Monday, April 29, 2024

‘Ngày Đầu Một Năm,’ ca khúc về mùa Xuân chiến chinh của Anh Chương

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Nhạc phẩm “Ngày Đầu Một Năm” của Anh Chương, tức Trần Thiện Thanh, là một nhạc phẩm khác viết về mùa Xuân chiến chinh tại miền Nam Việt Nam trong thế kỷ trước.

Nhạc phẩm “Ngày Đầu Một Năm” của Anh Chương, tức Trần Thiện Thanh. (Hình: Tài liệu)

Nhạc phẩm này nằm trong số các bản nhạc Xuân thịnh hành nhất thời bấy giờ, cũng vì trong nền văn hóa Á Đông, mùa Xuân được coi là đề tài muôn thuở của các văn nhân, nghệ sĩ thuộc mọi thời đại.

Và vì mùa Xuân vẫn được coi là thời điểm bắt đầu cho một vận hội mới may mắn hơn, tươi đẹp hơn và tràn đầy hạnh phúc hơn trong cuộc sống của con người, cho nên mùa Xuân cũng là mùa của những lời chúc lành, là dịp để bày tỏ ước nguyện chân thành nhất của người này dành cho người kia, là dịp may để thể hiện tình yêu mến tha nhân mà vào những thời điểm khác trong năm người ta đôi khi chưa gom đủ lòng bao dung, quảng đại để thể hiện.

Cũng giống như trong các nhạc phẩm Xuân khác, như “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương,” “Đầu Xuân Kính Chúc” của Hoài Linh và Tấn An, “Cánh Thiệp Đầu Xuân” của Lê Dinh và Minh Kỳ… “Ngày Đầu Một Năm” tràn đầy lời chúc lành dành cho những người thân yêu của những con người bình thường trong những mùa Xuân chinh chiến trên quê hương Việt Nam.

Nhân dịp Tết đến, Xuân về, người hậu phương luôn nghĩ đến các anh chiến sĩ Cộng Hòa ngoài tiền tuyến, cho nên những lời chúc Xuân đầu tiên của họ là dành cho các anh. Chỉ có các anh chiến sĩ mới chiếm trọn tâm tư của những người thân yêu nơi quê nhà, nhất là những người em gái nhỏ hậu phương.

Trong thời điểm đặc biệt này của một năm dài đầy những ưu tư, khắc khoải và băn khoăn, xin cầu chúc vạn sự an lành cho các anh, những người đang dấn thân vào nơi gió cát, không biết đêm trăng này nghỉ mát phương nao, như tình cảnh của người chinh phu trong “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn ngày xưa đó.

Kế đến là những bà mẹ già trong thời buổi đất nước chưa hết binh đao, với những mái đầu như sương tuyết hắt hiu, những bà mẹ già thương con cứ lâm râm khấn nguyện đêm rằm. Mẹ xin chúc cho con sang năm mới đạt được thành công trong sứ mệnh bảo vệ xóm làng, quê hương.

Rồi xin cầu chúc cho đất nước sớm yên vui để các cặp vợ chồng được sum họp, đặng quên đi những đêm dài nhớ anh, những đêm dài trắng đêm người vợ hiền buồn nhìn về xa xôi người anh yêu vẫn xa cách hoài.

Cũng xin cầu chúc duyên lành cho những cô em đang chắt chiu từng món quà Xuân để gởi về anh người trai biên giới, những kẻ yêu màu gió mây trời chơi vơi nơi tiền đồn dưới sương lạnh chiều Đông trong những ngày cuối năm. Và xin chúc cho các nàng con gái lặn lội đi hái lộc đầu năm để cầu cho mối tình đầu với chàng chiến binh muôn thuở đẹp tươi, dù cách xa nhau lòng vẫn nhớ nhau hoài, thương nhớ nhau hoài, này anh nhé đừng quên.

“Ngày đầu một năm, giữa tiền đồn heo hút xa xăm/ Có người lính trẻ, đón mùa Xuân bằng phiên gác sớm/ Lại một lần Xuân trên miền xa cát đá khô cằn/ ‘Chúc anh năm này lập kỳ công trên bước đấu tranh.’”

Rồi một mùa Xuân chiến chinh nữa lại về trên quê hương khói lửa, anh chiến sĩ Cộng Hòa chỉ biết đón Giao Thừa bằng phiên gác đêm. Xin chúc anh một năm mới đầy những chiến công trong niềm mong ước hòa bình sớm trở lại chốn quê xưa.

Bìa nhạc phẩm “Ngày Đầu Một Năm” của Anh Chương, tức Trần Thiện Thanh. (Hình: Tài liệu)

“Ngày đầu một năm, có mẹ già trông ngóng tin con/ Khấn nguyện đất trời, giúp bình yên thằng con biên giới/ Lòng già thầm mong ước người con sẽ giống anh hùng/’Chúc cho năm này lập đầu công con về thăm bà.’”

Tết đến, Xuân về là dịp để các bà mẹ già ngóng chờ người con yêu đang là lính trận miền xa, với lời nguyện cầu nửa đêm sao cho con mình năm mới lập được nhiều chiến công để sớm quay về đoàn tụ với gia đình chốn quê xưa.

“Ngày đầu một năm, chúc cho ngày non nước bình an/ Cho vợ đón chồng mừng hoen đôi má/ Cho nhớ thương là giấc mộng dài đêm qua.”

Cũng cầu chúc cho đất nước sớm thanh bình để cho những cặp vợ chồng phải sống xa nhau được sum họp đặng quên đi biết bao niềm mong nhớ qua bao tháng năm đợi chờ hẹn ước còn ghi.

“Ngày đầu một năm, có cô em đến trước sân đồn/ Mang thật nhiều quà cho chàng chiến binh/ ‘Xin chúc cho tình thương mặn mà keo sơn.’”

Còn đối với những người em gái nhỏ quê nhà năm nào cũng dấn thân đến tận chốn tiền đồn để trao quà cho người nơi xa xăm phương trời ấy thì cũng xin chúc các em có được tình yêu sắt son, bền chặt.

“Ngày đầu một năm, có một nàng con gái qua sông/ Hái lộc trước chùa, ước tình yêu đẹp như hoa sớm/ Tình nồng đầu tiên, ước triền miên nước lớn sông dài/ ‘Chúc cho duyên đầu vạn đời sau vẫn còn tươi màu.’”

Cũng xin chúc lành cho những cô gái lặn lội lên chùa hái lộc đầu năm để cầu cho duyên mình mãi mãi bền lâu bên người chiến sĩ của lòng em, cho tình đôi ta cứ như biển rộng, sông dài, và tình đầu sẽ là tình cuối, người ơi!

*****

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh quê ở Phan Thiết và là một trong số các nhạc sĩ miền Nam Việt Nam nổi tiếng nhất vào hai thập niên 1960 và 1970. Thỉnh thoảng, ông cũng viết nhạc dưới các bút danh khác, là Anh Chương, Trần Thiện Thanh Toàn và Thanh Trân Trần Thị.

Trần Thiện Thanh còn là một ca sĩ chuyên nghiệp với nghệ danh Nhật Trường, và được coi là một trong bốn nam ca sĩ tài danh nhất, tức “tứ trụ nhạc vàng,” trong nền tân nhạc Việt Nam Cộng Hòa.

Hai chủ đề chính trong các sáng tác của Trần Thiện Thanh là “nhạc tình” và “nhạc lính.”
Về nhạc tình, Trần Thiện Thanh là tác giả của những ca khúc rất được khán, thính giả và cả các nam, nữ ca sĩ ưa chuộng, trong đó phải kể đến các nhạc phẩm “Lâu Đài Tình Ái,” “Bảy Ngày Đợi Mong,” “Từ Đó Em Buồn,” “Biển Mặn,” “Hoa Trinh Nữ,” “Chuyện Một Người Đi,” “Chiều Trên Phá Tam Giang” (phổ thơ Tô Thùy Yên), “Chuyện Hẹn Hò” (dưới bút danh Thanh Trân Trần Thị)…

Hình ca sĩ Nhật Trường, nghệ danh của Trần Thiện Thanh, trên bìa nhạc phẩm năm 1963. (Hình: Tài liệu)

Về nhạc lính, ngoài “Dấu Đạn Thù Trên Tường Vôi Trắng” với tâm tư tha thiết, chân thành nhưng mông lung về tình yêu của đôi trai gái, Trần Thiện Thanh còn sáng tác những bản “nhạc lính thứ thiệt” xoáy sâu vào những gian khổ, hiểm nguy và hy sinh cao cả của người lính Việt Nam Cộng Hòa bên cạnh những mối tình thơ mộng và tươi đẹp giữa các chàng trai nơi chiến tuyến và những người em gái hậu phương: “Rừng Lá Thấp,” “Tình Thư Của Lính,” “Tâm Sự Người Lính Trẻ,” “Người Yêu Của Lính,” “Không Bao Giờ Ngăn Cách,” “Anh Về Với Em,” “Màu Mũ Anh và Màu Áo Em,” “Anh Không Chết Đâu Anh,” “Người Ở Lại Charlie,” Bắc Đẩu,” “Bay Lên Cao Đi Anh”…

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, trước sau, có tới ba đời vợ, đó là Trần Thị Liên, ca sĩ Kim Dung (ở trong nước) và ca sĩ Mỹ Lan (ở hải ngoại). Người ca-nhạc sĩ tài hoa của miền Nam Việt Nam mất ngày 13 Tháng Năm, 2005, tại Westminster, miền Nam California, Hoa Kỳ. (Vann Phan) [qd]


Nhạc phẩm “Ngày Đầu Một Năm” của Anh Chương

Ngày đầu một năm, giữa tiền đồn heo hút xa xăm
Có người lính trẻ, đón mùa Xuân bằng phiên gác sớm
Lại một lần Xuân trên miền xa cát đá khô cằn
“Chúc anh năm này lập kỳ công trên bước đấu tranh.”

Ngày đầu một năm, có mẹ già trông ngóng tin con
Khấn nguyện đất trời, giúp bình yên thằng con biên giới
Lòng già thầm mong ước người con sẽ giống anh hùng
“Chúc cho năm này lập đầu công con về thăm bà.”

Đ.K.:
Ngày đầu một năm, chúc cho ngày non nước bình an
Cho vợ đón chồng mừng hoen đôi má,
Cho nhớ thương là giấc mộng dài đêm qua.

Ngày đầu một năm, có cô em đến trước sân đồn,
Mang thật nhiều quà cho chàng chiến binh
“Xin chúc cho tình thương mặn mà keo sơn.”

Ngày đầu một năm, có một nàng con gái qua sông
Hái lộc trước chùa, ước tình yêu đẹp như hoa sớm
Tình nồng đầu tiên, ước triền miên nước lớn sông dài
“Chúc cho duyên đầu vạn đời sau vẫn còn tươi màu.”


 

MỚI CẬP NHẬT