Friday, April 19, 2024

Tuyến đầu

Bùi Bích Hà

Đối với riêng tôi, hai chữ “tuyến đầu” gồm tám mẫu tự vô âm nhưng chứa đựng trong chúng một nội dung kỳ vĩ, một thực tế ngỡ như bình thường nhưng lại vô cùng khó hiểu.

Tình yêu thương kỳ diệu Trời ban cho loài người chính là sức mạnh vô song. (Hình minh họa: Piyapong Saydaung/Pixabay)

Thời chiến tranh, xưa nay chinh chiến mấy ai về? Các chiến sĩ ở tuyến đầu thấy sự sống và sự chết của họ quấn chặt nhau như một đoạn dây thừng, đứt hay không đứt hay đứt nửa chừng chỉ trong một sát na mỏng manh.

Tôi tự hỏi phần nào trong họ sẵn sàng chết cho một điều gì ngoài họ và phần nào trong họ không ngớt yêu thương chính mình và những liên hệ liền lạc với họ như thịt da là một? Họ chọn lựa tuyến đầu với những động cơ cá nhân, niềm xác tín về một chân lý chi phối toàn bộ cuộc sống của họ hay họ bị xô đẩy bời sự tình cờ? Dẫu thế nào, tôi chỉ muốn ngợi ca, bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn bài học trong ứng xử của họ mà nhờ đó, hoa vẫn nở khắp nơi, nhạc và thơ còn êm ái ru phận người với chứa chan yêu thương và hy vọng.

Cuộc chiến với bệnh tật trong một căn phòng bệnh viện với nhiều phương tiện trợ sinh, với nhiều nhân viên y tế đã để lại ngoài cửa mọi lo toan của chính họ, mọi ràng buộc máu thịt của chính họ, mọi nhu cầu và cả ham muốn riêng ngay cả nụ cười để chỉ tập trung nhìn vào cái monitor bên giường bệnh nhân, điều khiển mọi động tác cần thiết trong nhịp tim, trong hơi thở đã thuần hóa để trở thành một bản năng tự vệ, nghiệt ngã nhiều lần hơn ngoài chiến địa mà cái chết đã đến thật cụ thể, thật gần với người chiến binh, trong tiếng gào thét ầm ĩ, ghê rợn, của súng đạn, không để cho họ một giây phút nào chần chờ, nghĩ ngợi, cảm xúc hay ngay cả chọn lựa bỏ ngũ. Trước mắt họ, sinh lộ là vượt qua tử lộ, không có con đường nào khác.

Vài người bạn gửi cho tôi một video thâu ngoại cảnh từ máy ảnh đeo trước ngực của một điều dưỡng viên trong ca làm trung bình 12 tiếng ở phòng cấp cứu. Có vẻ như cuốn băng muốn nhấn mạnh vai trò của các y tá là thành phần phải thường xuyên lăn lộn, va chạm, giải quyết nhu cầu tâm lý và vệ sinh của bệnh nhân chứ không phải bác sĩ, kêu gọi sự đãi ngộ lương bổng công bằng hơn cho những hy sinh vô giới hạn của họ.

Tôi không thấy có gì cần góp ý qua mục đích thực tế vừa nêu hàm chứa trong diễn biến cuốn video. Tôi cũng hiểu rằng đãi ngộ tài chánh xứng đáng là trách nhiệm tối thiểu của xã hội, là đền bù trong khả năng cho những cống hiến không thể đền bù cho thật sòng phẳng đối với sự dấn thân của y giới nói chung trong cơn sốt trầm trọng của đại dịch.

Tôi chỉ trộm nghĩ rằng các bác sĩ cũng ở tuyến đầu hiểm nghèo như đội ngũ y tá làm việc dưới trách nhiệm của họ khi chính họ là nhân tố chỉ ra con đường nào tốt nhất cho mỗi bệnh nhân. Công việc định bệnh thành công giúp trị liệu thành công, sẽ vừa hồi sinh bệnh nhân, vừa tiết kiệm nhân lực và tài lực phục vụ cho mục đích tối hậu là cứu sống con người.

