Thursday, April 25, 2024

Mùa Hè Đỏ Lửa: Mặt trận Kon Tum

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Sau khi Đồi Charlie thất thủ (ngày 14 Tháng Tư, 1972) và Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù của cố Trung Tá Nguyễn Đình Bảo dưới quyền của Thiếu Tá Lê Văn Mễ, quyền tiểu đoàn trưởng, rút quân về căn cứ Tân Cảnh (nơi đặt bộ chỉ huy của Sư Đoàn 22 Bộ Binh), bộ đội Cộng Sản Bắc Việt liền dồn quân tiến đánh thành phố Kon Tum, mục tiêu chính trong Chiến Dịch Bắc Tây Nguyên 1972 của Cộng Quân.

Bản đồ chiến sự tại Kon Tum. (Hình: en.wikipedia.org)

Bối cảnh mặt trận Kon Tum

Nhưng trước khi tiến về Kon Tum, Cộng Quân quyết định đánh chiếm Tân Cảnh. Trong những ngày 20, 21 và 22 Tháng Tư, 1972, Cộng Quân đã áp sát và bao vây Tân Cảnh, nơi đặt bản doanh của Đại Tá Lê Đức Đạt, tư lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, có sự trợ lực của Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù đóng tại Phi Trường Phượng Hoàng ở gần đó.

Từ chiều tối ngày 21 Tháng Tư, địch bắt đầu gia tăng nã pháo vào căn cứ này. Vào lúc 2 giờ sáng ngày 23 Tháng Tư, khoảng 15 chiến xa địch từ hướng Dakto chạy tới đã tiến vào phía cổng chính Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, đồng thời pháo binh địch khởi sự bắn đại bác không giật và đại liên vào căn cứ. Các quân nhân đồn trú trong căn cứ cố gắng chống trả, nhưng 8 trong số 10 chiến xa bảo vệ căn cứ đã bị hỏa tiễn AT3 của Cộng Quân bắn cháy. Dù biết Cộng Quân rất đông, lực lượng phòng thủ đã kháng cự mãnh liệt suốt ngày với sự yểm trợ tối đa của Không Quân Việt Nam.

Sau khi toán cố vấn Mỹ dưới quyền Đại Tá Philip Kaplan lên trực thăng rút khỏi căn cứ, Đại Tá Đạt biết tình hình rất bi đát và thế nào địch cũng sẽ tràn ngập căn cứ. Vị đại tá ra lệnh cho tất cả các sĩ quan và binh sĩ hãy tìm cách thoát ra ngoài trước khi trời sáng. Đến 1 giờ trưa, thiết giáp xa PT 76 của địch đã vào tới cột cờ, căn cứ Tân Cảnh thất thủ, và vị tư lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, Đại Tá Lê Đức Đạt, tử trận. Vào lúc này, các cánh quân thuộc Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù cũng đang bị tấn công mạnh trong khi bốn đại đội tác chiến đều ở ngoài nên lực lượng Nhảy Dù không thể tiếp cứu cho bộ chỉ huy của Đại Tá Đạt.

Cộng Quân bao vây và tấn công thành phố Kon Tum

Thành phố tỉnh lỵ Kon Tum nằm trong một thung lũng, chung quanh là đồi núi cao, bên cạnh bờ sông Dak-Bla, ở phía Bắc, uốn quanh như con rồng rất đẹp và cảnh trí hai bên bờ sông rất thơ mộng. Kon Tum, với dân số 25,000 người, đã sống trong hoang mang, dao động cao độ và chuẩn bị tản cư vì sợ Cộng Quân sẽ đánh chiếm thành phố.

Cộng Quân đã chờ tới 20 ngày sau khi chiếm Tân Cảnh mới tiến quân vào Kon Tum, chứng tỏ Sư Đoàn 320 và Sư Đoàn 2 của Cộng Quân đã bị tổn thất nặng nề trong các cuộc giao tranh ác liệt trước đó với Sư Đoàn 22 Bộ Binh và các đơn vị Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù. Phối trí xong lực lượng phòng thủ Kon Tum, Thiếu Tướng Ngô Du, tư lệnh Quân Đoàn II và Vùng II Chiến Thuật, ngã bệnh. Tại Sài Gòn, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Đại Tướng Cao Văn Viên chọn Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn thay thế, vì vị tướng này đồng ý tử thủ tại Kon Tum. Đầu Tháng Năm, 1972, Tướng Toàn đến Pleiku. Đại Tá Lý Tòng Bá, tư lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, được chỉ định làm tư lệnh mặt trận Kon Tum.

-Cộng Quân tấn công Kon Tum đợt 1:

Khoảng 5 giờ sáng ngày 14 Tháng Năm, Cộng Quân bắt đầu nổ súng tấn công thẳng vào thành phố Kon Tum. Trực thăng chỉ huy của Tướng Toàn cấp tốc bay về hướng Kon Tum bất kể sương mù trong lúc pháo đài bay B-52 vào vùng thả xuống mặt trận hàng nghìn quả bom đủ loại trên đầu Sư Đoàn 320 và Sư Đoàn 2 của Cộng Quân. Tiếp theo, từng đoàn khu trục cơ A-37 và AD-6 của Sư Đoàn 6 Không Quân VNCH bay vào mục tiêu, tiếp tục thả bom và bắn vào các chiến xa và các ổ phòng không địch. Vì bị áp lực quá mạnh của bom, nhiều đoàn quân của Cộng Quân bị ngất ngư, đã hốt hoảng chạy lui về phía sau, để rồi lại bị trực thăng võ trang Cobra bọc hậu thanh toán. Trong cuộc tấn công này, Cộng Quân đã thiệt mất ít nhất  là 1,000 người và 20 chiến xa T-54.

Cố Vấn John Paul Vann (giữa, hàng đầu), một trong những người hùng tại mặt trận Kon Tum. (Hình: worldhistoryproject.org)

-Cộng Quân tấn công Kon Tum đợt 2:

Sáng sớm ngày 20 Tháng Năm, thật bất ngờ cho phía quân trú phòng tại Kon Tum, Cộng Quân lại mở đợt tấn công thứ nhì vào thành phố. Khoảng hai tiểu đoàn đặc công Cộng Sản đã lợi dụng đêm tối có nhiều sương mù mà lội qua sông và tiến chiếm được phi trường, kho đạn và khu Tòa Giám Mục Công Giáo trong thành phố. Cuộc giao tranh giữa các đơn vị của Sư Đoàn 23, Địa Phương Quân và Nghĩa Quân với địch quân rất dữ dội. Lúc 6 giờ  sáng trong ngày, Thiếu Tướng Toàn bay lên Kon Tum và đến Bộ Chỉ Huy của Đại Tá Lý Tòng Bá, nơi đây đang bị pháo kích nên trực thăng của vị tướng phải lượn quanh để tránh đạn mới đáp xuống được.

Tại hướng Bắc thành phố, lúc trời sụp tối, Cộng Quân pháo kích dồn dập vào Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 44 bằng đủ loại pháo tầm xa và tầm ngắn. Khi ngưng tiếng pháo, chiến xa T-54 của địch tràn vào mục tiêu. Trung Đội Viễn Thám của Trung Đoàn đã diệt gọn hết xe tăng địch nhưng quân tùng thiết của họ vẫn xếp hàng một tiến vào phòng tuyến. Quân bạn khai hỏa tác xạ tối đa vào hàng ngũ địch đang lũ lượt ùa vào. Xác địch quân rơi rụng hàng loạt. Rồi trận chiến lắng xuống, mười mấy chiếc T-54 của địch bốc cháy, trong khi số khác thì bị mìn chống chiến xa làm nổ tung, và xác địch thì nằm ngổn ngang ngoài phòng tuyến.

Nhưng cách hầm chỉ huy của Đại Tá Bá độ 300 mét, một đại đội đặc công của địch đang cố thủ dưới các địa đạo nơi đó. Đại Tá Bá đã sử dụng một đơn vị tinh nhuệ nhảy vào nhằm chiếm lại khu vực này nhưng gặp sự kháng cự rất mãnh liệt, khiến hai chiến xa của quân bạn bị cháy, và đơn vị nầy bị cầm chân tại chỗ. Có mặt ngay tại mặt trận bên cạnh Đại Tá Bá, Tướng Toàn ra lệnh cho một tiểu đoàn của Trung Đoàn 44 tiến lên tiêu diệt các đặc công địch. Trận chiến rất ác liệt, có khi giành giật từng nấm mồ, nhưng cuối cùng thì mục tiêu này cũng bị thanh toán.

Tại khu Tòa Tổng Giám Mục Kon Tum, Tiểu Đoàn 4/44 Bộ Binh được lệnh tiến quân chiếm từng căn nhà dọc theo nghỉa trang, hướng về Tòa Tổng Giám Mục. Địch quân đã đào hầm phòng thủ vững chắc, nên khi tiến quân, các đơn vị bạn phải giao chiến thật ác liệt và vất vả giành từng căn nhà, cho tới lúc chiều tối mới thanh toán xong địch quân và vào được Tòa Tổng Giám Mục. Tại Bệnh Viện 2 Dã Chiến, Cộng Quân đã chiếm đóng nơi đây và giết nhiều thương bệnh binh không thoát ra kịp. Một đơn vị thuộc Trung Đoàn 44 có thiết giáp yểm trợ được phái đến thanh toán mục tiêu này. Đội hình bộ binh-thiết giáp của quân bạn vừa tiến lên chừng 20 mét thì đạn pháo và địch quân phòng thủ bên trong bắn ra xối xả. Dứt pháo, hàng hàng lớp lớp cán binh Cộng Sản xung phong. Các chiến binh Tiểu Đoàn 4 liền đồng loạt khai hỏa và tung lựu đạn. Bãi đất trống phía trước bây giờ là bãi máu xương, thịt, súng đạn bầy nhầy, trở thành một chướng ngại kinh hoàng mà các cán binh Cộng Sản không thể vượt qua nổi nữa. Các đơn vị Cộng Quân tấn công đều bị các chiến sĩ Sư Đoàn 23 Bộ Binh chận đứng hoặc bị các pháo đài bay B-52 cùng phi cơ của Không Quân VNCH tiêu diệt. Cuộc tấn công đợt 2 của Cộng Quân nhằm đánh chiếm Kon Tum bị thất bại.

-Cộng Quân tấn công Kon Tum đợt 3:

Đúng 5 giờ sáng ngày 28 Tháng Năm, Cộng Quân tấn công đợt 3 vào Kon Tum bằng ba mũi chính: Mũi số 1 một từ hướng Bắc do lực lượng Sư Đoàn 2 Cộng Quân thực hiện, mũi số 2 từ hướng Tây Bắc do lực lượng Sư Đoàn 320 đảm nhiệm, và mũi số 3 từ hướng Nam do lực lượng Sư Đoàn 968, một lực lượng trừ bị của Cộng Quân, phụ trách.

Cả ba mũi tấn công của Cộng Quân đã gặp sức kháng cự mãnh liệt của các chiến sĩ của Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Phi cơ chiến đấu của Không Đoàn 72 thuộc Sư Đoàn 2 Không Quân tại Pleiku và các chiến đấu cơ Hoa Kỳ xuất trận liên tục để yểm trợ quân bạn tại tuyến đầu, đồng thời các pháo đài bay B-52 từ Thái Lan bay qua cũng thả bom trải thảm để yểm trợ. Hơn nữa, sông Dakbla bọc quanh phía Nam thị xã cũng là một chướng ngại vật thiên nhiên ngăn chặn không cho địch tiến quân. Sư Đoàn 968 Cộng Quân cố gắng vượt sông nhưng bị các chiến sĩ Địa Phương Quân và Nghĩa Quân ngăn chặn. Hai bên quần thảo nhau suốt ngày 28 Tháng Năm, nhưng đến tối địch vẫn không chiếm được vị trí nào của quân bạn. Tướng Hoàng Minh Thảo của Cộng Quân thấy không thể kéo dài cuộc tấn công vì sợ B-52 đến dội bom nữa nên đã ra lệnh rút lui thật nhanh.

Sau khi vòng đai Kon Tum được giải tỏa, quân bạn tiếp tục lục soát dọc quốc lộ 14 tiến về Tân Cảnh-Võ Định nhưng không gặp một sức kháng cự nào. Trận chiến tại Kon Tum kéo dài đến ba tháng, từ Tháng Ba đến Tháng Năm, 1972, mà Cộng Quân chẳng những không chiếm được vị trí nào mà còn bị thiệt mất một số binh lính khá lớn, phần nhiều là vì bom B-52. Trong trận đánh kéo dài này, mặt trận B3 của Tướng Hoàng Minh Thảo bị thiệt mất khoảng một sư đoàn rưỡi, 30 chiến xa T-54, cùng nhiều đại pháo và súng phòng không bị tiêu hủy.

Mặt trận Kon Tum. (Hình: worldhistoryproject.org)

Những người hùng tại mặt trận Kon Tum

Dù không được nhắc tới nhiều trong chiến trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 so với An Lộc và Cổ Thành Quảng Trị, mức độ ác liệt của mặt trận Kon Tum, nhìn cho kỹ, thấy cũng chẳng kém gì mấy so với các trận chiến tại Vùng III và Vùng I Chiến Thuật vào cùng thờ điểm đó. Dĩ nhiên là Kon Tum không bị bao vây và pháo kích nghiệt ngã như An Lộc và cũng không phải bị mất đi vào tay quân địch để rồi Quân Lực VNCH phải gian nan chiếm lại như Cổ Thành Đinh Công Tráng.

Để tạo nên một “Kon Tum Kiêu Hùng,” như lời khen tặng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong ngày quân và dân miền Nam Việt Nam, sau cùng, đánh bại được đoàn quân Cộng Sản xâm lược trong Mùa Hè Đỏ Lửa, một số người hùng đã nổi lên từ các chiến trường Cao Nguyên gai lửa năm 1972.

Người thứ nhất là Đại Tá Lý Tòng Bá, tư lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh và cũng là tư lệnh mặt trận Kon Tum. Vị đại tá gốc Thiết Giáp này đã đánh một trận để đời trên một địa bàn hành quân mà pháo đài bay B-52 là thứ vũ khí luôn làm kinh hoàng đoàn quân xâm lược Bắc Việt tiến vào Cao Nguyên Trung Phần với khí thế “sinh Bắc, tử Nam.” Được Thiếu Tướng Ngô Du, tư lệnh Quân Đoàn II và Vùng II Chiến Thuật, và Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn John Paul Vann cùng đề nghị vào chức vụ chỉ huy Sư Đoàn 23 Bộ Binh, tức sư đoàn “Cao Nguyên Trấn,” vị đại tá đã hoàn thành sứ mạng được giao phó với các tổn thất trung bình về nhân sự và khí tài mặc dù chỉ có các liên đoàn Biệt Động Quân, lực lượng trừ bị của quân đoàn, là thường xuyên có mặt bên cạnh các lực lượng bộ binh Vùng II Chiến Thuật.

Người thứ nhì là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn, tân tư lệnh Quân Đoàn II và Vùng II Chiến Thuật. Vị tướng cũng có gốc Thiết Giáp này, tuy bị một số tai tiếng trong sự nghiệp trước đó nhưng lại trở thành một nhà chỉ huy xông xáo và gan dạ trên chiến trường Cao Nguyên nhờ thường xuyên xuất hiện tại mặt trận để sát cánh chiến đấu cùng với các vị chỉ huy thuộc cấp và binh sĩ dưới quyền. Đây là ưu điểm duy nhất mà Tướng Toàn có thể so sánh được với cố Trung Tướng Đỗ Cao Trí, vị tướng lãnh tài ba gốc Nhảy Dù của Quân Lực VNCH, người đã tử nạn vì trực thăng phát nổ khi ông đang trên đường đi quan sát chiến trường tại Vùng III Chiến Thuật hồi năm 1971.

Người thứ ba là Cố Vấn John Paul Vann, một cựu trung tá Lục Quân Mỹ được Đại Tướng Creighton Abrams, tư lệnh quân lực Mỹ tại Việt Nam, đề cử làm Cố Vấn Trưởng Vùng II Chiến Thuật. Là một nhà quân sự năng động, Cố Vấn Vann tuy không được lòng nhiều sĩ quan trong Quân Lực VNCH ái mộ vì tính đa nghi và ưa chê trách các cấp chỉ huy mà ông đánh giá là thiếu khả năng điều binh, khiển tướng, nhưng vị cố vấn này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp các lực lượng Quân Đoàn II đẩy lùi các sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt ra khỏi tỉnh lỵ và các thị trấn của Kon Tum. Ông thành công khi xin được tối đa các phi vụ B-52 từ Bộ Chỉ Huy Không Quân Chiến Lược ở Thái Lan bay qua đánh thẳng vào các đơn vị Cộng Quân đang tấn công Kon Tum, ngày cũng như đêm. Số Cộng Quân bị tiêu diệt tại Kon Tum được coi là nặng nề nhất so với các mặt trận khác cũng là nhờ hỏa lực khủng khiếp của B-52. Tuy sinh ra tại Mỹ nhưng ông Vann đã lấy vợ Việt Nam và bỏ mình trên chiến trường Việt Nam hồi Tháng Sáu, 1972.

Người thứ tư là cố Đại Tá Lê Đức Đạt, tư lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, người đã tử thủ Tân Cảnh lúc căn cứ này bị Cộng Quân bao vây nghiệt ngã. Vị đại tá gan dạ này đã ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền rút khỏi căn cứ nhưng ông vẫn không rời bỏ hầm chỉ huy, để rồi tử trận khi Cộng Quân tràn ngập căn cứ, mặ dù vị đại tá cố vấn Mỹ tại bộ tư lện sư đoàn đã dùng trực thăng di tản trước đó. Cố Vấn John Paul Vann bị coi là kẻ có một phần trách nhiệm trong cái chết của Đại Tá Đạt, bởi vì ông từng phản đối đề nghị bổ nhiệm Đại Tá Đạt làm tư lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, và tỏ ra thiếu nhiệt tình trong nhiệm vụ kêu B-52 yểm trợ cho mặt trận Tân Cảnh, viện dẫn các trở ngại kỹ thuật này nọ.

Trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam vừa qua, các chiến sĩ Quân Lực VNCH đã đổ ra không biết bao nhiêu là xương máu để giữ vững từng tấc đất trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, như mặt trận Kon Tum đã cho thấy. Mặc dù giấc mộng bảo quốc, an dân của người chiến sĩ VNCH đã không thành vì vận nước xui xẻo, nhưng “không thành công thì thành nhân,” dân chúng Miền Nam Tự Do luôn nhớ ơn các chiến sĩ đã anh dũng xả thân bảo vệ cho “Kon Tum Kiêu Hùng” trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. (Vann Phan) [qd]

MỚI CẬP NHẬT