Friday, March 29, 2024

Phe cấp tiến từng trỗi dậy ngoạn mục ra sao?

Lê Anh Hùng (Nguồn: VOA)

Hàng chục năm qua, trong nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) luôn diễn ra cuộc đấu tranh lúc âm thầm, lúc gay gắt giữa hai xu thế chính là bảo thủ và cấp tiến, với phần thắng hầu như luôn nghiêng về phe bảo thủ. “Vụ án xét lại chống đảng” giữa thập niên 1960 có thể được coi là sự thể hiện ra bên ngoài đầu tiên của mâu thuẫn giữa hai xu thế đó. 

Sự tái xuất của những “phần tử xét lại”

Dưới sự khuynh loát của phe bảo thủ, Việt Nam dần rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị-kinh tế-xã hội đầu thập niên 1980, buộc đảng CSVN phải thực hiện cái gọi là “đổi mới.” Ðại Hội VI đảng CSVN năm 1986 không chỉ đánh dấu sự lùi bước đầu tiên của phe phái bảo thủ, giáo điều trong đảng, mà còn mở đường cho sự tái xuất gần như công khai của phe nhóm cấp tiến trong ban lãnh đạo CSVN, sau hai thập niên “im hơi lặng tiếng,” với “hiện tượng” Trần Xuân Bách.

Ông Trần Xuân Bách bị gạt ra khỏi Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương Tháng Ba, 1990, song di sản của ông vẫn được ông Võ Văn Kiệt kế thừa từ Ðại Hội VII năm 1991. Tuy nhiên, ông Võ Văn Kiệt chỉ là nhân vật đứng thứ ba trong một bộ máy mà các thế lực bảo thủ vẫn còn chiếm vị thế áp đảo, vì thế ông cũng chưa thực sự tạo ra được ảnh hưởng và sức lan tỏa lớn.

Dù vậy, với uy tín của mình, cộng với sự mờ nhạt của người kế nhiệm Phan Văn Khải, ông Võ Văn Kiệt tiếp tục đóng vai trò thủ lĩnh của phe phái cấp tiến ngay cả sau khi rời khỏi chiếc ghế thủ tướng Tháng Chín, 1997. Tuy nhiên, do không còn nằm trong bộ máy quyền lực nên ảnh hưởng của ông Võ Văn Kiệt không còn như trước. 

Sự trỗi dậy của phe cấp tiến

Sau Ðại Hội IX năm 2001, trong bối cảnh những tiếng nói đòi đổi thay trong xã hội xuất hiện ngày càng nhiều và mạnh mẽ, cộng với vai trò mờ nhạt của Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh, một số thế lực cấp tiến bắt đầu nổi lên, đặc biệt là Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn Nguyễn Minh Triết, người dần dần tự thể hiện mình như là thủ lĩnh của phe cấp tiến trong đảng. Giai đoạn vận động sắp xếp nhân sự Ðại Hội X, diễn ra vào Tháng Tư, 2006, Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn Nguyễn Minh Triết suýt chút nữa đã giành chiến thắng trước Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh, người bị dính vào vụ bê bối PMU18.

Thậm chí, trong nhiệm kỳ khóa X (2006-2011), phe cấp tiến của bộ đôi Nguyễn Minh Triết-Trương Tấn Sang đã có một thời gian thực sự giành ưu thế trên chính trường. Ðó là giai đoạn kể từ giữa năm 2008 cho đến cuối năm 2009. Sự kiện đánh dấu sự yếu thế của ông Nông Ðức Mạnh nói riêng và phe bảo thủ nói chung là việc ông ta phải chấp nhận cho Ban Bí Thư kỷ luật chiến hữu của mình là Thứ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT) Nguyễn Việt Tiến vào ngày 12 Tháng Tám, 2008, mặc dù, ngày 28 Tháng Ba, 2008, Viện Kiểm Sát Nhân Dân (VKSND) Tối Cao đã chính thức công bố quyết định số 13/VKSNDTC-V1A đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Việt Tiến và việc ông này trở lại chiếc ghế thứ trưởng Bộ GTVT chỉ còn là vấn đề thủ tục. (Trong quyết định này, VKSND Tối cao đề nghị: Bộ GTVT và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục hồi các quyền và lợi ích hợp pháp cho Nguyễn Việt Tiến theo quy định của pháp luật). Ðiều này giải thích vì sao các tin tức về Hoàng Sa-Trường Sa lần đầu tiên được thể hiện mạnh mẽ trên báo chí nhà nước dù trước đó bị bưng bít và kiểm soát ngặt nghèo.

Ngày 1 Tháng Tư, 2009, Ðài Á Châu Tự Do (RFA) phát đi bản tin chấn động, loan báo Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đệ đơn từ chức trong một cuộc họp đặc biệt của Bộ Chính Trị. Bản tin sau đó đã bị RFA gỡ xuống, dù đã kèm theo lời cải chính rằng đó là tin “Cá Tháng Tư” (!). Thực ra đó là tin thật. Nhà báo Huy Ðức từng viết bài “Chị Hai Thủ Tướng” về việc chị ruột Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bị chính quyền Bình Dương cưỡng chế đất ngày 17 Tháng Tư, 2009, chính là vào giai đoạn mà quyền lực của ông Nguyễn Tấn Dũng đang rơi xuống tận đáy này.

Những sự kiện tưởng như rời rạc trên đây liên quan đến cùng một vụ việc: Bắt đầu từ ngày 21 Tháng Tư, 2008, tác giả bài viết này – Lê Anh Hùng – đã tố cáo liên minh Hoàng Trung Hải – Nguyễn Tấn Dũng-Nông Ðức Mạnh về một loạt tội ác vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là tội phản quốc, làm tay sai cho Trung Quốc.

Ưu thế của phe cấp tiến do bộ đôi Nguyễn Minh Triết-Trương Tấn Sang kéo dài không được bao lâu. Sau khi ông Nông Ðức Mạnh bị gạt sang một bên thì đến cuối năm 2009, ông Nguyễn Minh Triết cũng bị thất thế do dính líu đến vụ tố cáo của tác giả, người bị công an Quảng Trị bắt giam trái phép vào ngày 25 Tháng Mười Hai, 2009. Vụ tố cáo bị ém nhẹm, mở đường cho sự trỗi dậy trở lại của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như phe nhóm bảo thủ.

Trong chuyến thăm Lào và Campuchia từ ngày 24 đến 28 Tháng Tám, 2010, tháp tùng Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết chỉ có hai nhân vật mang hàm bộ trưởng là Chủ Nhiệm Văn Phòng Chủ Tịch Nước Nguyễn Văn Chiền, thành viên đương nhiên, và tân Bộ Trưởng Giáo Dục-Ðào Tạo Phạm Vũ Luận, người thậm chí chưa phải là ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng. Ðây là đoàn tháp tùng èo uột chưa từng thấy đối với một bậc “nguyên thủ quốc gia.” Ngoài ra, trong dịp Ðại lễ 1,000 năm Thăng Long, trong khi Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng trịnh trọng chủ trì lễ khai mạc ngày 1 Tháng Mười, 2010, thì chủ tịch nước lại chỉ được dự lễ khánh thành tượng đài Thánh Gióng ngày 6 Tháng Mười, 2010, một phần nhỏ của chương trình đại lễ.

Sau khi ông Nguyễn Minh Triết bị thất thế, phe bảo thủ lại nổi lên chiếm ưu thế với thủ lĩnh mới là Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng. Hệ quả là Dự Thảo Văn Kiện Ðại Hội X thụt lùi so với Ðại Hội IX. Và Ðại Hội X đã cho ra đời một ban lãnh đạo mới mà phần lớn là những gương mặt bảo thủ. Thủ lĩnh phái cấp tiến lúc này là Trương Tấn Sang dường như bị chìm khuất giữa những khuôn mặt bảo thủ với số lượng áp đảo.

Ngày 7 Tháng Năm, 2011, ông Trương Tấn Sang bất ngờ công kích phe nhóm bảo thủ khi phát biểu hùng hồn về “một bầy sâu” trong cuộc tiếp xúc với cử tri ở Quận 1, Sài Gòn. Tiếp theo, ngày 10 Tháng Năm, 2011, tại Hà Nội, Tạp Chí Cộng Sản tổ chức cuộc tọa đàm khoa học “Giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị,” sự kiện xưa nay chưa từng có. Ðây là những dấu hiệu cho thấy phe cấp tiến đang trỗi dậy còn phe bảo thủ thì lùi bước. Thế nhưng từ ngày 9 Tháng Sáu, 2011, tờ Năng Lượng Mới đăng loạt bài lật lại vụ án Năm Cam. Thủ lĩnh phái cấp tiến Trương Tấn Sang bị tấn công vì dính líu đến vụ án.

Tại Hội Nghị Trung Ương 3 Khóa XI diễn ra từ ngày 6 đến 10 Tháng Mười, 2011, lần đầu tiên hình ảnh Marx và Lenin biến mất khỏi phông nền phòng họp của một kỳ Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương. Và đến ngày 19 Tháng Mười, 2011, ông Nguyễn Phú Trọng phát đi những tín hiệu về khả năng của một cuộc cải cách chính trị tại lễ công bố quyết định thành lập Hội Ðồng Lý Luận Trung Ương nhiệm kỳ 2011-2015. Trong bài “Cố Lên, Vịt Què!” nhà văn Nguyễn Nguyên Bình viết:

“Có một điều đáng chú ý nữa là cách đây mấy năm, bỗng xuất hiện một tin có vẻ lạ trên Blog Hoa Mai (chưa biết chủ blog này là ai) ngày 27 Tháng Mười Hai, 2012, rằng: Vào thời gian Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2, ông Trương Tấn Sang đã thúc đẩy ông Nguyễn Phú Trọng đưa vào chương trình nghị sự Hội Nghị Trung Ương 2 (Tháng Bảy, 2011) việc nghiên cứu để chuyển đổi theo hướng dân chủ xã hội. […] Hội nghị này cũng đã đồng ý tiến hành nghiên cứu mô hình chuyển đổi của Myanmar, đồng thời cũng không xác định ‘các thế lực thù địch’ như là nguy cơ của chế độ. Vào Tháng Mười, 2011, tại kỳ họp thứ nhất của Hội Ðồng Lý Luận Trung Ương (nhiệm kỳ 2011-2015), ông Trọng đã có một bài phát biểu về việc nghiên cứu những mô hình đổi mới. Ðó là một bài diễn văn rất tiến bộ, hiếm có của ông Nguyễn Phú Trọng, trong đó đề cập mô hình dân chủ xã hội. Tuy nhiên, sau Hội Nghị Trung Ương 2, Trung Quốc đã ra tay phá hoại quyết liệt xu hướng này thông qua bàn tay Nguyễn Tấn Dũng…”

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 17 tháng 2 năm 2017

Ngày 26 Tháng Ba, 2012, bài “Trung Quốc bất tín trong quan hệ với Việt Nam” bỗng xuất hiện cùng một ngày/giờ/phút trên tất cả các trang web mang tên các vị lãnh đạo Việt Nam (Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Trần Ðại Quang…). Ngày 21 Tháng Sáu, 2012, Quốc Hội Việt Nam thông qua Luật Biển. Ðấy là những sự kiện cho thấy vai trò của thủ lĩnh phe cấp tiến Trương Tấn Sang cũng như sự thất thế (tạm thời) của phe bảo thủ, thân Tàu.

Sau sự kiện tàu Bình Minh 2 của Việt Nam bị tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp vào ngày 26 Tháng Năm, 2011, với sự hậu thuẫn của phe cấp tiến, bắt đầu từ ngày 5 Tháng Sáu, 2011, hàng loạt cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra rầm rộ ở Hà Nội và Sài Gòn mà gần như không bị nhà cầm quyền ngăn cản, hoặc chỉ bị trấn áp vừa phải. Ngày 2 Tháng Tám, 2011, Giám Ðốc Công An Hà Nội Nguyễn Ðức Nhanh khẳng định là chính quyền không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước. Ngày 18 Tháng Tám, 2011, Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội ra một bản thông báo cấm biểu tình không số, không người ký, không có căn cứ pháp luật… trong sự phản đối gay gắt của dư luận. Theo nhà báo Huy Ðức, thông báo cấm biểu tình đó là “tác phẩm” của cặp bài trùng Nguyễn Tấn Dũng-Nguyễn Văn Hưởng, chứ không phải là ý chí tập thể của Bộ Chính Trị, vì thế Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội không ai chịu ký.

Và phong trào biểu tình chống Trung Quốc, cùng sự ra đời của hàng loạt tổ chức xã hội dân sự, diễn ra khá mạnh mẽ cho đến giữa năm 2013.

MỚI CẬP NHẬT