Cựu Chiến Binh

Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu hội ngộ kỳ 6, ấm tình huynh đệ chi binh

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Buổi hội ngộ kỳ 6 của Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu, thuộc Sư Đoàn 6 Không Quân, vừa diễn ra hôm Chủ Nhật, 24 Tháng Mười, tại nhà hàng Diamont Seefood 3, Garden Grove.

Các phi công Bắc Đẩu 118 cùng quý bà trình bày ca khúc “Anh Về Thủ Đô” để nhớ lại thời gian xưa khi các phi công về Sài Gòn thăm gia đình. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tình đồng đội cao quý trong buổi hội ngộ ghi dấu nhiều cảm xúc khi người chiến sĩ Không Quân năm xưa, trong bộ đồ bay bạc màu áo trận, bên những vị phu nhân, từng nhóm gặp nhau tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả mãi không thôi.

Sau nghi thức khai mạc, nhóm văn nghệ của phi đoàn cùng đồng ca bài “Không Quân Hành Khúc” và “Cảm Ơn Anh” để nhớ lại những cánh chim sắt một thời ngang dọc trên bầu trời với những trái tim yêu nước nồng nàn cháy bỏng bảo vệ miền Nam Việt Nam tự do.

Buổi hội ngộ của các cựu chiến binh thật nhiều niềm vui khi gặp lại các chiến hữu xưa, với các Bắc Đẩu từ Texas, Detroit, San Jose, về và các đơn vị Không Quân khác, đông nhất vẫn là Nam California trong nhiều màu cờ sắc áo.

Đặc biệt kỳ hội ngộ này các cựu chiến sĩ vô cùng thương tiếc ba Bắc Đẩu, Đoàn Phan, Trần Đình Hùng, và Trần Diễn đã bỏ lại bạn bè, và tưởng nhớ đến các anh em Bắc Đẩu khác đã vĩnh viễn ra đi.

Những câu chuyện xưa nơi phi đoàn đóng quân ở Phan Rang, có lẽ nói mãi không hết, khi ông Lê Chóc, huấn luyện viên thuộc phi đoàn huấn luyện, kể lại câu chuyện đào tạo bay A37 cho phi công Việt Nam. Đây là một trong nhiều loại máy bay tác chiến trong chiến trường Việt Nam.

Đồng đội Phi Đoàn 118 vui mừng gặp lại trong buổi hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông cho hay: “Loại máy bay A37 là phi cơ phản lực rất dễ bay, có nhiều ở các Sư Đoàn 1 Đà Nẵng, Sư Đoàn 2 Nha Trang, Sư Đoàn 3 Biên Hòa, Sư Đoàn 4 Cần Thơ. Cứ mỗi sư đoàn có ít nhất năm phi đoàn. Tôi thuộc phi đoàn huấn luyện chuyên đào tạo A 37 để bổ sung cho tất cả các phi đoàn của Không Quân VNCH, từ Cần Thơ tới Đà Nẵng. Tùy theo khóa, thường một huấn luyện viên chịu trách nhiệm hai khóa sinh, đào tạo gần một năm.”

“Loại khu trục Skyraider có ảnh hưởng rất lớn trong chiến trường, sau đó Mỹ cung cấp thêm A37 mặc dù khả năng của nó có giới hạn, nhưng bay lẹ hơn. Lúc đó chưa được trang bị đủ, không có radar hay phi cụ gì nhiều nên độ chính xác không cao, khi thả bom theo cảm giác và tùy theo khả năng của người phi công nhiều hơn,” ông nói.

“Nhưng tỉ lệ A37 dính đạn phòng không của địch ít hơn loại khu trục. Phải nói khổ nhất là những anh em lái trực thăng, rất nguy hiểm vì bay thấp và rất chậm, đó là điểm yếu nhất,” ông kể thêm.

Trong khi đó, Mãnh Sư 243 Lê Văn Sáu, phi công lái trực thăng, hội trưởng Hội Không Quân Miền Trung California, cho biết: “Chuyện vui buồn đời lính rất nhiều, nhưng có lẽ chuyện buồn nhiều hơn vui, khi xách nón bay đi bay không biết có về được hay không, nhất là chúng tôi bay trực thăng, thiệt hại rất nhiều, có khi sáng gặp nhau chiều là tan thành mây khói, trong những chuyến tiếp tế hoặc đổ quân và tản thương ngay mặt trận!”

Toàn ban hợp ca “Không Quân Hành Khúc” trong buổi hội ngộ Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong lời khai mạc đêm hội ngộ, hai MC, Bắc Đẩu Đại Úy Nguyễn Đức và Bắc Đẩu Trung Úy Huỳnh Văn Mười, đưa mọi người tham dự trở về phố núi Pleiku nhiều kỷ niệm với thành phố nắng bụi mưa mù.

“Em Pleiku má đỏ môi hồng/Đi dăm phút đã về chốn cũ…” trong thi ca quả không sai, thành phố nhỏ xíu đi một vòng là đã trở về nơi bắt đầu, lại còn những chuyện tình của những người lính Không Quân hào hoa.

Chuyện đời bay bổng của các phi công lắm lúc cũng éo le gay cấn, như trong trường hợp của phi công trẻ Lê Xuân Nhị, thuộc Phi Đoàn 114 đóng tại Nha Trang.

Nhà văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị nhớ lại, năm 1973 tại chiến trường Quảng Đức, có một sĩ quan Biệt Kích Lôi Hổ đến gặp ông khẩn thiết nhờ chở đi tìm các chiến hữu đang bị lạc trong rừng.

“Đúng lúc hôm đó không có phi vụ nào, tôi đồng ý lái ‘bà già’ L19 chở ông ấy đi tìm. Bằng những kỹ thuật đặc biệt, sau nhiều giờ bay vị sĩ quan Biệt Kích tìm được đồng đội của mình  trong những cánh rừng già mịt mù xanh lá, để báo cho họ biết tọa độ và nơi tập trung để ngày mai có trực thăng đến đón về. Rất mừng là họ trở về đơn vị an toàn,” ông kể.

Các Bắc Đẩu năm xưa trình diện trong buổi hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Nhưng chuyện về sau mới đáng nói, sau chuyến bay cấp cứu đó, tôi bị vị phi đoàn trưởng bắt nhốt vì bay không có phi vụ lệnh, làm tôi buồn hết sức, mặc dù sau đó tôi trình bày rằng lúc chiến trường khẩn cấp ấy, vì tình đồng đội, tình chiến hữu mình phải cứu nhau thôi!” ông Nhị kể tiếp.

Chuyện đồng đội là như thế, nhưng cũng phải nhắc đến quý bà phu nhân cùng chồng trong buổi hội ngộ, cùng những vị quả phụ phu nhân đến tham dự, khi ban tổ chức mời hai vị quả phụ, bà Lê Văn Luận và bà Trần Diễn, lên sân khấu để vinh danh, với đóa hồng tươi thắm vì đã bao năm, qua mỗi kỳ hội ngộ, luôn đến tham dự.

Những đóa hồng không chỉ là biểu tượng của tình đồng đội giữa các chiến sĩ, mà chính là biểu tượng lòng chung thủy của người quả phụ với đơn vị xưa của chồng, qua bao năm tháng vẫn sắt son gìn giữ.

Với lời tâm tình, cựu Trung Tá Võ Ý, chỉ huy trưởng Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu năm xưa, cho biết mọi người hầu hết đều mới ra trường chưa có kinh nghiệm, nhưng cũng có những tay “anh hùng hảo hớn” từ các nơi khác về.

Hai quả phụ Bắc Đẩu được vinh danh, bà Trần Diễn (thứ hai từ trái) và bà Lê Văn Luận (thứ hai từ phải). Bìa trái là cựu Trung Tá Võ Ý và bìa phải là cựu Đại Úy Nguyễn Đức. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Lúc đó Phi Đoàn 118 coi như một nơi trừng giới, Pleiku là chốn lửa đạn mịt mù, coi như là bị đi đày, nhưng tôi rất hãnh diện khi về nơi đó để tạo niềm tự hào đối với anh em mình,” ông Ý nói.

Và ông chia sẻ: “Buổi hội ngộ hôm nay có ba niềm vui, khi tôi gặp lại đủ cả ba thành phần phù hợp với ‘Tướng Mạo Quân Vụ’ của tôi. Thứ nhất tôi gặp lại các cựu học sinh trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, nơi tôi được đào tạo nhân cách con người, với tư tưởng ‘Chấn Dân Khí’ của cụ Phan. Thứ hai tôi là cựu sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, nơi đào tạo một người dân trở thành một chiến sĩ, một sĩ quan QLVNCH, với tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng của một cấp chỉ huy.”

“Niềm vui thứ ba là gặp lại những đồng đội Không Quân của tôi, đã ‘Ra đi không tìm (được) xác rơi’ để góp phần xương máu để bảo vệ miền Nam và đồng bào ruột thịt của mình,” ông xúc động nói.

Phi Đoàn Bắc Đẩu mang tên một vì sao sáng trên bầu trời, để hướng dẫn quân bạn cũng như hướng dẫn khu trục trong tìm kiếm, cũng như hướng dẫn mục tiêu oanh kích. Và Phi Đoàn Bắc Đẩu với nhiệm vụ quan sát, thám thính chiến trường tìm mục tiêu, để hướng dẫn tọa độ cho pháo binh hoặc gọi khu trục đến tiêu diệt địch. [đ.d.]

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Little Saigon

Dâm ô bé trai suốt 4 năm, một ông Garden Grove bị chung thân

Nghi can từng là thiện nguyện viên cho nhiều nhà thờ. Có lúc, cậu bé…

28 mins ago
  • Hoa Kỳ

Massachusetts triệt phá băng trộm trang sức hơn $4 triệu

Cảnh Sát Tiểu Bang Massachusetts (MSP) loan báo triệt phá được băng trộm bị cáo…

31 mins ago
  • Cựu Chiến Binh

Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH tưởng niệm 49 năm Quốc Hận

Đông đảo đồng hương dự buổi tưởng niệm 49 năm Quốc Hận, do Thư Viện…

58 mins ago
  • Thế Giới

Ngoại trưởng Mỹ vừa rời Bắc Kinh, Trung Quốc đưa phi cơ tới gần Đài Loan

Thời gian qua, Đài Loan ngày càng bị Trung Quốc gây áp lực về quân…

58 mins ago
  • Thế Giới

Ca bệnh sởi toàn cầu tăng gần gấp đôi trong 1 năm

Từ đầu năm 2024 tới Thứ Sáu này, Mỹ có 128 ca sởi được báo…

59 mins ago
  • Thể Thao

Liverpool tìm được người kế nhiệm Jurgen Klopp

Câu lạc bộ Ngoại hạng Anh Liverpool được cho là đã tìm được Arne Slot…

1 hour ago

This website uses cookies.