Monday, March 18, 2024

Little Saigon: Tưởng niệm 44 năm Quân Dân Cán Chính VNCH di tản khỏi Pleiku

Uyên Vũ/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Buổi lễ tưởng niệm 44 năm cuộc triệt thoái của Quân Dân Cán Chính VNCH ra khỏi tỉnh Pleiku (16 Tháng Ba, 1975), diễn ra vào sáng Chủ Nhật, 17 Tháng Ba, 2019, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster.

Bà Mỹ Hường, đại diện Liên Trường Pleiku, cho biết: “Lễ tưởng niệm do Liên Trường Pleiku, Nhóm Phố Núi Pleiku và các cựu quân nhân, công chức từng sinh sống công tác tại tỉnh Pleiku trước năm 1975 tổ chức. Hoạt động tương tự cũng từng có vài lần trước đó, như ở San Jose do nhóm Phố Núi hoặc các anh Tiểu Khu tổ chức.”

Trong ánh nắng Xuân ấm áp của vùng Little Saigon, buổi lễ tưởng niệm chỉ kéo dài khoảng 30 phút, với lễ chào cờ. Tiếp đến là những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thắng, đại diện tiểu khu Pleiku; của Bác Sĩ Nguyễn Trí Viễn và một đại diện Cảnh Sát Quốc Gia Pleiku,… để mặc niệm những người đã bỏ mình trên đường di tản.

Lễ tưởng niệm diễn ra thật đơn sơ nhưng đầy xúc động của khoảng 30 người con vùng đất cao nguyên Pleiku. Họ có xuất xứ khác nhau nhưng đã từng gắn bó một phần đời mình với tỉnh lỵ Pleiku nhỏ bé và nên thơ ngày trước.

Phút mặc niệm cho những người đã khuất. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Ông Lê Anh Dũng (tức nhà văn Lê Tâm Anh), người điều phối chương trình, nhắc lại những kỷ niệm bi tráng 44 năm trước, khi chiến cuộc đi vào giai đoạn chót. Ngày 16 Tháng Ba, những quân nhân các binh chủng được lệnh rút khỏi cao nguyên để bảo toàn lực lượng và tìm cơ hội tái chiếm cao nguyên Trung phần. Ngày 17 Tháng Ba khoảng hơn 60 ngàn thường dân cũng hoảng loạn dùng tất cả mọi phương tiện giao thông để di tản khỏi Pleiku, tránh một cuộc “tắm máu” của Cộng quân, lúc đó đã chiếm trọn Ban Mê Thuột và sắp tràn đến chiếm nốt hai tỉnh Kontum, Pleiku. Đoàn người di tản đã bị cộng quân tấn công dữ dội, khi đến được Tuy Hòa, theo nhiều tài liệu ghi lại chỉ còn khoảng 1/3, như vậy đã có hơn 40,000 người đã bỏ mình dọc theo tỉnh lộ 7B.

Bản văn tế bi thương của ông Lê Anh Dũng có đoạn: “…Than ôi, đất bằng dậy sóng, bọn Cộng nô xé Hiệp Định Ba Lê đánh chiếm Ban Mê Thuột 10 Tháng Ba, 1975. Dân tình hoảng loạn quân lệnh truyền ban rút bỏ cao nguyên về miền xuôi theo lộ 7B từ ngày 17 Tháng Ba, 1975. Biết bao cảnh tượng hãi hùng tang thương không sao kể xiết: trẻ thơ lạc mẹ, vợ yếu khiêng chồng, trên đường ngập đầy xác chết. Đủ cả trẻ già, trai gái, chiến sĩ đồng bào nằm nơi ven rừng, bờ suối không kịp chôn cất, chẳng có mộ phần. Tiếng than khóc xé lòng. Trời đất phải âu sầu, thánh thần cũng sa sầm rơi lệ. Bốn mươi năm trường vắng bóng người thân, chẳng hề hương khói, hồn ma bóng quế vất vưởng đó đây…”

Cựu Trung Úy Phan Văn Bực, đại đội trưởng Đại Đội 1/Tiểu Đoàn 213/ĐP, người đã bị thương trên mặt trong những ngày di tản đó kể với báo Người Việt: “Tôi là người ra đi cuối cùng của Tiểu Khu Pleiku, trước đó một ngày quân đội đã rút, lúc đó cả Pleiku hoảng loạn lắm rồi, mạnh ai người đó chạy, không còn phương tiện gì khác. Tôi kiếm được một anh xe thồ, cũng là quân nhân chở tôi vài ngày, đến Ban Mê Thuột ở một đêm rồi lại bám theo đoàn xe khác tiếp tục đi để kiếm đơn vị. Đến Cầu Sắt Phú Bổn mới gặp đơn vị, nhưng lúc đó cũng chẳng còn gì rồi ngay sau đó chúng tôi bị cộng quân đánh, tôi bị thương trên mặt, nhiều chiến sĩ bị bắt trói hàng đoàn, tôi phải tự mình băng bó kín mặt và nguỵ trang hầu qua mặt chúng.”

Cựu Trung Úy, Đại Đội Trưởng Phan Văn Bực, tại lễ tưởng niệm. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

“Tôi lần xuống dòng sông Ba, múc một nón sắt nước và uống sạch với ý định kết liễu cuộc đời thì một người Thượng trông thấy, anh ta ngăn cản ý định của tôi và vác tôi lên vai đi tiếp… tôi lại tháo bỏ băng định tự sát nhưng không thành. Quang cảnh khi đó người chết la liệt, xe cộ cháy, thảm thương không thể diễn tả được, càng nhớ tôi càng muốn khóc. Cộng quân tràn ngập, ban đêm tôi ngước nhìn ánh hoả châu và mong đến được nơi ấm áp của người mình… Sau nhiều ngày băng đường, tôi may mắn gặp được đồng đội đưa tôi về Tuy Hoà và do bị thương 2 ngày bệnh viện chuyển tôi về Sài Gòn, đêm đó tôi ra biển đi thuyền, vài ngày sau về đến Long Hải…,” ông kể tiếp.

Một người Pleiku khác, bà Nguyễn Mỹ Hường, kể rằng lúc đó bà 25 tuổi, gia đình cha mẹ anh em từ Pleiku theo đoàn người di tản nhưng bị chặn ngang đường, không xuống Tuy Hòa được nên đành trở ngược về lại Pleiku, và may mắn là trở về an toàn.

Chồng bà Hường là một sĩ quan QLVNCH và hai người em họ là lính bị Việt Cộng bắt làm tù binh và giam đến mấy năm sau. Bà cũng cho biết, với lễ tưởng niệm này, những người con của Pleiku muốn tưởng nhớ, cầu nguyện cho những người đã thiệt mạng đồng thời nhắc nhở cho thế hệ con cháu biết cuộc ra đi tìm tự do đã phải trả giá bằng rất nhiều thương đau.

Bà Thu Đào, hội trưởng Liên Trường Pleiku, cho biết gia đình bà may mắn hơn khi vượt thoát khỏi Pleiku xuống Tuy Hòa, vào Nha Trang và sau hơn một tháng đã về đến Sài Gòn. Thế nhưng có nhiều bạn bè, người quen của bà đã bị thương hoặc bỏ mình vì cộng quân pháo kích vào đoàn dân thường đang nháo nhào trên đường tìm về vùng quân đội VNCH kiểm soát.

Bốn mươi bốn năm đã trôi qua, nhưng ký ức kinh hoàng của những người Việt tại hải ngoại về biến cố mất Pleiku vẫn còn đó, và chỉ còn gần nửa tháng nữa, những hoạt động tưởng niệm “Tháng Tư Đen” sẽ lại nhắc nhở những người Việt tị nạn Cộng Sản rằng cái giá của việc đi tìm tự do không bao giờ có thể để lãng quên. (Uyên Vũ)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT