Thursday, April 25, 2024

Một vài kỹ thuật trong thơ Du Tử Lê

Đặng Phú Phong (*)

LTS: Thi sĩ Du Tử Lê vừa qua đời lúc 8 giờ 6 phút tối Thứ Hai, 7 Tháng Mười, tại tư gia ở Garden Grove, hưởng thọ 77 tuổi. Người Việt Online đăng lại bài viết gần đây nhất về cố thi sĩ Du Tử Lê của tác giả Đặng Phú Phong, bài phát biểu trong chiều “Thơ, Họa Du Tử Lê” ngày 18 Tháng Tám, 2019, ở San Jose, California.

***

Theo dõi thơ Du Tử Lê từ những năm năm mươi của thế kỷ trước đến hiện nay là tập thơ “em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình” mới nhất của ông, về vần, âm, điệu ta thấy có một đặc trưng là cách sử dụng vần trong thơ đều là vần lơi hay hơn thế là chẳng có vần, trong những đoạn tứ tuyệt 7 chữ hay 8 chữ và 5 chữ, cả ở thể thơ lục bát. Du Tử Lê đã tự đặt nguyên tắc cho mình như thế đó. Đây không phải là một sự bứt phá mà là làm mới cho những khổ thơ 3 vần hay cách vần theo chiều hướng để câu thơ rộng ra theo âm điệu, mênh mang hơn, giàu nhạc điệu hơn.

Tôi thấy ra rằng ông nhốt 3 kỹ thuật làm thơ là vần, âm, điệu chung thành một kỹ thuật là “vần-âm-điệu.” Như vậy là sao? Có nghĩa là Du Tử Lê chăm chút cho thơ mình không những từng câu mà từng chữ. Ông cứ để từng chữ thơ rơi tự nhiên, sự tự nhiên dựa theo cơ bản từ tâm thức gieo xuống, trong những con chữ đâu đó trong đoạn thơ mang vần, mang âm của chữ được mặc định là âm chủ, bất kỳ âm bằng hay âm trắc. Đó là vần ẩn. Hoặc là những chữ có liên quan với vần chủ, trong bất kỳ (những) chữ nào của khổ thơ. Hoặc là dùng những hình ảnh có liên quan với nhau. Những kỹ thuật ấy đan xen với nhau rồi quyện, tỏa thành một nhạc tính riêng trong thơ của Du Tử Lê.

Tôi xin đưa một vài đoạn thơ trong bài Khúc Thụy Du, ông viết năm 1968:

“như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời”

Đoạn này ông áp dụng vần cách, nhưng thực ra chữ “năm” không vần được với “đời” thì ở đây ta thấy ông dùng 2 hình ảnh rất liên quan một cách thắm thiết, đó là chim bói cá và chiếc cọc nhọn. Và:

“mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài”

Ta chú ý đến những chữ như: “mịn màng như” “hoang đường như” – “thơ” “nở” và “không bay” “không khép” “không thưa” tất cả những cụm từ này đan quyện lại với nhau làm cho đoạn thơ này có âm hưởng quấn quýt với nhau. Ông đã dùng kỹ thuật vừa âm (mịn màng, hoang đường), vừa vần chỏi (thơ, nở), vừa điệp âm, láy điệu (ba chữ nàng, ba chữ không) tự chúng tạo nên một nhạc tính riêng. Người nhạc sĩ nào bắt được cái nhạc tính riêng từ những bài thơ của ông sẽ tạo nên giai điệu phù họp, dễ đi vào lòng thính giả. Cứ thế, thơ quyện vô nhạc, nhạc hòa với thơ biến thành những bài hát phù trầm, miên man như suối chảy. Điều này có thể giải thích tại sao đa phần những bài nhạc phổ thơ Du Tử Lê trở nên nổi tiếng, được nhiều người yêu thích.

Tim Lomas là một giảng viên về tâm lý học từ Đại Học East London có đề ra một dự án tên là Positive Lexicography Project (tạm dịch dự án thuật ngữ tích cực) nhằm tìm kiếm những từ ngữ từ nhiều nước khác mà tiếng Anh không có để diễn tả những cảm xúc của con người. Trong một bài viết về Tim Lomas, ký giả David Robson của BBC như sau: Lomas cho rằng việc làm quen với những từ này có thể thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về bản thân, bằng cách chú ý đến những cảm xúc mà từ lâu chúng ta đã không để ý đến.

Ông dẫn lời Tim Lomas như sau:

“Trong ý thức của mỗi người, có rất nhiều cảm xúc diễn ra cùng một lúc, đến nỗi có thể chúng ta không thể xử lý kịp và để chúng vụt đi mất. Những cảm xúc mà chúng ta có thể nhận biết và phân loại là những cảm xúc mà chúng ta để ý đến; thế nhưng có rất nhiều cảm xúc khác mà có thể chúng ta không hiểu. Vì vậy tôi cho rằng những từ mới này sẽ mở ra những xúc cảm khác mà lâu nay ta chỉ biết thoáng qua.”

Tiếng Việt ta cũng vậy nên rất nhiều những văn thi sĩ đã tự mình tìm những từ khác để diễn tả cảm xúc của mình nhưng nó không trở thành phổ thông hay lâu dài được. Thi sĩ Du Tử Lê cũng vận dụng hết sức mình để tìm những từ mới, thay đổi vị trí tính từ, động từ, trạng từ trong câu thơ. Ông cũng dùng dấu chấm, dấu slash để cách tân. Như vậy Du Tử Lê đã vận dụng cả về mặt hình thức và cả âm-vần-điệu để diễn tả những cảm giác mà ngôn ngữ chưa diễn tả được, còn diễn tả được bao nhiêu, như thế nào thì xin chờ những nhà ngôn ngữ học đánh giá. Tôi nghĩ nếu Tiến Sĩ Tim Lomas đọc được tiếng Việt, cũng rất có thể ông sẽ mượn ở Du Tử Lê một số từ ngữ để bổ sung thêm cho tiếng Anh đấy.

Trong bài nói chuyện tại Hoa Thịnh Đốn, Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã nói về dấu slash của thơ Du Tử Lê như sau:

“Như một tráng sĩ đi tiên phong, Du Tử Lê đề nghị dùng gạch chéo/Slash/như một đao pháp để hoán chuyển chữ trong một câu thơ. Chẳng hạn trong 2 câu:

“còn/rừng/gương/ soi cho tôi
 bao dung/núi/đợi. nghiêng vai/sông/ chờ”

Có đến 7 gạch chéo để người đọc có thể hiểu và hoán vị thành “tôi soi gương” hay “rừng soi gương” hay “rừng còn soi gương” hay “gương soi rừng.” Lối hoán vị này đã cởi những trói buộc cho thơ. Sau này… tôi tin chắc có nhiều bạn trẻ khi làm thơ lục bát đổi mới, sẽ thầm cảm ơn Lê đã chỉ đường vạch lối cho họ…”

Giáo sư đã chơi chữ trong khi ông dùng từ “đao pháp” từ những dấu slash chéo ngang như nhát chém của một đường đao, thật mạnh bạo, để chúng ta thấy rằng Du Tử Lê đã mạnh dạn chặt câu thơ của mình mở đường cho người đọc tương tác cùng ông những câu thơ khác tùy theo cảm nhận của mọi người. Riêng cá nhân tôi, hai câu thơ nầy tôi cảm như sau:

“soi cho tôi còn gương rừng
nghiêng vai núi đợi bao dung sông chờ”

Lối tương tác để thành một câu thơ khác, giúp chúng ta hiểu nhiều hơn, sâu hơn thơ của tác giả là một phương pháp rất khả thi nhưng độc đáo vậy.

Cũng theo lối tương tác này, chúng ta thấy những chữ mang âm hưởng hài hòa với nhau trong một đoạn hay bài thơ xuất hiện cùng khắp, không theo một sắp xếp như Tứ Tuyệt, Lục Bát v. v. mà nó ở bất kỳ và tạo thành một nhạc điệu cũng bất kỳ nhưng dễ cuốn hút người đọc.

Cũng trong kỹ thuật “vần, âm, điệu” của Thi sĩ Du Tử Lê, không những ông dùng điệp tự trong một đoạn mà cả trong một câu ông cũng dùng một chữ để lập đi lập lại nhiều lần. Đặc biệt hơn nữa là ông lập lại nguyên cả một số câu thơ trong mỗi đoạn thơ như trong tập thơ mới nhất mang tên: “em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình” Trong bài thơ “thơ ở mai thảo” ông đã dùng 5 lần 3 câu:

“đã lâu. không còn ai hăm hở hay vội vã,
bước lên căn phòng lầu hai
(sau này là căn phòng dưới chân cầu thang”

Có phải chăng ông muốn nhấn mạnh cái thang thương trong cuộc đời hữu hạn?

hay trong bài thơ “thơ ở nguyễn trọng tạo” ông dùng 3 lần mấy câu sau đây:

“không thể biết bao giờ chúng ta được gặp lại nhau?
trên quê hương đất nước của mình?
nhưng tôi biết…”

Đó là những điều tác giả muốn lập đi lập lại để nhắc nhở những điều đã mất, để nhân rộng tiền đề của từng phân đoạn thơ, gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

Không thể không nói đến phép ẩn dụ và liên tưởng trong thơ của Du Tử Lê. Ẩn dụ là phép dùng từ ngữ dựa trên sự liên tưởng và so sánh ngầm. Liên tưởng là nhân sự việc, hiện tượng nào đó mà nghĩ tới hiện tượng liên quan khác. (theo Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học). Chúng ta có thể hiểu ẩn dụ thiên về sự việc có tính nhân sinh, triết lý còn liên tưởng thiên về hình ảnh hay sự việc hơn. Trong thơ của Du Tử Lê rất nhiều ẩn dụ và liên tưởng. Lấy một thí dụ trong tập “em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình” (trong hàng ngàn thí dụ): Bài thơ “đêm, vẩy thìa cháo trắng trên hè phố” đây là một tựa đề và cũng là một câu thơ vậy. Câu thơ có cả ẩn dụ và liên tưởng. Ẩn dụ là tác giả muốn nói đến cúng cô hồn; còn liên tưởng là giúp ta tưởng tượng đến sự việc, hình ảnh những cái chết oan uổng, tức tưởi thành những cô hồn lang thang vất vưởng.

Riêng về cách điệp từ nhiều lần chỉ trong một câu như trong bài “Tôi nào?” viết từ năm 1990: “tôi Lê. Lê. Lê. Lê nào?” câu thơ như một tiếng kêu trầm thống.

Ai cũng hiểu trong mỗi chúng ta đều có nhiều “con người.” “con người” cô đơn, “con người “hạnh phúc,” “con người ”tham lam, “con người” vị tha, vân vân và vân vân. Để diển tả ý tường này (đây cũng là phép ẩn dụ) ông chỉ dùng 2 chữ “tôi… nào” kèm giữa 4 chữ Lê gây ra hệ quả một tràng âm thanh vang xa, gặp trùng điệp núi rừng dội lại những vọng âm và tìm trong vọng âm ấy “con người” nào là của chính mình trong khoảng thời gian và không gian ấy.

Ẩn dụ và liên tưởng của câu thơ này chưa đủ diễn tả hết ý tưởng của ông nên ông lại đưa nó lên giá vẽ. Câu thơ đã biến thành bức chân dung của tác giả đang đội chiếc nón lưỡi trai, cặp mắt kính bị bẻ làm đôi, một con mắt nằm ở vị trí bình thường, một con mắt nằm tuột xuống dưới cầm và đặc biệt có môt chấm tròn màu đỏ nằm trên cái lưỡi trai, ngay tầm của con mắt đã bị dịch chuyển. Phải chăng và rất có thể, tác giả muốn cho chúng ta biết rằng, ông, trong một phút giây nào đó chợt nhận ra một “con người” khác của ông đã vì phải sống trong cõi đời ô trọc này nên đành phải nhìn đời chỉ bằng một con mắt. Còn con mắt kia chảy đỏ máu, cho cảnh đời đau khổ này được dấu kín trong sâu thẳm tâm hồn. Câu thơ đã nằm trong những màu sắc nhạt nhòa, vàng thổ của đất, những vòng tròn, những tam giác có lúc khép kín có lúc đứt quãng tạo cho người xem cái cảm giác buồn bã, dở dang của mọi việc trong đời. Nhưng, như vậy vẫn chưa đủ, chưa hết những ý tưởng từ câu hỏi: “tôi Lê. Lê. Lê. Lê nào?” nên ông đã vẽ nó ít nhất là 3 bức.

Nhiều nhà văn, nhà thơ đã bước sang lãnh vực hội họa đều có chung mục đích là dùng màu sắc, đường nét để diễn tả những gì thơ văn không nói được, Du Tử Lê cũng thế. Nhưng ông có khác một chút là ông vẽ câu thơ của mình, thường là đã có. Những dấu hỏi mặt người, những cây cột có đầu người trong tranh đã trở thành những câu thơ có màu, có sắc, vang vọng trong lòng người xem. Ta có thể nói tranh và thơ của Du Tử Lê đã hòa quyện thành một. (Đ.P.P)

(*) Bài phát biểu trong chiều “Thơ, Họa Du Tử Lê” ngày 18 Tháng Tám, 2019, San Jose.

MỚI CẬP NHẬT