Thursday, April 18, 2024

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức trục xuất thêm một nhà ngoại giao Việt Nam

BERLIN, Đức (NV) – Twitter chính thức của Bộ Ngoại Giao Đức ngày 22 Tháng Chín tuyên bố: “Không có hồi đáp đầy đủ từ Việt Nam sau vụ bắt cóc ở Đức. Vì thế chúng tôi đã trục xuất thêm một nhà ngoại giao,” theo BBC.

Đây là nhà ngoại giao thứ hai làm việc trong tòa Đại Sứ Việt Nam ở Berlin bị Đức trục xuất sau cáo buộc của Đức rằng Việt Nam đã tiến hành vụ bắt cóc và đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam. “Người này có bốn tuần để cùng gia đình rời khỏi nước Đức,” Bộ Ngoại Giao Đức cho biết.

BBC cho hay, thông cáo bằng tiếng Đức của Bộ Ngoại Giao nước này gửi cho báo chí cũng nói hiện Berlin đã “tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam.

Trong thông cáo này, Bộ Ngoại Giao Đức tuyên bố: “Ngay sau khi nắm được thông tin về vụ việc chúng tôi đã khẳng định rõ rằng việc bắt cóc người trên lãnh thổ Đức là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi có các bằng chứng rõ ràng về vụ bắt cóc này và sẽ công bố chúng vào thời điểm thích hợp. Ngày 10 Tháng Tám, Tổng Công Tố Liên Bang đã tiếp nhận điều tra vụ việc. Hiện quá trình này vẫn chưa kết thúc.”

“Vụ bắt cóc đã vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và luật pháp quốc tế, điều mà chúng tôi không bao giờ dung thứ. Bằng việc trục xuất trưởng phòng tình báo của Đại Sứ Quán Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện những biện pháp thẳng thắn đầu tiên. Chúng tôi đã nhiều lần thông báo rõ với chính phủ Việt Nam về các yêu cầu của phía Đức và thể hiện rõ rằng chúng tôi bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác,” bản thông cáo viết.

“Cho tới nay, yêu cầu xin lỗi của chúng tôi kèm theo cam kết không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai đã không được chính phủ Việt Nam đáp ứng. Phía Việt Nam cũng không khẳng định rõ rằng sẽ xử lý những người có trách nhiệm trong vụ việc,” thông cáo cho hay.

Bộ Ngoại Giao Đức khẳng định: “Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó có việc áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế. Vì lí do cho tới nay phía Việt Nam hoàn toàn không đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi cũng như không thừa nhận việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin nên chúng tôi buộc phải áp dụng các biện pháp tiếp theo.”

“Vì vậy, ngày hôm qua, trong buổi làm việc với đại sứ Việt Nam tại trụ sở Bộ Ngoại Giao chúng tôi đã thông báo với phía Việt Nam về việc sẽ tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi đã quyết định trục xuất thêm một cán bộ của Đại Sứ Quán Việt Nam. Người này có bốn tuần để cùng gia đình rời khỏi nước Đức,” thông cáo cho biết.

“Chúng tôi mong đợi rằng phía Việt Nam sẽ thực hiện các yêu cầu của phía Đức. Phía Việt Nam biết làm thế nào để có thể khôi phục lại mối quan hệ song phương và khắc phục việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin,” Bộ Ngoại Giao Đức cho hay.

Hãng tin AFP dẫn lời ông Rainer Breul, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Đức, nói một nhà ngoại giao Việt Nam thứ hai buộc phải rời khỏi Đức vì có bằng chứng ông này liên quan vụ việc.

“Người này không phải là cấp quản lý cao cấp tại tòa đại sứ nhưng chúng tôi có bằng chứng cho thấy ông ta đã tham gia vụ việc cùng với một số nhân viên ngoại giao khác của Việt Nam tại tòa đại sứ,” ông Rainer Breul nói.

“Chúng tôi không định im lặng và để cho vụ việc rơi vào quên lãng,” người phát ngôn nói, và cho biết thêm cho đến nay Hà Nội đã không chịu xin lỗi về vụ bắt cóc, cũng không chịu cam kết là những hành vi tương tự sẽ không diễn ra trên lãnh thổ Đức.

Trước đó, BBC cho hay, từ ngày 1 Tháng Chín, ông Hồ Ngọc Thắng, nhân viên người Việt làm việc cho Văn Phòng Liên Bang Về Nhập Cư và Tị Nạn (viết tắt là BAMF) của Đức chính thức bị cho nghỉ việc.

Báo chí Đức liên tục đưa tin về mối liên hệ giữa ông Hồ Ngọc Thắng với vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, thậm chí còn đặt nghi vấn về “cuộc sống nhị trùng” của ông này, người mà báo DW coi là “ban ngày làm việc cho Đức, ban đêm phục vụ đảng Cộng Sản Việt Nam.”

Tuy nhiên, BAMF xác nhận với BBC rằng cho đến thời điểm này, việc điều tra cho thấy “chưa có mối liên hệ trực tiếp nào giữa nhân viên đó với vụ bắt cóc.”

Theo BAMF, ông Hồ Ngọc Thắng làm việc tại cơ quan này kể từ năm 1991 tới nay, nhưng không được giao nhiệm vụ đánh giá hồ sơ tị nạn của người Việt Nam.

Ông Thắng bị tạm đình chỉ công tác kể từ 7 Tháng Tám, ngay khi BAMF nhận được những thông tin về việc ông có những bài viết và thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng xã hội.

Trên trang Facebook cá nhân, ông Hồ Ngọc Thắng hồi đầu Tháng Tám đăng bài “Quan hệ ngoại giao Đức-Việt sẽ ra sao trong vụ Trịnh Xuân Thanh?”

Trong bài viết có những đoạn như: “Cho đến nay, các cơ quan Đức không có thể đưa ra bất kỳ một bằng chứng nào cho thấy ông Trịnh Xuân Thanh bị ‘bắt cóc,’” hay “tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Đức chủ yếu dựa vào phát biểu của bà luật sư đại diện cho Trịnh Xuân Thanh trong thủ tục xét tị nạn,” và “bọn phản động trong và ngoài nước còn khai thác đề tài này lâu hơn.”

Sau khi việc điều tra kết thúc, BAMF đã “ngay lập tức chấm dứt quan hệ lao động” với ông Hồ Ngọc Thắng, BAMF nói với BBC.

Tuy không nêu lý do khiến ông Thắng bị cho nghỉ việc, nhưng BAMF cho biết tất cả các nhân viên của cơ quan này “đều bị ràng buộc bởi nghĩa vụ trung thành và trung lập,” và rằng các nhân viên “luôn được cấp trên liên tục nhắc nhở về tầm quan trọng của nghĩa vụ này trong các khóa tập huấn.” “Nhân viên này có thể đệ đơn khiếu nại lên tòa án lao động về việc bị sa thải,” BAMF nói thêm.

Trước đó, theo AP, các công tố viên của Đức cho hay, một người đàn ông tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi Tháng Bảy đã bị bắt giữ ở Cộng Hòa Czech và được giao cho các nhà điều tra Đức. AP cho hay, người bị bắt là một công dân Việt Nam tên Long N.H., 46 tuổi. Ông Long bị bắt ở Cộng Hòa Czech ngày 12 và giao cho Đức hôm 24 Tháng Tám. Nghi can này bị cáo buộc đã thuê một chiếc xe van ở thủ đô Prague của Czech và lái sang Berlin hôm 20 Tháng Bảy để thực hiện vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh vào ngày 23 Tháng Bảy.

Các công tố viên Đức nói rằng nghi can bị cáo buộc làm gián điệp và bắt người bất hợp pháp.

Chủ chiếc xe Multivan VW (Volkswagen) bảy chỗ mang biển số 2AB-3140 nói với BBC rằng khách thuê xe là ông Nguyễn Hải Long, người đứng tên chủ doanh nghiệp Money Gram tại chợ Sa Pa. (Q.D.)

Mời độc giả xem phóng sự “Sài Gòn ngổn ngang vì dự án metro”

MỚI CẬP NHẬT