Thursday, March 28, 2024

Mùa Hè Đỏ Lửa 1972: ‘An Lộc địa sử ghi chiến tích’

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Trận An Lộc hồi Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, một trong những trận đánh lớn nhất và nổi danh nhất trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam, kéo dài 66 ngày (từ 13 Tháng Tư đến 18 Tháng Sáu, 1972) và kết thúc với chiến thắng cam go của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Lúc đó, cả hai phía trong cuộc chiến đều tung vào mặt trận những đơn vị tinh nhuệ nhất và với quyết tâm cao nhất để giành lấy thắng lợi trên một chiến trường chỉ nằm cách thủ đô Sài Gòn của VNCH có 140 cây số về phía Nam.

Bối cảnh trận chiến tại An Lộc

Quận An Lộc thuộc tỉnh Bình Long nằm trong tầm ngắm của Quân Đội Nhân Dân Cộng Sản Bắc Việt hồi Mùa Hè Đỏ Lửa vì vị trí chiến lược của thị trấn này trên quốc lộ 13 dẫn về thủ đô Sài Gòn. An Lộc cũng là nơi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam nhắm nhía muốn chiếm lấy làm thủ đô để củng cố thế lực chính trị của họ trong cuộc hòa đàm Paris đang diễn tiến bên Pháp nhằm chấm dứt cuộc Chiến Tranh Việt Nam đã kéo dài từ năm 1960 đến thời điểm đó.

Để bảo vệ Bình Long và thủ phủ An Lộc, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III Quân Lực VNCH giao trách nhiệm phòng thủ nơi đây cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng. Sau khi quận Lộc Ninh, ở gần biên giới với Cambodia và cách An Lộc 32 cây số về phía Bắc, bị Cộng Quân tràn ngập, các thành phần còn lại của Sư Đoàn 5 kéo về cố thủ tại An Lộc để quyết chiến với một lực lượng tấn công đông gấp bội, gồm khoảng ba sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam kết hợp lại, với sự yểm trợ của các đơn vị chiến xa và phòng không hùng hậu.

Vào cùng thời điểm Lộc Ninh bị tấn công, Sư Đoàn 7 Cộng Sản Bắc Việt đã cắt đứt quốc lộ 13 tại nhiều nơi để ngăn chặn viện binh và đồ tiếp tế đến An Lộc nhằm cô lập hóa thị trấn này.

Mặt trận An Lộc

Mặt trận An Lộc bắt đầu ngày 13 Tháng Tư bằng một loạt các cuộc pháo kích của Cộng Quân với khoảng 7,000 đạn pháo đủ loại mỗi ngày vào thị trấn nhỏ bé này, nhanh chóng biến nhiều nhà cửa và các công trình xây dựng nơi đây thành đống gạch vụn. Lực lượng Sư Đoàn 5 phòng thủ An Lộc bao gồm ba Trung Đoàn 7, 8 và 9 mà quân số đã hao hụt phần nào từ Trận Lộc Ninh, cộng với Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân cùng với các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân Bình Long. Các lực lượng này được tăng cường bằng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù và Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù được trực thăng vận vào An Lộc vì quốc lộ 13 đã bị địch quân cắt đứt.

Các đơn vị thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh cũng được lệnh tiến về An Lộc để tăng cường khả năng phòng thủ cho Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, vị tư lệnh mặt trận. Nhưng lực lượng này đã không vào được An Lộc kịp thời vì bị Cộng Quân đánh chặn và cầm chân từ xa. Vì thiếu thốn đạn dược, hỏa lực của các đơn vị pháo binh tại An Lộc rất giới hạn, và tất cả đều trông chờ vào sức yểm trợ phi pháo của Hải và Không Quân Hoa Kỳ, kể cả các phi cơ vận tải võ trang AC-119 và AC-130E cùng các pháo đài bay B-52. Không Quân VNCH cũng tham gia yểm trợ chiến trường bằng các khu trục cơ A-1 Skyraider và oanh tạc cơ phản lực A-37.

Trong đợt đầu của cuộc tấn công vào An Lộc, Cộng Quân đã chiếm lĩnh được một số ngọn đồi ở mạn Bắc thị trấn để rồi từ đó, được các chiến xa T-54 và PT-76 yểm trợ, tiến lên chọc thủng các phòng tuyến do Trung Đoàn 8 Bộ Binh và Biệt Động Quân trấn giữ. Tướng Hưng đã phải cấp tốc thành lập các toán đánh chiến xa địch, trang bị bằng loại rốc-kết chống chiến xa M72, để kịp thời đối phó với diễn biến mới mẻ này trên chiến trường.

Cuộc tấn công lần thứ nhì vào An Lộc diễn ra vào ngày hôm sau, 15 Tháng Tư, sau khi các đơn vị Nhảy Dù tăng cường đã nhảy vào phía Tây An Lộc. Cộng Quân cũng khởi sự trận chiến bằng một loạt pháo kích phủ đầu trước khi chiến xa và từng đợt quân tùng thiết đánh thẳng vào các vị trí phòng thủ của quân bạn. Cuộc chiến khốc liệt gia tăng cường độ từng giờ với việc Cộng Quân đẩy lùi lực lượng phòng thủ sâu vào trung tâm thị trấn, mặc dù rất nhiều chiến xa địch đã bị quân bạn bắn hạ. Đà tiến của Cộng Quân chỉ bị chặn lại sau khi có sự can thiệp của các phi đội B-52 từ Thái Lan bay qua. Vào ngày hôm sau, chiến cuộc khởi sự lắng dịu.

Đợt tấn công thứ ba của bộ đội Cộng Sản Bắc Việt là từng đợt pháo kích bằng trọng pháo vào các vị trí phòng ngự trong thị trấn. Cộng Quân còn dời nhiều ổ súng phòng không vào gần hàng rào phòng thủ của An Lộc, khiến các trực thăng của Không Quân VNCH không thể nào thực hiện việc tiếp tế đạn được và lương thực cho quân trú phòng trong suốt mấy tuần lễ sau đó. Kể từ ngày 2 Tháng Năm, Không Quân Hoa Kỳ đã phải áp dụng một phương pháp tiếp tế mới là thả dù đồ tiếp tế từ trên cao để tránh đạn phòng không, và dù chỉ bung ra khi tới gần mặt đất để đồ tiếp tế khỏi rơi lạc vào vị trí địch. Hàng trăm tấn đạn được và thực phẩm đã được an toàn thả xuống mục tiêu bằng kỹ thuật này.

Vào ngày 11 Tháng Năm, Cộng Quân thuộc Sư Đoàn 5 và Sư Đoàn 9 Cộng Sản Bắc Việt phát động đợt tấn công thứ tư vào An Lộc bằng một cuộc xung phong hợp đồng binh chủng, với chiến xa và quân bộ chiến đồng loạt tiến vào mục tiêu. Vì Chuẩn Tướng Hưng đã ra lệnh tử thủ An Lộc, các chiến sĩ VNCH thuộc mọi binh chủng đều kiên quyết giữ vững vị trí chiến đấu để tìm cái sống trong cái chết cận kề.

Do bởi cuộc tấn công lần này của Cộng Quân quá khốc liệt với mục đích chiếm cho được An Lộc bằng mọi giá, hầu như tất cả các pháo đài bay B-52 của Mỹ tại Đông Nam Á đều được trưng dụng để giúp quân trú phòng giữ vững các phòng tuyến, và bom được thả xuống từng lốc phố có bề ngang 1 cây số và bề dọc 3 cây số như đã được phân định trước. Trong hai ngày 11 và 12 Tháng Năm, từng phi đội 3 chiếc B-52 một lượt đã trút xuống các lốc phố tại thị trấn đang bị địch quân bao vây hàng trăm tấn bom trong suốt 30 giờ liên tiếp, khiến có hơn một trung đoàn Cộng Quân bị quét sạch khỏi chiến trường trong đợt này.

Bất chấp hỏa lực khủng khiếp của phi pháo, Cộng Quân vẫn tiến sâu vào các mục tiêu đã dịnh để tìm cách len lỏi vào các vị trí phòng thủ của quân bạn nhằm giảm bớt nguy cơ bị B-52 đánh trúng, có khi chỉ còn vài trăm mét nữa là tới hầm chỉ huy của Chuẩn Tướng Hưng. Dù vậy, Tướng Hưng và các chiến sĩ tại An Lộc vẫn tổ chức những đợt phản công đánh địch, nhờ thế mà giữ vững được phòng tuyến.

Vào ngày 19 Tháng Năm, để kỷ niệm sinh nhật của Hồ Chí Minh, Cộng Quân lại mở đợt tấn công thứ năm vào An Lộc với quyết tâm cao hơn nhằm “lập công dâng đảng.” Các lực lượng VNCH tử thủ nơi đây, vốn không lạ gì với tập quán đó của bộ đội Cộng Sản, đã bình tĩnh đẩy lùi từng đợt tấn công của Cộng Quân với sự yểm trợ hữu hiệu của Không Quân VNCH và Không Quân Hoa Kỳ.

Kể từ ngày 9 Tháng Sáu, các lực lượng VNCH, trong đó có Thiết Giáp, đã thành công khai thông được quốc lộ 13 trên đường tiến vào An Lộc, thổi một luồng sinh khí mới cho quân trú phòng sau gần hai tháng trời bị địch quân tấn công và bao vây nghiệt ngã. Viện quân VNCH đã dần dần chiếm lại nhiều khu vực rộng lớn chung quanh con lộ huyết mạch này để nới rộng phạm vi kiểm soát lãnh thổ tại Bình Long sau những đợt tấn công dữ dội của Cộng Quân vào những ngày đầu của Mùa Hè Đỏ Lửa. Và cho tới ngày 18 Tháng Sáu, chiến cuộc tại Bình Long coi như kết thúc.

Vào ngày 7 Tháng Bảy, 1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bay vào An Lộc để gắn huy chương cho Tướng Tư Lệnh Lê Văn Hưng và Đại Tá Tỉnh Trưởng Bình Long Trần Văn Nhựt cùng các chiến sĩ hữu công đã anh dũng đẩy lùi các đợt tấn công của lực lượng Cộng Sản Bắc Việt vào An Lộc và bảo toàn lãnh thổ Tiểu Khu Bình Long.

Chào mừng “Bình Long Anh Dũng”

Sau chiến thắng vang dội tại An Lộc, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đã khen tặng quân và dân Bình Long bốn chữ “Bình Long Anh Dũng.” Báo chí truyền thông quốc tế, gồm các hãng thông tấn lớn và nhật báo đương thời, đều có bài viết và bình luận về Trận An Lộc với những lời ca ngợi sức chiến đấu anh dũng của các đơn vị Quân Lực VNCH tham chiến trên một chiến trường từng được các cố vấn quân sự Mỹ lúc bấy giờ gọi là “Địa Ngục Trần Gian” (“Hell on Earth”).

Chào mừng “Bình Long Anh Dũng,” quân và dân Miền Nam Tự Do không thể nào quên được những hy sinh xương máu lớn lao mà các chiến sĩ Quân Lực VNCH đã đổ ra để bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc trước cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng Sản Quốc Tế hồi hạ bán thế kỷ trước. Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, một trong các đơn vị từng lập công đầu tại Mặt Trận An Lộc, đã có vinh dự được Cô Giáo Pha của Tỉnh Bình Long thương tặng hai câu thơ sau đây để được khắc in nơi cổng vào của nghĩa trang tử sĩ tại Bình Long: “An Lộc địa sử ghi chiến tích/ Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.”

Cái gì đã tạo nên chiến thắng vang dội của Quân Lực VNCH trước đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt tại An Lộc? Xin thưa, đó là ý chí quyết chiến, quyết thắng của các đơn vị tham gia phòng thủ An Lộc, mà tiêu biểu là lời thề “tử thủ An Lộc” của Tướng Tư Lệnh Mặt Trận Lê Văn Hưng. Và cũng chính quyết tâm tử thủ của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn, Đại Tá Lý Tòng Bá và Đại Tá Lê Đức Đạt trên chiến trường Kon Tum đã tạo nên một “Kon Tum Kiêu Hùng” giữa Mùa Hè Đỏ Lửa.

Điều bi tráng nhất là chính Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, người hùng An Lộc năm nào, lại chính là một trong năm vị Hổ Tướng Quân Lực VNCH đã tuẫn tiết vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, để giữ vẹn lời thề “tướng mất theo thành” khi Sài Gòn sụp đổ vào tay các lực Cộng Sản Bắc Việt. (Vann Phan) [qd]

MỚI CẬP NHẬT