Thursday, April 18, 2024

Trung Úy Hoàng Hữu Minh chiến đấu với thần chết trên chiến trường

Văn Lan/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Tình cảm thiêng liêng giữa con người với nhau là làm sao cứu giúp mọi người thoát cơn đau khổ, nhất là với bệnh tật đau đớn. Điều đó thôi thúc chàng trai trẻ Hoàng Hữu Minh vào quân đội với mong muốn giành giật cuộc sống cho thương binh ngoài chiến trường.

Ông Hoàng Hữu Minh lúc mới tới trại tị nạn Kuantan, Malaysia, năm 1979. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Ông Hoàng Hữu Minh, cựu trung úy trợ y thuộc Tiểu Đoàn 213 Pháo Binh, kể, trước khi Hiệp Định Geneva 1954 chia đôi đất nước, ông đã theo gia đình vào Huế, sống tại khu vực Đồn Cầu Hai, lúc đó ông chỉ mới đậu bằng tiểu học ngoài Bắc.

“Khi tôi vào Huế học trường Pellerin theo chương trình Pháp, sau đổi tên là trường La San Bình Linh. Ngôi trường theo kiến trúc Pháp rất đồ sộ, tọa lạc ngay ngã ba sông Hương và sông An Cựu, là một trong những ngôi trường trung học xưa nhất từ thời Pháp, khai giảng khóa đầu tiên năm 1904 cách đây đã tròn 116 năm, hiện nay là Học Viện Âm Nhạc Huế,” ông kể.

Cuộc đời của chàng thanh niên di cư

Năm 1955, ông Minh theo gia đình từ Huế vào Sài Gòn, sống tại khu vực chợ Bàn Cờ, quận 3. Kể về thời kỳ mới di cư vào Nam, ông cho hay: “Thời tuổi nhỏ bao phen lận đận, tôi học đủ thứ nghề để kiếm sống, may nhờ ân nhân là Thiếu Tá Kính ở Ban Quân Pháp giúp tiền cho tôi đi học trung học cho đến khi đậu Tú Tài I, đến 1961 thi vào trường Cán Sự Y Tế Điều Dưỡng Sài Gòn. Cùng trong thời gian ấy tôi thi đậu Tú Tài II, nhưng vì chương trình học ở trường Cán Sự Y Tế Điều Dưỡng Sài Gòn mất quá nhiều thời gian nên tôi không còn đủ thì giờ học Đại Học Luật Sài Gòn, mặc dù đã ghi danh.”

Ông cho biết Trường Cán Sự Y Tế Điều Dưỡng Sài Gòn lúc bấy giờ được xây dựng theo chương trình y tế của Mỹ, có cả các giáo sư cố vấn Mỹ cùng với các giáo sư Việt Nam giảng dạy với chương trình y khoa của Mỹ rất gắt gao, nhất là các giờ thực tập. Chương trình tổng quát rất nặng về y khoa như học các triệu chứng và bệnh lý của các loại bệnh, phụ mổ với các bác sĩ, sản phụ khoa, gây mê, khám bệnh nội ngoại khoa, cách chăm sóc và điều dưỡng, y tế công cộng, học cả về răng nữa.

“Thời đó thi vào trường Cán Sự Y Tế Điều Dưỡng Sài Gòn rất khó, như khóa của tôi cả miền Nam thi tuyển vào gần ba ngàn người chỉ lấy có 45 người! Dù thiếu người rất nhiều nhưng việc thi tuyển rất khó khăn. Nhà trường đào tạo ra người chịu trách nhiệm y tế cho các quận và tỉnh trên khắp miền Nam với hai phần ba là nam, đi về các tỉnh làm trưởng ty và trưởng chi y tế ở các quận, còn lại là nữ phụ trách trưởng các phòng mổ ở bệnh viện, hoặc điều dưỡng săn sóc bệnh nhân. Ở các tỉnh không có bác sĩ như ở Côn Sơn, Phú Quốc, Tây Ninh, thì chúng tôi đảm trách quyền trưởng ty y tế,” ông Minh kể.

Sinh viên Hoàng Hữu Minh (hàng đầu, phải) cùng nhóm sinh viên thực tập giải phẫu tại bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn năm 1963. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

“Ba năm sau, 1964 tôi ra trường Cán Sự Y Tế Điều Dưỡng, được bổ về làm trưởng Chi Y Tế quận Kiên Lương (Rạch Giá). Đúng ra là ngành y tế điều dưỡng phải làm ở bệnh viện để săn sóc bệnh nhân, nhưng vào thời đó rất thiếu người trong ngành y nên tôi phải thay thế bác sĩ ngồi khám bệnh, luôn cả việc hộ sinh nữa. Thêm một phần nữa là số người được tuyển chọn vào trường còn tùy theo kinh phí đào tạo của Mỹ, viện trợ từng năm nhiều hay ít nên sinh viên có khi được học bổng nữa,” ông kể tiếp.

Đến năm 1965 ông trình diện Khóa 23 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, nhưng sau đó được hoãn, đến 1966 ông được gọi lại Khóa 26 Thủ Đức, nhưng lúc đó đã đủ quân số nên ông được điều về Chi Y Tế Kiên Giang làm việc trở lại. Đến cuối 1967, ông được gọi lại Khóa 27 Thủ Đức.

Bắt đầu đời người lính trợ y

Ra trường khóa 27 Bộ Binh Thủ Đức, ông Minh về ngay Tiểu Đoàn 213 Pháo Binh, thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh, với trách nhiệm của một sĩ quan trợ y, cấp cứu thương binh ngay tại mặt trận và khám bệnh cho gia đình binh sĩ. Vùng hành quân Sư Đoàn 21 thuộc các tỉnh An Xuyên (Cà Mau), Ba Xuyên (Bạc Liêu), Phong Dinh (Cần Thơ), Chương Thiện, Rạch Giá, lúc đầu bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 213 Pháo Binh đóng ở phi trường Sóc Trăng.

Sư Đoàn 21 Bộ Binh lúc ấy do Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm tư lệnh sư đoàn. Một sư đoàn có bốn tiểu đoàn pháo binh gồm ba Tiểu Đoàn 211, 212, 213 (pháo 105 ly) và Tiểu Đoàn 210 (pháo 155 ly).

Sau trận tấn công Mậu Thân 1968 của Việt Cộng, chiến sự bắt đầu nổi lên ở tỉnh Chương Thiện, Việt Cộng thường dùng pháo binh để tấn công hoặc quấy phá, lúc ấy sĩ quan trợ y pháo binh đi theo tiểu đoàn bộ binh.

Ông Minh cho hay vì là sĩ quan trợ y, ông phải theo pháo đội của tiểu đoàn di chuyển khắp nơi, nên cũng đã nhiều phen ăn đạn pháo của địch. Thỉnh thoảng ông đi lấy xác quân nhân tử trận hoặc cấp cứu thương binh tại chỗ trong các vùng hành quân, sau đó kêu trực thăng đến bốc về quân y viện. “Thường thì thương binh do đạn pháo, và bộ binh thì có các đơn vị mở đường đi trước hay bị vướng mìn,” ông nhớ lại.

Chú rể Hoàng Hữu Minh và cô dâu (giữa) trong lễ cưới tại Rạch Giá năm 1965. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Vào mặt trận An Lộc 1972

Ông Hoàng Hữu Minh kể tiếp: “Tháng Tư, 1972, Việt Cộng tấn công dữ dội vào thị xã An Lộc để làm bàn đạp tiến về Sài Gòn. Khi được lệnh tăng phái vào mặt trận An Lộc, Sư Đoàn 21 Bộ Binh và bốn tiểu đoàn pháo binh cũng đi theo, lúc đó tôi là sĩ quan trợ y Tiểu Đoàn 213 Pháo Binh. Vào khoảng  đầu tuần Tháng Tư, 1972, chúng tôi lên đóng căn cứ hỏa lực ở hai bên quốc lộ 13 phía Bắc quận Chơn Thành, gần suối Tàu Ô, cách thị trấn Chơn Thành khoảng 5 cây số về phía Bắc.”

Ông cho biết, lúc đầu tương đối ít bị pháo kích nhưng càng ngày càng bị pháo dồn dập, có những ngày bị hàng chục ngàn trái đạn pháo kích rơi vào vị trí, gồm hỏa tiễn 122 ly, đại bác 106 ly, 82 ly, có cả chiến xa địch tham gia trận đánh.

Tại mặt trận An Lộc, tất cả pháo binh của sư đoàn đóng dọc theo quốc lộ 13 để yểm trợ. Khi đường bộ không di tản thương binh được, quân y phải xin tiểu đoàn cho trực thăng đến tản thương. Có những lúc tương đối yên thì dân chúng tản cư từ An Lộc chạy ra ngoài bị Việt Cộng bắn theo, lúc đó pháo binh đóng dọc theo quốc lộ 13, và quân y nằm dưới những hầm trú ẩn do công binh xây dựng.

“Trong một trận bị địch pháo dữ dội, một khẩu 105 ly bị trúng đạn, lúc đó bất chấp đạn pháo như mưa dội, tôi xông ra cứu anh em bị thương. Vừa chui ra khỏi hầm thì tiếng pháo vơi bớt, tôi cứu được một số thương binh, nhưng có một số tử trận, tôi xin cấp trên, tiểu đoàn trưởng Pháo Binh 213, Thiếu Tá Ngô Văn Hoanh cho trực thăng tản thương nhưng không có, phải nằm chung với xác anh em đồng đội trong hầm, chờ tới sáng hôm sau trực thăng đến bốc xác về lo chung sự, và đưa thương binh về quân y viện,” ông Minh nhớ lại.

Người lính ngoài chiến trường dù phải đối mặt thường xuyên với thần chết, nhưng cũng không kém phần thi vị hóa cuộc đời với những chuyện xảy ra ngay trước mắt.

Ông Minh kể: “Trong cơn lửa đạn tơi bời, có lần bị pháo kích sát ngay sát miệng hầm, có ba hầm chính sát nhau, một của truyền tin, một của bộ chỉ huy tiểu đoàn, và một hầm của quân y. Lúc đó miểng đạn bay vô hầm tôi như sao sa, không biết lúc nào nó rơi trúng mình, khiến tôi chợt nhớ đến tiểu thuyết ‘Dựa Lưng Nỗi Chết’ của nhà văn Phan Nhật Nam, trong đó có những nhân vật trong thời chiến như người lính, người trí thức, những thanh niên bất mãn, và cả những nhà tu, tất cả đều quay cuồng trong cơn lốc chiến tranh!”

Ông Hoàng Hữu Minh (hàng đứng trước, thứ ba, trái) trong ngày hội ngộ 59 năm các cựu sinh viên Khóa 5 Trường Cán Sự Điều Dưỡng Y Tế Sài Gòn tại Nam California vào năm 2019. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Cũng có lúc đạn pháo rơi ngay miệng hầm truyền tin, miểng văng tung tóe, thiếu tá tiểu đoàn trưởng chạy sang, người trung úy truyền tin nói không ra lời làm chúng tôi dù trong cõi chết cũng cười vang. Đời lính là như vậy đó, người lính vẫn lạc quan yêu đời khi sống chết chỉ cách nhau gang tấc,” ông hào hứng kể lại chuyện xưa.

Cũng có khi một ngày êm tiếng súng, dân từ phía An Lộc chạy về phía Việt Nam Cộng Hòa thì Việt Cộng pháo theo, các đơn vị trưởng phải gọi về hậu cứ ở Lai Khê cho xe GMC lên đón dân tị nạn, gặp lúc người lính vừa được cấp ba ngày lương khô, anh em quân nhân tiếp tế hết cho người dân chạy giặc trong đó có hai em bé mà cha mẹ đã bị đạn của Việt Cộng bắn chết trên đường chạy loạn.

“Tới chiều về, chúng tôi không còn cái ăn phải xin tiếp viện thêm ba ngày lương khô nữa, nhưng không ai bị khiển trách vì đó là chuyện đáng làm, người lính chiến đấu cho dân được bình yên, thấy dân đói làm sao lính không chia sẻ được! Tình quân dân thắm thiết như thế đó!” ông kể.

Ông Minh xúc động nói: “Từ Tháng Tư đến Tháng Bảy, 1972, tôi cùng Tiểu Đoàn 213 Pháo Binh nằm chịu trận tại mặt trận An Lộc hơn ba tháng, căn cứ hỏa lực pháo binh nằm ở tuyến đầu, quân y thì cũng thiếu đủ thứ, nhiều khi không có đủ máu để cấp cứu thương binh tại mặt trận, thấy thương nhất là những khi bất lực nhìn người lính nằm chờ chết vì không có loại máu thích hợp để tiếp, hoặc không đủ nhiên liệu cho các chuyến trực thăng tải thương kịp thời.”

Lúc đó các tiểu đoàn pháo binh của Sư Đoàn 21 và các sư đoàn khác đều đóng ở Lai Khê, sau khi An Lộc được giải tỏa, Việt Cộng rút về biên giới Cambodia thì Sư Đoàn 21 và các tiểu đoàn pháo binh cũng rút trở về lãnh thổ ở Vùng IV ở Cần Thơ.

“Vừa về tới nơi, Tiểu Đoàn 213 Pháo Binh vào ngay Chương Thiện, mới dừng quân thì lại bị pháo làm một số thương vong, trong đó có người tài xế và một người cận vệ của tiểu đoàn trưởng pháo binh tử trận. Tôi phải chạy ngay vô quận Long Mỹ, cấp cứu một số bị thương, đưa về quân y viện Phan Thanh Giản Cần Thơ, và lo chung sự cho những đồng đội đã hy sinh,” ông Minh buồn rầu kể.

“Cuối năm 1973, tôi xin đổi về quân y viện Long Xuyên sau đó về Chi Khu Kiên Lương, lúc đó tình hình chiến trường khắp nơi rất sôi động. Trong vòng hai tháng sau đó, những phần lãnh thổ từ miền Trung trở vào bắt đầu bị lấn chiếm dần. Trong điều kiện Việt Nam hóa chiến tranh, mình thiếu rất trầm trọng về mọi mặt, từ đạn dược, quân dụng quân nhu, ngay cả quân y cũng thiếu mọi bề, trong khi phía Cộng Sản được khối Cộng Sản quốc tế chi viện dồi dào vũ khí gấp bốn lần,” ông Minh nhớ lại.

Tình hình chiến sự ở Vùng IV cũng đã bắt đầu nổ lớn, với các công trường Việt Cộng từ U Minh và các vùng tiếp giáp bên Cambodia lấn sang, các mặt trận dữ dội lại mở ra, Việt Cộng đồng loạt mở nhiều trận tấn công trên nhiều mặt trận để họ lên tiếng đòi hỏi trên bàn Hiệp Định Paris 1973. (Văn Lan) [qd]

—–

Kỳ cuối: Trung Úy Hoàng Hữu Minh và những ca cấp cứu nhớ đời trong quân đội

MỚI CẬP NHẬT