Thursday, March 28, 2024

Tam Quốc Chí và phong trào dịch truyện Tàu ở Nam Kỳ đầu thế kỷ 20

Giáo Sư Trần Văn Chi

Sự phát triển của đô thị theo kiểu Pháp ở Nam Kỳ, cùng sự xuất hiện của tờ công báo Gia Định Báo, rồi hàng loạt các tờ báo khác xuất hiện đầu thế kỷ 20 với sự ra đời của nhà in và sự phát triển của ngành xuất bản làm cho đời sống “văn hóa đọc” có nhiều thay đổi.

Nhà Hát Lớn, một kiến trúc nổi tiếng ở Sài Gòn đầu thế kỷ 20. (Hình minh họa: httlvn.org)

Hệ thống trường học Pháp-Việt ra đời sớm. Kiến thức được giảng dạy chủ yếu qua tiếng Pháp và chữ quốc ngữ Latin góp phần tạo ra nhiều thế hệ người học tiếp xúc với văn minh phương Tây, do đó hình thành một lớp người có thị hiếu thẩm mỹ mới.

Sau này, họ trở thành những người cầm bút, độc giả của nền văn học đang trên đà hiện đại hóa.

Trào lưu dịch tiểu thuyết Trung Hoa sang quốc ngữ

Trước khi có các bản dịch chữ quốc ngữ, các nhà văn Việt Nam tiếp thu tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa để viết các tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí và Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí.

Tới đầu thế kỷ 20, phong trào dịch tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa diễn ra rầm rộ và có ảnh hưởng đến sáng tác.

Nam Kỳ là vùng đất mới, nền văn học nơi đây là một nền văn học trẻ, đang trong quá trình kiến tạo. Các điều kiện cho công việc tái cấu trúc lại nền văn học theo mô hình hiện đại xuất hiện khá sớm ở đây.

Sự có mặt của người Pháp, đầu tiên là quân đội rồi tiếp đến là văn hóa của họ, làm cho Nam Kỳ sớm tiếp xúc với văn hóa phương Tây trên một phạm vi và cấp độ rộng, sâu sắc.
Lúc đó, nền văn học trẻ ở Nam Kỳ đang trong quá trình kiến tạo chưa thật sự hoàn bị, sáng tác chưa đồng đều, người cầm bút chắc chắn chưa đông đảo và chưa có nhiều kinh nghiệm trong sáng tác để đáp ứng nhu cầu của lớp người đọc mới.

Điều đó tạo nên khoảng trống văn học đầu thế kỷ 20. Phiên dịch là một phương thức để khỏa lấp khoảng trống đó.

Phiên dịch tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa, dân gian gọi là truyện Tàu.
Tác phẩm dịch sớm nhất ở Nam Kỳ được ghi nhận là Tam Quốc Chí với tên gọi “Tam Quốc Chí Tục Dịch,” đăng trên báo Nông Cổ Mín Đàm ngay từ số đầu, ra ngày 1 Tháng Tám, 1901, đến số 8, ra ngày 19 Tháng Chín, 1901, bắt đầu in kèm tên dịch giả là Canavaggio.

Làn sóng phiên dịch bắt đầu diễn ra mạnh mẽ, sau khi xuất hiện “Tam Quốc Chí Tục Dịch.”
Các danh tác tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa hầu như đã được dịch trong những năm đầu của phong trào bao gồm: Truyện Nhạc Phi (1905), Thủy Hử Diễn Nghĩa (1906), Phong Thần Diễn Nghĩa (1906), Đông Châu Liệt Quốc (1906), Phản Đường Diễn Nghĩa (1906), Tiết Đinh San Chinh Tây (1907), Phong Thần Diễn Nghĩa (1907), Tam Quốc Diễn Nghĩa (1907), Ngũ Hổ Bình Nam (1907), Càn Long Hạ Giang Nam (1908), Chung Vô Diệm (1909), Tây Hớn Diễn Nghĩa (1908), Thuyết Đường Diễn Nghĩa (1908), Tiết Nhơn Quý Chinh Đông (1910),…

Sang thập niên 1920 và 1930, các danh tác đều được tái bản nhiều lần hoặc được dịch lại bên cạnh nhiều tác phẩm mới ít nổi tiếng. Theo các bảng thư mục thì Tam Quốc Diễn Nghĩa có ba bản dịch của Nguyễn Liêng Phong và Nguyễn An Cư (1907), Nguyễn An Cư (1912), Nguyễn Liêng Phong (1927), Đông Châu Liệt Quốc có bốn bản dịch của Nguyễn Chánh Sắt (1906), Nguyễn Công Kiều (1919), Trần Đình Nghị (1928), Đào Trinh Nhất (1929),… Trong phong trào dịch tiểu thuyết Trung Hoa ở Nam Kỳ rất ít thấy những cuốn tiểu thuyết tình cảm kiểu như Tuyết Hồng Lệ Sử, Hồng Lâu Mộng.

Tại sao dịch giả Nam Kỳ chọn tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa?

Dịch giả Nam Kỳ thời đó không chú trọng dịch các tiểu thuyết “ngôn tình nhu cảm” mà chỉ chú trọng đến loại truyền thống nghĩa hiệp.

Có lẽ xuất phát từ vấn đề thuộc về độc giả và dịch giả của bộ phận văn học này. Độc giả Nam Kỳ phần đông là người bình dân ít học, nhưng ham hiểu biết. Sự ham hiểu biết, thích khám phá, tính cách trọng đạo nghĩa chắc chắn là có căn nguyên trong tâm thế của nhiều lưu dân mở đất buổi đầu.

Chính điều kiện tự nhiên, đặc tính địa văn hóa đã hình thành nên thói quen sáng tác và thưởng thức văn nghệ về căn bản là nói và trình diễn, chứ không là phải viết, như nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân.

Tác phẩm thể hiện rõ đặc tính này là truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Lục Vân Tiên (Duy Minh Thị phát hành năm 1874) độc đáo khi được thể hiện qua điệu nói, hình thành nên cả một thể loại là “Nói thơ Vân Tiên” trong đời sống văn hóa Nam Kỳ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Trở lại với tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa, là những tác phẩm được sáng tác dười thời Minh (1368 – 1644), Thanh (1636 – 1912), phần lớn có nguồn gốc từ văn học dân gian, là những truyện kể dạng thoại bản, về sau các tác giả bác học mới chỉnh lý cốt truyện và sáng tạo thành các văn phẩm nghệ thuật.

Tiểu thuyết lịch sử thường đề cao trung, hiếu, tiết, nghĩa, thế thiên hành đạo, khử bạo trừ gian, trung thần thắng nịnh. Từ trong bản chất, tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa rất hợp với môi trường diễn xướng. Điều này không đi ngược lại với sở thích và thẩm mỹ của phần đông độc giả Nam Kỳ. Cần chú ý rằng, trước khi có phong trào dịch tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa, các nhân vật trong các bộ tiểu thuyết trứ danh như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử, Tiết Nhơn Quý, đã được tiếp nhận trong hình thức của tuồng tích sân khấu, hay các bài thơ Từ Thứ Quy Tào, Tôn Phu Nhân Quy Hán của Tôn Thọ Tường…

Nay qua chữ quốc ngữ, nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa lại được thưởng thức lại trong một tinh thần mới, hoàn cảnh lịch sử văn hóa mới. Những người trẻ tuổi biết chữ quốc ngữ và còn chịu ảnh hưởng của Hán Học thưởng thức và thường đọc lại cho người lớn tuổi nghe, cứ thế mà tạo ra một phong trào rộng lớn trong “văn hóa đọc” xứ Nam Kỳ.

Độc giả là vậy, còn dịch giả thì sao?

Trong xu thế văn chương gắn chặt với thị trường, dịch giả bị người đọc chi phối trong cách chọn lựa tác phẩm và văn phong thể hiện.

Do vậy, để dịch sách, người dịch phải hội đủ được các điều kiện như tinh thông Hán Văn, giỏi Việt Ngữ, và nắm bắt nhanh nhạy thị hiếu người đọc. Dịch giả Nam Kỳ thường là trí thức nho học cầm bút viết văn, ký giả, những người làm công việc liên quan đến văn hóa.

Ví dụ, Nguyễn Chánh Sắt tự Tân Châu (1869 – 1947) lúc nhỏ học chữ Hán với Tú Tài Trần Văn Thường sau đó học tiểu học Pháp – Việt ở Châu Đốc, làm báo, viết văn, dịch tiểu thuyết Trung Hoa; Lương Khắc Ninh tự Dũ Thúc (1862 – 1943), thuở nhỏ học chữ Hán, năm 14 tuổi bị cưỡng bức học trường Pháp – Việt; Trần Phong Sắc tự Đặng Huy là giáo viên dạy chữ Hán và quốc ngữ ở trường tỉnh lỵ Tân An; Nguyễn An Khương tự Tân An là danh y, tinh thông nho học; Nguyễn An Cư, chí sĩ, dịch giả tinh thông Hán Văn và quốc ngữ…

***

Hơn 100 năm, giờ đây lật lại những trang sách dịch từng một thời làm nức lòng độc giả Nam Kỳ, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về những kỳ tích ấy. Vơi số lượng tác phẩm dịch đồ sộ, số lượng ấn bản lớn, tái bản nhiều lần, cùng một tác phẩm, nhưng xuất hiện nhiều bản dịch khác nhau, tạo được những ảnh hưởng to lớn trong đời sống xã hội và đặc biệt là gây phong trào sáng tác tiểu thuyết lịch sử Việt Nam về sau. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT