Thursday, April 25, 2024

TANDTC xử lạc đề, sai chức năng ‘giám đốc thẩm,’ vẫn cố quy tội Hồ Duy Hải

Long An

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Phiên tòa “giám đốc thẩm” vụ án Hồ Duy Hải gây thất vọng bất bình trong dư luận vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng, dẫn đến ra những phán quyết có nội dung sai pháp luật. Sau phiên tòa nhiều thành viên Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao (TANDTC) đã tiêp tục lên tiếng bào chữa cho sai trái của phiên tòa.

Cụ thể, sáng 12 Tháng Năm, tại buổi “giao ban báo chí” của Ban Tuyên Giáo Trung Ương, ông Nguyễn Trí Tuệ, phó chánh án TANDTC, một trong 17 thành viên Hội Đồng Thẩm Phán phiên “giám đốc thẩm” Hồ Duy Hải, đã thông tin một số nội dung liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải. Nhưng càng nói lại càng sai, TANDTC càng bộc lộ mục đích của phiên tòa là cố quy tội cho bị can Hồ Duy Hải để lấp liếm, bao che cho sai phạm cấp dưới.

Chừng như không lắng nghe và không hiểu được những đóng góp chân tình khách quan, không chỉ cho Hội Đồng Thẩm Phán mà cho cả nền tố tụng Việt Nam và còn mang bệnh thành tích, nên ngay từ câu mở đầu đến cuối bài phát biểu ông Nguyễn Trí Tuệ chỉ nói bằng nhận định chủ quan về cái đúng của “giám đốc thẩm” mà không đưa dẫn chứng hoặc dẫn chứng sai sự thật.

Ngay phần mở đầu ông Tuệ cho biết, đây là vụ án được tổ chức xét xử hết sức công khai, tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng từ sơ thẩm, đến phúc thẩm và một số cơ quan trung ương đều được mời đến như Bộ Công An, Ban Nội Chính Trung Ương, Văn Phòng Chủ Tịch Nước… Nội dung này hoàn toàn thừa thải, lạc lõng vì dư luận không đặt vấn đề tòa xử công khai hay bí mật.

Hội đồng “giám đốc thẩm” lạc đề, sai chức năng!

Trong kháng nghị và tại phiên tòa, phía Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao (VKSNDTC) luôn đặt vấn đề cần “giám đốc thẩm” vì hồ sơ vụ án có nhiều vi phạm nghiêm trọng tố tụng, những chứng cứ buộc tội cần giám định làm rõ, cái cần phải “giám đốc thẩm” là những vi phạm tố tụng và các chứng cứ còn mâu thuẫn.

Đây là yêu cầu xác đáng và đúng luật nhưng phía TANDTC luôn hiểu sai về vấn đề này và chăm bẵm vào mục đích chứng minh bị can Hồ Duy Hải có tội. Ông Nguyễn Trí Tuệ vẫn tiếp tục bám lấy quan điểm sai lệch này.

Cụ thể, theo báo Thanh Niên, trong phiên tòa thì đại diện VKSNDTC không cho rằng bị can Hải bị kết án oan mà cần bổ sung làm rõ một số mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án và thiếu sót, vi phạm trong quá trình tố tụng, thậm chí còn đề nghị xem xét hành vi hiếp dâm của bị can Hồ Duy Hải.

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Tuệ cho hay: “Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC đã công bố các tài liệu chứng cứ của vụ án. Hội Đồng Thẩm Phán xem xét, đánh giá tất cả các nội dung kháng nghị của ‘giám đốc thẩm’ đã nêu. Đồng thời, xem xét đánh giá một cách khách quan, thận trọng chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án với tinh thần công tâm, đảm bảo đúng pháp luật.”

Tiến Sĩ Vũ Thị Phương Lan, giảng viên Đại Học Luật Hà Nội, có bài viết trên trang mạng Luật Sư Việt Nam của Liên Đoàn Luật Sư, phân tích: “Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC đã đi lạc đề, vì nó không phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của xét xử ‘giám đốc thẩm.’ Nhiệm vụ của xét xử ‘giám đốc thẩm’ không phải là xem xét người bị buộc tội thực sự có tội hay không, đó là nhiệm vụ của tòa án sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Nhiệm vụ của xét xử ‘giám đốc thẩm’ là xem xét bản án cấp dưới có sai không và nếu sai thì có bị hủy không. Cái sai ở đây có thể về thủ tục tố tụng trong quá trình từ điều tra, truy tố đến xét xử hoặc sai về áp dụng pháp luật”

Theo bà, nói cách khác, TANDTC cần loại bỏ tất cả những chứng cứ thu thập có vi phạm thủ tục tố tụng và đặt câu hỏi: “Với tất cả các chứng cứ còn lại thì liệu có đủ cơ sở kết luận Hồ Duy Hải phạm tội không?”

Ông Nguyễn Trí Tuệ, phó chánh án TANDTC, một trong 17 thành viên Hội Đồng Thẩm Phán phiên “giám đốc thẩm” Hồ Duy Hải. (Hình: Dương Văn Giang/Thông Tấn Xã Việt Nam)

Không cho tranh luận, cáo buộc sai sự thật

Từ chỗ làm sai chức năng của phiên “giám đốc thẩm,” ông Nguyễn Trí Tuệ lại tự loanh quanh bao biện cho mình làm đúng và đưa ra những thông tin trái sự thật. Ông Tuệ cho rằng: “Trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa, Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC kết luận: Có cơ sở xác nhận lời khai của Hải phù hợp với lời khai của nhân chứng, những người thân trong gia đình của Hải, phù hợp với hiện trường vụ án và các chứng cứ khác.”

Lập luận này của ông Tuệ là kế thừa kết quả của sai trái đầu tiên là lẽ ra phải loại bỏ những chứng cứ vi phạm tố tụng để xác định các chứng cứ còn lại có phù hợp, có căn cứ kết tội hay không thì tòa đã làm ngược lại. Tổng hợp từ các tình tình tiết ngay cả các chứng cứ vi phạm để buộc tội. Tòa cũng không hề thực hiện tranh tụng mà dùng số đông và quyền xét xử áp chế không tiếp nhận những ý kiến của Luật Sư Trần Hồng Phong, người trợ giúp pháp lý cho bị can Hồ Duy Hải.

Ngay ở tình tiết quan trọng nhất lời khai nhân chứng Đinh Vũ Thường chỉ nhìn thấy một thanh niên không rõ nhân dạng bị cơ quan tố tụng biến thành “nhìn thấy Hồ Duy Hải ở Bưu Điện Cầu Voi.” Những chứng cứ về lời xác nhận của nhân chứng Thường “không biết mặt Hồ Duy Hải,” “không được mời tham dự phiên tòa,” những thư khiếu nại về sự thiếu khách quan của luật sư chỉ định Võ Thành Quyết đều bị Hội Đồng bác bỏ. Tòa đã dựa vào chứng cứ sai trái đó để kết luận Hải có mặt tại Bưu Điện Cầu Voi.

Ngay cả quyền tham dự của luật sư cũng không trọn vẹn thì nói gì đến tranh luân. Cựu Thẩm Phán Tòa Án Tối Cao Lê Quang Lộc đã bình luận như sau “Tại phiên tòa ‘giám đốc thẩm’ này, luật sư của bị cáo chỉ được trình bày ý kiến mà không có tranh tụng. Việc Hội Đồng ‘Giám Đốc Thẩm’ không cho phép luật sư tham gia đầy đủ phiên tòa rõ ràng là vi phạm pháp luật. Có lẽ hội đồng sửa sai bằng việc triệu tập lại khi vị luật sư này đã buộc phải trở về Sài Gòn trong tâm trạng?”

Luật Sư Phong đã chứng minh có bằng chứng rõ ràng là bị can Hồ Duy Hải có lời khai không nhận tội nhưng bản khai này bị bỏ ra khỏi hồ sơ vụ án. Các bản án sơ phúc thẩm đều ghi nhận bị can Hồ Duy Hải kêu oan. Lời cuối cùng Hải nói trước phiên tòa sơ thẩm là “Xin quý tòa xem xét lại.” Rất tiếc là ông Nguyễn Trí Tuệ lại phát biểu với báo chí hết sức sai sự thật là “Quá trình điều tra cũng như tại các phiên tòa, Hải đều xin giảm nhẹ hình phạt, sau khi chủ tịch nước bác đơn xin giảm tử hình thì Hải bắt đầu kêu oan.”

Khó có lời lẽ nào bình luận về những nhầm lẫn chết người này của ông phó chánh án TANDTC.

Quan điểm có sai nhưng không ảnh hưởng: Nguy hiểm không lường!

Khi nghe chuyện điều tra viên cho “nhân chứng” mua thớt, dao làm vật chứng, ông Huỳnh Cự, cựu đại tá có 20 năm trong lĩnh vực điều tra hình sự Công An tỉnh Cà Mau, nghiêm giọng: “Khởi tố, bắt ngay điều tra viên!” Vật chứng phải là vật thật từ đó đấu tranh, tìm ra bản chất sự thật. Vật chứng giả làm sai lệch hướng điều tra.

Ông kể một vụ án bị cáo khai giết người bằng búa nhưng quan sát vết thương ông xác định là vết dao và truy tìm được con dao gây án, nhờ đó đã loại trừ một người bị tố cáo oan. Lần khác vật chứng là cây đòn gánh dính máu bị đánh tráo trên đường đưa đi giám định, vụ án bị bế tắc không thể buộc tội hung thủ, điều tra viên bị kỷ luật.

Tất cả những vi phạm tố tụng trong vụ án Hồ Duy Hải lẽ ra phải bị hủy, phải khởi tố những người vi phạm. Thế nhưng ông Tuệ lại giải thích rất nhẹ nhàng là: “Quá trình xét xử cơ quan tố tụng có một số vi phạm, nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án. Vấn đề này đã được liên ngành tư pháp trung ương báo cáo với chủ tịch nước và Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội. Tòa án các cấp xét xử Hồ Duy Hải về tội ‘Giết người,’ ‘Cướp tài sản’ là có căn cứ.”

Luật Tố Tụng Hình Sự quy định Điều 371 về căn cứ kháng nghị, nếu có có vi phạm nghiêm trọng tố tụng mà dẫn tới sai lầm nghiêm trọng thì là căn cứ kháng nghị. Nhưng không có sai lầm nghiêm trọng thì không phải là căn cứ để kháng nghị.

“Do vậy, Hội Đồng Xét Xử ‘giám đốc thẩm’ thấy rằng, trong quá trình điều tra Hồ Duy Hải, các cơ quan tố tụng có những vi phạm nhưng không làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án, do vậy không cần phải kiểm tra lại. Ví dụ như chuyện không kịp thu hồi cái thớt, con dao là có sai sót. Tuy nhiên khi xem xét, đối chiếu với những lời khai, chứng cứ khác thì hội đồng thấy rằng là bị cáo không oan,” ông Nguyễn Trí Tuệ nói.

Trước hết, nhận định “có sai phạm trong tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án” chưa được quy định trong luật. Liên ngành tư pháp không phải là cơ quan luật pháp để đẻ ra luật này.

Việc ông Tuệ vận dụng Điều 371 Bộ Luật Hình Sự về đánh giá căn cứ kháng nghị ở đây là không phù hợp vì điều này được quy định để xem xét các phạm có được kháng nghị hay không. Những sai phạm tố tụng này này đã đươc VKSNDTC, Ủy Ban Tư Pháp giám sát và đánh giá là vi phạm nghiêm trọng.

Đại Biểu Quốc Hội Lê Thanh Vân phát biểu trên báo Dân Trí cho rằng, quyết định của Hội Đồng Thẩm Phán sẽ dễ tạo ra tiền lệ không tốt về sau với nhận định “có sai phạm trong tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án.” Từ đó có thể dẫn tới chủ quan, xem thường quy trình tố tụng hình sự. Ông đề nghị Quốc Hội giám sát lập luận “có sai sót trong quá trình điều tra nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án.”

Cựu Thẩm Phán Lê Quang Lộc cũng cho rằng: “Tôi không đồng ý với cách gọi như vậy mà phải nói thẳng đó là những vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự mới đúng bản chất của sự việc. Vậy các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự trong vụ án có làm thay đổi nội dung, bản chất của vụ án không?”

“Nội dung, bản chất của vụ án phải được các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chứng minh bằng chứng cứ được thu thập một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ để xác định sự thật của vụ án. Đó thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là quy định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (Điều 15, Điều 85, Điều 86),” ông nói tiếp.

“Rõ ràng là trong vụ án này, việc điều tra đã có quá nhiều vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục tố tụng hình sự từ khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, dấu vết, nhận dạng vật chứng, mua cái không phải là vật chứng để cố tình hợp pháp hoá vật chứng… Khi mà các cái gọi là chứng cứ được thu thập trái pháp luật, không đúng quy định của pháp luật và lại được sử dụng như là chứng cứ buộc tội thì không ổn vì đó không phải là chứng cứ. Vì thế nó không có sức thuyết phục, không đủ để chứng minh tội phạm và đương nhiên nó làm ảnh hưởng hoặc thay đổi nội dung, bản chất của vụ án,” ông khẳng định.

Giảng viên Vũ Thị Phương Lan nhận định: “Không rõ từ khi nào tòa án lại xem nhẹ pháp luật tố tụng đến vậy. Bất cứ ai học luật từ bậc học cử nhân đều hiểu rằng công lý được bảo đảm bằng pháp luật tố tụng… Công lý không nằm ở có tội hay không có tội, hình phạt nặng hay nhẹ mà ở chỗ thủ tục điều tra, truy tố, xét xử có công bằng không, người bị buộc tội có được bảo đảm quyền tố tụng của mình không, chứng cứ có đủ cơ sở để buộc tội không… Đó là lý do tại sao vi phạm pháp luật tố tụng có thể dẫn tới hủy án.”

Quang cảnh phiên tòa xét xử “giám đốc thẩm” vụ tử tù Hồ Duy Hải. (Hình: Bùi Doãn Tấn/Thông Tấn Xã Việt Nam)

Ông Nguyễn Hòa Bình có quyền dự, không được tham gia tố tụng

Chánh Án Nguyễn Hòa Bình đã có quyết định không kháng nghị với tư cách đang là chánh án TANDTC hiện nay lại ngồi vào Hội Đồng Thẩm Phán thì có vi phạm không?

Ông Nguyễn Trí Tuệ khẳng định: “Nếu giai đoạn tố tụng bình thường, được quy định Điều 49, 53 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự: ‘Thẩm phán hoặc là những người tố tụng phải từ chối ngồi hội đồng.’ Tuy nhiên, thủ tục xét xử ở cấp ‘giám đốc thẩm’ này là giai đoạn tố tụng đặc biệt. Luật quy định chánh án, viện trưởng có quyền kháng nghị hoặc là không kháng nghị nhưng vẫn ngồi ở hội đồng xét xử của Hội Đồng Thẩm Phán. Và không phải tiến hành tố tụng một lần mà có thể tiến hành tố tụng nhiều lần.”

“Ví dụ, nếu Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội yêu cầu xem xét lại thì Hội Đồng Thẩm Phán của chúng tôi lại ngồi lại xem xét một lần nữa. Điều này không vi phạm,” ông nói tiếp.

Đây chỉ là quan điểm cá nhân của ông Tuệ chưa phải luật. Mà những người tham gia tố tụng bắt buộc phải tuân thủ theo Luật Tố Tụng Hình Sự.

Cựu Thẩm Phám Lê Quang Lôc vận dụng Điều 53 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định “Thay đổi thẩm phán, hội thẩm” rằng: “1-Thẩm phán, hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp: …c/Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, kiểm tra viên, thẩm tra viên, thư ký tòa án.”

Theo ông Lộc “Đây là quy định của Phần thứ nhất ‘Những quy định chung’ của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự năm 2015, được coi như là nguyên tắc xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Như vậy người nào đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là người tiến hành tố tụng thì phải từ chối tham gia xét xử vụ án hoặc bị thay đổi. Việc ký quyết định không kháng nghị vụ án hoặc trả lời khiếu nại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của những người tiến hành tố tụng hình sự cũng chính là đã tiến hành tố tụng vụ án.”

“Vì thế, tôi cho rằng ông Nguyễn Hòa Bình phải từ chối tham gia xét xử ‘giám đốc thẩm’ vụ án Hồ Duy Hải,” ông Lộc khẳng định.

Đại Biểu Quốc Hội Lưu Bình Nhưỡng, phó trưởng Ban Dân Nguyện của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, có ý kiến xung quanh về những vấn đề này: “Khi chánh án TANDTC từng là viện trưởng VKSNDTC, là người trực tiếp không kháng nghị vụ việc, mà bây giờ lại ngồi ghế chủ tọa để xét xử thì đương nhiên xã hội, người dân, cử tri có quyền nghi ngờ tính công minh, thiên vị, vô tư của chánh án TANDTC; nghi ngờ việc mang tính định kiến tư pháp vào ghế chủ tọa.”

Hội Đồng Thẩm Phán có khách quan không?

Trước dư luận cho rằng Hội Đồng Thẩm Phán không vô tư, khách quan, độc lập, khi ông chánh án ở đấy giơ tay thì các ông thẩm phán khác phải giơ tay theo.

Ông Nguyễn Trí Tuệ trả lời thật gượng gạo: “Bởi vì thẩm phán chúng tôi do Quốc Hội phê chuẩn và do chủ tịch nước bổ nhiệm. Bản thân chánh án cũng chỉ là 1 trong 17 thành viên trong Hội Đồng Thẩm Phán thôi.”

Ông Tuệ đã nói không hết sự thật là tuy cùng là thẩm phán nhưng chánh án có những quyền riêng thực chất là thủ trưởng của 16 thành viên còn lại. Ngoài ra, về mặt đảng, ông Nguyễn Hòa Bình là ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương, Bí Thư Trung Ương Đảng. Mọi quyền lợi về sự thăng tiến hay sự tồn tại của các thẩm phán còn lại đều nằm trong tay ông Bình.

Nên sự bình đẳng của ông Bình so với các thành viên còn lại thì giống như nói con mèo bình đẳng với con chuột. Nói sự giơ tay 17/17 biểu quyết cho những kết luận sai trái là sự vô tư của con sói với con cừu.

Cựu Thẩm Phán Lê Quang Lộc phải ta thán rằng: “Ôi! 17 cánh tay hóa ra chập lại thành một và chỉ một mà thôi!!!”

Sự khách quan hay không thể hiện ở cách đánh giá chứng cứ ở mục tiêu tiến hành tố tụng “giám đốc thẩm.” Theo pháp luật, phải thẩm tra các chứng cứ, tình tiết vi phạm để hủy bỏ loại trừ sau đó đánh giá chứng cứ chắc chưa, cần hủy hay không thì Hội Đồng Thẩm Phán đã làm điều ngược lại, tổng hợp tất cả những tình tiết bất lợi để quy tội cho bị can Hồ Duy Hải mà hầu hết các tình tiết ấy đều vi phạm, ngụy tạo, bịa đặt.

Tiến Sĩ Vũ Thị Phương Lan nhận xét rằng: “Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC đã quá chú trọng đến chuyện Hồ Duy Hải có tội hay không có tội mà quên đi nhiệm vụ quan trọng nhất của xét xử ‘giám đốc thẩm’ là nêu và chấn chỉnh những cái sai trong quá trình tố tụng hình sự và sai trong áp dụng pháp luật hình sự trong xét xử. Nói cách khác, nhiệm vụ của xét xử ‘giám đốc thẩm’ là giải thích pháp luật để làm rõ cái đúng, cái sai trong quá trình tố tụng và trong quá trình xét xử. Tư duy của Hội Đồng Thẩm Phán TANTC, do đó, không chỉ bó hẹp trong vụ việc cụ thể mà phải ở tầm bao quát hơn để ‘chữa lỗi’ của các cơ quan tố tụng nếu có.”

“TANDTC hãy quan tâm nhiều hơn đến việc chấn chỉnh và chữa các lỗi do sai sót trong quá trình tố tụng thay vì chỉ băn khoăn với câu hỏi liệu người bị cáo có thực sự phạm tội hay không phạm tội. Thật đáng tiếc phải nói rằng quyết định ‘giám đốc thẩm’ của Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC trong vụ án Hồ Duy Hải là một bản án thực sự chưa thể hiện công lý,” bà viết. (Long An) [qd]

MỚI CẬP NHẬT