Thursday, May 16, 2024

Vì sao CSVN loay hoay để được công nhận kinh tế thị trường mãi không xong?

Thanh Hà

Từ năm 1995, sau khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ cho đến nay, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách “12 nền kinh tế phi thị trường” do Mỹ và các quốc gia phương Tây áp đặt. Điều đó tương tự như đối với Nga, Trung Quốc, và một số quốc gia có hơi hướng độc tài khác trên thế giới.

Công nhân Việt Nam làm việc tại xưởng lắp ráp xe Ford ở tỉnh Hải Dương. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Nếu được công nhận là một nền kinh tế thị trường, thì Việt Nam sẽ có lợi do được hưởng đầy đủ những ưu đãi về thương mại và đầu tư, theo quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO).

Trên thực tế, Việt Nam hiện nay với thể chế kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” thực chất vẫn mang đậm dấu ấn của nền kinh tế tập trung theo mô hình Xô Viết, mà nhà nước vẫn đóng vai trò chỉ huy.

Kinh tế thị trường là đặc trưng của kinh tế tư bản chủ nghĩa, là điều trái ngược hoàn toàn so với nền kinh tế tập trung của chủ nghĩa Cộng Sản. Sự khác biệt căn bản là vấn đề bóc lột và sở hữu tư liệu sản xuất.

Đó là lý do vì sao lâu nay nhiều lần các quan chức lãnh đạo Việt Nam từng nhiều lần đề nghị Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, nhưng không có kết quả.

Theo giới chuyên gia, trong thời điểm hiện nay, nhà nước Việt Nam, nếu muốn dựa vào thị trường, nguồn vốn và công nghệ từ Hoa Kỳ để phát triển nền kinh tế, trên nền tảng công nghệ cao, phải thể chế hóa nền kinh tế để trở thành một nền kinh tế thị trường theo đúng các tiêu chí của WTO.

Vào trung tuần Tháng Chín, 2023, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Thống Joe Biden đế Hà Nội, Việt Nam-Hoa Kỳ đã nâng mối quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Trong tuyên bố chung giữa hai nước, liên quan đến hợp tác kinh tế và đầu tư, phía Hoa Kỳ đã hoan nghênh và cam kết tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật pháp của Hoa Kỳ.

Kinh tế thị trường đúng nghĩa đòi hỏi sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình kinh tế khác nhau. Trên nguyên tắc kinh doanh “lời ăn, lỗ chịu” các doanh nghiệp chịu sự chi phối của thị trường và không cho phép nhà nước can thiệp hay hỗ trợ cho bất kỳ doanh nghiệp nào.

Các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước như ở Việt Nam hiện nay, luôn có nhà nước đứng sau. Với sự ưu ái khi sử dụng nguồn lực như đất đai hoặc vốn ngân sách, cộng với quyền lực của nhà nước, chính sách này sẽ bóp chết các doanh nghiệp tư nhân.

Hơn thế nữa, các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam hiện nay không chịu sự chi phối của nguyên tắc thị trường. Các doanh nghiệp nhà nước sẽ không bao giờ bị phá sản, vì lý do nhà nước bảo hộ và sẵn sàng ra tay giải cứu.

Điều đó cho thấy, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam được coi là chủ đạo, thể hiện rõ Việt Nam đang “…có sự can dự mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế.”

Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào Tháng Chín, 2023, một tháng sau, Thủ Tướng Phạm Minh Chính, trong chuyến công du Hoa Kỳ, đã kêu gọi bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ chấm dứt việc đánh giá kinh tế Việt Nam là “nền kinh tế phi thị trường” và được phía Mỹ hứa hẹn sẽ xem xét.

Theo quy định của luật pháp nước Mỹ, quá trình xem xét vấn đề vừa nêu phải được hoàn thành trong vòng 270 ngày, tức vào khoảng giữa Tháng Bảy năm nay.

Vì thế, trong hoàn cảnh như hiện nay, theo giới chuyên gia, nếu như Việt Nam không có sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách kinh tế, thì việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh thế thị trường là việc khó hơn mò kim đáy bể.

Tình hình không lạc quan quá mức như mong muốn của lãnh đạo Việt Nam, như thể hiện trong bản tin “Hoa Kỳ có thể công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam vào Tháng Sáu” của Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 31 Tháng Giêng.

Những điều kể trên cho thấy, lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa hiểu vấn đề về nội hàm, cũng như lý do vì sao Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây vẫn không thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Bằng chứng cụ thể, hôm 5 Tháng Hai, Thủ Tướng Phạm Minh Chính đưa ra tuyên bố khẳng định vai trò quan trọng của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Theo báo Tuổi Trẻ, ông Chính cho rằng, mặc dù 19 tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, nhưng là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.

Phát biểu của ông Chính dường như đã phớt lờ điều cấm kỵ của một nền kinh tế thị trường theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, đó là vẫn tồn tại “…sự can dự mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế.”

Cũng như thế, trong chuyến thăm Bắc Kinh cuối năm 2023, Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng khẳng định với lãnh đạo Trung Quốc rằng “…Việt-Trung cùng kiên trì đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản.” Điều đó có nghĩa là ông Thưởng tự thừa nhận Việt Nam cũng giống như Trung Quốc – một quốc gia có nền kinh tế “phi thị trường.”

Đó là lý do mà lãnh đạo CSVN cứ vòng vo để rồi “giấu đầu lại hở đuôi” về vấn đề kinh tế thị trường. Họ không dám công khai thừa nhận với dân chúng, họ đã phản bội lại chủ nghĩa Cộng Sản và chất Cộng Sản hiện nay chỉ còn tồn tại trong danh xưng “tên đảng.” Mà thực chất, đảng CSVN hiện nay là một đảng chính trị độc tài của giai cấp bóc lột mới của một xã hội tư bản vô tổ chức.

Năm 1986, dưới danh nghĩa đổi mới, sự ra đời cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” gắn cho nền kinh tế thị trường của Việt Nam thực chất là thủ thuật lừa đối dân chúng, đặc biệt là với thành phần lão thành cách mạng, cựu chiến binh, những người đổ xương máu cho chế độ. CSVN không muốn cho họ biết, họ đã bị phản bội lý tưởng Cộng Sản.

Trong chính sách đối ngoại của CSVN hiện nay, họ duy trì chính sách “ngoại giao cây tre,” thực chất là chính sách ngoại giao đu dây. Hà Nội chủ trương dựa vào Hoa Kỳ và phương Tây để phát triển kinh tế, nhưng mặt khác họ vẫn dựa vào Trung Quốc và Nga để bảo vệ chế độ độc tài.

Thực tế cho thấy, dựa vào Nga hay Trung Quốc thì Việt Nam chẳng hề được lợi về kinh tế, nhưng cái được lớn nhất là cả Bắc Kinh và Moscow sẽ bảo vệ cho chế độ độc tài ở Hà Nội tồn tại.

Với chủ trương bắt cá hai tay như vậy, lãnh đạo Việt Nam tưởng rằng như thế là khôn, nhưng hóa ra là dại. Rõ ràng Việt Nam được tiếng quan hệ đối ngoại không phân biệt đối tác, nhưng sẽ không có lợi ích về kinh tế.

Đó là lý do vì sao, đến hôm nay, Việt Nam đã ký kết, trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, nhưng vẫn phải xin Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường và bị dứt khoát nói không. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT