Thursday, May 16, 2024

Khi luật sư cũng phải ra đi

Song Chi

Trong một xã hội độc tài toàn trị, bất cứ công việc nào cũng có thể dẫn đến sự nguy hiểm, tù tội, nhưng có những công việc/ngành nghề có thể dễ khiến cho nhà cầm quyền “ngứa mắt” hơn và do đó trở nên nguy hiểm hơn, đó là nhà báo, nhà văn, và bây giờ là luật sư.

Luật Sư Võ An Đôn (bìa phải) và gia đình tại phi trường Dulles, Virginia. (Hình minh họa: Facebook Võ An Đôn)

Hồi Tháng Sáu, 2023, tin ba luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân – thuộc nhóm năm luật sư bảo vệ cho Tịnh Thất Bồng Lai (sau đổi tên là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ) trong vụ án “lợi dụng quyền tự do dân chủ” đã “đào thoát” đến Mỹ khiến dư luận thật sự bất ngờ. Trước đó, họ phải lẩn trốn vì bị công an Long An truy tìm giữa lúc các luật sư bị điều tra với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do chủ” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.

Vào Tháng Mười năm ngoái, Luật Sư Võ An Đôn và gia đình cũng đến Mỹ để định cư tị nạn, sau hơn một năm bị chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh.

Như vậy, là lại đến lượt các luật sư cũng phải tìm đường ra đi…

Còn những người ở lại?

Mới đây, Luật Sư Lê Văn Hòa thuộc Đoàn Luật Sư Hà Nội gửi thư cho ban chủ nhiệm của đoàn, ban lãnh đạo Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam để thông báo “kể từ hôm nay (30/12/2023) tôi chính thức tuyên bố tự rút khỏi Đoàn Luật Sư Hà Nội, đồng thời chấm dứt hành nghề luật sư, lý do: Vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam như tôi đã tuyên bố từ ngày 27/5/2021.”

Xem những bộ phim làm về những phiên tòa, những vụ xử án của Mỹ hay của các nước dân chủ từ Âu sang Á, người xem nhìn thấy hình ảnh, vai trò của các luật sư thật quan trọng, cách họ tranh luận với công tố viên, thẩm vấn nhân chứng, bảo vệ thân chủ, thuyết phục bồi thẩm đoàn và thành công ra sao. Nhưng còn ở Việt Nam? Luật Sư Đặng Đình Mạnh tâm sự: “Năm 1996, tôi trở thành luật sư thực thụ, khi ấy, tôi vào nghề với lý tưởng thật sự lãng mạn nhưng khi vào cuộc mới biết trong hầu hết các vụ án hình sự, viện kiểm sát và tòa chỉ chăm chăm kết tội bị cáo theo kết luận điều tra của công an bất chấp các luận cứ bào chữa của luật sư. Trong các án chính trị, các luật sư luôn gặp khó khăn và đe dọa từ phía an ninh, mặc dù đối với quốc tế họ luôn nói các bị cáo có luật sư.”

Vậy thì lý do gì người dân nhờ luật sư bảo vệ mình trong khi không thể hy vọng vào sự tranh cãi của luật sư?

Trong những vụ án có sự đàn áp chính trị, tôn giáo, sắc dân bản địa…, như xét xử nhà báo Phạm Đoan Trang, nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà hoạt động Lê Đình Lượng, ba mẹ con bà Cấn Thị Thêu, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, hay vụ xét xử dân làng Đồng Tâm, vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. v.v… như người ta thường nói, là “án bỏ túi,” “án chỉ đạo,” mức án có sẵn, thì tỉ lệ thành công của luật sư là…1%. Thế nhưng theo Luật Sư Đặng Đình Mạnh, “Điều đó thì chính các thân chủ của tôi đều hiểu cả. Nhưng chúng tôi vẫn có thắng lợi riêng vì tôi và thân chủ đều không đặt nặng yêu cầu về kết quả vụ án, mà yêu cầu về việc thông tin về vụ án là chính. Yêu cầu đó, khi hành nghề thì tôi đã thực hiện được.”

Ở Việt Nam, khi luật sư chấp nhận tham gia bào chữa cho những vụ án có yếu tố “chính trị,” nhân quyền, cũng có nghĩa là bắt đầu gặp những khó khăn, sách nhiễu, gây trở ngại trong công việc và cuộc sống.

Luật Sư Mạnh bị sách nhiễu, đe dọa rất nhiều lần, bị theo dõi khi đi lại, bị đột nhập vào phòng ở khách sạn, bị hành hung ngay trong khuôn viên tòa án, bị cướp hồ sơ, laptop nơi đang được an ninh canh gác, bị bắn vỡ kính ô tô, bị công an chặn đường hoạnh họe, bị an ninh đến nhà ngăn chặn đến dự cuộc họp do quốc vụ khanh Đức mời…

Luật Sư Nguyễn Văn Miếng thì ngay từ phiên tòa đầu tiên năm 2012 trong vụ án hai nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, Việt Khang đã gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy chứng nhận bào chữa, không được đọc hồ sơ, không được sao chép tài liệu, bị an ninh giám sát suốt phiên tòa, hết sức căng thẳng khi đi lại trên đường, vì đi lại bằng xe gắn máy. Trong phiên tòa phúc thẩm 15 thanh niên Biên Hòa biểu tình, ngày 6 Tháng Mười Một, 2018, Luật Sư Miếng và hai luật sư đi tiếp xúc các thanh niên đang bị tạm giam, khi xe hơi đang chạy qua khu vực Thủ Đức thì bị bắn lủng kính xe. Trong phiên tòa Đồng Tâm, các luật sư bảo vệ cho dân làng bị an ninh theo dõi sau khi rời phiên tòa. Một số thanh niên Hà Nội nghe tin đã cho hai xe hơi và một nhóm anh em xe gắn máy hộ tống các luật sư ra sân bay về Sài Gòn.

Luật Sư Đôn bị chính quyền Việt Nam gây khó khăn trong suốt quá trình hành nghề. Năm 2014, ông bị liên ngành công an, viện kiểm sát, tòa án thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, đề nghị tước quyền hành nghề luật sư, nhưng vì dư luận trong và ngoài nước khi đó phản đối mạnh mẽ nên việc này không thực hiện được. Ngày 26 Tháng Mười Một, 2017, Đoàn Luật Sư Tỉnh Phú Yên làm theo lệnh của chính quyền ra quyết định kỷ luật xóa tên Luật Sư Đôn khỏi danh sách đoàn với lý do hết sức mơ hồ, rằng ông “Lợi dụng quyền tự do ngôn luận có nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài, nói xấu cơ quan tiến hành tố tụng, nói xấu đảng và nhà nước Việt Nam…”

Đầu Tháng Hai, 2023, rộ lên phong trào bắt các luật sư theo Điều 331, nhiều người nhận được tín hiệu “có dấu hiệu vi phạm Điều 331” và triệu tập các luật sư để điều tra. Là những người có kinh nghiệm vì chuyên bào chữa trong các vụ án chính trị nhiều năm trời, các luật sư ý thức được “giờ đã điểm” và buộc lòng họ phải tìm đường “đào thoát.” May mắn là cả ba luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân cùng gia đình được chính quyền Mỹ cho phép tị nạn chính trị.

Còn Luật Sư Đôn và gia đình khi ra sân bay Tân Sơn Nhứt để đi Mỹ định cư ngày 27 Tháng Chín, 2022 bị chặn lại không cho xuất cảnh, với lý do là “vì an ninh quốc gia.” Gần một năm sau (hai ngày trước khi Tổng Thống Joe Biden của Mỹ đến thăm Việt Nam), an ninh tỉnh Phú Yên thông báo cho ông Đôn biết là Bộ Công An bỏ lệnh cấm xuất cảnh đối với ông. Một tháng sau, gia đình ông nhận được thông báo từ cơ quan ngoại giao Mỹ và Tổ Chức Di Dân Quốc Tế (IOM) đi Mỹ định cư lần thứ hai.

“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” là câu tuyên truyền nổi tiếng của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, nhưng một trong rất nhiều “bằng chứng” hoàn toàn ngược lại là dòng người bỏ nước ra đi vẫn chưa bao giờ dừng lại trong suốt gần nửa thế kỷ. Từ những người phải mang thân đi làm thuê ở xứ người, những người đi học, đi đầu tư kinh doanh rồi tìm cách ở lại, đến những người buộc lòng phải ra đi như các nhà báo, nhà văn bất đồng chính kiến, và bây giờ là các luật sư hết lòng tranh đấu cho nhân quyền. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT