Chuẩn Úy Thương thuộc Chiến Đoàn 1, dưới sự chỉ huy của Trung Tá Nguyễn Tuấn Minh.

Ông Huỳnh Ngọc Thương (giữa) cùng cựu Đại Úy Nguyễn Thành Nhân, chiến sĩ xuất sắc Sư Đoàn 1 (phải), và nhà văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị, cựu phi công Phi Đoàn 110, tại Little Saigon. (Hình: Huỳnh Ngọc Thương cung cấp)

Theo ông Thương, mỗi chiến đoàn có một đại đội phòng vệ được gọi là Đại Đội C (công vụ), quân số trên 300 người để phòng thủ doanh trại; hậu cần về quân trang quân dụng, ẩm thực…, và hai Đại Đội A và B là hai đại đội tác chiến, mỗi đại đội với quân số trên 200 người. Ngoài ra, hai đại đội A và B còn những đơn vị trừ bị xung kích như A1, A2…, và B1, B2…

Những đơn vị trừ bị xung kích này, ngoài những chiến sĩ người Việt còn có những chiến sĩ người Nùng, người Thượng kể cả những người Cambodia hay người Lào… Những sĩ quan và các cán bộ huấn luyện các đại đội xung kích này gồm những người lo về văn phòng, hành chánh, truyền tin, huấn luyện… và họ còn nhiệm vụ đặc biệt là đi theo những toán nhảy vào lòng địch mỗi khi cần thiết.

Mỗi chiến đoàn cũng có những đơn vị hậu cần như những đơn vị của các quân, binh chủng khác như Phòng 1 lo về quân số, Phòng 2 lo về tình báo, Phòng 3 lo về hành quân, nhưng không có Phòng 4 lo về tiếp liệu, quân trang, quân dụng… vì tất cả những điều cần thiết này đều do đơn vị Biệt Kích Hoa Kỳ Green Beret (Mũ Xanh) yểm trợ tối đa. Ngoài ra, Chiến Đoàn 1 còn liên hệ với đơn vị Sở Tâm Lý Chiến ở Thanh Lam và Cồn Tẻ, Huế có đài radio được trực thuộc vào Đài Gươm Thiêng Ái Quốc và Đài Mẹ Việt Nam.

Huy hiệu của Nha Kỹ Thuật. (Hình: Huỳnh Ngọc Thương cung cấp)

Trưởng toán Xung Kích Lôi Hổ thuộc Nha Kỹ Thuật

Sau Trung Tá Nguyễn Tuấn Minh thì Thiếu Tá Hồ Châu Tuấn về làm chỉ huy trưởng kế nhiệm của Chiến Đoàn 1 Xung Kích Lôi Hổ.

Chuẩn Úy Thương nói: “Sau này, Chiến Đoàn 1 CCN còn biệt danh là Chiến Đoàn 1 Xung Kích Sở Liên Lạc Nha Kỹ Thuật trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, do Sở Liên Lạc được sáp nhập với Nha Kỹ Thuật. Vì trước đó, Sở Liên Lạc là tiền đề Sở Liên Lạc của Phủ Tổng Thống dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Lê Quang Tung. Sau khi Đại Tá Tung quá vãng trong trận binh biến, thì Sở Liên Lạc này được tách rời ra ngoài và được thành lập Bộ Chỉ Huy Nha Kỹ Thuật. Bộ chỉ huy này có tiền nhiệm của chương trình OP-43, OP-45 (Operation Plan) của Hòa Kỳ.”

“Trước đó nữa, chương trình OP còn có ngụy danh là ‘Nha Khai Thác Điền Địa,’ sau đổi thành ‘Liên Đoàn Quan Sát Số 1,’ trong đó có danh hiệu Sở Bắc là tiền thân của Biệt Kích Lôi Hổ. Sau này, những cuộc hành quân Sở Bắc được hủy bỏ, vì có khoảng trên 30 toán hành quân Sở Bắc đều bị chính quyền Bắc Việt bắt giữ, trong đó có Đại Úy Luyện (người tù kiệt sức, bất khuất), Đại Úy Kiên (người tù điên),” ông nói thêm. (Lâm Hoài Thạch) [qd]

Kỳ cuối: Biệt Kích Lôi Hổ Huỳnh Ngọc Thương và những lần tham chiến

MỚI CẬP NHẬT