Thursday, May 16, 2024

Có hay không thế lực mafia đang lộng hành trong bộ máy nhà nước ở Việt Nam?

Thanh Hà

Truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin, theo dự kiến, vụ án liên quan tới bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và các đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (SCB), sẽ được đưa ra xét xử trong Tháng Ba.

Bà Trương Mỹ Lan và tòa nhà Vạn Thịnh Phát ở Sài Gòn. (Hình: Báo Thanh Niên)

Bà Trương Mỹ Lan và các cộng sự bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 498,000 tỷ đồng, tương đương $20 tỷ. Con số này gấp hàng ngàn lần số tiền thất thoát trong các vụ đại án gần đây như “chuyến bay giải cứu” hay vụ “test kit Việt Á.”

Đáng chú ý, trong giai đoạn trước và sau khi bà Trương Mỹ Lan và một số cộng sự thân tín bị khởi tố bắt giam vào lúc rạng sáng hôm 7 Tháng Mười, 2022, ba người có vai trò quan trọng trong vụ án đã đột ngột qua đời một cách bí ẩn.

Nhân vật đầu tiên là ông Nguyễn Tiến Thành, chủ tịch công ty chứng khoán Tân Việt và là thành viên Hội Đồng Quản Trị SCB.

Thông tin về cái chết của ông Nguyễn Tiến Thành được đưa ra với nhiều lý do khác nhau, nhưng theo báo Tuổi Trẻ, nguyên nhân cái chết của ông là do bị đột quỵ.

Một thông tin đáng chú ý, trong cáo phó của gia đình cho biết, ông Nguyễn Tiến Thành mất lúc 22 giờ 50 phút ngày 6 Tháng Mười, 2022. Thời điểm vừa kể chỉ cách thời điểm các cơ quan chức năng thực hiện lệnh bắt giữ đối với bà Trương Mỹ Lan và các nhân vật như Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng, và ông Hồ Bửu Phương vào lúc 1 giờ sáng hôm 7 Tháng Mười, 2022.

Như vậy, thời điểm ông Nguyễn Tiến Thành qua đời chỉ trước khi bà Trương Mỹ Lan cùng các bị can nói trên bị bắt tạm giam chừng vài ba tiếng đồng hồ.

Được biết ông Thành cũng là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng, phó tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát. Theo kết luận điều tra của Bộ Công An, công ty chứng khoán Tân Việt nằm trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.

Ba ngày sau, ngày 10 Tháng Mười, 2022, bà Nguyễn Phương Hồng, sinh năm 1984, trợ lý của bà Lan, kiêm thành viên HĐQT của SCB, một người bị bắt cùng thời điểm với bà Lan, đột tử trong nơi tạm giữ của công an tại Sài gòn.

Đáng chú ý, sau khi báo chí ở Việt Nam trước đó đã đưa tin về việc bà Nguyễn Phương Hồng qua đời, nhưng sau đó ít lâu đã phải gỡ bỏ theo “chỉ đạo” cũng như bị gỡ khỏi trang web của SCB.

Trước khi bản tin bị gỡ, báo Pháp Luật TPHCM đã đưa tin về cái chết của bà Hồng. Bản tin cho biết, tối ngày 10 Tháng Mười, gia đình đã phát tang bà tại nhà riêng ở đường Nam Hòa, phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức, Sài Gòn. Thời điểm đó, trên mạng xã hội cũng chia sẻ các ý kiến cho rằng, ở khu vực đám tang bà Hồng có nhiều dân quân tự vệ, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, và công an phường.

Sau hai cái chết kể trên, ông Nguyễn Ngọc Dương, giám đốc công ty Sài Gòn Penninsula, cựu tổng giám đốc công ty Vạn Phát Hưng, cũng “nhảy lầu” chết.

Về vai trò của ông Nguyễn Ngọc Dương, theo kết luận điều tra của Bộ Công An, ông có vai trò trong việc phối hợp để tạo các công ty ma nhằm vay vốn khống, rút tiền từ SCB. Theo đó, ông Dương đã chỉ đạo cấp dưới tìm người nhận đứng tên theo yêu cầu để đứng tên khoản vay tại SCB, đứng tên đại diện pháp luật để mở các công ty ma. Ông cũng mở tài khoản nhận tiền, rút tiền mặt, phục vụ cho các mục đích của bà Trương Mỹ Lan.

Một câu hỏi đặt ra, vậy ở Việt Nam đã hình thành các hệ thống tổ chức mafia hay chưa và nó được hình thành từ bao giờ? Và có hay không hệ thống mafia đang lộng hành trong bộ máy nhà nước ở Việt Nam mà điển hình là trong đại án Vạn Thịnh Phát?

VietNamNet hôm 13 Tháng Mười, 2012, đề cập tới vấn đề vừa kể, trong một bài phỏng vấn với ông Lê Kiên Thành, con trai của ông Lê Duẩn, cố tổng bí thư đảng CSVN.

Trong bài viết “Những cái khó khăn nhất của dân tộc qua rồi,” của VietNamNet, ông Lê Kiên Thành đề cập tới vấn đề các tập đoàn tài phiệt của Nga đã chi phối chính trị vào thời kỳ sau khi Liên Xô sụp đổ và nó sẽ lặp lại y chang như vậy ở Việt nam.

Ông Lê Kiên Thành cho biết, giữa thập niên 1980, khi đang học ở Liên Xô, ông thấy tình hình chính trị, xã hội bề ngoài có vẻ bình thường, nhưng khi chế độ này sụp đổ, mafia Nga mọc lên như nấm tạo nên một thế giới tội phạm, hơn hẳn mafia ở Mỹ hay ở Ý và người ta đã nghi ngờ rằng mafia Nga đã hình thành từ trong lòng chế độ XHCN.

Nhưng mafia của nước Nga sau này xuất phát từ tầng lớp thượng lưu, từ những người có tiền, có sự liên kết với các giới chức lãnh đạo cấp cao có quyền trong xã hội. Cho nên mafia của Nga, sẽ hung dữ hơn, táo bạo hơn, mà sự hình thành mafia ở nước Nga dười thời Tổng Thống Vladimir Putin là một ví dụ.

Vẫn theo ông Lê Kiên Thành, Việt Nam có nhiều nét tương đồng với thể chế Liên Xô cũ, nên từ năm 2007, “… tôi đã từng đặt ra vấn đề ‘Quả trứng mafia Việt Nam bao giờ nở?’”

Theo đó, xét những vụ trọng án trong mấy chục năm qua, người ta thấy sự xuất hiện những tổ hợp tội phạm có tính chất mafia ở Việt Nam. Đó là việc các quan chức liên minh với xã hội đen như trong vụ án Năm Cam hay Dung Hà trước đây, tuy nhiên ở mức độ còn thô sơ.

Theo giới phân tích, các vụ án kiểu này ngày một lớn về quy mô, chặt chẽ về tổ chức, nguy hiểm về hành vi và trầm trọng về tác hại. Đến nay, những vụ án đó cho thấy, một số chính khách hàng đầu của Việt Nam đã có mặt trong liên minh với những ông trùm trong nhiều lĩnh vực. Đó là những “đại gia” với khối tài sản kếch sù, nhưng làm ăn đầy tai tiếng, và họ có quan hệ với nhau từ kín đáo đến công khai.

Đáng chú ý, số lượng các đại gia hay tỷ phú đô la ở Việt Nam hiện nay đa phần là các đại gia từ Liên Xô cũ hay Đông Âu trở về, như ông Phạm Nhật Vượng, (Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), ông Hồ Hùng Anh (Techcombank)… Tất cả đều dựa vào các lãnh đạo cấp cao để bảo kê trong những liên minh “lợi ích nhóm” mà Vingroup là một điển hình trong sự cấu kết.

Trường hợp facebooker Phương Ngô gần đây được cho là đã “mất tích” vì lên tiếng vạch trần những hoạt động mờ ám của Vingroup, thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, cũng là một ví dụ.

Luật Sư Đặng Đình Mạnh, trong một status với tiêu đề “PHUONG NGO TÀNG HÌNH, CẢ TRANG FACEBOOK & NGƯỜI,” cho rằng, “Hóa ra, Bộ Công An bây giờ cũng đặt mình nằm dưới sự sai khiến của tập đoàn Vingroup? Động cơ là gì chắc không khó đoán.”

Vẫn theo Luật Sư Mạnh, thật ra, sự việc này không có gì đáng ngạc nhiên. Vì lẽ, cả trăm cơ quan truyền thông của chính quyền mà nếu cần, Vingroup vẫn có thể ngang nhiên khóa mõm, buộc xóa bài một cách tuyệt đối được, thì một cá nhân như Phương Ngô đã là gì?

Báo Tuổi Trẻ Online hôm 22 Tháng Hai, 2024 đưa tin cho hay, trong quá trình điều tra, bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm trong vụ án đã bị tạm giam ở nhiều cơ quan khác nhau của Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng ở các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Theo giới quan sát, điều đó cho thấy, việc các cơ quan chức năng của nhà nước Việt Nam đã và đang phải đối phó với bàn tay của các thế lực được cho là có mầu sắc mafia, có liên quan đến những cái chết bí ẩn trong giai đoạn đầu của vụ án Vạn Thịnh Phát là điều có thật. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT