Thursday, April 25, 2024

Mũ Đỏ Út Bạch Lan kể chuyện ‘tình người trong cuộc chiến’

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

HOUSTON, Texas (NV) – Mũ Đỏ Trương Văn Út vào binh chủng Lượng Lực Đặc Biệt một thời gian thì giữa năm 1970, binh chủng này bị giải thể, ông chuyển sang binh chủng Nhảy Dù, và có mật danh Út Bạch Lan.

Cựu Đại Úy Trương Văn Út và vợ trong tiệc Tất Niên Gia Đình Mũ Đỏ 2018 tại Dallas, Texas. (Hình: Trương Văn Út cung cấp)

Cuối năm 1971, Sư Đoàn 320 Bắc Việt bắt đầu xâm nhập và gây áp lực cho Sư Đoàn 22. Lúc đó, căn cứ Đắc Tô là bộ tư lệnh tiền phương của Sư Đoàn 22 cũng bị Cộng Quân tấn công dữ dội. Đại Tá Lê Đức Đạt, tư lệnh Sư Đoàn 22, kêu cứu thì Bộ Tư Lệnh Nhảy Dù đưa Lữ Đoàn 2 Dù ra tiếp cứu.

Tham chiến mặt trận đồi Delta với quân Bắc Việt

Ông Út kể, khi đến Kon Tum, Đại Tá Trần Quốc Lịch, lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 2 Dù, mới quyết định thành lập căn cứ hành quân giả chiến Võ Định nằm giữa Kon Tum và Đắc Tô, hướng Tây có một rặng núi thuộc đuôi của dãy Trường Sơn, Sư Đoàn 22 thành lập căn cứ A và căn cứ B tại nơi này, và một căn cứ nữa, đó là căn cứ C tức Charlie.

Đồi Delta là một ngọn đồi nằm về hướng Nam Charlie, tại đây địch đã có một Tiểu Đoàn Phòng Không được Sư Đoàn 320 Bắc Việt bảo vệ.

Ông Út nhớ lại: “Ngày 17 Tháng Ba, 1972. Từ căn cứ Võ Định, Đại Đội Trinh Sát 2 Dù do tôi chỉ huy được lệnh đổ quân ngay trên đầu địch tại đồi Delta. Đơn vị đi đầu là Thám Sát thuộc Đại Đội Trinh Sát 2 Dù, gồm 14 chiếc trực thăng đổ quân, hai chiếc đầu là hai toán Viễn Thám, chiếc thứ ba có tôi và bảy quân nhân Mỹ; hai người mang máy truyền tin cùng một sĩ quan pháo binh (đề-lô).”

“Chiếc đầu tiên bay vô rồi lại bay ra, chiếc thứ hai cũng vậy, vì họ không phát hiện địch. Tôi đang ngồi chiếc thứ ba, rồi cũng không thấy gì ở dưới hết, tôi mới vỗ vai người phi công Việt Nam (Trung Úy Tấn) và nói ‘Bằng mọi giá, anh xuống liền cho tôi.’ Khi trực thăng hạ xuống còn cách mặt đất khoảng 3 mét, chúng tôi cùng nhảy xuống thì đã bị lọt vào ổ phục kích của Thượng Liên 12ly7 của địch,” ông kể thêm.

Cùng lúc, trực thăng đưa mấy toán Trinh Sát 2 vừa đến. Cộng Quân đã điều động một tiểu đoàn để bao vây Đại Đội 2 Trinh Sát. Lúc đó, ông Út vừa phân tán quân và vừa chiến đấu. Địch tràn lên, nhưng chỉ gặp những toán nhỏ của Trinh Sát 2 Dù. Những quân còn lại của Trinh Sát 2 đã bọc phía sau lưng địch để kích hoạt mìn Claymore vào bộ chỉ huy tiểu đoàn của địch. Trận này, địch bị tổn thất nặng. Đại Đội 2 Trinh Sát Dù bắt được đám tàn quân địch còn sống.

Ông kể tiếp: “Hôm đó, chúng tôi chiếm được ngọn đồi Delta, nhưng đến ngày hôm sau, Trung Đoàn 3 Bắc Việt điều động toàn bộ lực lượng bao vây đồi Delta. Lúc bấy giờ, Đại Đội 2 Trinh Sát cũng đã thấm mệt, đạn dược và lương thực gần cạn mà địch quân cư tấn công tràn ngập. Phi Đoàn Thần Tượng (Bạch Tượng) đã bay vào Đồi Delta tiếp ứng. Nhưng vì hỏa lực phòng không của địch quá mạnh, nên không thể tiếp tế đạn dược và lương thực cho Đại Đội Trinh Sát 2.”

Sau đó, Phi Đoàn Song Chùy đã anh dũng lách qua các ổ phòng không, và tiếp tế cho đại đội của ông Út được một chuyến duy nhất.

Khi Đại Đội 2 Trinh Sát Dù được Tiểu Đoàn 7 Dù vào thay thế ở đồi Delta, thì đơn vị của ông Út triệt xuất về căn cứ Võ Định. Lúc bấy giờ, Trung Úy Trương Văn Út được Trung Tướng Ngô Dzu, cựu tư lệnh Quân Khu II, gắn lon đại úy và cấp cho ông Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ Đẳng tại mặt trận.

Tâm linh của người lính chiến

Sau mặt trận Delta, Đại Đội 2 Trinh Sát “đụng nặng” với một trung đội súng nặng của Trung Đoàn 33 thuộc Sư Đoàn 320 Bắc Việt. Trung Sĩ Nhất Nguyễn Văn Minh, trưởng Ban Truyền Tin của Đại Đội Trinh Sát 2, bị một tràng AK-47 trúng ngay lồng ngực chết tại chỗ.
Ông tâm tình: “Tối đến, mặt trận tạm yên. Tôi mệt lã chập chờn trong giấc ngủ, bàn tay trái vẫn còn trên poncho bó xác của Minh. Chợt tai tôi nghe tiếng nói của Minh, ‘Đại úy ơi, mở ba lô của em ra, lấy cái poncho light của em mà đắp và giữ nó bên mình của đại úy, rồi mở cái poncho của em ra lấy cái thẻ bài gửi cho mẹ em và con Nguyệt (em gái của Minh), còn sợi dây chuyền có cái thẻ ngà bằng nanh heo rừng, đại úy hãy mang vào cổ đừng bao giờ rời nó.’”

“Tôi choàng tỉnh ngồi bật dậy. Trời hãy còn tối đen như mực, nhìn quanh bên cạnh vài thước, một người lính của tôi vẫn còn ghìm súng trong phiên gác nửa đêm. Tôi tự hỏi, có thật linh hồn của Minh vẫn còn quanh đây để về báo mộng cho tôi, hay chỉ là hư ảo qua tình cảm tiếc thương đứa em cận kề thâm tình bấy lâu nay mà sinh chuyện mộng mị,” ông kể thêm.

Sau đó, ông Út làm theo lời của Minh, thì quả thật, tất cả hiện vật đều đúng như Minh đã về báo mộng cho ông Út. Sáng hôm sau, ông Út nhận được công điện từ hậu cứ thông báo là, sáng nay, mẹ và em gái của Minh có đến văn phòng hậu cứ khóc lóc thảm thiết. Mẹ của Minh cho biết là Minh đã có về báo mộng cho mẹ mình đêm qua.

Tham chiến trận cổ thành Quảng Trị

Ngày 17 Tháng Tư, 1972, Tiểu Đoàn 11 Dù bị tổn thất nặng ở đồi Charlie. Thiếu Tá Nguyễn Đình Bảo tử trận.

Giữa Tháng Năm, 1972, Lữ Đoàn 2 Dù, gồm các Tiểu Đoàn 7, 9, một Tiểu Đoàn Pháo Binh và Đại Đội Trinh Sát 2 Dù triệt xuất Kon Tum về hậu cứ. Sau đó, Lữ Đoàn 2 Dù được lệnh tăng cường ra Huế chuẩn bị tái chiếm Quảng Trị.

Quận Mai Lĩnh nằm ở phía Đông Nam cổ thành Đinh Công Tráng, cách gần một cây số về hướng Bắc là làng Trí Bửu, trên nữa là Hạnh Hoa Thôn, nơi đây, địch dùng nơi đóng quân của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 325 của Bắc Việt, trang bị nhiều chiến xa, hỏa tiễn phòng thủ dọc theo con đường Duy Tân.

Cựu Đại Tá Đỗ Ngọc Nhận (phải) và cựu Đại Úy Trương Văn Út (giữa) tại Đại Hội 21 Võ Bị Quốc Gia Việt Nam 2018 tại San Jose, California. (Hình: Trương Văn Út cung cấp)

Toán Viễn Thám Trinh Sát 2 phát hiện địch quân đã nằm áp sát bên mình, gồm Bộ Binh và Thiết Giáp. Sau khi hai Tiểu Đoàn 11 và 5 Nhảy Dù về đến Quảng Trị, thì Tiểu Đoàn 11 và Pháo Binh Dù đã chiến thắng vẻ vang trên đồi Trần Văn Lý. Trong khi đó, một trung đội của Đại Đội 2 Trinh Sát có nhiệm vụ yểm trợ tản thương cho các thương binh của Tiểu Đoàn 11. Trung đội này không may bị ‘dính’ một trái mìn chống chiến xa của quân ta khiến cho một sĩ quan, một hạ sĩ quan cùng sáu binh sĩ chết tại chỗ và 17 bị thương nặng nhẹ. Chỉ năm ngày sau, quân số của trung đội này được cấp tốc bổ sung đầy đủ.

Sau đó, Lữ Đoàn 2 Dù vượt phòng tuyến bên bờ Nam sông Mỹ Chánh. Địch gồm ba Sư Đoàn Bắc Việt, cùng đại pháo 130 ly, hỏa tiễn phòng không, hoả tiễn chống chiến xa của Liên Xô. Địch đã điều nghiên chiến trường và chuẩn bị chu đáo để đối phó với Lữ Đoàn 2 Dù.

Chỉ trong vòng ba ngày đêm, đầu đội pháo, chân dẫm lên xác địch, tác xạ lao về phía trước vượt trên tuyến đường vài ba cây số ngập tràn máu lửa, đạn bắn như đan lưới. Hai Tiểu Đoàn 1 và 5 Dù đã tiến vào La Vang, Tiểu Đoàn 2 Dù đã vượt qua ngã ba Long Hưng áp sát vào vòng đai Cổ Thành Đinh Công Tráng, Trinh Sát 2 Dù có lệnh theo đuôi Tiểu Đoàn 7 Dù. Sau đó, Trinh Sát 2 đơn độc rẽ về hướng Đông để tiên phong xâm nhập vào quận Mai Lĩnh ban đêm. Tất cả ngụy trang tối đa, bảo toàn lực lượng để mở đường cho Tiểu Đoàn 7 và Đại Đội Trinh Sát 2 Dù tiến vào mục tiêu.

Hơn 21 ngày đêm Lữ Đoàn 2 Dù và Đại Đội Trinh Sát 2 đã đụng độ khốc liệt với quân Bắc Việt trên nhiều chiến trận, với sự yểm trợ của Pháo Binh, Bộ Binh, Thiết Giáp, Không Quân VNCH và Không Kỵ Hoa Kỳ (US First 1st Cavalry Division) để tái chiếm cổ thành Quảng Trị. Sau đó, Sư Đoàn Nhảy Dù được lệnh triệt thoái, và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) vào thay thế trong mặt trận này. Sư Đoàn Nhảy Dù tiếp tục hành quân sang hướng Tây Nam thành phố Quảng Trị, và bắt tay với Sư Đoàn 1 Bộ Binh để giữ tuyến từ La Vang xuống Ba Lòng kéo dài tận hướng Tây, Huế.

Đầu Tháng Chín, 1972, Sư Đoàn TQLC đã kiểm soát hoàn toàn thị xã Quảng Trị và cổ thành Đinh Công Tráng.

Những tháng năm cuối cùng trong cuộc chiến

Ông Út kể, Hiệp Định Paris ký kết vào 20 Tháng Giêng, 1973, toàn cả miền Nam được lệnh ngưng bắn. Đơn vị của Đại Úy Út không còn tham chiến trận nào đáng kể cả. Tháng Mười Một, 1973, ông bị tai nạn gãy ống quyển chân phải, nằm bệnh viện và dưỡng thương gần một năm.

Cuối năm 1973, Cộng Quân tiếp tục tấn công mạnh miền Nam. Đầu năm 1974, Cộng Quân bắt đầu gây áp lực đe dọa Quân Khu 1 (Đà Nẵng).

Ngày 20 Tháng Ba, 1975 Ban Mê Thuột bị thất thủ. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho Sư Đoàn Nhảy Dù khẩn cấp về Sài Gòn, còn Lữ Đoàn 3 Dù về tăng cường cho Quân Khu 2 ở mặt trận Khánh Dương. Sau đó, Lữ Đoàn 3 Dù tan hàng ở đây.

Ông Út chia sẻ: “Ngày 4 Tháng Tư, 1975, Lữ Đoàn 2 Dù được không vận ra Phan Rang, 10 ngày sau đó cũng tan hàng. Lúc đó, tôi được lệnh ở lại Sài Gòn để tiến hành thành lập Tiểu Đoàn 17 Dù (tân lập). Ngày 27 Tháng Tư, 1975, Tiểu Đoàn 17 Nhảy Dù tân lập được lệnh di chuyển từ căn cứ Long Bình về Sài Gòn để tăng cường lực lượng phòng thủ Phi Trường Tân Sơn Nhất, rồi có lệnh buông súng ba ngày sau đó. Lúc này, tôi là sĩ quan hành quân của Tiểu Đoàn 17 Nhảy Dù, tiểu đoàn trưởng đã rời khỏi đơn vị trước đó hai ngày.”

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, toàn miền Nam bị thất thủ. Cựu Đại Úy Trương Văn Út và nhiều sĩ quan của Quân Lực VNCH phải vào tù “cải tạo” của Cộng Sản. Sau một năm tù đày, Út Bạch Lan trốn trại “cải tạo,” ẩn náu về Mỹ Tho sống bằng nghề đạp xích lô để tìm đường vượt biên.

Tình người trong cuộc chiến

Ông Út nhớ lại: “Sau cuộc hành quân Hạ Lào 719, đơn vị của ông được lệnh thám sát vào Chiến Khu D của địch. Đại Đội Trinh Sát 2 Dù hợp cùng trực thăng võ trang Không Kỵ Hoa Kỳ đã tiêu diệt một số Cộng Quân tại Chiến Khu D; một số đã di chuyến về nơi khác. Trinh Sát 2 Dù đã khám phá một bệnh xá cấp trung đoàn của Việt Cộng, và bắt được ba nữ tù binh đều là y tá viên của Việt Cộng Miền Nam.”

Khi đọc tờ khẩu cung, thì ông mới biết tên y tá thứ nhất là Nguyễn Thị Yến, sinh quán ở Chợ Gạo, Mỹ Tho, cựu học sinh trung học bán công Thiên Hộ Dương, vào bưng cuối năm 1969 và hiện là y tá cho bệnh xá này cùng hai nữ ý tá Trần Thị Ánh và Ngô Thị Hạnh. Cả ba đều bị bắt trong lúc trốn ẩn nấp dưới hầm.

Sau khi điều tra về cô Yến thì ông Út mới biết, khi cô 10 tuổi, cha của Yến theo kháng chiến Việt Minh rồi bị bắt giam, sau hơn ba năm điều tra, ông được phóng thích và qua đời sau vài tháng vì bị bệnh. Gia đình Yến sống trong vùng “xôi đậu,” ban ngày với sự kiểm soát của Quốc Gia, ban đêm Việt Cộng về làng hoạt động.

Sau đó, Việt Cộng lợi dụng Yến còn ngây thơ đã tuyên truyền những oán hận là chính phủ VNCH đã gây ra cái chết ba của Yến. Vì thế, năm 1967, Yến vừa tròn 20 tuổi, cô bắt đầu hoạt động cho Việt Cộng với nhiệm vụ liên lạc với các tổ nội thành ở Chợ Hàng Bông Mỹ Tho.

Ông Út kể: “Lúc đó tôi mới hỏi Yến, cô đã bị chúng tôi bắt, cô có biết số phận của cô sẽ ra sao hay không? Thì Yến mới trả lời rằng, ‘Thưa anh, đã được sinh ra đời thì ai cũng cầu được sống, chớ chẳng có mấy ai cầu cho mình chết cả. Nhưng sống hay chết thì do định số đã an bày. Ngay lúc này, đối với các anh phía VNCH thì chúng tôi có tội, nay chúng tôi đã bị các anh bắt, thì mạng sống của chúng tôi, tùy các anh định đoạt.’”

“Tôi nghe Yến kể rất bình thản, bùi ngùi an phận theo nghiệp số của con người. Tâm tư tôi có chút xao động, vì không ngờ một cô gái còn son trẻ lại nghe theo lời tuyên truyền của Việt Cộng, mà theo tôi thì cô cũng có chút trình độ học vấn của chánh phủ VNCH. Tôi hỏi thêm thì cô trả lời là, cô đã học đến lớp Đệ Tam ban C (Hán văn),” ông kể thêm.

Sau đó, vì chưa báo cáo với cấp trên về vụ đơn vị đã bắt được ba nữ tù binh Việt Cộng, và cũng vì tình người trong cuộc chiến, nên Đại Úy Út đã thả ba nữ y tá Việt Cộng này với hình thức là cho tử hình ba cô, nhưng không bắn vào người mà chỉ bắn lên trời để cho ba cô chạy thoát.

Trong lúc đạp xích lô ở Mỹ Tho, thì tình cờ ông gặp lại cô Nguyễn Thị Yến. Lúc bấy giờ, Yến là phó giám đốc bệnh viện Mỹ Tho. Chồng của cô là cựu giáo sư văn chương của trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho.

Mũ Đỏ Út Bạch Lan (phải) đứng cạnh vợ chồng cựu Chuẩn Tướng Trần Quốc Lịch, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh. (Hình: Trương Văn Út cung cấp)

Cuộc đời đẩy đưa hai con người không cùng giới tuyến chính trị trong thời chiến, trở thành hai người bạn thân thiện phát xuất từ tấm lòng tình người trong cuộc chiến. Gặp nhau, tuy ngỡ ngàng, nhưng từ sự biết ơn và thân thiện của Yến đã cho cựu chiến sĩ Nhảy Dù Út Bạch Lan rất ấm lòng.

Tháng Ba, 1982, Út Bạch Lan được bằng hữu giúp đỡ xuống tàu vượt biên thành công, và được định cư tại Houston, Texas, ngày 12 Tháng Mười Hai, 1983.

Năm 2014, một cú điện thoại từ Boston, Massachusetts, gọi cho Út Bạch Lan, đầu dây bên kia là vợ chồng Yến và Tân. Họ định cư tại Hoa Kỳ theo diện bảo lãnh thân nhân. Câu chuyện “tình người trong cuộc chiến” đã trở thành tình đồng hương tại hải ngoại.

Cố nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại cho đời qua câu nhạc “Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai.” (Lâm Hoài Thạch) [qd]

Xem lại kỳ trước: Mũ Đỏ Trương Văn Út và mật danh hành quân Út Bạch Lan

MỚI CẬP NHẬT