Thursday, May 16, 2024

Kỷ niệm ngày đản sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ

Giáo Sư Trần Văn Chi
(nguyên giảng viên, tổng thư ký Viện Đại Học Hòa Hảo, 1970-1975)

Đản sanh của Đức Thầy có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, không những ngài đã góp phần củng cố trật tự xã hội miền Nam Việt Nam mà còn hướng dẫn con người thoát khỏi những khổ đau vì nghèo đói bệnh tật.

Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo rước chân dung Đức Huỳnh Phú Sổ tại một buổi lễ ở Little Saigon, California. (Hình minh họa: Người Việt)

Xã hội Việt Nam bấy giờ rất nhiều trường phái và các học thuyết khác nhau, lan rộng khắp nơi và chịu sự chi phối của thực dân Pháp.

Vào giai đoạn ấy, Đức Thầy ra đời có khả năng giải quyết mọi rối ren về tư tưởng của con người bấy giờ. Đó là một đấng sáng tạo, ngài dung nạp, dung chứa và hòa hợp mọi thành phần dân tộc. Ngài đã tự thân tu tập, chứng ngộ rồi đưa ra con đường cho tín đồ.

***

Cảm nghiệm về Đản Sanh Đức Thầy

Lịch sử tôn giáo luôn ẩn hiện màu sắc huyền thoại. Đối với hầu hết tín đồ tôn giáo, giáo chủ là những bậc phi phàm. Có một số vấn đề liên hệ đến cuộc đời của các ngài tư duy con người không bao giờ đặt chân đến được, mà chỉ có thể tin. Trong lãnh vực tôn giáo, đức tin là phương tiện giao cảm giữa tín đồ và giáo chủ. Cầu nguyện là phương pháp phổ biến khi người ta muốn cảm nhận được sự giao thoa huyền bí ấy.

Nhiều người cho rằng đức tin tạo ra những điều thần kỳ trong đời sống, không chỉ giới hạn trong phạm vi tín ngưỡng mà ngay trong cuộc sống đời thường. Đối với số người có khuynh hướng nặng về lý trí và khoa học, các sự kiện huyền bí liên hệ đến tôn giáo là khó tin, không thể tin; thậm chí nếu khởi niềm tin là mê tín. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều việc người ta không thể lý giải được, không thể phân tích qua lăng kính khoa học được, bởi vì chúng vượt ngoài sự hợp lý, logic!

Một bà mẹ tin tưởng rằng chứng bệnh nan y của con bà sẽ được chữa khỏi trong khi các bác sĩ trong ngành y học khẳng định bệnh nhân ấy chắc chắn sẽ chết. Người ta cảm thấy tội nghiệp và đáng thương cho một bà mẹ dường như đã quẫn trí, vì bà không chấp nhận sự thật mà giới khoa học kết luận. Nhưng không! Linh cảm của người mẹ đã đúng khi bà tin rằng con bà sẽ được chữa lành bệnh. Niềm tin ấy tạo một phép màu: Đó là sự sống. Niềm tin kiên định hình thành trên nền tảng của tình mẫu tử thiêng liêng khiến cho các bác sĩ sững sờ, không nói nên lời khi bệnh nhân sống lại và sinh hoạt bình thường.

Tương tự như thế, trong lãnh vực tâm linh, có rất nhiều sự kiện vượt ngoài tầm kiểm soát của chiếc đũa thần khoa học kỹ thuật, của lý trí, nhưng nhờ có niềm tin mà con người đạt được những ước mơ và hy vọng của mình. Có nhiều vấn đề trong cuộc sống thường ngày người ta không thể lý luận hoặc tư duy mà chỉ nhờ vào việc thực nghiệm khiến sự cảm thông, hiểu biết mới được thiết lập. Những lúc như thế, mọi lý giải sẽ không hiệu quả bằng “cảm nghiệm.”

Niềm tin cũng đóng một vai trò quan trọng đối với tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Rất nhiều người đến với đạo PGHH bằng cửa ngõ niềm tin. Không thế chối cãi rằng khi bạn hay tôi đặt niềm tin vào một tín ngưỡng hay tôn giáo, ít nhiều gì đi nữa yếu tố tâm linh cũng chiếm ngự trong tâm mỗi người. Nhưng nhờ có đức tin vào thế giới tâm linh mà không ít lần chúng ta vượt qua được khổ đau, thất vọng. Đức tin tạo ra niềm hy vọng tốt đẹp cho cuộc sống, dù hy vọng ấy đến sớm hay muộn. Không có hy vọng thì cuộc sống sẽ vật vờ, buồn bã, ảm đạm. Nói khác đi, không có đức tin cuộc sống sẽ mất định hướng.

Ý nghĩa ngày Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ

Ngày 25 Tháng Mười Một Âm Lịch năm Kỷ Mùi (15 Tháng Giêng, 1920), một hài nhi ra đời tại miền Nam nước Việt, và 19 năm sau đó trở thành giáo chủ của một tôn giáo lớn. Đó là Đức Huỳnh Giáo Chủ, người khai sáng nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, một nền đạo dân tộc tạo ra những đổi thay lớn lao trong xã hội miền Nam Việt Nam và đóng một vai trò quan trọng không những trong sinh hoạt tín ngưỡng mà còn trong lịch sử đấu tranh nước nhà.

Đức Huỳnh Phú Sổ ra đời tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), con của ông Hương Cả (người đứng đầu trong làng) Huỳnh Công Bộ và bà Lê Thị Nhậm. Thuở nhỏ ông thông minh, học hết bằng sơ học yếu lược Pháp-Việt, nhưng hay bị đau ốm nên đành bỏ dở việc học.

Đản sanh bình thường như chúng sinh, không có điềm lạ ứng hiện như Đức Phật Thích Ca, cũng không có thiên sứ báo tin như Đức Chúa Jesus, nhưng Đức Huỳnh Giáo Chủ chính thực là một đấng cứu thế giáng trần. Điều nầy được ngài tiết lộ trong bài Sứ Mạng do chính ngài thủ bút:

“Từ thuở bé, Huỳnh Phú Sổ đã có căn tính của một người tu hành, ông không thích đàn địch, ca hát, cười giỡn như các bạn cùng trang lứa, lúc nào ông cũng trầm tư, tĩnh mặc, thích ở nơi thanh vắng, yên tĩnh. Mỗi khi được bàn đến chuyện cưới hỏi thì ông đều cự tuyệt và có ý lẩn tránh.

Bệnh tình của ông ngày càng trở nặng, được người nhà đưa đi chữa trị khắp nơi, gặp nhiều danh y trong vùng, nhưng họ cũng đành chịu thua. Sau khi trở về từ một lần đi viếng cảnh núi Tà Lơn (Cambodia) và vùng Thất Sơn (An Giang) cùng thân phụ ông, những chứng bệnh của ông dần thuyên giảm.”

Và Sứ Mạng của Đức Huỳnh Giáo Chủ:

“Ngày 18 Tháng Năm năm Kỷ Mão, vì thời cơ đã đến, lý Thiên Đình hoạch định, cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan. Ta đây tuy không thể đem phép huệ linh mà cứu an tai họa chiến tranh tàn khốc do loài người tàn bạo gây nên, nhưng mà thử nghĩ: Sinh trong vòng đất Việt Nam này, trải qua bao kiếp trong địa cầu lăn lộn mấy phen, tùy cơ pháp chuyển kiếp luân hồi ở nơi hải ngoại để thu thập những điều đạo học kinh nghiệm huyền thâm, lòng mê si đã diệt, sự vị kỷ đã tan mà kể lại nguồn gốc phát sinh, trải bao đời giúp nước và dân cũng đều mãi sinh cư nơi đất Việt. Những tiền kiếp dầu sống cũng là dân quan đất Việt, dầu thác, cũng quỷ thần đất Việt chớ bao lìa. Những kiếp gần đây, may mắn gặp minh sư cơ truyền Phật Pháp, gội nhuần ân đức Phật, lòng đã quảng đại từ bi, hiềm vì nỗi cảnh quốc phá, gia vong, máy huyền cơ đã định, lòng thương trăm họ vướng cảnh, đồ lao, chi xiết xót thương chúng sanh vạn khổ.

Nghĩ lúc còn làm người trong biển tục, lăn lộn chốn mê đồ, mà chẳng quản thân giúp thế cứu dân, vong thân vị quốc, huống chi nay cơ mầu đà thấu tỏ, sớm chiều hầu chơn Phật nghe kinh, ngao du tứ hải, dạo khắp tiên bang, cảnh an nhàn của người liễu đạo, muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần, đặng chịu cảnh chê khen? Vì lòng từ ái chứa chan, thương bách tính tới hồi tai họa. Phật Vương đà chỉ rõ máy diệu huyền chuyển lập hội Long Hoa, chọn những đấng tu hành cao công quả để ban cho xứng vị xứng ngôi, người đủ các thiện căn để giáo truyền đại đạo, định ngôi phân thứ gây cuộc hòa bình cho vạn quốc chư bang.

Thiên Tào đã xét định, khắp chúng sanh trong thế giới trong cái buổi Hạ Ngươn nầy, say mê vật dục, chìm đắm trong biển lợi danh, gây nên nghiệp quả, luật trời đà trị tội xét kẻ thiện căn thì ít, người tội ác quá nhiều, chư Phật mới nhủ lòng từ bi cùng các vị chơn tiên lâm phàm độ thế, trước ra công cứu khổ, sau chỉ rõ cơ huyền, khuyên kẻ thế hướng thiện quày đầu, cải tà quy chánh thì mới mong Thiên Đình ân xá bớt tội căn để kịp đến Long Hoa chầu Phật, trước biết rõ luật Trời thưởng phạt, cùng hữu duyên nghe Phật pháp nhiệm mầu, kiến diện bậc Chơn Sư, tu hành mau đắc quả, sau làm dân Phật quốc hưởng sự thái bình, bởi đời nầy pháp môn bế mạc, thánh đạo trăn vu, người tâm trí tối đen, đời lắm ma vương khuấy rối. Ta là một trong các vị cứu đời ấy. Ai liễu đạo nơi quốc độ nào thì cũng phải trở về quốc độ ấy mà trợ tế nhân dân; vì thế lòng từ bi bác ái cùng thù đáp những linh hồn đã trợ duyên trong nhiều kiếp giúp ta nương cậy tu hành, nên ngày 18 Tháng Năm năm Kỷ Mão, ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh. Tuy là nhơn dân mới rõ pháp mà tưởng rằng ta thượng xác cỡi đồng chớ có dè đâu chuyển kiếp đã từ lâu chờ đến ngày ra trợ thế. Nên phương pháp của ta tùy trình độ cơ cảm của tín nữ thiện nam, trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ đạo quy căn, gây gốc thiện duyên cùng thầy tổ, dưới dùng huyền diệu của tiên gia độ bệnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của chư vị với trăm quan, thảm thiết lê dân lầm than thống thiết, mà tai lành nghe tựa hồ như nhớ như quên, nên kẻ xa xôi từ văn chẳng tới, người láng giềng tiếng kệ nhàm tai. Đến trung tuần Tháng Tám, ta cùng Đức Thầy mới tá hiệu khùng điên, mượn bút mực tiết lộ lấy thiên cơ, truyền cho kẻ xa gần đều rõ biết hầu ăn năn cải quá làm lành, còn kẻ chẳng tỉnh tâm sau đền tội cũng chẳng trách Phật Tiên không chỉ bảo.

Vẫn biết đời lang sa thống trị, phép nước nghiêm hình, dân chúng nếu yêu thương sẽ lắm điều hiềm khích: Nhưng mà ta nghĩ nhiều tiền kiếp ta cũng hy sinh vì đạo, nào quản xác thân. Kiếp chót này đây há lại tiếc chi thân phàm tục, song vì tình cốt nhục tương thân, cũng ủng hộ, chở che cho xác phàm bớt nỗi cực hình.”

Bạc Liêu, ngày 18 Tháng Năm Nhâm Ngũ (1942).

Kết: Phật Giáo Hòa Hảo nhập thế, dấn thân

Ngày nay, PGHH không còn là một danh xưng xa lạ, một giáo phái khép kín trong vùng đồng bằng Cửu Long của một quốc gia nhỏ bé, mà là một danh môn chánh giáo ngang hàng, hòa đồng và sánh vai hợp tác cùng các tôn giáo bạn trong sứ mạng hoằng hóa cứu độ thế nhân được khắp thế giới biết đến và quy ngưỡng. Nhiều triết gia, học giả, trí thức đã phát tâm nghiên cứu về Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng như giáo lý vi diệu của ngài, và nền đạo do ngài khai mở.

PGHH không còn là của riêng PGHH, của riêng dân tộc Việt Nam, mà là một “nền Phật Giáo thời đại, nhập thế, dấn thân, tích cực, một nền đạo của chúng sanh nhân loại.” Và sự xuất hiện của ngài là sự xuất hiện của một bậc “đại giác đại ngộ.” [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT