Monday, May 6, 2024

Trận Động Truồi ở Huế và đời tù, vượt biển của Trung Úy Hoàng Vũ

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Năm 1967, ông Hoàng Vũ vào Khóa 27 Thủ Đức, sau khi ra trường về trình diện đơn vị Quân Báo Phòng 2 Tổng Tham Mưu, rồi được cử qua trường USARPAC (United States Army Pacific) ở Okinawa, Nhật, học về sưu tập tình báo chiến trường.

Ông Hoàng Vũ trong dịp diễn hành Tết Bolsa năm 2019. (Hình: Hoàng Vũ cung cấp)

Về nước, ông trình diện đơn vị 101 ở Sài Gòn và Đoàn 68 đặt tại Đà Lạt. Ông Hoàng thuộc Toán 25, là trưởng lưới tình báo với nhiệm vụ đọc lại các tài liệu thuộc các tỉnh Vùng II Chiến Thuật.

Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, ông Hoàng được trực thăng bốc thẳng vào căn cứ Bastogne (Phú Xuân) Huế, là một cao điểm chiến lược ở mặt Tây Huế đã bị Cộng Sản chiếm giữ từ Tháng Hai, 1972.

Bị bắt làm tù binh

Ông Hoàng kể: “Tháng Sáu, 1972, khi tôi ra tác chiến, lúc đó là Trung Úy, Đại Đội Trưởng Đại Đội 4, Tiểu Đoàn 3/54 thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh, với những trận đánh liên miên quanh các cao điểm Bastogne, cao điểm 342 và Checkmate. Lúc đó Trung Đoàn 54 bàn giao vùng này cho Tiểu Đoàn 1, và tôi được lệnh thuyên chuyển qua nhiều tiểu đoàn và ở các đại đội khác nhau do lệnh trên.”

“Đồi 237 ở Động Truồi, Huế là một ngọn đồi khá cao, thuộc trách nhiệm của Trung Đoàn 54, trong khi Tiểu Đoàn 1 của tôi ở mặt Tây Nam của Huế, đóng quân ở đó vài tháng rồi đơn vị khác lên thay thế ở những cao điểm, với nhiệm vụ ngăn chận không cho Việt Cộng tràn xuống đồng bằng,” ông cho biết.

Ông kể tiếp: “Trời chạng vạng tối, dù được báo trước sẽ bị tấn công, đơn vị đã gài mìn chung quanh để phòng thủ, nhưng khi đơn vị tôi lên thay thế thì những bãi mìn phòng thủ chung quanh có những chỗ đã bị đặc công Việt Cộng tháo gỡ nhưng không được báo đầy đủ, và chúng tôi giữ những đỉnh đồi cao điểm chung quanh cùng với những đường mòn, ngoài ra là rừng cây dày đặc.”

“Mặc dù được trung đoàn cho biết chỗ đóng quân của chúng tôi có thể bị một tiểu đoàn đặc công Việt Cộng tấn công, tôi trả lời trên điện đàm là không lo. Nhưng không ngờ rằng lúc đó hệ thống liên lạc của mình đã bị bọn chúng xâm nhập nghe lén được, phần nữa trên bản đồ có những ‘điểm ma’ là những điểm tuy đã bị địch chiếm nhưng không thấy ghi vào bản đồ, khi mình lên thay thế đơn vị bạn vì chưa hiểu hết được thực địa, dễ bị địch quân thủ sẵn trong những ‘chốt ma’ đó phục kích quân mình. Sẵn lúc đó trên đà tấn công, các đơn vị ta xông lên tiêu diệt gọn xóa sổ luôn những ‘điểm ma’ của bọn chúng,” ông nhớ lại.

Ông Hoàng trầm ngâm kể: “Chiều chạng vạng tối, khi đơn vị nấu cơm chiều đang ở dưới hầm, tôi nghe tiếng đạn pháo 130 ly từ trên Động Truồi pháo xuống dữ dội khoảng 15 phút. Tôi chạy ra ngoài xem tình hình thì nhận thấy bọn địch đã tiến vào quá gần, người lính truyền tin đã tử thương tại chỗ, tôi dùng một máy truyền tin khác để gọi về tiểu đoàn yêu cầu pháo binh yểm trợ, bắn chụp xuống ngay trên đầu chúng tôi vì tình hình địch đã tiến vào gần sát hầm chỉ huy!”

Ông Hoàng Vũ, trưởng lưới Nha Trang năm 1970. (Hình: Hoàng Vũ cung cấp)

“Lúc đó bọn đặc công Việt Cộng tấn công vô đánh cận chiến, dùng mật mã hỏi ‘Quyết chiến’ thì đồng bọn chúng trả lời ‘Quyết thắng’ để nhận diện nhau, ai không trả lời được thì bắn liền. Thấy không xong tôi kêu pháo binh bắn ngay trên đầu chúng tôi vì bọn chúng quá gần, khi người cận vệ tôi bị thương rất nặng cũng là lúc hàng loạt pháo dập ngay trên đầu, hầm chỉ huy sập xuống đè tôi bất tỉnh, lát sau tôi cùng với những anh em tại bộ chỉ huy còn sống bị địch bắt,” ông kể tiếp.

Khi được đưa xuống triền đồi, có một đại đội phó đặc công Việt Cộng cũng bị thương và ông Hoàng được đưa đến bộ chỉ huy hành quân của địch ở một địa thế rất hiểm trở, pháo không thể bắn vô được. Ông Hoàng lúc đó là Trung Úy, Đại Đội Trưởng Đại Đội 4, Tiểu Đoàn 3/54 Bạch Hổ, Sư Đoàn 1 Bộ Binh, cùng một số binh sĩ bị bắt làm tù binh vào Tháng Ba, 1974.

Đời tù binh

Khi ông Hoàng được đưa về vùng đường 9 ở Làng Vay Nam Lào nhưng thuộc phần đất Việt Nam, nơi nhốt tù binh từ các nơi tập trung về, phần lớn bị dịch chết rất nhiều. Sau đó ông bị đưa ra trại Sơn La ngoài Bắc, hằng ngày phải đi đốn cây, cắt tranh nứa.

“Khi tới ga Hà Nội chờ thay đầu máy xe lửa đưa ra Yên Bái để đến Sơn La. Những giây phút hiếm hoi ở ga Hà Nội được người dân quăng thuốc lá lên tàu ‘tiếp tế’ cho tù binh qua những khe cửa toa tàu, cũng có những em học sinh và các cụ già đến gần nói nhỏ ‘Rõ khổ sao phải đến nỗi này, đáng lẽ mấy anh phải ra giải phóng chúng tôi chứ.’ Đó là những lời nói xuất phát từ lòng chân thật của người dân miền Bắc mà tôi nghe xúc động nhất!’ ông Hoàng nhớ lại.

Ông cho biết tù binh lúc đó theo luật quốc tế có nhiều ưu đãi khi được phát kem đánh răng, thuốc hút hằng tháng. Cũng may nhờ ông đã sinh hoạt hướng đạo từ thời học sinh, nên cũng biết thích hợp trong những môi trường khắc nghiệt trong những lúc vào rừng chặt cây là dịp để tìm cây dược thảo như sâm, hà thủ ô, luôn tiện để có rau cỏ cho bữa ăn, vì thế sức khỏe cũng bình thường.

Nằm tại Sơn La cho tới năm 1977, tù binh từ các nơi gom về gồm những tù binh ngoại biên, tù binh bị bắt tại chiến trường, gặp cả chiến hữu từ các nơi để chuẩn bị đưa ra trao trả có điều kiện theo luật quốc tế, trong đó Việt Cộng có lời khuyến dụ là nên ký vào bản khai xin qua hàng binh thay vì là tù binh thì sẽ được trả lương theo cấp bậc, nhưng sẽ bị lộ khi lời khai không khớp với sự thật ngay từ đầu, hoặc để Việt Cộng có lợi khi tuyên truyền.

Vượt biên 11 lần không thoát

Là tù binh từ 1974 đến 1977, vừa ra khỏi trại tù Cộng Sản ông Hoàng cùng cả nước lại rơi vào một trại tù khốc liệt lần nữa với cảnh đói triền miên, người lính Sư Đoàn 1 năm xưa và gia đình luôn sống trong tâm trạng lo sợ, thêm chuyện vượt biển của hàng trăm ngàn thuyền nhân lại càng khiến ông luôn tìm cách bỏ nước ra đi.

“Từ ‘trại tù nhỏ Sơn La’ năm 1974 tôi được thả về ‘trại tù lớn’ năm 1977 khi cả nước lâm vào cảnh đói triền miên, đầu óc tôi lúc nào cũng căng thẳng quay cuồng, không bị điên là may lắm rồi! Giấy ra trại của tôi do Cục Quân Pháp Miền Bắc ký vì là tù binh bị bắt trước năm 1975, bị đưa ra giam ngoài Bắc để trao đổi với Mỹ kèm theo nhiều điều kiện trong chiến tranh, khác với những người tù ‘cải tạo’ sau 1975,” ông kể.

Ông cho hay, cùng với hàng trăm ngàn người luôn tìm đủ mọi cách vượt thoát khỏi Việt Nam bằng đường bộ và đường biển, chấp nhận bao hiểm nguy gian khổ, đánh đổi cả mạng sống của mình để tìm tự do, ông luôn tìm cách vượt biên.

Sinh Viên Sĩ Quan Hoàng Vũ. (Hình: Hoàng Vũ cung cấp)

Ông nói: “Mới thả về từ trại Sơn La được sáu tháng, có người đến rủ tôi vượt biển với đầy đủ dụng cụ đi biển. Không suy nghĩ đắn đo, tôi nhận lời làm người chỉ huy để được đi. Hải đồ đương nhiên phải có, nếu không có hải bàn tạm dùng la bàn bộ binh cũng được vì thời đó hải bàn rất hiếm, lùng mua hơn cả cây vàng mới có, lại cồng kềnh dễ bị lộ!”

“Nhờ thời học sinh tôi có đi hướng đạo nên ít nhiều cũng biết hướng nhờ xem sao trời ban đêm khi ra khơi, biết hướng gió nên tôi rất tự tin nhất quyết lên đường, còn hơn ở địa phương trước sau gì cũng bị lộ còn nguy hiểm hơn nữa,” ông kể.

Từ Phan Rí Cửa, bãi xuất phát là rừng chồi hoang vắng trên động cát để chôn dầu, do người địa phương được móc nối cho đi không lấy tiền. Từ Sông Mao ra quốc lộ đi về phía biển, người chủ ghe đã liên lạc trước với nhóm người Nùng địa phương lo việc chôn dầu vượt biển, kể cả lương thực cho chuyến đi.

Đêm tối trời, nhóm người vượt biển khoảng 40 người hợp cùng bộ sậu chủ chốt của chuyến đi đã nằm ở bãi đáp rừng chồi hoang trước đó một ngày, cả nhóm như những bóng ma len lỏi tìm đến bãi đáp.

Từ ga xe lửa Sông Mao đi Phan Rí vào một nhà người quen ở vùng đó rồi mới tới bãi đáp là nơi chôn dầu, địa điểm khá an toàn. Khi có dấu hiệu ngoài khơi nhấp nháy, cả đoàn tiến vô bãi đáp, khui hầm cát lên thì hỡi ơi, không còn một can dầu nào hết!

“Sau khi quyết định, cả đoàn lên chiếc ghe đánh cá ba lốc khá mạnh tiến thẳng ra khơi, có cả tên công an đồn phó xin đi theo luôn, anh ta mang theo cả súng K54 và súng nhỏ giao cho tôi giữ để tùy nghi sử dụng,” ông nhớ lại.

Ra ngoài khơi, ghe của ông gặp những ghe đánh cá bạn, hỏi thăm mua lại đủ số dầu cho chuyến vượt biển nhưng rất tiếc không gom đủ dầu trong khi đã lỡ ra khơi. Chạy lòng vòng khi trời gần sáng, chiếc ghe phải trở vô bờ nằm lại rừng chồi hoang suốt ngày, đợi ban đêm mò đường ai về nhà nấy.

Ông kể: “Không ngờ đêm đó du kích áp vô bắt hết giải về xã phân loại người ở đâu, tôi lợi dụng tình hình lộn xộn khi hỏi cung, bèn ôm gói hải bàn trốn thoát nhưng không thể ngờ trong đó có một trái lựu đạn mi ni ai để sẵn trong đó. Sau khi nhét gói hải bàn vô gầm ghế, tôi lừa thời cơ xin mồi thuốc hút bèn bỏ chạy với mục đích để bị bắn chết, vì lúc đó tôi nghĩ nếu bị bắt khai thác hỏi cung thế nào cũng bị lộ tung tích là quân báo.”

“Chạy thục mạng về xóm nhà dân sau khi bị bắn theo, tôi lủi vô một bụi rậm gần cái giếng bỏ hoang, nằm chịu trận cho đến khi trời gần sáng, bọn du kích đi lùng sục khắp nơi cho đến khi không tìm được thì thôi. Tôi mò trở ra tìm đường về Phan Thiết, thật là hú hồn khi sau này tôi biết đó là nhà của chủ tịch xã, có thể nhờ vậy mà bọn du kích tin tưởng mà không vô lùng tìm,” ông Hoàng nhớ lại.

Ông Hoàng Vũ (thứ hai, từ phải) cùng các chiến hữu năm xưa, trong dịp họp mặt đơn vị 101, năm 2019. (Hình: Hoàng Vũ cung cấp)

Ở tù Côn Đảo năm năm, đi Mỹ diện HO

“Gió Tháng Ba bà già đi biển” là câu nói dân gian của người làng chài để chỉ Tháng Ba Âm Lịch là mùa gió yên biển lặng, ra biển không sợ say sóng, đến nỗi bà già còn đi ra biển được.

“Từ bãi Phan Thiết, chiếc ghe nhỏ nhét vô khoảng 30 người gồm những người chính thức và kẻ đi ké, sau năm ngày đêm lênh đênh trên biển, hết lương thực, may gặp trời mưa hứng được chút nước uống. Trên tàu còn dầu chạy ra tới hải phận quốc tế, tôi thấy từ rất xa có một đám khói ở đường chân trời, gặp một số tàu đi ngang qua mà không cứu, dù tôi có bắn mấy trái khói lên làm tín hiệu cấp cứu. Chuyến cuối cùng này tôi nghĩ thầm nếu không đi lọt chắc tiêu luôn!” ông kể.

“Chạy miệt mài cho tới chiều tối, tôi nhắm hướng sáng trên biển chạy tới thì gặp ngay giàn khoan dầu của Anh, mừng quá tôi cho ghe xáp vô dưới chân giàn khoan thì họ không cho lên, chỉ qua tàu đang lấy dầu neo đậu cách đó gần trăm mét, họ thả lưới xuống tiếp tế cho mình thực phẩm, nước uống, cả dầu chạy máy và chỉ đường chạy tới Singapore. Neo ở đó tới sáng hôm sau, có một tàu hải quân Mã Lai tới kéo ghe đi, chạy mãi về tới bỏ lại hải phận Việt Nam, cả ghe bị bắt hết. Tôi bị bắt nhốt tù Côn Đảo ở thêm năm năm nữa!” ông Hoàng kể tiếp.

Đến Tháng Năm, 1992, ông đi Mỹ theo diện HO. Ông cho biết: “Như hầu hết người đi qua Mỹ theo diện HO, tôi vừa làm nhiều việc để lo cho gia đình vừa đi học để hiểu biết thêm văn hóa nơi xứ người. Tôi hiểu rằng đa số quân nhân Việt Nam Cộng Hòa qua Mỹ đến nay có thể tuổi đã cao, ai làm được gì cho quê hương đất nước thì xin hãy cùng chung tay giúp sức.”

“Cộng đồng mình ở hải ngoại nhất là các anh em chiến sĩ năm xưa đã cùng chung lý tưởng tự do, từng vào sinh ra tử có nhau nơi chiến trường, hãy thương yêu đoàn kết hơn nữa và vun bồi cho thế hệ con cháu tiếp nối, hầu đem lại phú cường thịnh vượng cho đất nước mai sau,” người lính già năm xưa mong ước. (Văn Lan) [qd]

Xem lại kỳ trước: Trung Úy Hoàng Vũ và Trung Đoàn 54 Bạch Hổ trên mặt trận Tây Huế


Ông Hoàng Vũ người gốc Phan Thiết. Cựu học sinh trường trung học Phan Bội Châu, Phan Thiết.

Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 27 Thủ Đức 1967.

Cựu sĩ quan quân báo Tổng Tham Mưu, sau về Sư Đoàn 1 Bộ Binh.

Cấp bậc cuối cùng: Trung Úy, Đại Đội Trưởng Đại Đội 4, Tiểu Đoàn 1/54, Sư Đoàn 1 Bộ Binh.

Bị bắt làm tù binh từ 1974 đến 1977, giam tại các trại Sơn La, Hoàng Liên Sơn.

Bị giam năm năm tại Côn Đảo khi vượt biên 11 lần không thoát.

Đi Mỹ theo diện HO vào Tháng Năm, 1992. Hiện sinh sống tại thành phố Garden Grove, miền Nam California.

MỚI CẬP NHẬT