Monday, March 18, 2024

Các dự luật tại California trong kỳ bầu cử sắp tới

Luật Sư Nguyễn Quốc Lân

Trong kỳ bầu cử vào ngày 6 Tháng Mười Một, 2018 tới đây, cử tri trên toàn California sẽ có cơ hội bỏ phiếu trên 11 dự luật trưng cầu dân ý, gọi là propositions.

Đây là con số các dự luật tương đối ít so với các kỳ bầu cử trước đây, nhưng không kém phần quan trọng. Việc chọn lựa đối với các dự luật này không phải là một vấn đề đơn giản cho đa số các cử tri.

Tuy nhiên, chọn lựa không đúng có khi còn tai hại hơn là không chọn lựa. Bài viết này chỉ nhằm mục đích giải thích các điều khoản căn bản và ảnh hưởng của các điều khoản này để cử tri có thể dễ hiểu và chọn lựa cho chính mình.

Sơ lược về công khố phiếu tiểu bang California 

Trong kỳ bầu cử này có một số dự luật liên quan đến bán công khố phiếu để tài trợ cho các chương trình công ích cho một thành phần dân cư nào đó. Công khố phiếu, tiếng Anh là government hay municipal bonds, là một phương thức gây quỹ trước để tài trợ cho các chương trình được chấp thuận.

Những người đầu tư mua công khố phiếu này trên thị trường chứng khoán và nhận được các quyền lợi như bảo đảm không bị mất, được nhận tiền lời, được miễn thuế trên tiền lời… Sau khi bán công khố phiếu, tiểu bang sẽ phải hoàn trả lại số tiền này cộng với tiền lời trong vòng khoảng 35 hay 40 năm. Trung bình, số tiền chi trả cả vốn lẫn lời sẽ là gấp đôi số tiền bán công khố phiếu sau khi hoàn tất. Nguồn tiền hoàn trả đến từ ngân quỹ của tiểu bang và do đó tạo thêm áp lực cho ngân sách tiểu bang, mức độ thuế má hay mức độ các dịch vụ cung cấp.

Tiểu bang California hiện này vẫn đang trả khoảng $83 tỷ tiền công khố phiếu cộng với khoảng $39 tỷ trị giá công khố phiếu do cử tri chấp thuận. Tiểu bang hiện nay đang chi ra khoảng $6 tỷ hằng năm để chi trả cho số lượng công khố phiếu này.

Trong kỳ bầu cử này, nếu tất cả các dự luật bán công khố phiếu trong kỳ bầu cử này được thông qua, tiểu bang sẽ phải chịu trách nhiệm thêm $14.4 tỷ, và chi phí $650 triệu mỗi năm trong vòng 40 năm, với tổng số khoảng $26 tỷ lên trên trách nhiệm hiện nay của tiểu bang để trả cho các chi phí này.

Đây là sự cân nhắc mà các cử tri cần phải suy nghĩ khi bỏ phiếu cho các dự luật này. Cũng giống như mỗi người chúng ta khi vay tiền nhà bang hay dùng thẻ tín dụng để chi trả cho một món tiền nào đó vì mình không có sẵn tiền, mình nên cân nhắc những yếu tố chính như (1) chi phí này có cần thiết hay không hay có phương thức nào khác hay không, (2) làm thế nào để chi trả lại món nợ này, (3) trách nhiệm chi trả này ảnh hưởng như thế nào đối với các chi tiêu khác hiện nay, (4) ảnh hưởng đến mức độ thuế má hay ngân sách chi tiết trong tương lai như thế nào, và (5) cá nhân mình được lợi ích gì với chi phí và trách nhiệm này?

Quyết định bỏ phiếu chi tiêu tiền của chính phủ cũng giống như cân nhắc việc chi tiết cho cá nhân hay gia đình của mình.

Dự Luật 1: Bán công khố phiếu trị giá $4 tỷ để hỗ trợ cho các chương trình gia cư cho người nghèo.

Dự Luật 1, nếu được thông qua, sẽ cho phép tiểu bang bán một số công khố phiếu trị giá lên đến $4 tỷ để tài trợ cho các chương trình gia cư giúp đỡ người nghèo, trong đó có $1.5 tỷ cho chương trình xây dựng hay tu sửa khu gia cư có lợi tức thấp, $1 tỷ tiền cho cựu chiến binh vay để mua nhà hay nông trại, $450 triệu cho các dự án giao thông hỗ trợ khu gia cư có đông người nghèo, $300 triệu cho chương trình gia cư hỗ trợ nông dân và $300 triệu hỗ trợ các loại nhà tiền chế.

Để hoàn trả lại số tiền vay mượn qua công khố phiếu này, tiểu bang sẽ phải chi thêm khoảng $170 triệu mỗi năm trong vòng 35 năm sắp tới, đưa tổng số chi phí của Dự Luật 1 có thể lên đến $5.9 tỷ, tức khoảng $3 tỷ tiền vốn và $2.9 tỷ tiền lời.

Nếu thành công, Dự Luật 1 có thể hỗ trợ cho khoảng 30,000 gia đình trong các khu chung cư, 7,500 gia đình nông dân, tài trợ tiền down để mua nhà cho khoảng 15,000 gia đình và 3,000 cựu chiến binh. Tuy nhiên, các chương trình tài trợ này sẽ gia tăng gánh nặng công quỹ cho tiểu bang trong gần 35 năm sắp tới.

Dự Luật 2: Bán công khố phiếu trị giá đến $2 tỷ để tài trợ cho các chương trình gia cư cho những người có bệnh tâm thần

Dự Luật 2, nếu được thông qua, sẽ cho phép tiểu bang bán công khố phiếu trị giá lên đến $2 tỷ để tài trợ cho chương trình No Place Like Home (Không Nơi Nào Như Ở Nhà) đã được thông qua năm 2014, đồng thời cho phép chuyển khoảng $140 triệu từ ngân quỹ Mental Health Services Act (Đạo Luật Dịch Vụ Bệnh Tâm Thần) được thông qua từ năm 2004. Bên cạnh ngân khoản này, tiểu bang vẫn phải chi trả thêm khoảng $120 triệu mỗi năm trong vòng 30 năm để hoàn trả lại số tiền vay mượn từ số công khố phiếu này.

Mục tiêu của chương trình giúp người có bệnh tâm thần là để giúp họ có nhà ở và nhận được các dịch vụ y tế cần thiết về tâm thần và qua đó có thể giải quyết phần nào vấn nạn người vô gia cư đang lan rộng tại nhiều nơi trên toàn tiểu bang. Tuy nhiên vấn đề gia tăng chi phí trong tài khóa tiểu bang cũng là một quan tâm chính đáng khác.

Dự Luật 3: Bán công khố phiếu trị giá đến $8.9 tỷ để hỗ trợ các dự án bảo vệ các nguồn nước uống, hệ thống cấp thủy và các sinh vật trong nước 

Dự Luật 3, nếu thông qua, sẽ cho phép tiểu bang bán khoảng $9 tỷ để tài trợ cho các dự án dẫn nước, bảo vệ nguồn nước uống, các hệ thống cung cấp nước uống và bảo vệ các sinh vật trong các nguồn nước. Các dự án này có thể cần thiết để bảo vệ và tân trang các nguồn nước uống cũng như đối phó với vấn đề hạn hán tại California mà đã kéo dài nhiều năm.

Để hoàn trả lại số tiền vay nợ này, tiểu bang sẽ phải chi khoảng $430 triệu mỗi năm trong khoảng 40 năm tới và tổng số tiền tổn phí cho cả vốn lẫn lời có thể lên đến $17.3 tỷ. Các dự án này có thể giúp các cơ quan chính quyền địa phương tiết kiệm được một số tiền vì các cơ quan này không cần phải chi trả cho các dự án mà họ dự định tiến hành.

Dự Luật 4: Bán công khố phiếu trị giá $1.5 tỷ để tài trợ các dự án xây cất bệnh viện cho trẻ em 

Dự Luật 4 dự trù bán công khố phiếu trị giá đến $1.5 tỷ để tài trợ cho các dự án xây cất hay tân trang các bệnh viện trẻ em và dịch vụ cho các bệnh nhân trẻ em trong các bệnh viện này. Chi phí hoàn trả lại số tiền công khố phiếu này là khoảng $80 triệu từ công quỹ tiểu bang trong vòng 35 năm và tổng cộng có thể lên đến $2.9 tỷ kể cả vốn lẫn lời.

Bệnh việc trẻ em là nơi chữa trị các bệnh nặng và hiểm nghèo đối với các trẻ em. Đa số các em thường từ thành phần nhà nghèo và được tài trợ bởi các bảo hiểm của chính phủ. Nguồn tài trợ chính của các bệnh viện này là trợ cấp của chính phủ và quyên góp từ tư nhân. Thông thường các bệnh viện này không được trợ cấp dồi dào như các bệnh viện khác cho người lớn.

Dự Luật 5: Đổi luật hiện này để cho phép chủ nhà lớn tuổi hay khuyết tật được chuyển mức thuế nhà hiện tại sang căn nhà mới đến mọi nơi trên toàn tiểu bang và không có giới hạn số lần hay giá trị nhà mới 

Luật hiện nay, theo đạo luật 13, tính mức thuế nhà đất khoảng 1% dựa trên giá trị khi mua và mức thuế này không được tang quá 2% mỗi năm và chỉ được tính lại theo giá thị trường sau khi có sự chuyển nhuyện sang người khác. Đó là lý do tại sao mức thuế nhà đất của nhiều căn nhà đã mua lâu năm thấp hơn nhiều so với căn nhà tương từ mới mua. Đối với những người trên 55 tuổi hay có khuyết tật, họ có thể chuyển mức thuế cũ này sang căn nhà mới nếu nhà mới có trị giá bằng hay thấp hơn, trong vòng quận đang cư ngụ và chỉ được sử dụng một lần trong đời.

Dự Luật 5, nếu được thông qua, sẽ tháo bỏ các giới hạn trên đây và cho phép những người này chuyển mức thuế này đến đâu trong tiểu bang cũng được, sang căn nhà trị giá lớn hơn bao nhiêu cũng được, và sử dụng mấy lần trong đời cũng được. Dự Luật 5 này có tác dụng giúp những vị cao niên tiết kiệm được tiền thuế nhà đất khi cần thay đổi nhà ở. Tuy nhiên, nhiều cơ quan chính quyền hay trường học cho rằng ngân quỹ từ tiền thuế đất sẽ bị hao hụt hơn $100 triệu cho năm đầu tiên và có thể lên đến $1 tỷ mỗi năm sau này.

Dự Luật 6: Hủy bỏ thuế xăng và thuế xe hơi và buộc các loại thuế này phải được các cử tri chấp thuận 

Năm 2017, Nghị Viện Tiểu Bang California với quyền kiểm soát tuyệt đối (super majority) của đảng Dân Chủ đã thông qua một loại thuế lên đến 12 cent cho mỗi gallon xăng và phụ phí khoảng từ $25 đến $175 khi đăng ký xe. Khoản thuế này đã đem lại cho tiểu bang khoảng từ $4 đến $5 tỷ cho mỗi năm và được chi vào các dự án về giao thông. Đảng Cộng Hòa đã cực lực phản đối luật thuế này nhưng không thành.

Trong kỳ bầu cử này, đảng Cộng Hòa đã vận động hủy bỏ loại thuế này và buộc rằng các loại thuế tương tự trong tương lai phải được cử tri trên toàn tiểu bang phê chuẩn. Nếu hủy bỏ khoản thuế này, nhiều dự án tu sửa đường xá có thể phải bị hủy bỏ hay đình trệ. Tuy nhiên, khoản thuế này gây ra gánh nặng cho người nghèo nhiều hơn người giàu vì mức thuế đánh trên mỗi gallon xăng ảnh hưởng người nghèo nhiều hơn người giàu.

Đây là một trong những tranh chấp chính giữa đảng Dân Chủ và Cộng Hòa trong chính trường tiểu bang California hiện nay.

Dự Luật 7: Cho phép tiểu bang California chọn lựa có nên theo luật đổi giờ hằng năm của liên bang hay không 

Nếu được thông qua, Dự Luật 7 sẽ cho phép tiểu bang, nếu được phê chuẩn bởi 2/3 tổng số phiếu của nghị viện tiểu bang có thể quyết định có nên hay không nên theo luật đổi giờ hai lần mỗi năm theo luật liên bang. Hiện nay có luật liên bang buộc rằng các tiểu bang phải thay đổi giờ hai lần mỗi năm, vào Tháng Ba và Tháng Mười Một theo chu kỳ gọi là Daylight Saving Time, ngoại trừ tiểu bang thông qua luật xin ra khỏi ràng buộc này. Hiện nay chỉ có tiểu bang Arizona đã tự động xin ra khỏi quy định đổi giờ này.

Chu kỳ thay đổi giờ hằng năm dựa trên nhận định là đổi giờ để phù hợp với mức độ trời sáng theo giờ mặt trời mọc hay lặn để bật đèn đường hay trong nhà cho phù hợp với trời tối hay sáng để tiết kiệm điện. Trong nhiều năm qua cũng có nhiều quan điểm cho rằng có nhiều tác hại đối với đồng hồ cuộc sống trong con người và việc đổi giờ hằng năm này đã gây rối loạn cho nhiều người liên quan đến thời gian ngủ hay cuộc sống hằng ngày.

Hiện nay vẫn chưa biết là trong số các vị dân cử tiểu bang có đủ túc số để thay đổi luật lệ và thông lệ này hay không.

Dự Luật 8: Giới hạn lệ phí trả cho dịch vụ lọc thận 

Dự Luật 8, nếu thông qua, sẽ giới hạn chi phí cho các dịch vụ lọc thận đến mức 115% trên các chi phí cho các dịch vụ này. Nếu chi phí vượt trên mức ấn định này, các trung tâm lọc máu sẽ phải bồi hoàn lại cho người trả tiền, kể cả các cơ quan bảo hiểm hay chính phủ đã trả tiền cho các dịch vụ này qua chương trình bảo hiểm y tế.

Dự luật này không quy định rõ cách tính tiền và lệ phí như thế nào. Cũng không biết chắc là tiểu bang có được phép giới hạn mức tiền lời cho các cơ sở tư nhân như vậy không. Dự luật cũng có thể gây lo ngại là các dịch vụ lọc thận sẽ bị cắt giảm các phương thức dịch vụ vì chủ nhân sẽ tính toán lại mức độ tiền lời hay các chi phí mà không gây giảm thiểu tiền lời cho các trung tâm lọc thận.

Dự Luật 10: Gia tăng thẩm quyền của chính quyền địa phương để thông qua luật kiểm soát tiền thuê nhà 

Tại California, hầu như không có luật giới hạn mức độ tiền thuê nhà. Một số các thành phố như San Francisco, San Jose và Los Angeles có luật giới hạn mức tăng tiền thuê nhà, thường được gọi là luật kiểm soát tiền thuê nhà (rent control law). Tiểu bang cũng có những điều luật giới hạn việc thông qua các luật lệ nhằm kiểm soát hay giới hạn mức tiền thuê nhà, theo Đạo Luật Costa-Hawkins Rental Housing Act.

Dự Luật 10, nếu được thông qua, sẽ gỡ bỏ các giới hạn trên đây và cho phép các cấp chính quyền địa phương như quận hạt hay thành phố thông qua các điều luật giới hạn mức thuê tiền nhà. Các điều luật này có thể giúp đỡ những người thuê nhà phải đương đầu với những mức tiền thuê nhà mà hầu như không có giới hạn. Tuy nhiên, những thành phần chủ nhà thì cho rằng nếu giới hạn tiền thuê nhà thì nhiều người sẽ không cho thuê nhà nữa và như vậy người thuê nhà sẽ khó tìm kiếm nhà cho thuê hơn.

Dự Luật 11: Cho phép các công ty cung cấp dịch vụ cấp cứu được đặc miễn trách nhiệm trả lương trong thời gian ăn trưa để tiếp tục trả lời các kêu gọi khẩn cấp 

Dự Luật 11, nếu được thông qua, sẽ cho phép các công ty cung cấp dịch vụ cứu tư nhân được đặc miễn trách nhiệm theo luật lao động, buộc rằng các nhân viên phải được nghỉ ngơi trong giờ ăn trưa để có thể coi như đó vẫn là giờ trực để đối phó với các trường hợp khẩn cấp nếu xảy ra trong thời gian đó.

Điều luật này dựa trên luật lao động chung buộc rằng khi nhân viên nghỉ ăn trưa thì không được màng gì đến công việc của chủ nhân và phải coi như giờ riêng tư của mình. Đương nhiên, các nhân viên này sẽ được trả lương cho giờ ăn trưa. Dự luật này chỉ áp dụng đến các hãng tư nhân chứ không áp dụng đến các cơ quan chính phủ như sở cứu hỏa, sở cảnh sát, sở cấp cứu…

Các hãng cấp cứu tư nhân vận động cho dự luật này cho rằng việc này cần thiết cho an toàn của mọi người vì các nhân viên này vẫn túc trực toàn thời gian, cho dù trong thời gian nghỉ trưa. Tuy nhiên đây chỉ là mục tiêu giảm trách nhiệm và giảm chi phí cho các công ty này.

Dự Luật 12: Quy định tiêu chuẩn chăm nuôi gia súc 

Dự Luật 12 buộc các nhà chăn nuôi súc vật như bò, heo, dê hay gà đẻ trứng phải cung cấp đủ chỗ rộng rãi đi lại cho các súc vật này và ngăn cấm việc mua bán các sản phẩm từ các trại chăn nuôi không đáp ứng các tiêu chuẩn này, cho dầu họ ở ngoài tiểu bang California.

Dự luật này có thể tạo thêm chi phí cho việc chăn nuôi gia súc và qua đó chi phí thêm cho thực phẩm đến với người tiêu dùng, kể cả những sản phẩm đến từ ngoài tiểu bang California. Vấn đề này sẽ có ảnh hưởng lớn đối với kỹ nghệ thực phẩm hay chăn nuôi gia súc không những tại California nhưng cả trên toàn Hoa Kỳ.

Kết luận 

Việc tìm hiểu rõ ý nghĩa và ảnh hưởng của mỗi dự luật trước khi bỏ phiếu là một trách nhiệm quan trọng đối với mỗi cử tri. Nếu không hiểu rõ, các cử tri vẫn có thể bỏ phiếu trống đối với các dự luật này. (Nguyễn Quốc Lân)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT