Thursday, April 25, 2024

Trung Úy Hoàng Hữu Minh và những ca cấp cứu nhớ đời trong quân đội

Văn Lan/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Cuối năm 1973, ông Hoàng Hữu Minh, trung úy trợ y thuộc Tiểu Đoàn 213 Pháo Binh, xin đổi về quân y viện Long Xuyên sau đó về Chi Khu Kiên Lương, nơi tình hình chiến trường khắp nơi rất sôi động.

Ông Hoàng Hữu Minh kể chuyện chiến trường năm xưa. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Một chiều cuối năm 1974, lúc tôi còn là trưởng Chi Y Tế Kiên Lương, khi Việt Cộng tấn công vô nhà máy Xi Măng Kiên Lương, lúc đó mấy anh em dân y và dân chúng chạy thoát được, chỉ còn tám anh em chiến sĩ, trong đó có tôi là sĩ quan trợ y của pháo binh tiểu đoàn nên không được bỏ đơn vị,” ông Minh kể.

Một ngày tản thương gần trăm người

Trong trạm quân y ông Minh đang phụ trách có hàng trăm người bị thương gồm binh lính tác chiến và cả người dân bị thương nằm la liệt trong bệnh xá chi khu. Ông vừa điều khiển các anh em chiến sĩ, vừa phải lo cho các thương binh chờ cứu chữa, lại còn lo cho một sản phụ chuyển bụng sắp sinh.

“Tôi phải cởi áo giáp, bỏ nón sắt ra để đưa bà bầu lên bàn sinh, thình lình hai trái đạn pháo 82 rớt ngoài cửa ngay chỗ tôi đứng, sau tiếng báo động pháo kích của anh em là tiếng nổ dữ dội, tôi bỗng choáng váng khi thấy mặt mày ướt đẫm, tôi nghĩ chắc mình bị trúng đạn pháo rồi, hóa ra trong cơn hoảng hốt bà bầu sanh vọt em bé cấp kỳ, làm nước ối văng tung tóe khắp người tôi,” ông Minh nhớ lại.

“Tôi vừa đưa em bé ra ngoài, thời may có một cô y tá ở đâu chạy vô, tôi nhờ cô lo cho hai mẹ con, còn tôi vội khoác áo giáp, đội nón sắt lao ra ngoài để điều động anh em phân đội quân y trong bệnh xá chi khu. Khi tôi quay trở vô thì em bé đã được cắt rốn để nằm yên bên mẹ, còn cô y tá thì chạy đâu mất tiêu! Nhưng may mắn thay ca sinh nở trong tiếng đạn pháo kích cũng được êm xuôi, mẹ tròn con vuông, tôi cũng rất mừng khi anh em ta không có ai bị thương tích gì nguy cấp,” ông kể.

Lúc đó Việt Cộng ở cách một con rạch phía sau bệnh xá chi khu, ông cho một người lính thủ mặt sau với một thùng lựu đạn, còn những người lính khác giữ phía trước với mấy khẩu carbin. May cho ông, đến nửa đêm hôm sau thì Sư Đoàn 9 tới tiếp viện, khiến Việt Cộng rút chạy hết. Ở đó mấy ngày sau êm hẳn, ông gọi về Ty kêu tất cả dân y trở về làm việc.

“Đường từ Kiên Lương về Rạch Giá xe cứu thương đi không được vì Việt Cộng gài mìn đầy dẫy, tôi đưa hết tất cả thương binh lên ghe chở về quân y viện Rạch Giá, riêng bà sản phụ sau khi sinh, tôi phải năn nỉ những người chủ ghe chở giùm về nơi nào an toàn nhất, vì họ sợ xui không chịu chở. Nội hôm đó tôi nhờ ghe của người dân để tản thương gần trăm người gồm cả binh sĩ và dân, còn thương binh nặng hơn phải kêu trực thăng tới bốc về quân y viện,” ông kể tiếp.

Sinh viên Hoàng Hữu Minh (hàng ngồi, thứ tư, trái) trong ngày ra trường Khóa 5 Cán Sự Y Tế Điều Dưỡng Sài Gòn, 1964. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Sau năm 1975, Việt Cộng vô tiếp thu bệnh xá, phải nói là trình độ y tế của các y sĩ này rất kém. Họ yêu cầu tôi viết lại những tên thuốc bằng tiếng Việt cho dễ hiểu, vì ngày xưa tên thuốc mình viết bằng tiếng Anh hoặc Pháp họ đọc không được,” ông cười nói.

“Họ phát cho dân thuốc Chloroquine uống một ngày ba viên để chống sốt rét. Có bà bệnh nhân đem hỏi tôi uống vậy có nguy hiểm không, tôi không dám nói thẳng, chỉ cho biết lúc trước tôi ở trong quân đội chỉ dám cho lính uống một tuần một viên thôi, vì thuốc quá mạnh, uống quá liều sẽ tử vong. Hoặc những người bị phong đòn gánh, họ chữa bằng cách bắt con thằn lằn (con thạch sùng) cho bệnh nhân nuốt sống! Cũng có người phụ tá đánh thuốc mê trong các ca mổ là những cô bé khoảng 15 tuổi, không biết có chuyên môn gì hay không,” ông Minh nhớ lại.

Đời tù “cải tạo tư tưởng” đến “cải tạo lao động”

Sau vài tháng được giữ lại để giúp bệnh xá trong thời gian đầu, ông Minh được đưa lên bệnh viện Hà Tiên, để rồi đến đầu Tháng Sáu, 1975, ông được lệnh phải trình diện khóa sĩ quan đi “học tập cải tạo.” Thế là chấm hết đời tự do!

“Khi đó vào trại giam Hà Tiên để ‘cải tạo tư tưởng,’ hơn tháng sau người tù được đưa bằng tàu biển về Long Xuyên để tiếp tục ‘cải tạo lao động,’ sau đó qua trại giam Cần Thơ, rồi về trại Chi Lăng ở Châu Đốc trước đó là trung tâm huấn luyện địa phương quân và nghĩa quân. Ở đó có khoảng 2,000 anh em sĩ quan,” ông Minh kể.

Trong thời gian ở trại Chi Lăng có một nhóm tù trốn trại, vượt thoát lên Núi Cấm, đa số là người Hòa Hảo. Trong nhóm trốn trại có một người có bà con là cán bộ Quận Ủy Tịnh Biên, anh ta bị dụ dỗ là sẽ được tha, khỏi đi “cải tạo” nếu chịu chỉ chỗ những anh em vượt ngục trốn trên núi. Để lập công, anh ta đã chỉ chỗ và cai ngục bắt được một số, số còn lại chạy thoát.

“Bọn Việt Cộng tập hợp chúng tôi lại phía sau khu Vườn Đào để chúng tuyên án tử hình, xem bắn chết tại chỗ những người tù vượt thoát đã bị bắt lại. Sau đó họ chia ra mấy nhóm tù, nhóm có thân nhân ‘cách mạng’ thì được cho về sớm, còn nhóm tôi thì về Kiên Lương, nhóm khác về xã Tín Đạo, một nhóm khác về Hà Tiên. Mỗi nhóm khoảng hơn 500 người,” ông Minh nói.

Sau đó các nhóm bị đi “cải tạo lao động” ở rừng U Minh, kéo dài từ Cà Mau tới Rạch Giá, có nhóm vào rừng đốn cây, còn nhóm của ông thì làm ruộng, cứ hai người phía trước kéo cày, còn người phía sau đè cái cày xuống ruộng để vỡ đất. Ngoài ra tù còn phải đi đào kinh dẫn nước, hoặc vào rừng đốn tràm kinh doanh, để cai tù bán lấy tiền chia nhau bỏ túi.

Những an ủi trong đời người tù “cải tạo”

Đời tù của người lính thất trận ai cũng như ai, nhưng câu nói truyền miệng của đám coi tù lúc bấy giờ là “Nhất Phi, nhì Pháo, ba Y” (Phi Công, Pháo Binh và Quân Y), để chỉ ba thành phần “ác ôn” của quân đội Việt Nam Cộng Hòa cần phải “giáo dục cải tạo” thật kỹ.

Ông cho hay hơn 3 năm “cải tạo,” nhờ sự thương lượng của phía Mỹ mà người tù có được chút tiền trợ cấp, nên mỗi lần được ra khỏi trại để vác gạo hoặc vác tràm, lúc nghỉ ăn trưa họ mới có tiền vô quán kiếm ăn đỡ đói.

“Có lần sau khi ăn, lúc trả tiền thì được người chủ tiệm cho biết có người đã trả tiền rồi, hóa ra đó là một bà tốt bụng, cho biết bà vẫn kính trọng người lính Việt Nam Cộng Hòa và kêu tôi bằng trung úy. Khi đến bắt tay, bà lén dúi vào tay tôi 20 đồng tiền Việt Cộng lúc mới đổi, nhờ đó bọn tôi có được những bữa ăn để có thêm sức mà lao động,” ông kể.

Cũng có những chuyến ghe Việt Cộng bắt dân chúng chở đồ ra quận, nhờ đó cô y tá quen lén gởi cho ông khi thì củ khoai, khi trái bắp, riết rồi lính Việt Cộng coi trại quyết định không cho ông ra ngoài nữa, lấy cớ là để giữ an toàn tính mạng cho mấy người “cải tạo,” sợ ra ngoài bị người dân thù ghét giết chết! Nhờ cô này mà vợ ông biết chỗ trại giam, nên cứ ba tháng thì vợ ông từ ngoài Rạch Giá lặn lội hơn 70 cây số đi vô Kiên Lương để thăm nuôi chồng.

Cũng có chuyện “ghen ăn tức ở” mà ông Minh luôn bị theo dõi. Ông kể: “Khi tôi làm trưởng Chi Y Tế Kiên Lương, có một đứa bé bị suyễn ngộp thở suýt chết, nhờ tôi làm hô hấp nhân tạo nên em đã được cứu sống. Tình cờ khi tôi đi tù gặp lại cha đứa trẻ mà tôi đã cứu sống lúc trước, ông mừng quá mời tôi ngồi vào trong buổi tiệc tại nhà, kêu đứa con trai mà tôi đã cứu ra chào, lại còn giới thiệu với những người cán bộ ngồi trong bàn tiệc chính tôi là trung úy y sĩ Việt Nam Cộng Hòa là ân nhân đã cứu mạng con ông thời trước.”

Sinh viên Hoàng Hữu Minh (hàng trước, thứ hai, phải) cùng các sinh viên Khóa 5 Cán Sự Y Tế Điều Dưỡng Sài Gòn thực tập tại trường, 1965. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Chuyến vượt biên với nhiều chuyện bất ngờ

Ông Minh kể: “Lúc mới về Rạch Giá, tôi ở bệnh xá còn bà nhà tôi làm ở khoa Dược, mỗi khi tôi ở phòng ngoại chẩn, thì nhờ cô ấy cung cấp toa thuốc cho bệnh nhân. Nhưng hai tháng sau tôi theo đơn vị đi khắp nơi nên lại phải chia tay. Thành ra chúng tôi cũng không có nhiều thời gian sống bên nhau cho đến ngày mất nước, bà ấy lại lo việc nhà, để vài tháng lại đi thăm chồng trong tù ‘cải tạo.’”

“Sau khi ở tù về, chính bà nhà tôi khuyến khích tôi đi vượt biên. Sau nhiều chuyến vượt biên bất thành vì không có đủ tiền lo cho chủ ghe. Lần cuối, may nhờ cậu em vợ tổ chức cho đi không tốn tiền,” ông nói.

Thế là đầu Tháng Tư, 1979, ghe chở 41 người vượt biển khởi hành từ Rạch Giá thì bị tàu cá quốc doanh bắt được. Em vợ ông vét hết tiền đút lót hối lộ mới được thả ra đi tiếp. Trên ghe không có hải bàn đi biển, lại bị hải tặc Thái Lan cướp bóc, hãm hiếp. Sau khi được thả ra chạy mải miết đến chiều hôm sau lại gặp dông lớn, lại hết nhiên liệu và thực phẩm phải neo ghe giữa biển, trong lúc mơ màng ông thấy một bà cụ chèo chiếc ghe tam bản cập vô ghe, bảo rằng cho đi quá giang sẽ chỉ đường cho đi tiếp. Ông giật mình tỉnh giấc thì thấy phía xa có một vùng ánh sáng giữa biển.

“Tôi nghĩ rằng vùng sáng đó là đất liền, bèn cho ý kiến chạy thẳng đến hướng đó, mọi người đều theo tôn giáo mình mà cầu nguyện. Chạy riết đến vùng sáng giữa biển thì ra đó là giàn khoan dầu của Mã Lai. Chúng tôi đốt đuốc lên làm tín hiệu cầu cứu nhưng trên giàn khoan không cho tới gần, họ tiếp tế thức ăn nước uống và nhiên liệu, còn chỉ đường chạy vô đất liền. Đến trưa hôm sau tới đảo Pulau Bidong, chúng tôi phải chạy thẳng vào tỉnh Terengganu thuộc phía Bắc Mã Lai. Cập ghe vô đảo ở đó đến chiều có tàu của Hải Quân Mã Lai đến kéo chúng tôi ra khơi bỏ lại giữa biển sau khi chỉ hướng đi về Việt Nam, hoặc chỉ hướng đi qua Úc,” ông Minh hồi tưởng.

Lúc đó chiếc ghe của ông Minh lại chở thêm 21 người của chiếc ghe nhỏ vượt biển vì hết nhiên liệu phải bỏ lại, thành ra chiếc ghe lúc này có tổng cộng 62 người, trời tối phải theo hướng sao trời, chạy suốt đêm đến Kuantan thuộc miền Trung Mã Lai. Vô gần sát bờ biển, mọi người đục thủng ghe cho chìm xuống biển, cả đám người dìu nhau lội vô tới bờ, được cảnh sát Mã Lai đến can thiệp để không bị dân đánh. Ở đó đến sáng thì các thuyền nhân được người dân tốt bụng cho thực phẩm ăn đỡ đói, được chính quyền cho ở trong một nhà kho lớn, từ đó ra bãi Hàng Dương cắt lá làm lều ở tạm. Sau hai tháng thì các thuyền nhân được Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế cho vô trại tị nạn chính thức, được phái đoàn quốc tế đến phỏng vấn.

Chuyến vượt biển khoảng hơn ba tuần, ông ở trại tị nạn mấy tháng sau thì qua Mỹ, và 10 năm sau mới bảo lãnh được vợ con qua Mỹ đoàn tụ.

Ngồi tại nhà ở Fountain Valley, ông Minh hồi tưởng lại quãng đời mình từ lúc vào quân đội, cho đến ngày mất nước, bị đi tù Công Sản, những chuyến vượt biển, đến được bến bờ tự do, tất cả phải trả giá bằng những lao khổ nhục nhằn.

Ông cho biết dù đã qua hơn nửa thế kỷ nhưng những chuyện ấy không bao giờ quên. Đối với ông một ngày là quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, cả đời là quân nhân với “Danh Dự-Tổ Quốc-Trách Nhiệm,” ông luôn chu toàn cho đến ngày được sống đời tự do.

“Tôi luôn nhớ về những đồng đội mình ngày xưa trong đơn vị, đã cùng nhau chiến đấu cho lý tưởng tự do, hy vọng qua trang báo này mà anh em có cơ hội gặp lại nhau. Tôi cũng mong Việt Nam mau chóng thoát ách Cộng Sản để mọi người sớm được hưởng tự do, đất nước được thanh bình, phú cường tiến lên cùng thế giới. Hiện nay chúng tôi tìm giúp những bạn bè của trường Cán Sự Y Tế ngày xưa, đang sống trong cảnh khổ sở lúc cuối đời, cả giúp đỡ những thầy cô nơi trường mẹ đã truyền những kiến thức y khoa để cứu người,” vị sĩ quan trợ y năm xưa bồi hồi nói. (Văn Lan) [qd]

—–

Xem lại kỳ trước: Trung Úy Hoàng Hữu Minh chiến đấu với thần chết trên chiến trường

Ông Hoàng Hữu Minh quê gốc Hà Nội.

Di cư vào Huế trước 1954. Theo gia đình vào Sài Gòn 1955.

Tốt nghiệp Trường Cán Sự Y Tế Điều Dưỡng Sài Gòn 1964.

Ra trường Khóa 27 Thủ Đức năm 1968. Sĩ quan trợ y thuộc Tiểu Đoàn 213 Pháo Binh, Sư Đoàn 21 Bộ Binh.

Chức vụ cuối cùng: Trung Úy trợ y Tiểu Đoàn Pháo 213, Sư Đoàn 21 Bộ Binh.

Đi tù Cộng Sản sau 1975. Sau khi ra tù vượt biển 1979.

Được tưởng thưởng hai Anh Dũng Bội Tinh cấp Quân Đội, và cấp Sư Đoàn.

Hiện ông Minh sinh sống cùng gia đình tại thành phố Fountain Valley, Nam California.

MỚI CẬP NHẬT