Monday, April 29, 2024

‘Xuân Và Tuổi Trẻ,’ ca khúc mừng Xuân vượt thời gian của La Hối và Thế Lữ

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Cũng như nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương, ca khúc “Xuân Và Tuổi Trẻ” của La Hối và Thế Lữ nằm trong số hai ca khúc tiên phong và mang tính kinh điển về mùa Xuân dân tộc, Xuân quê hương trên đất nước Việt Nam mến yêu.

Nhạc phẩm “Xuân Và Tuổi Trẻ” của La Hối và Thế Lữ. (Hình: Tài liệu)

Cả hai bài hát mừng Xuân này đều phát xuất từ miền Nam tự do, nơi có nền văn hóa hết sức nhân bản và một thể chế chính trị đầy dân chủ và tự do ngay cả trong thời Chiến Tranh Việt Nam.

Thời điểm này trong lịch sử là lúc toàn thể miền Nam đang đắm chìm trong khói lửa chiến chinh, một tình thế đòi hỏi phải có một chế độ chính trị “độc tài sáng suốt” cỡ Lý Quang Diệu bên Singapore hoặc “độc tài chuyên chính” cỡ Phác Chánh Hy tại Đại Hàn Dân Quốc, khiến Việt Nam Cộng Hòa thật khác xa với các lân quốc và đồng minh của mình.

Một điểm son của “Xuân Và Tuổi Trẻ” là nhạc phẩm này ra đời trước “Ly Rượu Mừng” tới gần cả một thập niên, giữa lúc nền tân nhạc Việt Nam đang ở vào giai đoạn phát triển chứ chưa bước vào hoàn chỉnh.

La Hối sáng tác bản nhạc Xuân của mình vào năm 1944, khi đây đó trên toàn quốc đang nổi lên phong trào kháng chiến chống quân phiệt Nhật.

Trong khi đó, Phạm Đình Chương viết bản nhạc Xuân của mình vào năm 1952, khi Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, tiền thân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đang cùng với Quân Đội Liên Hiệp Pháp chiến đấu chống Cộng Sản tại nhiều mặt trận từ Nam chí Bắc, kể cả trận Điện Biên Phủ (1954), trước khi đất nước bị chia đôi thành miền Nam tự do và miền Bắc Cộng Sản sau Hiệp Định Geneva 1954.

Về mặt nội dung, niềm vui Xuân được diễn tả qua nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng” vẫn là niềm vui không trọn vẹn vì Việt Nam thời đó đã khởi sự có chiến tranh giữa các lực lượng Việt Minh Cộng Sản được Cộng Sản Quốc Tế ủng hộ và Quân Đội Quốc Gia Việt Nam còn non trẻ và được sự yểm trợ mạnh mẽ của Quân Đội Liên Hiệp Pháp.

Nhưng niềm vui Xuân trong ca khúc “Xuân Và Tuổi Trẻ” thì thật là trọn vẹn, đến độ tác giả phải thúc giục mọi người, nhất là giới trẻ chưa đến nỗi bị cuốn hút một cách tàn nhẫn vào cuộc chiến, hãy “vui sướng đi cho đời tươi sáng, vui sướng đi cho lòng thêm tươi.”

Nói cách khác, “Xuân và Tuổi Trẻ” lúc nào cũng tràn đầy niềm vui sướng của một dân tộc chưa thật sự bị chiến tranh vùi dập, với hàng hàng lớp lớp những người trai trẻ phải vui ra đi rồi không ước hẹn ngày về…

“Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới/ Lòng đắm say bao nguồn vui sống/ Xuân về với ngàn hoa tươi sáng/ Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng.”

Mùa Xuân mới quay trở về trên quê hương, đất nước thật là rực rỡ và đẹp tươi, với muôn ngàn đóa hoa tươi thắm nở rộ trên muôn vạn nẻo đường, khiến cho lòng người cảm thấy say sưa yêu đời, và ai cũng muốn muốn đưa tay ngắt mấy nụ hồng cho đời thêm rạng rỡ sắc Xuân.

“Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới/ Lòng đắm say bao nguồn vui sống/ Xuân về với ngàn hoa tươi sáng/ Ta muốn luôn luôn cười với hoa.”

Đất, trời và lòng người cùng hòa chung niềm hoan lạc trong cuộc đổi mới, với mùa Xuân hoa nở trên ngàn cây nội cỏ, với những ngày tươi thắm muôn chim đua hát tưng bừng, khiến người người đều cảm thấy chính đời mình như cũng đang nở hoa.

“Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời/ Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo/ Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm/ Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời Xuân thắm tươi/ Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời/ Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng reo/ Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm/ Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời Xuân thắm tươi.”

Ngày Xuân con én đưa thoi, con én tung bay khắp trời. Ta đừng để lòng mình phải thổn thức làm gì mà hãy vui lên, hãy tươi trẻ lên, bởi vì ý Xuân và tình Xuân nay quá đậm đà, quá thắm tươi.

Bìa nhạc phẩm “Xuân Và Tuổi Trẻ” của La Hối và Thế Lữ. (Hình: Tài liệu)

“Vui sướng đi cho đời tươi sáng/ Vui sướng đi cho lòng thêm tươi/ Ta hát ca đón mừng Xuân mới/ Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái.”

Ta hãy vui sướng đi để cho lòng thêm tươi và đời thêm sáng. Hãy để cho nhạc lòng réo rắt những cung điệu ngất ngây. Hãy cất tiếng hoan ca để đón mừng mùa Xuân mới và để cho lòng người thêm hân hoan, phấn khởi, say sưa và hăng hái lên đi nào!

“Hát vang lên đời ta thắm tươi/ Tiết Xuân huy hoàng muôn sắc hoa/ Tiết Xuân êm đềm muôn tiếng ca/ Hát vang hòa lòng thêm hăng hái/ Hát vang lên đời ta thắm tươi/ Tiết Xuân huy hoàng muôn sắc hoa/ Tiết Xuân êm đềm muôn tiếng ca/ Xuân tưng bừng…”

Nào, ta hãy cùng nhau hát lên vì đời ta luôn thắm tươi giữa tiết Xuân huy hoàng và giữa ngàn hoa lá rực rỡ. Bởi vì tiếng hát với cung đàn sẽ khiến cho Xuân sang không hững hờ tình duyên ta mơ giữa mùa Xuân tưng bừng, tươi thắm…

***

Nhạc sĩ La Hối, tên thật là La Doãn Chánh, sinh năm 1920 tại Hội An, Quảng Nam, trong một gia đình người Hoa gốc Quảng Đông đã định cư nhiều đời tại Việt Nam. Ông mất năm 1945, khi mới 25 tuổi.

Sinh trưởng trong một gia đình phong lưu, mà phần đông con cái đều có ít nhiều năng khiếu về nghệ thuật, nên ngay từ nhỏ ông đã thể hiện năng khiếu về âm nhạc.

Chớm lớn lên, La Hối tiếp xúc ngay với âm nhạc Tây phương, phần nhiều là ca vũ khúc và những nhạc vui trẻ của màn ảnh.

Nhạc sĩ La Hối tự học, tự nghiên cứu những bộ sử âm nhạc Đông, Tây. Chỉ một thời kỳ ngắn, từ năm 1936 đến năm 1938, La Hối học ở Sài Gòn, tiếp xúc với ít nhiều giáo sư âm nhạc, và đây là khoảng thời gian ông có dịp học hỏi, trau giồi môn âm nhạc cổ điển Tây phương.

Năm 1939, La Hối và các bạn thành lập Hội Hiếu Nhạc (Société Philharmonique) do ông làm hội trưởng. Một số nhạc sĩ nổi tiếng bây giờ như Dương Minh Ninh (tác giả ca khúc “Đường Chiều”), Lê Trọng Nguyễn (tác giả “Nắng Chiều”), Lan Đài (tác giả “Chiều Tưởng Nhớ”)… đã từng được ông hướng dẫn âm nhạc.

Trang sau của nhạc phẩm “Xuân Và Tuổi Trẻ” do nhà xuất bản Đón Gió, Sài Gòn, xuất bản Hè 1954, viết về tiểu sử của La Hối, cho biết năm 1939-1945, Nhật xâm chiếm Trung Hoa và cả miền Đông Nam Á, La Hối gia nhập một tổ chức gián điệp của Trung Hoa kháng Nhật tại Việt Nam. Trong thời kỳ này nhạc sĩ La Hối thường nghiên cứu âm nhạc Trung Hoa, nhất là những hành khúc hùng mạnh.

Năm 1944, nhạc sĩ La Hối phải trốn qua Lào để tránh tai mắt của Hiến Binh Nhật. Nhưng nhiệm vụ thiết yếu, nhạc sĩ phải trở về hoạt động tại Hội An, Đà Nẵng. Tổ chức bí mật vỡ lở, Hiến Binh Nhật bắt rất nhiều thanh niên Trung Hoa tại miền Trung Việt Nam giam cầm, tra tấn.

Năm 1945, La Hối gia nhập và trở thành một trong những nhà lãnh đạo các tổ chức chống phát xít Nhật. Ông cùng những người đồng chí hướng in truyền đơn, nổ bom, phá đường, phá cầu, phục kích các lực lượng quân đội Nhật.

Nhạc sĩ La Hối. (Hình: Tài liệu)

Vào Tháng Năm, 1945, lúc La Hối được 25 tuổi, ông và 10 chiến hữu bị Hiến Binh Nhật bắt. Sau khi bị tra tấn tàn nhẫn, tất cả cùng bị xử bắn và chôn chung vào một ngôi mộ tập thể tại chân núi Phước Tường, Đà Nẵng. Về sau, người nhạc sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh này đã được cải táng về khu tưởng niệm Chống Phát xít Nhật ở Hội An.

Nhạc sĩ La Hối sáng tác “Xuân Và Tuổi Trẻ” trong thời kỳ hoạt động kháng Nhật, chứa đựng một nguồn vui lành mạnh và một ý chí đấu tranh vì tự do, là phản ảnh tâm hồn nghệ sĩ và tấm lòng yêu nước của nhạc sĩ.

Nhạc phẩm “Xuân Và Tuổi Trẻ” của La Hối vốn do Diệp Truyền Hoa đặt lời tiếng Hoa. Sau khi La Hối mất, nhà thơ Thế Lữ đến Quảng Nam và biết được gương hy sinh dũng cảm của ông nên xúc động mà đặt lời Việt cho “Xuân Và Tuổi Trẻ.”

Ngoài nhạc phẩm để đời này ra, La Hối còn có hai ca khúc khác được người đời biết đến, là “Gió Thiêng Liêng” và “Xuân Sắc Quê Hương.” (Vann Phan) [qd]


Nhạc phẩm “Xuân Và Tuổi Trẻ” của La Hối và Thế Lữ

Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng.

Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng
Ta muốn luôn luôn cười với hoa.

Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời Xuân thắm tươi.

Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời Xuân thắm tươi.

Vui sướng đi cho đời tươi sáng
Vui sướng đi cho lòng thêm tươi
Ta hát ca đón mừng Xuân mới
Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái.

Hát vang lên đời ta thắm tươi
Tiết Xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết Xuân êm đềm muôn tiếng ca
Hát vang hòa lòng thêm hăng hái.

Hát vang lên đời ta thắm tươi
Tiết Xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết Xuân êm đềm muôn tiếng ca
Xuân tưng bừng…


 

MỚI CẬP NHẬT