Saturday, April 20, 2024

Mùa Hè Đỏ Lửa: Bình Định quyết chiến, quyết thắng

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Mặt Trận Bình Định, kéo dài từ đầu Tháng Tư đến cuối Tháng Bảy, 1972, là cuộc đọ sức giữa các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Cộng Quân, gồm bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt phối hợp với các lực lượng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại tỉnh Bình Định trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Các trận đánh tại đây thường ít được nhắc đến vì quy mô tương đối nhỏ so với ba mặt trận chính tại Kon Tum, Bình Long và Quảng Trị.

Bản đồ Bình Định. (Hình: sqhq25.org)

Tuy nhiên, các cuộc giao tranh tại mặt trận này cũng không kém phần ác liệt vì có sự tham dự của Sư Đoàn 3 Sao Vàng, sư đoàn đầu tiên của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được thành lập hồi năm 1965, và về phía Quân Lực VNCH tham gia chiến trận có Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân, các thành phần thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh từ Kon Tum kéo về, các chi đoàn Thiết Giáp, cùng các lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân Tiểu Khu Bình Định, trong khi các đơn vị tổng trừ bị Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến đang bị kẹt tại các mặt trận lớn khác.

Hai giai đoạn của Mặt Trận Bình Định

Các trận đánh tại Mặt Trận Bình Định gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (9 Tháng Tư đến 14 Tháng Bảy) là lúc Cộng Quân bất thần tấn công và chiếm giữ ba quận Hoài Ân, Hoài Nhơn và Phù Mỹ ở phía Bắc tỉnh Bình Định, và giai đoạn 2 (từ 15 Tháng Bảy đến 25 Tháng Bảy) là lúc các lực lượng VNCH khởi sự cuộc hành quân tái chiếm các vùng đất đã mất và giải phóng toàn bộ phần lãnh thổ phía Bắc Bình Định, đồng thời khai thông đoạn Quốc Lộ 1 chạy qua tỉnh Bình Định.

-Giai đoạn 1:

Ngày 9 Tháng Tư, 1972, Trung Đoàn 21 thuộc Sư Đoàn 3 Sao Vàng đồng loạt khởi sự đánh chiếm các đồn bót của Tiểu Khu Bình Định tại Gò Lôi, Bàu Đá, Bàu Sen, Phú Khương, Gò Thị, Đồng Bích… thuộc Chi Khu Hoài Ân. Các đơn vị thuộc Trung Đoàn 40 của Sư Đoàn 22 Bộ Binh cùng lực lượng thiết giáp tổ chức phản công nhưng không đánh bật được Cộng Quân ra khỏi những nơi bị họ chiếm giữ. Cộng Quân tiếp tục tấn công vào Phù Mỹ và Hòn Bồ, khiến lực lượng Sư Đoàn 22 Bộ Binh phải rút khỏi những nơi này.

Từ ngày 18 đến 19 Tháng Tư, Cộng Quân tiếp tục đánh chiếm các vị trí như Đồi 75, Truông Sỏi, Núi Mộ, Núi Bụt, Du Tự, Thanh Tú… Trung Đoàn 40 Bộ Binh phải rút quân ra khỏi Quận Hoài Ân dưới sự yểm trợ hỏa lực của Sư Đoàn 6 Không Quân VNCH. Cộng Quân, sau đó, đã tấn công và tràn ngập hàng chục đồn bót của quân bạn từ Nam Bồng Sơn đến Đèo Nhông.

Ngày 29 Tháng Tư, Cộng Quân đánh chiếm các cứ điểm Tam Quan, Bồng Sơn và Hoài Nhơn. Ngày 1 Tháng Năm, căn cứ Đệ Đức của Quân Lực VNCH bị tấn công và tràn ngập, khiến phân nửa lực lượng đồn trú bên trong và bên ngoài căn cứ – gồm khoảng 1,000 binh sĩ – vừa chết vừa bị bắt làm tù binh, trong khi khoảng 600 quân bạn rút lui về các tiểu khu Quảng Ngãi và Quảng Nam.

-Giai đoạn 2:

Từ đầu Tháng Bảy, 1972, các đơn vị Quân Lực VNCH, chủ yếu là Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân và Sư Đoàn 22 Bộ Binh, đã mở các cuộc hành quân tái chiếm các vùng lãnh thổ đã mất vào tay Cộng Quân tại Bắc Bình Định trong những ngày đầu của cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa.

Ngày 15 Tháng Bảy, các chiến sĩ Trung Đoàn 40 và 41 thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh đã khởi sực các cuộc hành quân nhằm lấy lại ba quận phía Bắc Bình Định đang bị Cộng Quân chiếm đóng. Ngày18 Tháng Bảy, lực lượng Biệt Động Quân gồm các Tiểu Đoàn 11, 22 và 23 được lệnh tăng phái cho Sư Đoàn 22 Bộ Binh trong Chiến Dịch Quang Trung, với sứ mạng tái chiếm Bồng Sơn, Tam Quan đồng thời giải tỏa áp lực của Cộng Quân và khai thông Quốc Lộ 1 từ Đèo Nhông đến Đèo Bình Đê tiếp giáp với Sa Huỳnh, Quảng Ngãi.

Ngày 23 Tháng Bảy, các trực thăng của Không Quân VNCH vận chuyển các chiến sĩ Mũ Nâu vào trận địa trong khi trọng pháo từ các chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ liên tục bắn yểm trợ cho cuộc hành quân. Khi các chiến sĩ Biệt Động Quân vừa rời khỏi những chiếc trực thăng đổ quân đó thì đồng bào tị nạn tại các quận bị Cộng Quân chiếm đóng cũng kéo nhau tràn lên máy bay để được di tản về vùng tự do, đôi khi ngay dưới lằn đạn pháo kích của Cộng Quân. Chỉ sau hai ngày chạm súng, Tam Quan đã được giải tỏa khi Cộng Quân tháo chạy.

Sau đó, các chiến sĩ Biệt Động Quân và Sư Đoàn 22 Bộ Binh cũng lần lượt giải tỏa được Đệ Đức rồi sau đó là Bồng Sơn, Hoài Nhơn. Lực lượng hành quân của Quân Lực VNCH cũng hoàn thành nhiệm vụ khai thông khoảng 50 cây số trên quốc lộ 1 từng bị cắt đứt vì các chốt chận của Cộng Quân.

Ngày 26 Tháng Bảy, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân Đoàn II và Vùng II Chiến Thuật, Đại Tá Phan Đình Niệm, tư lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, và Đại Tá Phạm Duy Tất, chỉ huy trưởng Biệt Động Quân Quân Khu II, cùng một phái đoàn báo chí từ Sài Gòn bay ra, đã đến viếng thăm và ủy lạo các chiến sĩ Biệt Động Quân và Sư Đoàn 22 Bộ Binh chiến thắng và giành lại ba quận Bắc Bình Định sau hơn ba tháng trời bị Cộng Quân chiếm đóng.

Chiến thắng Bình Định đập tan âm mưu chiếm đất, giành dân của Cộng Sản

Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã vinh danh các đơn vị Quân Lực VNCH, và đặc biệt là quân và dân Bình Định, trong thành tích tái chiếm các vùng lãnh thổ tại Bắc Bình Định từng bị mất vào tay Cộng Quân trong Mùa Hè Đỏ Lửa bằng sáu chữ “Bình Định Quyết Chiến, Quyết Thắng.”

Chiến thắng của Quân Lực VNCH tại Mặt Trận Bình Định tuy không lớn lao cho bằng những chiến thắng vang dội khác tại Kon Tum, Bình Long và Quảng Trị nhưng lại mang một ý nghĩa đặc biệt khi chiến thắng này đã cụ thể đập tan âm mưu chiếm đất, giành dân và bám trụ của Cộng Sản tại phần lãnh thổ phía Bắc tỉnh Bình Định để chờ ngày ký Hiệp Định Paris (27 Tháng Giêng, 1973) về ngưng chiến tại chỗ và lập lại hòa bình tại Việt Nam khi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã có được một vùng đất cắm dùi tại Bắc Bình Định, cắt ngang quốc lộ 1 chạy từ Bắc xuống Nam.

Âm mưu này đã lộ rõ khi bộ đội Cộng Sản khởi sự ngay việc quản trị hành chánh tại ba quận Hòa Ân, Hoài Nhơn và Phù Mỹ mà họ chiếm được từ Tháng Tư, 1972, với một hệ thống chính quyền rập khuôn theo các Ủy Ban Nhân Dân huyện và xã tại miền Bắc Cộng Sản, trong đó các thủ tục như nộp thuế nuôi quân và đấu tố địa chủ cùng cường hào, ác bá địa phương được mang ra thi hành.

Trong khi đó, theo một đoạn bút ký của phóng viên chiến trường Hồng Phúc tại Mặt Trận Bình Định trên trang mạng dongsongcu.wordpress.com, đoàn quân chiếm đóng của Cộng Sản, một mặt, tổ chức những “đám cưới tập thể” giữa bộ đội và các cô gái Bình Định, và mặt khác, ra sức cổ động phong trào “ủng hộ chiến sĩ” để cho bộ đội có dịp quan hệ tình cảm với một số phụ nữ địa phương trong mưu đồ “gieo giống cách mạng” ngay trong lòng những vùng lãnh thổ bị họ tạm chiếm tại Bắc Bình Định.

Chính sách này cho thấy Cộng Sản Bắc Việt đã đánh hơi biết được phần nào kết quả sau cùng của cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam – là Cộng Sản Bắc Việt thế nào cũng đánh chiếm được Sài Gòn và chính quyền VNCH sẽ tan rã – sau khi Hoa Kỳ đã ký Hiệp Định Paris 1973 với mục đích ưu tiên là để cho quân đội Mỹ tại Việt Nam có thể “rút lui trong danh dự” và Washington có thể an toàn hồi hương 591 tù binh Mỹ, hầu hết là các phi công, đang bị Cộng Sản Bắc Việt giam giữ trong suốt thời gian Chiến Tranh Việt Nam. (Vann Phan) [qd]

MỚI CẬP NHẬT