Trong hơn một năm thế giới cùng chống chọi với đại dịch COVID-19, nhiều bác sĩ ưu tú của nhiều quốc gia đã hy sinh tính mạng của họ cho sứ mệnh họ theo đuổi. Cho nên, ở tuyến đầu trong bất cứ vai trò nào, vị thế nào, sĩ quan, hạ sĩ quan, binh lính, bác sĩ, y tá, y công, họ chia chung vinh quang và nhọc nhằn, hạnh phúc của thành tựu và đớn đau của bất lực nằm trong thân phận, chẳng khác gì nhau.

Trao đổi câu chuyện khi được hỏi, người nữ điều dưỡng ngước mắt trông lên để ngăn nước mắt chực trào ra: “Về nhà, ngoài những lúc ngủ vùi để lấy lại sức, là mẹ của vài đứa con, tôi không muốn các con tôi thấy được sự sợ hãi, nỗi buồn và sự mệt mỏi gần như kiệt quệ của tôi. Tôi phải sống một con người khác, vui tươi, mạnh mẽ, như thể không có gì có thể làm tôi quỵ ngã. Chỉ riêng tôi biết trên đường vào lại ca làm mới, tôi biết điều tôi muốn thấy đầu tiên là cái giường hôm qua, ông ấy/bà ấy nằm ở đấy nhưng hôm nay chắc họ không còn.”

Quả nhiên là vậy. Cái giường trống không, đã được dọn dẹp, tẩy rửa, thay chăn gối mới cho người sau sẽ đến nằm vào đấy. Cứ thế. Cứ thế. Trên cái màn ảnh nhỏ set up cho chia ly, hình ảnh các gia đình có người thân trong những giờ khắc cuối, đã mê man, đã bất động, thay nhau kêu gào những lời yêu thương và biết ơn muộn màng dội vào hư không im lìm, tiếng người y tá đứng bên giường bệnh nhân và nói với người trên màn hình: “Chúng tôi đang ở bên cạnh vợ, chồng, cha, mẹ, ông, bà, anh, chị, em, của quý vị đây, chúng tôi đang nắm tay để người đi không một mình!” Họ cùng nhau săn sóc bệnh nhân và săn sóc nhau với lòng thương cảm, nhắc nhau thay cái mạng che mặt mới, nhẹ nhàng bông đùa khi có thể để cho nhau chút thư giãn.

Tôi cũng hiểu rằng đây là cảnh tượng và thời gian hiếm hoi cho cuộc thu hình nhưng ở một nơi khác, hoàn cảnh và thời gian khác, một bệnh nhân khác đang hổn hển gọi với người y tá đi qua chỗ họ: “Tôi đau quá, thuốc giảm đau của tôi đâu? Tôi đã chờ hai tiếng đồng hồ rồi!” và người y tá chỉ có thể ngoái đầu trả lời vội vã: “Tôi mới vào, tôi có tới năm bệnh nhân cần thuốc, đâu chỉ một mình bà?” Tôi tin rằng những kinh nghiệm làm việc dưới áp lực của hoàn cảnh thấy trong video sẽ không giống như nước chảy qua cầu mà sẽ lưu lại dấu ấn trong lương tâm người y tá trong cuộc và một lúc nào đó, trở thành gánh nặng cho họ vì hơn ai hết, họ biết cung cách phục vụ của họ giây phút này đã không có đầy đủ phẩm chất như họ mong muốn.

Những người bạn chuyển mấy cái video cho tôi nói rằng các chị không dám xem hết. Thương tâm quá. Hãi hùng quá. Cuộc chiến giành giật sự sống với Thần Chết kinh khủng quá… Tôi chia sẻ cảm xúc chân thật của các chị. Điều gì còn xa, chưa tới, hãy tạm không nhìn, không nghe, dẫu biết chuyện tử sinh của đời người bên này chiếc cầu biên giới sẽ không một ai tránh khỏi có lúc phải bước qua! Nhưng tôi cố xem cho tới hết. Để thấy cuộc sống quý giá. Để thấy mọi thứ đều có một điểm dừng, không nên quá muộn. Để thấy con người thực chất cần nhau đến thế nào, hãy cảm thông và tha thứ. Để thấy tìm kiếm lớn nhất của kiếp đời là yêu thương, cho đi và nhận lại. Ôi, quá nhiều điều cần thấy nhưng chúng ta đã không muốn thấy mà bỏ qua…

Tuy nhiên, một video khác tiếp theo, cho tôi thấy một cuộc chiến khác không kém phần thương tâm, không kém phần hiểm nghèo, không kém phần tàn bạo, khiến đến lượt tôi phải bỏ nửa chừng, tắt máy.

Chúng là hai đứa trẻ học sinh một nam một nữ năm cuối một trường trung học, ở tuổi 17, 18. Chúng sinh ra và lớn lên ở tiểu bang Milwaukee, thời điểm của câu chuyện này là đầu thập niên 1990. Chúng xinh đẹp, khỏe mạnh, hồn nhiên và sáng láng. Chúng yêu nhau và cảm thấy sống bên nhau là hạnh phúc, giản dị, trong trẻo, như một đôi chim tự do giữa trời cao, đất rộng. Chưa từng va chạm với thực tế thô ráp đời thường, chúng chỉ tin vào tình yêu thương trao cho nhau, thiện chí xây dựng và quyết tâm với chọn lựa bằng tất cả đam mê không chút ngờ vực hay tính toán của chúng.

Nghĩ hay nói về những cuộc tình non dại kiểu này, người lớn thường coi đây là bản nháp của một thứ tình cảm còn cần nhiều thời gian để hoàn chỉnh, một thứ “puppy love” chỉ tươi thắm một mùa Xuân ngắn ngủi. Tuy nhiên, tình yêu như tấm kính vạn hoa, có thiên hình vạn trạng. Hai đứa trẻ hồn nhiên bước vào đời nhau, trở thành cha mẹ của hai đứa con nhỏ, chúng trưởng thành nhanh chóng và vững chắc trên từng bước chân.

Chồng đi làm cho một công ty kỹ nghệ lớn, tháo vát, siêng năng, chịu khó, được chủ trọng dụng, lương $18/giờ, không nhiều nhưng đủ cho chúng sống bình yên với giấc mơ Mỹ nhỏ. Vợ ở nhà bận sinh nở và nuôi con, chắn vén, thu góp, hệt như đôi chim tha rơm làm tổ và chúng mua được căn nhà. Cuộc sống đang êm vui thì nước Mỹ đi vào suy thoái. Hãng xưởng đóng cửa. Công nhân bị sa thải trong một thị trường lao động xuống cấp, được định nghĩa bằng cạnh tranh phi nghiệp đoàn.

Mất việc, mất thu nhập. Không chấp nhận khoanh tay ngồi nhận trợ cấp, chồng vẫn xông xáo vác đơn đi khắp nơi tìm việc, thậm chí lương tối thiểu cũng nhận làm nhưng chỉ để nghe hứa hẹn hoặc từ khước. Vợ ở nhà gọi điện thoại tới công ty chủ nợ, năn nỉ cho trả tiền nhà theo khả năng trong lúc khó khăn khi thấy chi phiếu cô ký không đủ số bị trả lại với hàng chữ: “Không chấp nhận tiền trả nợ nhà một phần.” Chủ nợ rành rẽ luật lệ hơn ai hết, hiểu rằng nhận trả một phần ít nhiều cũng là có trả, ra tòa không đuổi được con nợ để tịch thu nhà.

Công việc định bệnh thành công giúp trị liệu thành công, sẽ vừa hồi sinh bệnh nhân, vừa tiết kiệm nhân lực… (Hình minh họa: Elf-Moondance/Pixabay)

Đời sống không dễ dàng nữa, đôi vợ chồng như bồ câu ra ràng không học cao hiểu rộng để có thể tự giải thích mọi trắc trở thời cuộc cho dầu chúng rất có thiện chí và nhiệt tình, mong muốn duy nhất của cả hai là vợ chồng và con cái có cuộc sống lương hảo.

Lo buồn, bất an, căng thẳng đi kèm với mặc cảm thất bại, bất lực, vì không tạo được thu nhập để bảo bọc gia đình, chồng rơi vào trầm cảm. Hỏi vợ: “Em làm gì để đối phó với sự tức giận như lửa cháy trong lòng anh?” Vợ biết phải gượng cười để trả lời chồng cách nào chân thật nhất: “Khó lắm anh ạ!”

Và chúng bảo nhau đi gặp cố vấn gia đình. Người cố vấn hỏi: “Sao phải tính chuyện bỏ nhau? Dứt khoát hay chỉ muốn tạm thoát ly?” Chồng mệt mỏi đáp: “Tạm cho qua lúc này đã.” Vợ chen vào: “Tôi nói với anh ấy đàng nào thì anh cũng phải bảo bọc gia đình, ly dị chỉ làm khó khăn thêm.” Nói ra được nỗi lòng phần nào, vợ chồng ý thức họ vẫn yêu nhau và cần nhau để vượt qua thử thách.

Cùng chia sẻ gánh nặng tài chánh và nuôi dạy con cái tử tế, vợ tìm thêm việc chạy bán mỹ phẩm từ nhà này qua nhà khác, bắt đầu trong xóm rồi lấn qua khu vực lân cận. Thời buổi kinh tế sa sút, chọn lựa này vất vả, không đem lại đền bù cân xứng, thà ở nhà, vừa tiết kiệm thời giờ để được chăm sóc hai con bắt đầu lớn, vừa dè xẻn chi tiêu bằng cách biên sổ nợ với tiệm chạp phô và tự nấu ăn cho gia đình.

Là tín đồ Công Giáo thuần thành, cả nhà vẫn siêng năng đi lễ cuối tuần trong những quần áo đẹp nhất mà họ còn giữ được tuy niềm tin của họ nay đã thôi là ánh đuốc soi đường, chập chờn trên tro tàn của giấc mơ thịnh vượng một thời như gió thoảng bay.

Không đạt được phần thưởng như mong đợi khi đã làm tất cả những việc tử tế, đúng đắn, thường sẽ đưa đến phẫn uất và tuyệt vọng. Và đây chính là điều tôi không đủ can đảm để xem tiếp cuốn video về chuyện đôi vợ chồng trẻ ở Milwaukee trong thập niên 1990 thế kỷ trước.

Hình ảnh cuối cùng còn ở lại với tôi từ cái màn ảnh computer tối đen là ánh mắt bừng bừng căm phẫn của người chồng trẻ cuốn theo mũi dao rất nhanh và rất bén trên khối sắt hình ống, cắt những đường hoa văn sắc sảo. Tôi sợ một tích tắc mất kiểm soát, mũi dao sẽ trượt ra ngoài quỹ đạo và thêm một điều không may nữa sẽ xảy ra với người thanh niên rất nhiều đức tính nhưng chẳng dùng được vào việc gì có thể trả lại gia đình anh ta căn nhà đã mất, trả lại anh ta tâm thái lạc quan yêu người, yêu đời, nay trở thành sự cáu giận thô bạo, thường xuyên xói mòn không chỉ năng lực bay cao, bay xa của anh mà xói mòn cả mọi gắn kết của anh với xã hội xung quanh.

Kết cuộc bế tắc trong phòng ICU của các bệnh viện giữa mùa đại dịch COVID-19 là sự chấm dứt dù bi thảm của một chương sách đóng lại với kết luận nhìn thấy trước. Rất khác với sự bế tắc trong cuộc chiến kinh tế khi người chiến binh còn cả một tương lai dài trước mắt để sống còn, để chết hay để tàn phế cả thể xác lẫn tâm hồn.

Ba hôm sau, cảm giác lo sợ lắng xuống, tôi mon men mò vào YouTube tìm xem nốt đoạn cuối câu chuyện của gia đình anh. Sau năm năm, 1995, Milwaukee hồi phục, anh có việc làm tương đối ổn định. Các con anh học giỏi dù đa phần thời gian sau này cả hai vợ chồng đều phải đi làm. Tan lớp, hai đứa bé dẫn nhau về căn nhà buổi chiều trống trải không có bóng cha mẹ, chỉ có những lời dặn dò qua điện thoại. Vợ anh mập ra, tự tin hơn trong vai trò người đưa tin, vận chuyển và bảo vệ an toàn mọi thứ trong trách nhiệm. Chị đeo súng lục bên hông, mặc đồng phục mang huy hiệu của cơ quan chị phục vụ.

Hóa ra đại dịch y tế hay đại dịch kinh kế, riêng rẽ, song hành hay tương tác, cho thấy ngoài vấn đề số phận, phẩm chất và cá tính kiên cường, không ngớt rèn luyện trong mọi hoàn cảnh của mỗi người có thể được xem là hệ miễn nhiễm giúp đương sự vượt qua mọi nguy nan thử thách. Kháng thể bẩm sinh có phải là tình yêu thương kỳ diệu Trời ban cho loài người với sức mạnh vô song không? [qd]

MỚI CẬP NHẬT