Diễn Đàn

TT Ngô Đình Diệm và 5 năm vàng son 1955-1960

Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu tổng trưởng Kế Hoạch VNCH

Từ trên cao nguyên Tây Tạng con sông Cửu Long cuồn cuộn chảy như thác lũ xuống phía Nam qua tỉnh Vân Nam, tới Lào, Thái Lan, Cambodia, rồi Việt Nam trước khi ra Biển Đông.
May cho miền Nam Việt Nam là có hồ lớn Tonle Sap ở Cambodia hút đi một phần lớn lượng nước từ thượng nguồn, cho nên từ đây dòng sông lại uốn khúc hiền hòa chảy vào. Tới gần biên giới thì con sông chia ra làm tám nhánh. Nhưng con số “9” được coi là may mắn cho nên phải tìm ra cho được một nhánh nữa, tuy là rất nhỏ (dài khoảng 10 dặm) để cộng lại thành ra chín nhánh, gọi là Cửu Long Giang. Dòng sông Chín Con Rồng uốn mình tưới nước cho vùng đồng bằng Nam Bộ màu mỡ, phì nhiêu, trở thành vựa lúa của cả nước. Người nông dân nơi đây chỉ cần trồng mỗi năm một vụ là cũng đủ ăn, lại còn dư thừa để tiếp tế ra miền Bắc và xuất cảng.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm (phải) hội đàm với Tổng Thống Lý Thừa Vãn ngày 14 Tháng Mười Một, 1958 khi nhà lãnh đạo Nam Hàn thăm Việt Nam. (Hình minh họa: Keystone/Getty Images)

Khởi đầu gian khó

Nhưng trong 10 năm chiến tranh loạn lạc, trên một phần ba đất trồng trọt đã bị bỏ hoang, nhường chỗ cho những bụi rậm và cỏ dại lan tràn. Một phần lớn hệ thống kênh rạch cũng bị khô cạn hay sình lầy. Hệ thống bơm nước, thoát nước cũng bị hư hại. Bởi vậy, sản xuất thóc gạo của miền Nam trong 10 năm trước 1955 bị giảm đi đáng kể. Ngoài ra, các phương tiện giao thông như đường bộ, đường sắt, cầu cống và các cơ sở công kỹ nghệ như đường trắng, rượu bia, sợi bông cũng đều bị hư hại. Cho nên vào năm 1955, khi “Một Quốc Gia Vừa Ra Đời,” như báo chí Mỹ tuyên dương, thì quốc gia ấy phải đối diện với bao nhiêu khó khăn khôn lường.

Ngân sách của Pháp để lại thì thật eo hẹp. Kỹ sư, chuyên viên trong mọi lãnh vực đều hết sức hiếm hoi vì Pháp đã rút đi hầu hết, để lại một lỗ hổng lớn cho cả nền kinh tế lẫn hành chánh, giáo dục, y tế.

May mắn là trong năm năm đầu, từ mùa Thu 1955 tới mùa Thu 1960, miền Nam có được năm năm vàng son, vừa có hòa bình lại được đồng minh Hoa Kỳ hết lòng yểm trợ vật chất và kỹ thuật, cho nên thu lượm được nhiều kết quả có thể nói là vượt bực. Hồi tưởng lại thời gian ấy, nhiều độc giả chắc còn nhớ lại cái cảnh thanh bình khi các em học sinh mặc áo chemise trắng, quần xanh, các nữ sinh với những chiếc áo dài trắng tha thướt ngày ngày cắp sách đến trường.

Cha mẹ, anh em thì lo công việc làm ăn. Giàu có thì chưa thấy nhưng hầu hết đủ ăn đủ mặc, xã hội trật tự, kỷ cương. Tuy có nhiều bất mãn khó tránh về chính trị, tôn giáo và xã hội, nhưng tương đối thì chúng ta phải công nhận rằng đây là thời gian hào quang nhất của VNCH.

Định cư gần 1 triệu người di cư từ miền Bắc

Công việc đầu tiên và khẩn cấp nhất là phải định cư tới gần 1 triệu người – trong đó có gia đình tác giả, tương đương 7% dân số miền Bắc di cư vào Nam. Đoàn người này hoàn toàn “tay trắng.” Chúng tôi gọi là đoàn người “bốn không:” Không nhà cửa, không đất đai, không tiền bạc, và không có ngành nghề chuyên môn ngoài nghề nông.

Làm sao tìm được nơi ăn, chỗ ở, tạo dựng lại được công ăn việc làm, đào giếng nước, xây nhà thương, bệnh xá, trường học cho con em để đáp ứng nhu cầu? Ngoài việc hành chính, lại còn tìm đâu ra bác sĩ, y tá, thầy dạy cho con em.

Sau này khi nói về thành công của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tổng Thống John F. Kennedy của Mỹ viết cho ông nhân ngày Quốc Khánh 26 Tháng Mười, 1961 như sau:

“Kính thưa tổng thống,
Thành tích mà ngài đạt được để đem lại niềm hy vọng mới, nơi cư trú và sự an ninh cho gần một triệu người lánh nạn cộng sản từ miền Bắc nổi bật như một trong những nỗ lực đáng được tán dương nhất và được điều hành tốt nhất trong thời kỳ hiện đại.”

Tái thiết và phát triển nông nghiệp

Ưu tiên của công việc tái thiết và phát triển phải là nông nghiệp vì đại đa số nhân dân làm nghề nông. Đồng bằng Cửu Long là vựa lúa của cả nước, nhưng sản xuất đã giảm đi đáng kể trong 10 năm ly loạn.

Thời tiền chiến, sản xuất lên tới 4.2 triệu tấn (1939). Tới 1954 chỉ còn 2.5 triệu tấn. Năm 1939 xuất cảng gạo là gần 2 triệu tấn, năm 1954 còn 520,000 tấn.

Tại vùng đồng bằng, trong tổng số 7 triệu mẫu đất trồng trọt có tới 2.5 triệu mẫu (trên một phần ba) bị bỏ hoang. Lúa gạo là mạch máu của người dân cho nên công việc đầu tiên là phải đưa diện tích này vào canh tác. Đây là một cố gắng vượt mức vì không những nó đòi hỏi phải tốn phí nhiều tiền bạc, công sức, để sửa chữa lại hệ thống thủy lợi, vét nạo kênh rạch, lại còn làm sao xây dựng được quyền sở hữu đất đai và phương tiện sản xuất cho người nông dân.

Cải cách điền địa: Khó khăn và giải pháp thành công

Người khôn của khó. Lo lắng chính của người dân là làm sao có được một mảnh đất để sinh sống. Nếu như mảnh đất ấy lại nằm gần nước thì là vàng. “Đất nước tôi:” Đất và nước. Chỉ có người Việt Nam chúng ta mới dùng hai chữ “đất” và “nước” để chỉ quê hương, tổ quốc mình, vì tấc đất là tấc vàng.

Các biện pháp cải cách ruộng đất bắt đầu vào năm 1955 với biện pháp giới hạn địa tô (tiền thuê đất) và những biện pháp giúp cho tá điền có được sự yên tâm về quyền sử dụng đất.

Cải cách điền địa là công việc rất khó khăn của các chính phủ Châu Á, nhưng ở miền Nam Việt Nam thì nó là khó khăn nhất. Làm sao mà lấy ruộng của người này chuyển cho người khác, nhất là khi đất canh tác lại tập trung vào một số rất nhỏ đại điền chủ? Họ là những người nắm thực quyền tại địa phương và gián tiếp, tại đô thị. Ở đồng bằng sông Cửu Long, sự tập trung quyền sở hữu đất vào một số điền chủ là cao nhất ở vùng Đông Nam Á: Chỉ có 2.5% điền chủ sở hữu tới một nửa diện tích canh tác, trung bình mỗi điền chủ có hơn 50 mẫu đất. Khi chúng tôi vừa mới di cư từ Bắc vào Nam thì đã nghe câu “nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa.” Đây là tứ đại gia, tuy họ ở Sài Gòn, Chợ Lớn, nhưng là những ông đại diền chủ của vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long.

Trước tình huống ấy, Tổng Thống Diệm phải đối mặt với một khủng hoảng xã hội tiềm ẩn về chương trình cải cách điền địa. Tuy vậy, ông vẫn đặt vấn đề này là ưu tiên số một của chính sách kinh tế, bắt đầu ngay từ 1955, bằng việc cải tổ quy chế tá điền.

Để hỗ trợ cho nông dân được yên tâm khi chồng cày vợ cấy, điền chủ phải ký hợp đồng với tá điền về những điều kiện thuê đất: Tiền thuê đất, thời hạn thuê, triển hạn khế ước, giảm tô trong trường hợp mất mùa.

Kết quả về nông nghiệp trong năm năm là khả quan: Sản xuất cây lương thực tăng 32%, vượt qua tất cả mức sản xuất thời tiền chiến. Năm 1959, sản xuất gạo lên 5.3 triệu tấn, cao nhất trong lịch sử kinh tế miền Nam cho tới thời điểm đó. Về xuất cảng, với tổng xuất cảng là 340,000 tấn, năm 1960 cũng đánh dấu mức xuất cảng cao nhất.

Phát triển công kỹ nghệ và áp đặt quy chế “Quốc tịch Việt”

Dưới thời Pháp thuộc, kỹ nghệ và tài nguyên hầu như không được phát triển vì người Pháp chia ra hai vùng rõ rệt: Miền Bắc tập trung vào kỹ nghệ và khai thác hầm mỏ, miền Nam tập trung vào nông nghiệp và một số sản phẩm tiêu thụ như nhà máy bia, diêm quẹt, thuốc lá, độc quyền thuốc phiện. Bởi vậy, từ 1955, miền Nam bị cắt đứt tiếp liệu về than và khoáng sản. Chuyên viên kỹ thuật, kỹ sư lại thật ít ỏi vì Pháp đã rút đi hầu hết.

Từng bước, chính phủ bắt đầu khai thác tài nguyên với ba dự án chính: Mỏ than Nông Sơn, thủy điện Đa Nhim, và mỏ phốt phát tại Hoàng Sa – Trường Sa. Lúc ấy thì chưa biết là có dự trữ dầu lửa lớn ở những quần đảo này.

Một chuyện ít người biết là việc đổi quốc tịch

Nhiều người lên án hành động của Tổng Thống Diệm là độc tài khi ông đưa ra quy định vào mùa Hè 1955, căn bản là nhắm vào các thương gia người Hoa (đa số sinh sống ở Chợ Lớn): Nếu muốn làm ăn ở Việt Nam thì phải đổi sang quốc tịch Việt Nam.

Chúng tôi nghiên cứu thì mới biết lý do thầm kín của biện pháp này. Đó là vì thời gian ấy, cơ sở kỹ nghệ ở miền Nam căn bản là thuộc quyền sở hữu của người Pháp. Cho nên khi Tổng Thống Diệm quyết tâm đẩy người Pháp ra khỏi miền Nam thì ông tiên liệu trước và mở đường để người Hoa nhập quốc tịch Việt Nam, với mục đích là để cho họ (vì có nhiều vốn liếng) sẽ có thể mua lại những cơ sở kỹ nghệ của người Pháp. Há miệng mắc quai: Khi bị chỉ trích là áp đặt, độc tài thì ông đành phải cam chịu trong yên lặng. Mặt khác, biện pháp này còn có cái lợi là đưa cộng đồng người Hoa vào khuôn khổ luật pháp của Việt Nam để có thể kiểm soát những kinh doanh có chiều hướng làm lũng đoạn nền kinh tế. Người Hoa nắm giữ tất cả các hệ thống phân phối trên thị trường, cho nên dễ đầu cơ tích trữ.

Một kích thích kinh tế nổi bật khác là chính sách cởi mở, ưu đãi đối với các nhà đầu tư ngoại quốc: Bảo đảm về chiến tranh, cam kết không tịch thu hay quốc hữu hóa tài sản của người ngoại quốc, ưu đãi về thuế má và cho phép chuyển tiền lời ra ngoại quốc.

Hạ tầng cơ sở

Tái thiết mạng lưới giao thông bị hư hại trong thời chiến và xây dựng thêm nữa là đòi hỏi tiên quyết cho việc phát triển kinh tế và xã hội. Tới năm 1960, hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy và các tuyến hàng không đã được cải thiện và mở rộng đáng kể. Hệ thống vận chuyển hiện đại bao gồm đường sắt, một mạng lưới các đường quốc lộ, liên tỉnh lộ, hương lộ, đường thủy, và đường hàng không.

1-Đường bộ: Tới đầu thập niên 1960, trong khoảng 9,000 dặm đường thì đã có hơn 2,000 dặm là bê tông nhựa, 3,000 dặm đường có cán đá, và khoảng 4,000 dặm là đường hương lộ.

2-Đường sắt: Năm 1955 giao thông đường sắt cũng bắt đầu được sửa chữa và canh tân. Tới 1959 toàn thể hệ thống bao gồm 870 dặm, gồm một tuyến đường chính chạy từ Sài Gòn đến Đông Hà, nối kết toàn bộ các tỉnh dọc miền duyên hải (nhiều khúc bị cắt đứt trong 12 năm chiến tranh). Một chi nhánh đường sắt (có móc để leo đồi) đi từ Phan Rang lên Đà Lạt, và một chặng nối với mỏ than Nông Sơn. Một khúc ngắn về phía Đông Bắc, đi từ Sài Gòn tới Lộc Ninh.

3-Hàng không: Hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Air Vietnam – được thành lập lúc đầu để bay trong nước. Ngoài phi trường Tân Sơn Nhất, các phi trường được sửa chữa lại và xây dựng thêm gồm Huế, Đà Nẵng, Nha trang, Qui Nhơn, Biên Hòa, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Pleiku, Hải Ninh, Cần Thơ, và Phú Quốc. Ngoài ra, còn những phi đạo nho nhỏ do các đồn điền Pháp xây dựng. Từ nội địa, Air Vietnam bắt đầu bay tới Phnom Penh, Siem Reap, Bangkok, Vientianne, và Savannakhet. Đường bay quốc tế phần lớn được các hãng Air France, Pan American, World Airways, British Airways, Royal Dutch, Cathay Pacific, và Thai Airways đảm trách.

Ngân hàng và tiền tệ

Thiết lập được một ngân hàng trung ương và một hệ thống ngân hàng thương mại để thay thế cho Banque de L’Indochine và các ngân hàng thương mại Pháp ở Sài Gòn là một thành quả lớn lao của thời Đệ Nhất Cộng Hòa, nhưng nó cũng là nguồn gốc của sự căm phẫn của giới tư bản Pháp, cho nên họ chống đối ông Diệm kịch liệt.

Ngay từ Tháng Giêng, 1955, Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam được thành lập để phát hành đồng tiền Việt Nam và thực hiện các nghiệp vụ của một ngân hàng trung ương tân tiến.

Giáo dục và đào tạo

Xét đến cùng, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển kinh tế lâu dài. Trong thời kỳ 1955-1960, miền Nam Việt Nam phát triển giáo dục rất nhanh.

1-Tiểu học: Năm 1960, miền Nam có tới 4,266 trường tiểu học công và 325 trường tiểu học tư thục. Tổng số học trò lên tới gần 1,200,000.

2-Trung học: Các trường trung học công lập tăng từ 29 lên 101 trường. Thí dụ như trường Gia Long, số học sinh tăng từ 1,200 lên tới 5,000.

3-Đại học: Trước năm 1954, miền Nam không có đại học. Muốn học cử nhân phải ra Hà Nội. Năm 1955 chính thức thành lập Đại Học Sài Gòn, rồi tới Đại Học Huế, Đại Học Đà Lạt. Tới năm 1962 số sinh viên lên tới 12,000.

Xem như vậy, thành quả của “Năm Năm Vàng Son 1955-1960” là thời gian trân quý nhất của VNCH.

Nhân ngày Quốc Khánh 26 Tháng Mười, 1960, Tổng Thống Dwight Eisenhower của Mỹ viết cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm như sau:

“Kính thưa tổng thống,
Trong năm năm ngắn ngủi kể từ khi thành lập nước Cộng Hòa, nhân dân miền Nam đã phát triển đất nước của mình trong hầu hết các lĩnh vực. Tôi đặc biệt ấn tượng qua một thí dụ. Tôi được thông báo rằng năm ngoái hơn 1,200,000 trẻ em Việt Nam đã có thể đi học trường tiểu học, như vậy là nhiều hơn gấp ba lần so với năm năm trước đó. Điều này chắc chắn là một yếu tố hết sức thuận lợi cho tương lai của Việt Nam.”

Hòa bình là một điều kiện tiên quyết cho xây dựng và phát triển. Nhân dân miền Nam đã có được năm năm vàng son để làm ăn, sinh sống trong hoàn cảnh tương đối là thanh bình.

Tuy còn nghèo nhưng mỗi ngày lại thêm một bước tiến. Bao nhiêu độc giả cao niên còn nhớ lại những kỷ niệm êm đềm về thời gian ấy. Thí dụ, quý vị có thể đi bất cứ nơi nào một cách tự do từ Cà Mau ra tới tận Đông Hà. Mờ sáng lên xe buýt ra Vũng Tàu tắm biển hay buổi chiều đến ga xe lửa gần chợ Bến Thành mua vé đi Đà Lạt. Chỉ trong chốc lát, con tàu bắt đầu phun khói, còi tàu rít lên trước khi khởi hành. Khi mặt trời mọc lên thì tàu chạy ngang bờ biển cát trắng Phan Rang, rẽ trái rồi ỳ ạch leo tuyến đường sắt có móc để trèo dốc lên Đà Lạt. Cái thú vui khi rời ga Đà Lạt (đẹp nhất Đông Nam Á) để mau tới “Café Tùng” hay “Phở Bằng” thưởng thức một ly cà phê sữa nóng thì khó có thể diễn tả được.

***

Với sự thông minh, cần cù của người dân Việt thì chỉ cần có hòa bình là tiến bộ trông thấy. Người dân lam lũ vất vả nhưng luôn vui với cuộc sống. Người nông phu không quản ngại thức khuya, dậy sớm để cày sâu cuốc bẫm, chờ đợi cho tới ngày lúa vàng.

Tâm tư ấy luôn được phản ảnh trong thơ văn, âm nhạc miền Nam trong thời gian này. Trời mùa Hè oi ả, nóng nực, nhưng đêm đêm tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh vọng ra từ những chiếc radio transistor nho nhỏ vẽ lên hình ảnh đồng quê thanh bình, đem lại luồng gió mát làm cho lòng người lắng dịu:

“Mùa màng năm nay, gạo tròn ta xay
Đêm đêm thức giấc lúc gà chưa gáy
Vì đời an lành, nên lúa đa tình
Hứa cho đôi mình kiếp sống thanh bình.”

Và khi thanh bình, con người lại đối xử với nhau cho hài hòa thì mọi việc – dù là tát cạn Biển Đông – cũng đều có thể ước mơ, như trong bài “Vợ chồng quê” của nhạc sĩ Phạm Duy:

“Hỡi em tát nước bên ngòi,
Nàng ơi, Biển Đông ta tát cạn,
Nàng nàng ơi, cho đời thuận nhau.”

Tuy các kết quả phát triển kinh tế xã hội đó thật là nhỏ nhoi theo tiêu chuẩn ngày nay, nhưng đáng kể so với các nước láng giềng thưở ấy, như ngay cả Nam Hàn, dưới thời Tổng Thống Lý Thừa Vãn. Miền Nam Việt Nam thực sự đã đặt được những viên gạch đầu tiên trong các năm 1955-1960 cho mô hình phát triển sau này của chính Nam Hàn dưới thời Tổng Thống Phác Chính Hy, như chúng tôi đã đề cập trong cuốn sách “Khi Đồng Minh Nhảy Vào” (Chương 13).

Xây dựng và phát triển trong hòa bình đã đưa miền Nam tới chỗ vươn lên – kinh tế học gọi là điểm cất cánh (take-off) để trở thành một cường quốc tại Đông Nam Á.

Buổi bình minh của nền Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm khai phóng thật là huy hoàng rực rỡ. Nhiều quan sát viên ngoại quốc cho rằng đây chính là “một cuộc cách mạng đã bị mất đi” (the lost revolution) của miền Nam Việt Nam. [đ.d.]

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • NHÀ ĐẤT

Mua nhà mới xây có thể đối mặt bất ngờ với thuế địa ốc

Thuế địa ốc là vấn đề phổ biến nhất, gây ngạc nhiên cho 33% chủ…

1 hour ago
  • Hoa Kỳ

Thay vì tìm cách trục xuất tình nhân cũ về nước, luật sư thuê FBI chìm thủ tiêu luôn

Một luật sư giàu có bị kết án tại phòng xử án ở San Francisco…

1 hour ago
  • Hoa Kỳ

Ngày thứ 8 tòa xử vụ Trump chi tiền bịt miệng

Giờ đây các bồi thẩm viên giờ đây sẽ có ba ngày cuối tuần để…

2 hours ago
  • Tưởng Nhớ

With loving memories of Gerry Blanco

Strong, sturdy, true. Always came through for you in times of need.Dear Gerry, we send…

3 hours ago
  • TIN THỜI SỰ

Tối “Thui” Pháp Viện sẽ cứu Trump, giúp câu giờ vụ án “lật kèo” bầu cử?

Tối “Thui” Pháp Viện sẽ cứu Trump, giúp câu giờ vụ án “lật kèo” bầu…

3 hours ago
  • Bình Luận

Vở tuồng cung đình và những khán giả bất lực!

Cuộc tranh giành quyền lực trong cung đình Hà Nội đã gần ngã ngũ. Ông…

4 hours ago

This website uses cookies.