Tuesday, March 19, 2024

Điện Trời

Nguyễn Đạt Thịnh

Một sinh hoạt khá xúc động đã xảy ra hôm Thứ Tư, 9 Tháng Năm, 2018, tại một cơ sở công quyền – toàn bộ 5 thành viên của California Energy Commission (Ủy Ban Năng Lượng California – UBNLC) – đồng thanh biểu quyết chấp thuận kế hoạch điện trời, trong một thời gian ngắn kỷ lục. Không ai thắc mắc gì nữa.

Họ thấy đó là con đường tiến bộ, không còn nghi vấn nào để bàn cãi. Mặt trời sẽ nấu nước nóng cho họ tắm, sẽ chạy máy lạnh cho căn nhà mát rượi vào mùa Hè và sưởi ấm mùa Đông; sang năm, hoặc vài ba năm nữa, xe hơi sẽ chạy bằng điện, và điện vẫn cứ do trời cung cấp miễn phí.

Họ chỉ tốn tiền gắn lên mái nhà những tấm lưới hút điện, và đặt trong nhà một bình giữ điện để có điện xài trong những ngày không nắng.

Sự đồng thuận của UBNLC đưa đến đạo luật đòi hỏi những hãng xây cất phải trang bị hệ thống điện trời cho những căn nhà mà họ sắp xây.

Trở ngại đầu tiên là phí tổn – giá nhà sẽ tăng lên từ $8,000 đến $12,000, tùy nhà lớn hay nhỏ. Nhiều hệ thống địa ốc lên tiếng cho biết nếu phải lựa chọn, họ sẽ chọn bán những căn nhà có gắn điện trời, vì khách hàng thích tiện nghi và rẻ – rẻ vì con số $12,000 chia cho 360 tháng trả góp, thì mỗi tháng tiền điện chỉ có $34; ấy là chưa nói đến cái tương lai rất gần là xe hơi cũng đổ “xăng điện” do trời cung cấp.

Kỹ sư trưởng Bob Raymer của California Building Industry Association – Hiệp Hội Xây Cất California – nhận định, “Việc luật California đòi hỏi kiến trúc mới phải được trang bị hệ thống điện trời là một bước nhảy vọt với đôi hài 7 dặm. Ngay hôm nay, chỉ với đạo luật ‘điện trời’ thôi, chúng ta cũng đã thấy việc các tiểu bang khác thèm thuồng theo dõi Cali.”

Chưa biết cái ngày “các tiểu bang khác thèm thuồng theo dõi Cali” chừng nào mới đến, nhưng vấn đề hôm nay của Cali vẫn là chưa có đủ nhà cho 39,780,000 cư dân trú ngụ, và khó khăn lớn cho cư dân là giá nhà rất cao.

Chính cái giá rất cao của một căn nhà bình thường, khiến người Cali không ngại phải trả thêm khoảng $12,000 hoặc ít hơn, để có tiện nghi điện trời. Trước khi Cali ra luật đòi những kiến trúc mới phải trang bị năng lượng solar, nhiều thị trấn của Cali cũng đã đòi hỏi các nhà kiến trúc phải xây nhà với tình trạng solar-ready-sẵn sàng để gắn điện trời. New Jersey, Massachusetts và Washington, D.C., cũng đang trên con đường áp dụng điện trời.

Dù sao Cali vẫn giữ vai trò tiền phong trong việc sử dụng điện trời; luật lệ tiểu bang ấn định là đến năm 2030, một nửa số điện sản xuất trong tiểu bang phải là noncarbon-producing sources-không tạo thán khí. Tuy còn đến 12 năm nữa mới đáo hạn, nhưng nhiều hãng điện đã bắt đầu thay đổi.

Cuối năm 2017, điện trời đã cung cấp 16% tổng số lượng điện tiêu thụ trong tiểu bang, và kỹ nghệ gắn điện trời tư gia đang sử dụng đến 86,000 công nhân.

Trong đà xúc tiến đang nhanh chóng diễn ra, kế hoạch “gắn điện trời cho mọi tư gia” của tiểu bang Cali khựng lại vì một trở ngại – không mua được những mảng solar-panel gắn trên nóc nhà; mức sản xuất nội hóa không đủ cung cấp, mà hàng ngoại quốc lại quá đắt vì bị đánh thuế nhập cảng 30%.

Những năm trước chưa phải đóng thuế tariffs 30%, những tấm bảng hút nắng (solar-panel) sản xuất từ Trung Quốc bán ra với giá tương đối rẻ, nên phí tổn gắn điện trời chỉ dưới $12,000; giờ này cộng thêm $3,600 tiền thuế, gia chủ sẽ phải trả đến $15,600.

Hai hãng sản xuất solar panels của Hoa Kỳ là SunPower và SolarWorld Americas đã nhập thành một, nhưng vẫn gặp khó khăn vì thuế nhập cảng; mang tiếng là hãng Mỹ, nhưng cơ xưởng sản xuất của họ vẫn đặt tại Mã Lai, do đó sản phẩm của họ đưa vào Hoa Kỳ vẫn bị coi như hàng nhập cảng.

Một hãng chế tạo solar panels của Trung Quốc tuyên bố sẽ mở xưởng tại Florida, bằng cách mua lại cơ xưởng của hãng Mỹ SolarWorld; nhưng trở ngại của họ là nguyên liệu, họ cần nhập cảng nguyên liệu từ Á Châu, vì giá rẻ hơn.

Bà Abigail Ross Hopper, chủ tịch tổ chức Solar Energy Industries Association, than phiền, “Thuế nhập cảng (tariffs) đang tạo tê liệt cho kỹ nghệ của chúng tôi; nhiều kế hoạch sử dụng điện trời bị ngừng đứng; mục đích của tariffs là khuyến khích hàng nội hóa, để tăng job cho công nhân; trên thực tế năm nay chúng ta đã mất đến 23,000 American jobs, vì thợ gắn solar không có solar panels để gắn.”

Trong lúc hàng rào quan thuế chặn đứng hàng ngoại, nhiều hãng sản xuất solar panels vẫn lỗ đến mức phải khai phá sản, như hãng SolarWorld tại Hillsboro, Origon. Hãng này khai phá sản 2 lần trong năm ngoái.

Văn phòng phụ trách việc đánh thuế nhập cảng đang cứu xét đơn xin miễn thuế của nhiều công ty sản xuất solar panels, trong số có hãng SunPower tại San Jose, California; giám đốc hãng khai lý do miễn thuế là để nhập cảng nguyên liệu từ Á Châu, hầu có solar panels, cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ đang quá thiếu thốn.

Thuế nhập cảng đang tạo bế tắc cho cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc, vì cả 2 nước đều là 2 quốc gia xuất cảng nhiều, mà nhập cảng cũng mạnh. Báo chí Mỹ đưa ra cái vòng luẩn quẩn – nước này trả đũa nước kia – và người tiêu thụ của cả 2 bên gánh chịu ảnh hưởng.

Tình trạng này có thể kéo rất lâu, rất dài; nhưng kế hoạch điện trời vẫn cần thực hiện để tránh nạn mất job cho vài chục ngàn công nhân gắn mái điện trời, và nạn Cali mất trớn cải tiến dân sinh. Các hãng xây cất Mỹ cần trở lại liên lạc với những hãng sản xuất mảng điện trời (solar panels) của Trung Quốc để thương lượng giá cả mới với họ; giá mới là giá cũ +30%.

Có thể chia đôi số $3,600 tiền thuế – hãng sản xuất chịu một nữa, thân chủ mua nhà gánh nửa còn lại.

Giá nhà mới tại Cali tối thiểu là $300 ngàn; giờ này có phải cộng thêm $1,600 cũng không trở thành một con số quá đáng có thể tạo ngưng trệ cho thị trường địa ốc.

Chết vì nhiễm vi khuẩn ăn thịt người sau khi tắm hot tub ở Florida

MỚI CẬP NHẬT