Wednesday, May 1, 2024

Độc giả viết: Kỷ niệm: ‘Cuộc chiến chưa tàn, 50 năm nội chiến từng ngày’

Lời Tòa Soạn: Nhật báo Người Việt mở mục “Độc Giả Viết” nhằm mời quý độc giả “cùng làm báo” với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Và, đây là cơ hội để những độc giả trở thành tác giả. Quý độc giả vui lòng gởi bài cho Người Việt qua email: [email protected].

Đinh Hùng Cường

Chuyện kể Tháng Năm

Cho đến hôm nay, dịch COVID-19 không những làm tê liệt thế giới và cả nước Mỹ, mà còn giết hại nhân loại vô số kể. Riêng Mỹ đã có hơn 1.5 triệu người nhiễm bệnh, và số tử vong lên tới 90,000 nhân mạng. Thông thường thì cứ một nửa quả đất bên này ngủ, thì một nửa quả đất bên kia thức, đời cứ thế mà vần, nhưng những ngày này thì cả thế giới, không ngủ, nhưng sống im lìm, đường không xe, phố xá không người đi, bầu trời im tiếng máy bay, vì hàng ngàn ngàn chiếc nằm ụ, không ai di chuyển, vì sợ chết, vì bị truyền nhiễm. Không phải vì thế mà tôi viết về chuyện kinh hoàng của con virus, mà tôi viết về “số hên” theo đuổi tôi gần như suốt một đời người. Tôi biết cuộc sống tĩnh lặng của chúng ta còn dài lắm, vì bao lâu chưa có thuốc chữa, thuốc chủng cho cái bệnh dịch này, mà chúng ta đi lạng quạng, là lây bệnh, là toi đời. Cứ phải nằm nhà. Đó là tôi lý do tôi viết, vì tôi biết sẽ có nhiều người dư thời giờ rảnh, đọc truyện của tôi. Trong bài viết trước, anh Phạm Trọng Lệ, đã email chính thức khen tôi, khuyên tôi nên viết nữa, vì tôi viết vui và có hồn lắm. Tôi khoái vô cùng, vì tôi biết vùng này có hai ông tiến sĩ, Phạm Trọng Lệ, Phạm Văn Hải, học lực uyên bác, nhưng chỉ học lấy bằng tiến sĩ (Ph.D.) xong, bỏ túi chơi, ai gọi “title” của hai ông là hai ông chối bỏ, và lấy làm khó chịu. Chả bì với tôi, chẳng có gì cả mà thích vênh vang. Nếu mà tôi được vậy, thì tôi chả xấu hổ gì, tôi kẻ hai cái bảng Đinh Hùng Cường Ph.D., đi đâu – Một cái, đeo trước ngực, một cái đeo sau lưng – cho người ta biết mình là ai, không cần phải tự giới thiệu.

Cái “số hên” đầu tiên, tôi đã có dịp thân thiết với nhà tướng số vào bậc nhất lúc bấy giờ là bác Ngô Hùng Diễn, người ta cậy cục, tìm đủ cách may ra mới được gặp bác, còn tôi thì đi lại nhà bác như cơm bữa. Bác là người đã phán tôi một câu mà tôi thấy nó đúng quá trời, bác bảo tôi, là người số hên, có vận may theo đuổi suốt đời, tôi không bao giờ tin, nay đã về già ngẫm nghĩ lại thấy nó quả là trúng.

Câu chuyện đổ vỡ giữa tôi và Trâm, chúng tôi không cãi nhau kịch liệt, nhưng với lời lẽ dịu dàng cay đắng, tôi đã nói với Trâm tôi phải chấm dứt mối tình này, vì nó đã gây quá nhiều khổ đau cho con người tôi. Bởi chăng, người Nam Kỳ có một câu nói, ngẫm ra rất đáng đời cho tôi: “Nghèo mà ham.” Đúng là cái loại đũa mốc mà chòi mâm son, bị rủa theo kiểu Nam Kỳ. Tôi đã “Goodbye” Trâm và về sống âm thầm nơi trại lính của Sư Đoàn 5 ở Phú Lợi, Bình Dương. Chiến cuộc sau đợt hai Tổng Công Kích Tết Mậu Thân (1968), Việt Cộng chết gần hết. Hành quân không chạm địch, bay bổng nhàm chán, không tìm thấy dấu hiệu nào có sự hiện diện của Cộng Quân. Rảnh rang, tôi hay bò lên chỗ Thiếu Tá Quýnh, ông là chánh văn phòng của Tướng Thuần, tư lệnh Sư Đoàn 5. Lúc trước, tôi thường lên chơi ba chớp, ba nháng, hối lộ Thiếu Tá Quýnh một gói thuốc lá Lucky, xong mượn xe jeep của ông, vờ nói ra phố, nhưng thực ra là tôi phóng về Sài Gòn thăm Trâm. Bây giờ Trâm đã đi rồi, tôi đâu còn lý do gì để mượn xe, bèn ngồi lại bù khú với ông. Đời ông Quýnh như thằng tù lỏng, suốt ngày ở văn phòng làm ông Từ giữ chùa. Gặp tôi lên chơi, ông mừng lắm, vì có người nói chuyện, riêng tôi thì sợ hãi, vì đầu tóc râu ria rậm rạp, thêm quần áo xốc xếch, chẳng may ông tướng bước qua thì chỉ có đi tù. Ông Quýnh bảo đừng sợ, tuy ngồi sát vách với tư lệnh, nhưng không bao giờ ông tướng bước qua đây. Tôi tâm sự về mối tình đổ vỡ của tôi, vì tôi ở chung phòng, nên anh Quýnh rất thương tôi, anh Quýnh bảo:

-Điên như Cường, Trâm bỏ là phải. Chớp mắt một cái là phóng về Sài Gòn, chỉ để nhìn em rồi lại chạy lên. Khổ quá, các vàng moa cũng không làm, đi chẳng được cái gì, ở đây sống đời tự do, kéo xì phé với chúng nó, có sướng hơn không.

Rồi như sực nhớ ra điều gì, anh Quýnh bảo tôi:

-Tổng Cục Quân Huấn (TCQH) mới gửi danh sách đi học Mỹ, khóa trước, Long cháu ông tướng đã đi, Cường muốn đi khóa này, làm đơn, moa xin cho.

Thế là nhờ anh Quýnh, tôi đã được Tướng Thuần chuyển đơn xin đi học Mỹ. Để cho chắc ăn, anh Quýnh bảo:

-Cường cầm tay đơn này gặp Tướng Trần Đình Thọ, trưởng Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu, nói là quen moa, ông Thọ là sếp TCQH, sẽ cho đi.        

Tôi nghênh ngang cầm cái đơn có phiếu gửi của sư đoàn đến Phòng 3 đòi gặp Tướng Thọ, lúc đó ông còn là đại tá. Ông Thọ tiếp tôi trong lúc đang ở “conference call” với hòa đàm Paris. Ông bỏ điện thoại xuống hỏi tôi:

-Chú muốn gì?

-Xin đại tá giúp cho tôi đi Mỹ.

Ông cầm cái phiếu chuyển của tôi, bút phê cho TCQH là cho chú em này đi Mỹ. Ông cẩn thận viết vô cái danh thiếp kèm vô đơn. Thế là tôi có lệnh về Sài Gòn đi học Anh Văn đi Mỹ. Từ một anh tứ cố vô thân, chỉ tình cờ, ở chung phòng với thiếu tá chánh văn phòng tư lệnh, tôi được đi Mỹ một cách ngon lành. Tôi chạy như bay về sư đoàn, báo cáo anh Quýnh là Đại Tá Thọ tiếp tôi huy hoàng, chắc anh Quýnh phải là cái gì, thân tình với ông lắm. Anh Quýnh làm tôi chưng hửng khi anh nói:

-Moa không quen ông Thọ, sở dĩ moa biết ông vì hay nối đường dây cho tư lệnh nói chuyện, biết nhau qua tên, mà không biết mặt. Tôi đáp:

-Chết cha, tôi đâu có biết, tưởng là anh Quýnh thân lắm, cứ sồng sộc nói chánh văn phòng, đòi gặp ông ta. May mà ông tiếp, ông Thọ thật tốt, thương những người chinh chiến, nên đã không nề hà, nói chuyện thân tình, giúp đỡ tôi. Đó mới là không phe đảng, không COCC (Con ông cháu cha), đó mới là huynh đệ chi binh.

Được đi Mỹ mà mất Trâm, lòng tôi đau lắm. Tôi sẽ phải cu ky một mình trong câu lạc bộ An Đông, ngày đi học, đêm về cô đơn, nhìn lên cái quạt quay trên trần nhà, mà ước mơ một chuyện không hề bao giờ có là “Em đến thăm anh, quên niềm cay đắng.” Ấy thế mà nó có Giời ạ!

Một buổi chiều êm ả, tôi đang ngồi trong phòng ăn câu lạc bộ, ngất ngưởng bên chai bia, trông ngóng ra đường, nhưng chẳng chờ đợi gì cả.

Bỗng dưng tôi không tin được vào mắt mình, rõ ràng Trâm đang đi trên chiếc xe Honda dame, chở cô em, chạy vô câu lạc bộ, đúng Trâm, tôi mừng quá, đứng phắt dậy, xô ghế, chạy phăng phăng xuống hành lang đón. Chúng tôi bẽn lẽn nhìn nhau, mặt Trâm buồn xo, mấy tháng rồi không gặp, xa mặt nhưng không xa lòng, tôi vẫn nhớ và thương Trâm nhiều lắm, tôi mở đầu với một câu nói làm quen, vô duyên nhạt nhách:

-Cơn gió nào đưa Trâm lại đây thế này? Trâm đáp:

-Chẳng gió máy gì cả, hai hôm trước Trâm đi làm về, bị hai thằng ăn cướp mặc quần áo lính, xô cho một cái ngã chúi xuống đường, giật băng cái bóp đi làm, mất hết sổ thông hành, giấy tờ và cả $500 ở trong bóp nữa. Trâm đến đây, muốn nhờ anh tìm thằng ăn cướp, chuộc lại giấy tờ.

Tôi ngớ người, tưởng Trâm đến đây, làm lành, nối lại cuộc tình, cho nó đẹp, cho nó thơ mộng. Hai đứa sẽ tình tứ hờn giận nhìn nhau, êm đềm như trong trong sách, nào ngờ, em chỉ đến đây để nhờ công “chiện.” Tôi thấy bớt vui, nhưng được gặp lại em thì tôi cũng mừng húm, và nhủ lòng là đời sẽ không được tất cả như mình muốn, như một câu tiếng Tây, tiếng u gì đó “On ne peut pas tout avoir dans la vie.” Thôi thì đây cũng là cái dịp làm lành, tôi mời chị em Trâm lên câu lạc bộ ăn cơm chiều và uống nước, em từ chối và dặn với là bà má Trâm nhắn anh, ghé nhà cho bà nhờ công việc. Phải chăng đó là lời mời gọi để làm lành.

Tôi có mấy tháng trời học Anh Ngữ, sống sung sướng bên Trâm, người tình tôi những tưởng như là đã mất, nhưng nay lại nắm được trong tay. Nhờ hai thằng ăn cướp mà em có cớ đến tôi. Trong thời loạn lạc có được cái hạnh phúc, tuy phù du ngắn ngủi nhưng đầy kỷ niệm, trước khi lên đường tu nghiệp, cũng là may mắn!

Tại Mỹ, quần hùng bốn vùng chiến thuật, tập trung hai mươi mấy người một lớp, trong đó có bốn ông sĩ quan Biệt Động Quân (BĐQ). Tôi học hành chẳng ra gì. Khi thực tập về “Long range patrol” tôi vượt sông, trời rét quá, mất cả súng mà không biết. Đi lính mà mất súng thì bắn ai? Toán tuần tiễu cứ lên đường còn tôi hì hục trở về lối cũ, tìm cho được khẩu súng mới được tiến lên theo đoàn. Đã yếu sức, học dở, tôi còn bỏ thi một môn vì ốm. Tôi nghĩ chắc mình rớt đài. Bỗng một hôm, Thiếu Tá Đào Trọng Trấn, sĩ quan liên lạc, kêu tôi lên và bảo Cường sẽ đỗ thủ khoa, trong lễ mãn khóa Tháng Năm tới đây. Tôi đáp:

-Làm sao có được, thiếu tá nói chơi.

-Không, tôi nói thật. Lý do giản dị là trong khóa học có bốn ông sĩ quan BĐQ phải rời trường sớm, để theo học “Ranger School.” Trong đó người đỗ thủ khoa là Đại Úy Trường. AOTD (Allied Officer Training Department) quyết định chọn Cường thủ khoa thay thế Đại Úy Trường.

Vợ chồng Cường Trâm và bé Cún (Uyên). (Hình: Đinh Hùng Cường cung cấp)

Thật hết chuyện nói, tôi biết rõ bốn chàng BĐQ này nhiều lắm. Tất cả đều tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt. Trường khóa 19, Chương khóa 18 nhưng lại là trung úy, Hùng cá sấu khóa 20 cũng trung úy, trừ Nguyễn Công Bao, bạn tôi khóa 20, nhưng Bao là đại úy. Mười ngày trước khi mãn khóa, bốn chàng BĐQ lên đường. Nhà trường đặc biệt ưu ái tôi, phái một ông thiếu úy tên Adam tới gặp. Adam nói:

-Tôi có nhiệm vụ huấn luyện cho ông để đọc diễn văn mãn khóa. Bắt đầu từ hôm nay, ông không phải đi học theo lớp. Mỗi sáng tôi sẽ đem xe đón.

Tại thư viện, tôi được hướng dẫn viết diễn văn (Class Response). Sau khi viết xong, Adam giữ nguyên ý tưởng của tôi, anh ta giúp tôi “edit,” làm sao giữ được ý, khi đọc ra người Mỹ hiểu tôi muốn nói gì. Học hành chữ nghĩa không bao nhiêu, nhưng viết ra để ca tụng sự huấn luyện của người Mỹ, so sánh những huấn luyện viên với nhau, gây tinh thần học hỏi và cảm ơn nhà trường thì tôi làm số một. Adam khoái lắm, anh ta giúp tôi “trim” lại bài viết cho đúng “time frame” sau đó cho tôi vô trong phòng diễn văn. Một căn phòng khá lớn, bốn mặt toàn bằng gương, nhìn đâu cũng thấy mình, một cái máy Ampex thu băng bài nói chuyện của tôi, tôi phải tập phát âm, làm điệu bộ, lên trầm xuống bổng làm sao gây cảm xúc. Adam dạy tôi sử dụng “Body Language,” phối hợp hành động với lời nói, học phát âm cho đúng “intonation” lên xuống thế nào, nhấn giọng ở đâu cho người Mỹ hiểu.

Gần 10 ngày, tôi phải nghe đi nghe lại diễn văn của tôi, điệu bộ, cử chỉ, nhất cử, nhất động tôi đều tự thấy trên gương để mà sửa đổi. Người Mỹ hay thật, họ muốn tôi là thủ khoa, thì họ biến tôi thành thủ khoa thật. Tôi được huấn luyện kỹ càng cho ngày mãn khóa. Tướng Cobb hai sao, chỉ huy trường Thiết Giáp, chủ tọa, quan khách, cũng như gia đình đến chật hội trường. Anh em chúng tôi được mời lên khán đài nhận bằng, mỗi người một ống quyển, hình thái màu sắc giống hệt nhau, ai cũng như ai. Đến khi phát bằng xong, nhà trường mới long trọng mời tôi lên đọc diễn văn, không phải nói tôi đỗ đầu, nhưng lời giới thiệu biết ai là ai rồi.

Sau buổi lễ, tôi càng kính trọng người Mỹ, với nếp sống văn minh, tôn trọng con người. Họ cho chúng tôi danh dự giống nhau, người giỏi cũng như người kém, không ai biết ai, chỉ mình biết mình, có nghĩa là khi mở ống quyển ra, bạn sẽ thấy bạn đậu thứ bao nhiêu, trong một miếng giấy nhỏ, và một cái bằng “Diploma” tốt nghiệp. Nếu chẳng may bạn rớt, thì bạn không có số đậu thứ bao nhiêu, mà bạn chỉ có trơ trọi cái “Certificate” mà thôi. Trước buổi lễ, trước quan khách, bạn được trọng nhân phẩm, danh dự. Không ai biết bạn đậu rớt. Thử tượng tượng, trong buổi lễ mãn khóa, những sĩ quan thi rớt, khi được gọi lên lấy chứng chỉ, họ sẽ cảm thấy xấu hổ, thẹn thùng trước quan khách như thế nào. Điều này làm tôi nhớ tới trường Trần Lục của tôi, trường Trưng Vương của Trâm. Khi đỗ vào đệ thất, trường Trần Lục sẽ xếp lớp người đỗ đầu B1, thứ hai B2, thứ 3 B3, và người đỗ thứ 4 thì lại B1. Như vậy ba lớp đệ thất chúng tôi đồng đều. không B nào giỏi hơn B nào. Trái lại trường Trưng Vương của Trâm, người ta lấy 60 người đầu vào B1, 60 người kế vào B2, và 60 người dưới nữa vào B3, nhìn vô, là có sự phân ngôi thứ B nọ hơn B kia, tạo mặc cảm tự tôn tự ti giữa những người học trò đồng trang lứa. Cho hay một nước văn minh, cái danh dự người cao, kẻ thấp đều được tôn trọng như nhau.

Chúng tôi được tự do đi chơi ba tuần lễ, trước khi xuống Travis Airforce Base ở gần San Francisco, lên máy bay về lại Việt Nam. Khi đi thăm thủ đô nước Mỹ, trở về trường, tôi nhận được thư của Nguyễn Công Bao với lời kêu cứu. Bốn ông BĐQ, không theo học nổi lớp “Ranger.” Mỹ nó khỏe như trâu, mà còn gục lên, gục xuống. Việt Nam vừa ốm yếu, vừa trận mạc, anh nào cũng thương tích hai ba lần, sức đâu mà chạy một ngày 15, 16 tiếng đồng hồ. Thằng Bao nhờ tôi nói dùm với bác Bùi Diễm, lúc đó đang làm đại sứ VNCH, là xin cho họ về lại Việt Nam vì không còn sức lực để học. Thật quá trễ, tôi đã lên DC và tôi có biết Đại Sứ Bùi Diễm qua ông Lã Quí Đắc, anh thằng bạn tôi, thông gia với ông đại sứ. Tôi không có cơ hội nói dùm cho nó. Sau này tôi nghe chúng nó bị đuổi về Việt Nam vì tội phản chiến, và tại phi trường Tân Sơn Nhất, xe bít bùng hốt họ đem về Bộ Tổng Tham Mưu. Tội nghiệp thằng Bao, tội nghiệp những anh hùng BĐQ, giỏi giang, can trường, cương trực, chỉ vì yếu sức không học nổi mà bị gán cho tội quá nặng. Thời gian chúng tôi học bên Mỹ là thời gian phản chiến lên cao độ, họ khuyên chúng tôi không nên mặc đồ nhà binh đi chơi, dễ bị hành hung, và các bạn tôi đã lãnh cái búa tài sồi của bọn phản chiến chết tiệt gán cho.

Chiếc phản lực 707 của hãng Braniff bay đến Sài Gòn vào buổi chiều mùa Hè oi bức. Bước xuống máy bay, anh em chúng tôi như chảy mỡ vì cái nóng quê hương, chỉ một thời gian ngắn, đế quốc đã làm hư chúng tôi. Cái nóng như lửa tạt vào mặt, nhưng hạnh phúc niềm vui quên cả nóng, Trâm đứng đó, lòng ước ao duy nhất của tôi trên đường về đã thành tựu. Đại Tá Kế, anh rể thằng bạn chí thân của tôi, cũng đem xe đến phi trường đón tôi trở về.

Cảnh cũ, người xưa không còn, chiến tranh đã thay đổi, chỉ một thời gian ngắn tôi xa nhà, người Mỹ tự động đơn phương rút quân, trong khi tôi còn  ở Mỹ, trong ngày nhậm chức, Tổng Thống Richard Nixon nói rõ là hỗ tương rút quân giữa Mỹ và Bắc Việt, nhưng thực tế, thì Bắc Việt ở nguyên tại miền Nam, Mỹ rút, sư đoàn không còn máy bay cho chúng tôi bay, may thay Trung Tá Của, trước cùng ở Sư Đoàn 5, giúp cho tôi về làm việc phụ tá cho ông trong chức vụ chi khu phó Lái Thiêu và ông là chi khu trưởng. Sau đó ông lên tỉnh trưởng Bình Dương, Đại Tá Của rất để ý nâng đỡ tôi. Cái may đã theo đuổi tôi, gặp được ông Của, có chỗ gần Trâm, từ Lái Thiêu, tôi phóng xe jeep về thăm em chỉ có nửa tiếng đồng hồ.

Vấn nạn của tôi là làm sao lấy Trâm, cái khó nó bó cái khôn, bao nhiêu tiền bạc để dành bên Mỹ, tiền lương ở nhà, tôi tiêu với Trâm ráo trọi. Phương tiện chuyên chở thì tôi khỏi lo, nhà nước đã cho tôi một cái xe jeep, tôi tha hồ lên sân bay, xuống nhà Trâm, đi chơi thong thả, không còn khổ sở như ngày nào, cứ nhăm nhăm mượn xe ông Quýnh chạy về thăm Trâm. Tôi đã biết thân, khi đến Mỹ dành dụm nguyên một tháng lương, mua cái nhẫn ăn hỏi bằng kim cương. Trâm và bà cụ đã chấp thuận lời thỉnh cầu của tôi là lấy Trâm. Cái  loay hoay “đầu tiên” là “tiền đâu” mà làm đám hỏi, rồi đám cưới? Đời tôi đã đau khổ bao nhiêu, bây giờ ông Trời ngó lại, và đây là dịp may vô tình nó đến, Đại Úy Maladek, cô vấn Xây Dựng Nông Thôn, là bạn tốt của tôi. Ông ta dẫn tôi lên PDO (Property Disposal Office), kho phế thải của Mỹ để xin mấy cái ghế bố, khi đi hành quân có cái để nằm. Tôi tình cờ gặp ông anh nuôi tôi, anh hỏi tôi đi đâu lên đây, tôi nói là theo người bạn Mỹ đi xin mấy cái ghế bố. Anh tôi nói, cái đồ quỷ ấy, xin làm chi, có cái máy điện ở góc kia, chú nói người bạn Mỹ ký giấy, cho tôi đem ra khỏi cổng gác, tôi sẽ cho chú 300,000 đồng. Trời ơi sao mà nhiều tiền vậy, tôi chạy lại nói Maladek, hãy ký giấy cho tôi đem cái máy điện kia ra, anh tôi sẽ cho $2,000, mỗi thằng $1,000. Maladek chịu liền, giấy tờ ký xong xuôi, chiếc xe thớt chở cái máy điện to tổ bố ra khỏi cổng làm nó tái mặt, nói chạy lại bảo tôi. Tao tưởng mày nói cái máy con ở trong góc kia, ai ngờ cái máy lớn này. Nó to lắm, khi mà ông PSA (Provincial Senior Adviser) hỏi tao, thì tao sẽ nói mày lấy, lúc đó, mày đi tù, tao đi tù, anh mày cũng đi tù luôn. Tôi hỏi nó:

-Bây giờ bọn con buôn đã cho máy điện lên xe, quân cảnh đã cho đi rồi, làm sao trả lại?

Maladek tá hỏa tam tinh, nó nói:

-Tao không cần trả lại, tao cũng không biết cái máy điện đi đâu. Tao cũng không cần $1,000 của mày. Tao cần sáu cái bản sao tao ký thôi. Tôi chạy lại nói anh tôi:

-Thằng bạn em nó sợ quá rồi, anh phải tìm cách trả nó sáu cái bản sao, và nó cũng không cần 300,000 đồng, nó chỉ cần bản sao nó ký thôi.

Ông anh tôi bảo dễ quá, cô thư ký là bạn anh, để anh vô lấy sáu bản sao ra đưa cho nó.

Tôi cầm sáu miếng giấy có chữ ký của thằng Maladek, đưa trả. Nó cẩn thận, coi lại, đếm đủ, rồi nó cười ha hả, xé tan sáu miếng giấy, xong chìa tay đòi $1,000. Đến chiều ông anh tôi ghé đưa tôi một xấp bạc 300,000 đồng, số tiền lớn quá. Tiền lương đại úy của tôi chưa được 20,000 đồng. Tôi rất ư là lanh lợi, chạy ra phố đổi lấy $2,000 đỏ. Tiền này Mỹ gọi là MPC (Money Payment Certificate), nó chỉ có giá trị ở trong PX, Commissary Mỹ mà thôi. Nhưng với Mỹ, tiền là tiền, nó muốn đổi xanh là xanh, đỏ là đỏ, không phải chợ đen chợ trắng gì cả. Thực tế thì $1 đỏ có 100 đồng, $1 xanh giá chợ đen, có khi lên tới 200 đồng.

Tôi đưa cho Maladek $2,000 đỏ, bảo nó, đi R&R (Relax & Recuperation) ở Hawaii, khi về đổi cho tôi $1,000 xanh. Tôi cho nó $1,000, nhưng nó lại đem về cho tôi gấp đôi.Thế là từ một thằng khố rách áo ôm, bỗng dưng tôi có 300,000 ngàn, làm ăn hỏi, lấy Trâm làm vợ một cách huy hoàng. Nhưng rồi, khi lên thì phung phá cũng lên, trước khi đám cưới, Măng của tôi, bà Tám là người tình của bố tôi, tôi thường gọi là Măng, làm (Fouille Corp) ở quan thuế Tân Sơn Nhất, bảo tôi:

-Măng đã nói xin sếp cho Trâm, con dâu tương lai của Măng đem ít vàng từ Lèo về, bán kiếm lời lấy chồng. Điều kiện là chỉ xin một lần, cứ đem vàng về, nếu quan thuế bắt, thì vô phòng khám, bỏ vàng lên bàn, không được nói gì cả, vì họ có máy nghe. Măng sẽ đem vàng về cho. Nếu không bị bắt thì cứ tự nhiên đi thẳng về nhà. Trâm đi Lèo mua 100 lượng vàng, đem về bán lấy lời đưa cho tôi. Tôi biếu Măng và bà sếp một nửa tiền lời, nửa lời còn lại cho Trâm làm đám cưới. Đúng là số hên, tôi bỗng dưng có một đống tiền, lấy vợ đẻ con mà không phải xin xỏ, phiền lụy ai cả. Phải nói rõ là Trâm không có 100 lượng vàng, mượn vốn đi mua, về bán lại 1 lượng vàng vốn $40, bán $45.

Lời $5 một lượng. 100 lượng lời $500.

Cảm ơn bác Diễn đã đoán cho số tôi vận may tới tấp. Cảm ơn Trời Phật đã ngó lại thương tôi, một kẻ khốn khổ ở đời, trên răng dưới bút máy, chỉ có cái tâm ở tốt với bạn bè bằng hữu mà được tốt số.

Ngày Trâm đẻ cháu Cún thì mộng ước bay bổng tiêu tan, luật lệ Air Vietnam, có chồng họ đã đuổi, huống gì có con. Trâm đành bấm bụng xin thôi. Vợ chồng rút về “Đầm Dạ Trạch,” túp lều lý tưởng ở Lái Thiêu, sống đời đạm bạc. Để tỏ lòng biết ơn bà đã cho tôi vợ, tôi bắt Trâm để lại hết tiền bạc, của cải cho mẹ. Hai vợ chồng ra riêng với hơn ngàn bạc trong bang. Số tiền này thời đó chỉ ăn được năm bát phở. Rồi vận may lại tới, thằng Hải, người bạn thân của tôi, là “roomate” với anh Vũ Trung Nam thời du học ngoại quốc, Nam bấy giờ là giám đốc nha khai thác Air Vietnam. Đây là chức lớn thứ hai trong công ty, chỉ sau tổng giám đốc. Hải nói thật là Trâm vợ tôi, đã có chồng có con, và xin nghỉ rồi, nay muốn được Nam giúp cho đi bay lại. Nam nể Hải, bất chấp luật lệ Air Vietnam, cho Trâm trở lại đi bay, một trường hợp hiếm có chưa từng xảy ra. Trong phi hành đoàn, có người tưởng Nam không biết, tố cáo với Nam là Trâm có chồng, còn có cả con. Nhưng Nam lờ đi, và Trâm vẫn tỉnh bơ sáo sậu, đi bay mỗi ngày, đi Hồng Kông mỗi tuần. Hải là bạn thân, tôi không bận tâm, nhưng tôi rất biết ơn Nam. Tôi kết bạn với anh, thỉnh thoảng cho xe rước gia đình anh xuống quận, đi ca nô, đi câu cá, thả diều, sống cảnh đồng quê bát ngát của miền Nam hiền hòa tươi mát. Rồi biến cố 30 Tháng Tư xảy ra. Nam đi tù mút chỉ cà tha, vợ con anh thoát được qua Mỹ.    

Ra tù, ông giám đốc vượt biển, cạn lương thực, tưởng chết, anh viết tuyệt mệnh thư bỏ vô một cái chai, thả trôi xuống biển, sau cùng anh được cứu thoát, cái thư tuyệt mạng tới tay Cha Thúy ở DC, và tình cờ tôi biết được, tôi đã xin Cha Thúy để tôi lo liệu đón mẹ con anh Nam đến nhà tôi, ở Springfield, Virginia. Lo lắng thủ tục giúp anh Nam và mẹ, sau đó tôi gửi anh xuống Atlanta với vợ con anh. Nam rất giỏi, và nhanh chóng thành công ở Mỹ. Anh làm kỹ sư cho Apply Material và mở trường dạy võ ở San Jose California. Chúng tôi qua lại giao du giữa DC và California với nhau trong nhiều năm. Sau cùng, vợ chồng anh Vũ Trung Nam và chị Mỹ Hạnh cũng lìa bỏ cõi đời. Tôi rất thương tiếc và cảm ơn anh, một người bạn tốt, một ông giám đốc đầy tình người, đã giúp cho vợ chồng tôi mở mặt với đời.

Viết xong ngày 18 Tháng Năm, 2020 trong mùa dịch COVID-19, để tặng Trâm, người vợ đã cùng tôi có một cuộc chiến chưa tàn, của 50 năm nội chiến từng ngày,

“Happy Anniversary” Cường Trâm, May 25.

MỚI CẬP NHẬT