Saturday, April 20, 2024

Miền Nam Việt Nam mất vào tay Cộng Sản, Hoa Kỳ có lỗi gì?

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi miền Nam Việt Nam mất vào tay Cộng Sản Quốc Tế trong ngày 30 Tháng Tư, 1975. Chính phủ, quân đội và dân chúng Hoa Kỳ có lỗi gì?

Tuổi trẻ Mỹ biểu tình chống Chiến Tranh Việt Nam trước Tòa Bạch Ốc ở Washington, DC, 30 Tháng Mười Một, 1965. (Hình: AFP/AFP via Getty Images)

Thời gian tưởng cũng đã đủ chín muồi để phe thua cuộc, tức là Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Hoa Kỳ cùng với những con người yêu chuộng tự do, dân chủ trên khắp thế giới, bình tâm suy nghĩ kỹ những lỗi lầm mình đã phạm phải trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam vừa rồi, một cuộc chiến quá đau thương cho một dân tộc kém may mắn như dân tộc Việt Nam.

Trong ba kẻ thua cuộc nói trên, thử xét xem chính phủ, quân đội và dân chúng Hoa Kỳ đã có những lỗi lầm gì dẫn đến sự sụp đổ của VNCH sau khi hơn 50,000 quân nhân Mỹ đã hy sinh tánh mạng trên chiến trường Việt Nam trong lúc chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã phải hao tốn đến hàng trăm tỷ đô la qua hai thập niên chi viện cả người lẫn của nhằm duy trì sự tồn tại của nước Cộng Hòa non trẻ ấy tại Đông Nam Á trước sức bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản Quốc Tế tại miền đất này của Thế Giới Tự Do.

Chính phủ Hoa Kỳ có lỗi gì?

Trong một nền dân chủ lâu đời và vững mạnh như Hoa Kỳ, khi nói đến chuyện “chính phủ Hoa Kỳ có lỗi gì” thì người ta phải hiểu rằng “các chính phủ liên tiếp nhau tại Hoa Kỳ” đã phạm phải những lỗi lầm nào khiến cho Việt Nam Cộng Hòa, đồng minh của họ tại Đông Nam Á, phải sụp đổ vào tay Cộng Sản Quốc Tế hồi năm 1975 trong thế kỷ trước.

Cái lỗi rõ rệt của chính phủ Hoa Kỳ chính là sự bất nhất trong chính sách về Việt Nam của các chính quyền liên tiếp nhau tại Mỹ, từ 1954 cho đến 1975. Chính quyền Eisenhower – với Ngoại Trưởng John Foster Dulles – thuộc đảng Cộng Hòa, là kiến trúc sư đầu tiên trong chính sách về Việt Nam của Washington.

Theo chính sách này, Hoa Kỳ không tiếp tục ủng hộ thực dân Pháp bám trụ mãi tại Việt Nam mà để cho họ bại trận tại Điện Biên Phủ, dẫn đến việc chia đôi Việt Nam thành miền Bắc Cộng Sản và miền Nam Tự Do qua Hiệp Định Geneva 1954. Washington chọn chính khách Ngô Đình Diệm, thay vì Quốc Trưởng Bảo Đại của Quốc Gia Việt Nam, nắm quyền tại miền Nam Việt Nam, dẫn tới sự ra đời của VNCH qua cuộc Bầu Cử Quốc Hội Lập Hiến và việc ban hành Hiến Pháp VNCH ngày 26 Tháng Mười, 1956.

Từ năm 1961, khi Tổng Thống John F. Kennedy thuộc đảng Dân Chủ lên kế vị Tổng Thống Eisenhower, chính quyền Washington bắt đầu mất tin tưởng vào khả năng điều hành đất nước của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, vừa vì lý do họ có khuynh hướng quá độc lập, không chịu để Mỹ đưa quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam, và vừa vì lỗi lầm của chính quyền ông Diệm trong vụ đàn áp Phật Giáo năm 1963. Biến cố Phật Giáo đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và dẫn đến cuộc đảo chánh của các tướng lãnh miền Nam được Hoa Kỳ hỗ trợ, khiến cho chính quyền dân chủ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa bị xóa bỏ, và hai anh em ông Diệm bị sát hại.

Tình hình chính trị và quân sự tại miền Nam Việt Nam sau cái chết của Tổng Thống Diệm đã mau lẹ suy sụp, dẫn đến tình trạng quân Cộng Sản đánh chiếm được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn, với những cuộc đảo chánh và phản đảo chánh của phe quân nhân nắm quyền, cộng với những cuộc biểu tình chống chính phủ của sinh viên, học sinh và các thành phần Phật Giáo tranh đấu.

Tháng Ba, 1965, chính quyền của Tổng Thống Lyndon Johnson, thuộc đảng Dân Chủ, lại chủ trương can thiệp sâu hơn vào nội tình Việt Nam qua việc đưa quân Mỹ đến miền Nam Việt Nam. Nhưng việc Hoa Kỳ trực tiếp nhúng tay vào cuộc chiến tại Việt Nam đã không đạt kết quả mong muốn, từ việc binh lính Mỹ chiến đấu chống quân Cộng Sản trên bộ cho đến việc Hải và Không Quân Hoa Kỳ oanh tạc các căn cứ quân sự và kho tiếp liệu tại miền Bắc Việt Nam để chận đứng nguồn tiếp tế nhân lực, lương thực và khí giới cho lực lượng Cộng Sản từ miền Bắc xâm nhập vào miền Nam Việt Nam.

Nhưng sau cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân của Cộng Quân năm 1968, chính quyền của Tổng Thống Richard Nixon thuộc đảng Cộng Hòa – với cố vấn an ninh quốc gia và sau đó là Ngoại Trưởng Henry Kissinger – vì không được dân chúng và Quốc Hội Mỹ ủng hộ trong nỗ lực tiếp tục cuộc chiến tranh hao tổn kéo dài tại Đông Nam Á, đã bị bắt buộc phải tìm cách rút quân Mỹ ra khỏi “vũng lầy” Việt Nam qua kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh, giao việc chiến đấu chống quân Cộng Sản lại cho một mình Quân Lực VNCH.

Như vậy, nhà lãnh đạo Mỹ gỡ bỏ dần chính sách của Mỹ giúp VNCH tiếp tục cuộc chiến đấu chống quân Cộng Sản là Tổng Thống Nixon, nhưng ông không phải là vị tổng thống đã đưa ra lời cam kết giúp đỡ chính quyền Sài Gòn, bởi vì người đó là Tổng Thống Johnson của chính phủ trước. Chính quyền Nixon, vào Tháng Giêng, 1973, đã ký bản Hiệp Định Paris về chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình tại Việt Nam nhằm rút hết quân Mỹ về nước và chấm dứt hoàn toàn việc yểm trợ về mặt quân sự cho Quân Lực VNCH.

Khi ký Hiệp Định Paris và trước khi phải đột ngột từ chức vì vụ bê bối Watergate hồi Tháng Tám, 1974, Tổng Thống Nixon đã cam kết với Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu rằng ông sẽ tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho miền Nam Việt Nam, rồi nếu Cộng Sản Bắc Việt vi phạm các điều khoản trong Hiệp Định Paris mà quay trở lại tấn công VNCH thì ông sẽ trả đũa mạnh mẽ về quân sự, kể cả sự dụng các pháo đài bay B-52 để oanh tạc quân địch.

Tuy nhiên, Tổng Thống Gerald Ford, người kế nhiệm ông, đã không làm gì được khi Quốc Hội Mỹ quyết định cắt đứt viện trợ quân sự và kinh tế cho VNCH, và nhà lãnh đạo Mỹ cũng không cho quân đội Mỹ đến giúp Quân Lực VNCH khi Cộng Sản xua quân tấn công Căn Cứ Cửa Việt ngay sau Hiệp Định Paris, tràn ngập Căn Cứ Tống Lê Chân năm 1974, đánh chiếm Tiểu Khu Phước Long hồi đầu năm 1974, và kế đó là tấn công vào Ban Mê Thuột vào Tháng Ba, 1975, dẫn đến sự sụp đổ của Sài Gòn vào Tháng Tư, 1975.

Ngoài tính bất nhất trong chính sách về Việt Nam của Hoa Kỳ, chính quyền Washington còn có sai lầm là vừa quá sợ sệt Cộng Sản Trung Quốc, rồi lại vừa quá tin tưởng vào ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Hà Nội.

Vì quá sợ Trung Quốc nên quân đội Mỹ từ trong Nam không dám đánh thẳng ra Bắc hoặc oanh tạc các căn cứ quân sự sát với Hà Nội và gần biên giới Trung Quốc (từ vĩ tuyến 20 trở đi) để tiêu diệt các căn cứ tiếp liệu và hậu cần quan trọng của Cộng Sản đang phục vụ kế hoạch xâm nhập và đánh chiếm miền Nam.

Vì quá tin rằng Bắc Kinh có thể áp lực Hà Nội để họ không đánh chiếm ngay Sài Gòn mà đồng ý với giải pháp trung lập hóa miền Nam Việt Nam một thời gian, Hoa Kỳ thản nhiên đứng nhìn các chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương, rồi Dương Văn Minh bị Cộng Sản Bắc Việt uy hiếp.

Cũng vì quá tin tưởng rằng Trung Quốc không có tham vọng về biển đảo mà Hoa Kỳ đã làm ngơ để cho Bắc Kinh đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH trên Biển Đông hồi năm 1974.

Quân đội Hoa Kỳ có lỗi gì?

Nhìn chung, quân đội Hoa Kỳ đã hết lòng chiến đấu và luôn sát cánh với Quân Lực VNCH trong suốt cuộc chiến tranh, đồng thời tôn trọng sinh mạng của thường dân Việt Nam và đối xử nhân đạo với các tù binh Cộng Sản theo đúng Công Ước Geneva về tù binh mà Hoa Kỳ ký kết trong những cuộc hành quân lùng và diệt bộ đội chính quy và du kích quân Cộng Sản hoặc yểm trợ hỏa lực và phi pháo cho Quân Lực VNCH.

Tuy nhiên, một trong hai lỗi lầm đáng kể của quân đội Hoa Kỳ là những vụ đốt nhà dân chúng tại các vùng do Cộng Quân chiếm đóng mà quân Mỹ tấn công vào – như hình ảnh do báo chí Mỹ tung ra cho thấy lính Mỹ đang dùng hộp quẹt Zippo đốt một mái tranh nghèo ở một vùng quê trong một cuộc hành quân tảo thanh Việt Cộng.

Lỗi lầm thứ hai, nặng nề hơn nhiều và được gọi là Vụ Thảm Sát Mỹ Lai (The Mỹ Lai Massacre), là vụ lính Mỹ thuộc một trung đội dưới quyền Trung Úy William Calley của Tiểu Đoàn 4 Bộ Binh, Sư Đoàn Americal, đã ra tay sát hại hằng trăm dân chúng tại làng Mỹ Lai ở miền Trung Việt Nam sau khi du kích quân Cộng Sản dùng mìn bẫy và súng bắn tỉa sát hại một số lính Mỹ từng cho quà các trẻ nhỏ và được dân làng tỏ tình thân thiện chỉ vài ba hôm trước đó.

Dân chúng Hoa Kỳ có lỗi gì?

Dân chúng Hoa Kỳ cũng có lỗi nữa. Thứ nhất, hầu hết dân chúng Mỹ không ý thức được hiểm họa Cộng Sản bành trướng khắp nơi, từ Việt Nam cho tới Thái Lan, Philippines và Indonesia, khi họ chưa chứng kiến quân Cộng Sản tiến vào sân nhà của mình. Chuyện đánh chặn chủ nghĩa Cộng Sản từ xa thông qua chiến trường Việt Nam để cho nước Mỹ được yên ổn không có gì là hấp dẫn đối với dân chúng Mỹ đang hưởng thụ hòa bình và thịnh vượng nơi quê nhà.

Thứ nhì, khi số tổn thất của binh lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam lên cao, phong trào phản chiến tại Mỹ cũng dâng cao, tới độ không những đòi chính phủ Mỹ hết rút quân về nước mà, thông qua các đại biểu đầy quyền thế tại Quốc Hội, còn phải cắt luôn cả viện trợ quân sự lẫn kinh tế cho VNCH.

Sự bành trướng và sức mạnh của phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ đã dẫn đến việc Hoa Kỳ để mất miền Nam Tự Do, trước là vào tay Cộng Sản Bắc Việt và sau cùng là vào tay Trung Quốc, đúng theo chủ thuyết Domino mà Tổng Thống Eisenhower đã đưa ra từ thập niên 1950.

Hậu quả là nước Mỹ có thể mất luôn ảnh hưởng chính trị và quân sự tại vùng Đông Nam Á, rồi kế đó là toàn vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, để mặc cho Trung Quốc dần dà thực hiện giấc mộng bá chủ hoàn cầu của họ như thực tế cho thấy.

Thay lời kết

Trong sách “Cổ Học Tinh Hoa,” Hàn Phi Tử có kể câu chuyện về sự thay đổi chính sách hợp pháp từ Vua Tuyên Vương đến Vua Mẫn Vương của nước Tề (1048 đến 221 Trước Công Nguyên) vào đời nhà Chu bên Trung Hoa.

Tuyên Vương thích nghe sáo nhưng chỉ thích cả trăm người cùng thổi sáo một lượt, trong đó có Đông Quách Tiên Sinh, là kẻ không biết thổi sáo nhưng cũng cứ ăn ké vào đám nhạc công mà tồn tại. Khi Mẫn Vương kế vị, nhà vua cũng thích nghe tiếng sáo, nhưng lại đổi chính sách, bắt từng người một ra thổi cho mình nghe. Điều hiển nhiên là Đông Quách Tiên Sinh đành phải bỏ trốn.

Cũng vậy, chuyện các chính quyền nối tiếp nhau tại Washington thay đổi chính sách của Hoa Kỳ về Việt Nam phải được coi là chuyện thế gian thường tình. Nếu nói người Mỹ đã phản bội đồng minh khi bỏ rơi VNCH thì cũng chỉ đúng về mặt đạo đức mà thôi chứ không đúng về mặt thực tế chính trị.

Bản đồ Việt Nam bị chia cắt sau Hiệp Định Geneva 1954. (Hình: khanacademy.org)

Thật ra, cả trong thời Đệ Nhất lẫn Đệ Nhị Cộng Hòa, Hoa Kỳ chưa hề ký một hiệp ước an ninh hỗ tương nào với VNCH có nội dung và tầm vóc tương đương các hiệp ước phòng thủ của Mỹ với Nhật, Nam Hàn hoặc Úc. Hơn nữa, Hoa Kỳ là một nước dân chủ triệt để, và chuyện thay đổi chính quyền dẫn đến thay đổi chính sách của đất nước trong một lãnh vực nào đó cũng là điều hiển nhiên, cho dù nó quả là không “hợp tình” đối với một dân tộc có nền văn hoá nặng về tình cảm, trong đó có tính thủy chung, như Việt Nam.

Suốt thời Chiến Tranh Việt Nam, nước Mỹ chỉ đem của cải và xương máu ra giúp miền Nam Việt Nam bảo vệ nền tự do, dân chủ, chứ không hề chiếm đoạt hoặc lấy lại cái gì. VNCH được Quân Lực Mỹ hùng mạnh nhất thế giới đến trợ giúp mà vẫn bị xóa tên thì cũng chỉ là vì vận xui của đất nước và dân tộc Việt Nam mà thôi.

Nghĩ cho cùng, dù mắc phải một lỗi lầm nặng nề là vụ đảo chánh lật đổ và sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và dù mang tiếng “phản bội” dân chúng miền Nam Việt Nam, nước Mỹ vẫn là người bạn tốt nhất của VNCH trong thế kỷ trước, nhất là khi đem so sánh với các cường quốc khác cùng thời, như Pháp, Anh, Nhật… Đó là chưa kể đến chuyện đất nước Hoa Kỳ đang cưu mang hàng triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi để lánh nạn Cộng Sản nơi quê nhà sau biến cố năm 1975. (Vann Phan) [qd]

MỚI CẬP NHẬT