Friday, April 19, 2024

‘Sao con chưa về? Ba nóng ruột quá!’

Ngọc Lan

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Em nói, “Hôm nay là ngày mừng của con, ngày này gọi là ngày đại thử thách, cho nên con phải đi.”

Em vui lắm, em hớt tóc, nhờ mẹ ủi quần áo để đi dự tiệc với bạn bè.

Ba mẹ dặn, “Con đi chơi vui vẻ. Nhớ cẩn thận.”

Em nói “không sao.”

Nhưng em tới đó rồi xảy ra chuyện…

“Thấy con chưa về, tôi gọi cho con hỏi sao con chưa về, ba nóng ruột quá. Nhưng gọi rồi bỗng thấy có một người bắt phone trả lời nói là cảnh sát. Tôi sửng sốt liền. Tôi nói thiệt không thể nào tưởng tượng được, run tay run chân hết. Trong cuộc đời không thể nào có lúc tưởng tượng như vậy. Người cảnh sát nói ‘ông bình tĩnh tôi nói ông nghe,’ họ cứ nói câu đó 2, 3 lần…”

Giọng người cha nấc nghẹn liên tục từ lúc nghe tôi mở lời hỏi chuyện về đứa con trai 19 tuổi vừa vụt biến khỏi cuộc đời ngay trong ngày mà nó náo nức chờ đợi hơn 3 tháng qua – ngày được chập nhận trở thành hội viên của một hội “Fraternity”mà em mơ ước.

Tôi đã không chờ đợi đón nhận cảm xúc đau đến tê tái trong từng câu nói lạc giọng bởi tiếng khóc đã khàn đi của người đàn ông.

Em 19 tuổi, đang học năm thứ 2 trường Cal State Long Beach. “Bạn đó dễ thương, đáng mến lắm, giỏi nữa, nên bạn rất nổi tiếng trong trường.” Cháu tôi, từng biết em qua những sinh hoạt tại trường La Quinta, đã nói về em như thế.

Bên cạnh việc tham gia Hướng Đạo, em còn tham gia nhiều những hoạt động xã hội khác. “Nó luôn có ước mơ được giao tiếp nhiều, được giúp đỡ mọi người và tôi luôn theo sát con, giúp nó thực hiện những ý nguyện của mình,” ba em nói.

Em tham gia vào một trong những hội “nam sinh” – Fraternity.

Em đã trải qua thời gian thử thách và được kết nạp vào hội. Lễ mừng thành viên mới của hội được tổ chức rất long trọng.

Sau buổi lễ “kết nạp” em cùng các hội viên khác kéo về nhà của hội để tổ chức tiệc ăn mừng.

Người ta kể rằng, dù qui định các trường đều cấm chuyện rượu bia, tuy nhiên, chất men lại khó thiếu trong các buổi họp mặt, nhất là của tuổi trẻ.

Em 19 tuổi, chưa đủ tuổi để uống rượu, nhưng em đã uống – vì bị những bạn bè lớn hơn ép hay để chứng tỏ mình hòa đồng, không tách biệt?

Em mất vì bị “ngộ độc rượu” vào lúc khoảng 3 giờ sáng – đó là lời của bạn bè em kể với ba mẹ em, không phải kết luận từ cảnh sát.

Bố mẹ em đã không thể nào biết chuyện gì đã xảy ra cho em trong những giây phút cuối đời…

***

Tối nay, bạn bè tổ chức lễ thắp nến tưởng niệm em.

Vòng tròn đứng quanh chiếc bàn có đặt bức hình em với nụ cười tự tin rạng rỡ, cứ mỗi lúc một dầy hơn. Bạn bè em nhiều lắm. Bạn trung học. Bạn đại học. Bạn Hướng Đạo. Bạn từ các đội nhóm…

Và, không gì có thể ngăn mình khóc, khi nhìn thấy những gương mặt tuổi 19, đôi mươi nhòe nước mắt. Không gì có thể ngăn mình khóc khi nhìn những bạn bè em, tay cầm ngọn nến trắng, đứng trước di ảnh em, nói với em những điều thân thương nhất, những gì đẹp đẽ nhất mà em để lại trong họ.

Nước mắt đàn ông không dễ rơi. Nước mắt con trai không dễ chảy. Vậy mà…

Tôi nhớ hoài câu một người bạn em nói trong sự cố gắng, “…Mình đã coi nhau như anh em. Mình vẫn biết rằng trong đời, mình sẽ phải nhiều lần đối diện với những sự mất mát, nhưng mình không thể nào ngờ rằng sự mất mát đầu tiên mà mình phải đón nhận lại là sự ra đi của bạn…”

Tôi đã nhiều lần có mặt trong những tình cảnh như thế này, trước mặt là những người chưa từng quen biết. Nhưng nỗi đau khổ của những bậc cha mẹ khóc con trẻ, nét thảng thốt trên gương mặt bạn bè của người nằm xuống ở tuổi đôi mươi, khiến lòng mình quay quắt, tái tê.

Bởi

Mình có thể thấy mình trong nỗi đau tê dại thất thần của người cha, người mẹ

Mình có thể thấy con mình trong nét ngây ngô với nỗi buồn hoang mang nơi những đứa trẻ kia

Tôi tự hỏi, bao lâu nữa những người mẹ, người cha mới có thể xóa đi hình ảnh một tối bước chân về nhà, thấy con mình treo cổ tự tử trong garage?

Tôi tự hỏi, bao lâu nữa, những người mẹ, người cha mới có thể làm phai đi hình ảnh đứa con mình ngồi trong xe bên đường vắng trong một ngày mưa giông gió nổi và kết thúc mạng sống bằng phát súng xuyên màng tang?

Tôi tự hỏi, bao lâu nữa, những người mẹ, người cha mới có thể chấp nhận được sự thật là đứa con yêu đời, ham sống của mình thật sự không bao giờ trở về nữa sau một buổi tiệc mừng cho những thành tựu của chính nó?

MỚI CẬP NHẬT