Friday, April 19, 2024

Việt Nam Cộng Hòa trong dòng lịch sử dân tộc Việt Nam

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Sự tồn tại ngắn ngủi có 21 năm, từ 1954 đến 1975 của Miền Nam Tự Do, trong đó nền Cộng Hòa Việt Nam tính ra chỉ có 19 năm, từ 1956 đến 1975, đã khiến cho đa số người dân Việt Nam, ở trong nước cũng như ở hải ngoại, không khỏi ngậm ngùi.

Lễ Khánh Thành Đường Xe Lửa Xuyên Việt Đông Hà-Sài Gòn, 7 Tháng Tám, 1959. (Hình: vi.wikipedia.org)

Ai nấy đều tiếc nhớ về một giai đoạn lịch sử vàng son và một chế độ chính trị tốt đẹp của dân tộc sau khi những người Cộng Sản Việt Nam thành công đặt ách thống trị lên toàn cõi đất nước Việt Nam, với việc Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Lý do dẫn đến những ngậm ngùi, tiếc nhớ này bắt nguồn từ nỗi thất vọng lớn lao và ê chề của một bộ phận lớn trong dân chúng Việt Nam từ Nam chí Bắc về thành tích cai trị bết bát của đảng Cộng Sản Việt Nam, vừa độc quyền vừa phi nhân bản.

Sau ngày Cộng Sản Việt Nam chiếm được miền Nam Việt Nam, chủ trương của họ là bóp nghẹt hết những tiếng nói đối lập và loại trừ tất cả những đảng phái khác ra khỏi guồng máy cai trị của nhà nước, từ chính phủ cho tới quốc hội và hệ thống tư pháp.

Chính quyền hiện nay tại Hà Nội vẫn muốn xóa bỏ hết mọi vết tích huy hoàng xưa của Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi lịch sử dân tộc và ra khỏi tâm hồn của người Việt Nam từ Ải Nam Quan (dù nơi này ngày nay đã mất vào tay Trung Quốc) cho tới Mũi Cà Mau. Nhưng họ đâu biết rằng Việt Nam Cộng Hòa vẫn sống mãi trong lòng dân tộc và trong dòng lịch sử Việt Nam qua những di sản vô cùng quý báu mà chế độ Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam đã cống hiến cho đất nước.

Những di sản quý báu mà Việt Nam Cộng Hòa để lại cho đất nước và dân tộc

Trong bài viết nhan đề “30/4: Việt Nam Cộng Hòa để lại nhiều di sản quý báu cho ngày nay và tương lai” trên trang mạng bencublog.wordpress.com, ngày 23 Tháng Tư, 2019, tác giả Vũ Thăng Long kể ra các di sản về giáo dục, kinh tế, chính trị-hành chính và xã hội, ngoài cái di sản hết sức đáng yêu để lại cho các thế hệ mai sau của Việt Nam, đó là nền âm nhạc tuyệt vời do các văn nghệ sĩ và nhạc sĩ Miền Nam Tự Do sáng tác.

Theo tác giả, Việt Nam Cộng Hòa là chế độ đầu tiên đã thành công trong kế hoạch phát huy nền kinh tế thị trường tại Việt Nam, trong đó vai trò kinh doanh của tư nhân được đề cao.

Khác với Miền Bắc Cộng Sản, Miền Nam Tự Do đã tiến hành cuộc Cách Mạng Xanh một cách êm thắm và không phải đổ một giọt máu nào qua các chương trình “Cải Cách Điền Địa” thời Đệ Nhất Cộng Hòa và “Người Cày Có Ruộng” thời Đệ Nhị Cộng Hòa, đem lại no cơm, ấm áo cho hàng triệu nông dân và nhà trồng trọt từ đồng bằng Sông Cửu Long cho tới vùng Cao Nguyên Trung Phần.

Việt Nam Cộng Hòa cũng là “thủy tổ” của ngành khai thác dầu khí tại miền Nam Việt Nam sau khi khám phá và định vị được một số vùng mỏ có thể khai thác thương mại được ngoài Biển Đông, nơi Việt Nam có chủ quyền trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà vì nạn chiến tranh kéo dài nên chưa kịp khai thác.

Nhưng thành tích sáng chói nhất của Việt Nam Cộng Hòa vẫn là xây dựng một nền tự do, dân chủ trẻ trung cho miền đất này sau khi thoát khỏi xiềng xích của cả thực dân lẫn phong kiến. Bản Hiến Pháp của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, và cũng là bản Hiến Pháp dân chủ đầu tiên của đất nước, được công bố vào ngày 26 Tháng Mười, 1956, và bản Hiến Pháp của nền Đệ Nhị Cộng Hòa được công bố vào ngày 1 Tháng Mười Một, 1967, đều nói rằng chế độ Cộng Hòa luôn tôn trọng nhân quyền: “Mọi người dân nhân vị được trọng.”

Cuộc hội thảo về “Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” lần đầu tiên được tổ chức tại tòa soạn nhật báo Người Việt hôm 6 Tháng Mười Hai, 2014, và tòa soạn nhật báo Việt Báo hôm 7 Tháng Mười Hai, 2014, do nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ, báo mạng Da Màu tổ chức. Trong hình, hội thảo tại nhật báo Người Việt. (Hình: Người Việt)

Cũng trong khuôn khổ của một chế độ tự do, dân chủ, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã khuyến khích sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự, hoạt động với quy chế tự trị cả về hành chánh và tài chánh, tiêu biểu là Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam cùng các tổ chức chình trị và hiệp hội của mọi công dân trên toàn quốc. Điều này hoàn toàn trái ngược với chủ trương bóp nghẹt các tổ chức xã hội dân sự trong chế độ Cộng Sản tại Việt Nam ngày nay.

Việt Nam Cộng Hòa không phải là chế độ tồn tại ngắn nhất trong lịch sử

Nhiều người Việt Nam, và cả những người ngoại quốc yêu mến nền tự do, dân chủ của Miền Nam Việt Nam, vì quá xót thương cho cái kết liễu đột ngột của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, cứ nghĩ rằng 21 năm tồn tại của chế độ này là quá ngắn.

Thật ra, lịch sử thế giới vẫn đầy những triều đại huy hoàng và nhà cai trị tài ba có tuổi thọ rất ngắn, tức là còn ngắn hơn cả chế độ Việt Nam Cộng Hòa nữa. Triều Đại Nhà Tần, tuy có công lớn nhờ thống nhất nước Trung Hoa, chỉ tồn tại có 15 năm (từ 221 đến 206 Trước Công Nguyên); Vua Alexander the Great (A Lịch Sơn Đại Đế) của xứ Macedon (Cổ Hy Lạp) chỉ tại vị có 13 năm (từ 336 đến 323 Trước Công Nguyên); Hoàng Đế Quang Trung chỉ ở ngôi có bốn năm (từ 1788 đến 1792) trong khi Nhà Tây Sơn chỉ tồn tại có 13 năm (từ 1789 đến 1802)…

Nói thế để thấy rằng chính những thành tựu to lớn của các triều đại huy hoàng và các nhà cai trị tài ba, như được đề cập tới ở trên, mới là điều quan trọng, trong khi việc tồn tại ngắn hay dài của chế độ này hay lãnh tụ nọ, nghĩ cho cùng, đều là do ở phước phần của các đất nước và dân tộc liên hệ, và đó là điều mà con người trên trần thế không làm chủ được, bởi vì tất cả đều là “sự do tiền định, phù sinh không tự mang,” người xưa từng nói vậy.

Lý do và mục đích tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa

Vậy thì, lý do và mục đích tồn tại (raison d’être, justification for existence) của Việt Nam Cộng Hòa là gì? Các yếu tố sau đây có thể giải thích cho lý do và mục đích tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa trong dòng lịch sử thăng trầm, vinh có, nhục có, của dân tộc Việt Nam:

Thứ nhất, Việt Nam Cộng Hòa là chế độ khai sáng nền tự do, dân chủ chân chính, tức không phải là thứ giả hiệu. Đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, cho dù đó là một nền tự do, dân chủ non trẻ của một đất nước vừa thoát khỏi ách thực dân, phong kiến tại Á Châu sau Thế Chiến Thứ Hai.

Thứ nhì, Việt Nam Cộng Hòa đã đạt được nhiều thành tích sáng chói cả về nội trị lẫn ngoại giao trong suốt thời gian tồn tại, từ chính trị, kinh tế, quân sự, giáo dục, văn học cho đến nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh, y tế, thể thao…

Thứ ba, ngày nay, một số trong các thành tích sáng chói nói trên đã nghiễm nhiên trở thành những di sản quý báu và đáng tự hào trong nền văn minh và văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Thứ tư, Việt Nam Cộng Hòa đã trở thành biểu tượng của “những ngày tháng cũ tươi đẹp” (“the good old days”) như câu nói cửa miệng của mọi người khắp nơi, không biết phát xuất tự thuở nào nhưng, éo le thay, hễ nhân loại càng văn minh, tiến bộ chừng nào thì lại cảng thấy câu ngạn ngữ đó cứ đúng mãi, y như lời văn sĩ – kiêm thi sĩ và nghệ sĩ – Pháp Michel Houellebecq từng nói: “Quá khứ luôn tươi đẹp” (“Le passé est toujours beau, the past is always beautiful”).

Thứ năm, dù muốn hay không, sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa trong quá khứ còn là lời nhắc nhở chế độ Cộng Sản đang cai trị Việt Nam bây giờ, rằng họ vẫn chưa thực hiện tốt đẹp được – nếu không nói là tồi tệ – những lời hứa hẹn vừa đường mật vừa hão huyền của họ, dù đã nửa thế kỷ trôi qua, khi hô hào thế giới và dân chúng Việt Nam hãy ủng hộ họ trong cuộc chiến tranh xâm chiếm Miền Nam Tự Do và thống nhất đất nước, với cùng đích là đem lại công bằng xã hội, độc lập, tự do, hạnh phúc và no ấm cho dân tộc Việt Nam.

Cuộc hội thảo về “Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” lần đầu tiên được tổ chức tại tòa soạn nhật báo Người Việt hôm 6 Tháng Mười Hai, 2014, và tòa soạn nhật báo Việt Báo hôm 7 Tháng Mười Hai, 2014, do nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ, báo mạng Da Màu tổ chức. Trong hình, hội thảo tại nhật báo Việt Báo. (Hình: Người Việt)

Phải biết rằng sau khi chiếm được Miền Nam Việt Nam, Cộng Sản Bắc Việt đã trở thành chủ nhân ông của một miền đất trù phú và nhiều tài nguyên thiên nhiên nhất, nhì tại Viễn Đông, những thứ mà các dân tộc văn minh, cỡ Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan, đều thèm rỏ dãi mà không có được.

“Tiếc thay chút nghĩa cũ càng”…

Việt Nam Cộng Hòa tuy mất đi, nhưng đó chỉ là vì cái phần xác hữu hình thì phải tuân theo luật hữu sinh, hữu tử của Tạo Hóa, nhưng phần hồn, tức là cái tinh túy của chế độ – và trong trường hợp này là của chính thể tự do, dân chủ tại Miền Nam Tự Do – thì vẫn ở mãi với đất nước và dân tộc Việt Nam như mọi người thấy đó, y như lời đại thi hào Nguyễn Du nói trong “Truyện Kiều” qua cửa miệng của nhân vật Thúy Kiều: “Kiều rằng: Những đấng tài hoa/ Thác là thể phách, còn là tinh anh.”

Nhớ về thời đại vàng son của Việt Nam Cộng Hòa trong lịch sử dân tộc Việt Nam và cũng để thay cho lời kết, xin mượn hai câu thơ sau đây – mô tả tấm lòng nhớ nhung, luyền tiếc của Thúy Kiều đối với người tình xưa Kim Trọng (cũng trong “Truyện Kiều”) mà định mệnh nghiệt ngã đã không cho nàng được thỏa lời nguyện ước ba sinh: “Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”… (Vann Phan) [qd]

MỚI CẬP NHẬT