Friday, April 26, 2024

Trung Úy Hoàng Vũ và Trung Đoàn 54 Bạch Hổ trên mặt trận Tây Huế

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Từ năm 1968 trở đi, tình hình chiến sự tại miền Nam Việt Nam bắt đầu ác liệt với sự xâm nhập của các đơn vị chính quy Cộng Sản tiến vào miền Nam ngày càng nhiều trên các mặt trận. Điều đó càng thôi thúc chàng trai trẻ Hoàng Vũ quyết tâm gia nhập quân đội.

Ông Hoàng Vũ kể lại trận đánh đồi Bastongne, nơi ông bị bắt làm tù binh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Hoàng kể, khi những chiến trường ở miền Nam ngày càng khốc liệt vì cuộc chiến Việt Nam đang hồi gia tăng thì Cộng Sản lộ rõ bộ mặt thật khi tấn công miền Nam trong trận Tết Mậu Thân 1968.

Bị tung hỏa mù

Năm 1967, ông Hoàng vào Khóa 27 Thủ Đức, sau khi ra trường về trình diện đơn vị Quân Báo Phòng 2 Tổng Tham Mưu. Sau khi được điều tra an ninh lại, ông được đi học khóa huấn luyện tại căn cứ 49 để học về chuyên môn.

Sau đó ông được cử qua trường USARPAC (United States Army Pacific) ở Okinawa, Nhật, học về sưu tập tình báo chiến trường, rồi học chuyên môn chung với nhiều quân binh chủng Việt Nam Cộng Hòa gồm Không Quân, Hải Quân, Lục Quân, An Ninh Quân Đội, Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, và cả những nước thuộc khối đồng minh.

Về nước, ông trình diện đơn vị 101 ở Sài Gòn và Đoàn 68 đặt tại Đà Lạt. Ông Hoàng thuộc Toán 25, là trưởng lưới tình báo với nhiệm vụ đọc lại các tài liệu thuộc các tỉnh Vùng II Chiến Thuật. Khi về các tỉnh ông thường đi một mình hoặc có khi cùng với một người mang máy liên lạc để tổ chức mật báo viên ngụy trang, hoạt động xâm nhập những cơ sở Việt Cộng để sưu tập tin tức, chương trình này do Mỹ chỉ huy.

Ông cho hay: “Năm 1969, các tỉnh thuộc Vùng II Chiến Thuật còn yên, tình hình chiến sự tương đối lắng dịu dọc duyên hải gồm các tỉnh Bình Tuy, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quy Nhơn , Quảng Ngãi, Quảng Nam. Còn các vùng rừng núi gồm các tỉnh Long Khánh,  Bảo Lộc, Tuyên Đức (Đà Lạt), Ban Mê Thuột, Bình Long, Phước Long, Kon Tum, Pleiku, và dọc theo biên giới Miên, Lào cũng vậy. Cho đến mùa Hè 1972, đã có những cuộc di chuyển của quân Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập miền Nam ở Kon Tum theo sự báo cáo của các toán khác mà tôi được biết.”

“Năm 1970 khi về họp toán với các cố vấn Mỹ, họ kêu gọi chúng tôi phải viết về những kế hoạch kinh tế thời hậu chiến, trong khi nhiệm vụ chúng tôi là phải đi thu thập tin tức tình báo chiến trường! Lúc đó tôi lấy làm lạ, sau này mới hiểu là người Mỹ đã tung hỏa mù khiến phe mình cứ nghĩ là cuộc chiến sắp kết thúc, hòa bình lập lại và xây dựng kinh tế hậu chiến là mục tiêu hàng đầu,” ông nhớ lại.

Chuẩn Úy Hoàng Vũ lúc mới ra trường Khóa 27 Thủ Đức. (Hình: Hoàng Vũ cung cấp)

Ông kể: “Nếu xây dựng kinh tế hậu chiến thì thì không đúng chuyên môn của người lính, nên chúng tôi vẫn làm nhiệm vụ trên mặt trận như từ trước, còn việc hoạch định kinh tế phải để cho các chuyên viên kinh tế thực hiện, chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu khi diễn tiến cuộc chiến đấu bảo vệ tự do của miền Nam ngày càng xấu đi, các khoản viện trợ Mỹ bắt đầu bị cắt giảm lần từ 1973, trong khi Cộng Sản Bắc Việt được sự viện trợ quân sự tối đa từ Liên Xô và Trung Cộng để tấn công vô miền Nam!”

“Sau khi Hiệp Định Paris 1973 ký kết, trong đó có các điều khoản như hai bên ở yên vị trí để chờ giải pháp tổng tuyển cử tự do, người dân miền Nam tự quyết định tương lai chính trị thông qua tổng tuyển cử tự do, không có sự can thiệp của nước ngoài, các bên ngừng bắn tại chỗ, trao trả tù binh cho nhau và thường dân bị bắt…,” ông nói.

Ông cho biết: “Ngay cả các khoản chi trong việc thu thập tin tức tình báo chiến trường cũng bị cắt giảm, trước đó khi hoạt động ở nơi nào, phải biết ngụy tích của mình là gì, phải hoạt động hợp pháp với nhiều vỏ bọc ngụy trang. Ngay cả ở quận Đức Lập tỉnh Quảng Đức, bắt đầu có nhiều trận đánh đánh lớn năm 1972, lúc đó tôi hoạt động với danh nghĩa là một thầy giáo khi trước đó tôi là một phóng viên dân sự.”

“Trong khi bên mình tuân thủ thì Cộng Sản Bắc Việt lại chuyển quân rầm rộ xâm nhập miền Nam ngày càng tăng với hàng sư đoàn, có cả xe tăng, hỏa tiễn 122 ly và đại bác 130 ly mà bên ta nếu có báo lên thì Mỹ cũng làm lơ trong khi miền Nam ngày càng thiếu thốn trầm trọng về vũ khí đạn dược, do đó khi Hiệp Định Paris được ký kết là tôi nghĩ ngay mình sắp tiêu,” ông nói tiếp.

Học sinh Hoàng Vũ (hàng đứng trước, thứ ba, từ phải) tại trường trung học Phan Bội Châu Phan Thiết, 1963. (Hình: Hoàng Vũ cung cấp)

Tử chiến ở mặt trận Tây Huế

Lúc đó các đại đơn vị Cộng Sản từ Đông Hà, Quảng Trị, kéo vào và ở phía Tây thành phố Huế có các Sư Đoàn 324B, Công Trường 5 Đặc Công, Công Trường 4, Công Trường 6 cùng một trung đoàn pháo hạng nặng, đặt dưới sự chỉ huy của Quân Khu Trị Thiên Cộng Sản giao tranh với Sư Đoàn 1 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa.

Trung Đoàn 54 Bộ Binh (biệt danh là Trung Đoàn Bạch Hổ) do Trung Tá Nguyễn Thanh Hạnh, trung đoàn trưởng chỉ huy, thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh.

Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, ông Hoàng được trực thăng bốc thẳng vào căn cứ Bastogne (Phú Xuân) Huế, là một cao điểm chiến lược ở mặt Tây Huế đã bị Cộng Sản chiếm giữ từ Tháng Hai, 1972. Lúc mới về Sư Đoàn 1, ông Hoàng là đại đội phó, thuộc Tiểu Đoàn 1/54, dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Hùng, án ngữ cao điểm 342.

Ông Hoàng Vũ lúc học ở trường USARPAC ở Okinawa, 1969. (Hình: Hoàng Vũ cung cấp)

“Khi tôi về đó thì Bastogne là một cứ địa trọng yếu thật khó nuốt, khi các đơn vị của ta chiếm lại được rồi cũng phải rút ra vì bị pháo liên tục không thể giữ được lâu, đến nỗi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố đơn vị nào chiếm lại được, mỗi cá nhân của đơn vị đều được thăng một cấp bậc. Một tháng sau, Tiểu Đoàn 1 rút ra chuyển qua cứ điểm Checkmate (cao điểm 342),” ông nhớ lại.

Cứ đánh giằng co như vậy với Cộng Quân, Trung Đoàn 54 đảm trách từ phía Bắc căn cứ Bastogne cách Huế khoảng 12 km đường chim bay cho đến phía Nam cao điểm Checkmate 342, khi Tiểu Đoàn 1/54 án ngữ cao điểm 342 quanh căn cứ Checkmate, còn Tiểu Đoàn 2/54 phòng ngự căn cứ vòng đai quanh Bastogne, Tiểu Đoàn 3/54 và Tiểu Đoàn 4/54 phòng thủ chiều sâu, hành quân di động.

Lúc đó hai Tiểu Đoàn 1/54 và 3/54 cứ luân phiên thay thế nhau trong trận Bastongne, khoảng Tháng Bảy, 1972. Tiểu Đoàn 1/54 được lệnh trở lại tiến chiếm Bastogne một lần nữa khi Đại Đội Trưởng là Đại Úy Trí bị bệnh bất ngờ, ông Hoàng được lệnh thay thế chỉ huy Đại Đội 1.

“Tôi mới về chiến trường này nên chưa biết nhiều, chỉ biết khi pháo mình bắn vô, tiểu đoàn xung phong lên, Đại Đội 1 tiến vô luôn để tổ chức lại hệ thống phòng thủ hầm chỉ huy của Mỹ bỏ lại đã bị pháo đánh sập. Khi Đại Đội 1 vô nằm đó và các đại đội khác chốt chung quanh, có Thiếu Úy Hiệp, sĩ quan đề lô, đi cùng để chấm tọa độ phản pháo. Khi tôi vừa bước ra tuyến phòng thủ phía trước để coi sóc lại “con cái,” bỗng một trái pháo 130 ly rớt ngay hầm chỉ huy làm mấy sĩ quan cùng lính truyền tin tử thương tại chỗ, nhưng Thiếu Úy Hiệp thoát chết!” ông kể.

Ông Hoàng Vũ (thứ ba, từ trái) cùng các bạn đồng khóa tại Okinawa năm 1969. (Hình: Hoàng Vũ cung cấp)

Ông Hoàng cho biết ông thoát chết trong đường tơ kẽ tóc này phải nói là nhờ ơn trên phù hộ, chứ người lính nơi chiến trường chỉ biết chiến đấu chứ có nghĩ gì đến thân mạng mình! Ông thương nhất là những cấp úy trẻ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm trận mạc nên rất dễ dính đạn!

“Đi trên các đồi ‘yên ngựa,’ là những đường mòn từ ngọn đồi này qua ngọn đồi khác, khi bọn địch pháo cấp tập để chiếm lại đồi Bastogne, lính của tôi bị thương, trong khi mấy tên cán binh Cộng Sản chỉ lo lục lọi ba lô của lính mình để tìm lương thực, cho thấy chúng đã bị đói lâu ngày,” ông kể tiếp.

Sau đó căn cứ Bastogne đã được một toán cảm tử quân do một vị thiếu úy chỉ huy chiếm lại hoàn toàn, được trực thăng vận nhảy xuống tấn công vào ngay bộ chỉ huy Cộng Quân. Trung Đoàn 54 sau đó rút về di chuyển xuống Động Truồi, bộ chỉ huy Trung Đoàn đóng tại căn cứ La Sơn, chia ra những tiểu đoàn hành quân khắp vùng. (Văn Lan) [qd]

Kỳ cuối: Trận Động Truồi ở Huế và đời tù, vượt biển của Trung Úy Hoàng Vũ

MỚI CẬP NHẬT