Monday, April 29, 2024

Vở tuồng chính trị vẫn chưa hạ màn

Thanh Hà

Trong cái rủi nhiều khi có cái may!

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (thứ ba từ phải) nắm tay thăm hỏi Thủ Tướng Phạm Minh Chính trước cuộc họp Tiểu Ban Văn Kiện Đại Hội 14 của đảng CSVN hôm 23 Tháng Hai. (Hình: VOV)

Thủ Tướng Phạm Minh Chính vừa bất ngờ xuất hiện trở lại trong cuộc họp của Tiểu Ban Văn Kiện của Đại Hội 14 ngày 23 Tháng Hai sau gần 10 ngày vắng mặt.

Trước đó, có nhiều đồn đoán cho rằng ông bị gãy tay do gặp tai nạn giao thông. Một số cá nhân được đánh giá là “giới thạo tin” đã khẳng định, ông đi công tác ở tỉnh Nghệ An gặp tai nạn với nhiều lý do khác nhau.

Hồi Tháng Hai, mạng xã hội tung ra một ảnh chụp phim X-quang, được cho là rò rỉ từ Bệnh Viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An, của một người tên Chính sinh năm 1959, được mô tả “dường như bị gãy lìa cánh tay trái nối với bả vai, và phải mổ cấp cứu.”

Trong khi ai cũng biết Thủ Tướng Phạm Minh Chính là người sinh ngày 10 Tháng Mười Hai, 1958, cũng như việc ông Chính xuất hiện với một bộ dạng bình thường mới đây cho thấy “ảnh chụp phim X-quang” kể trên chẳng có liên quan gì đến tai nạn của ông Chính, nếu có.

Đáng chú ý, việc ông Chính tái xuất hiện sau những đồn đoán lại được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, một người được đánh giá là đối thủ chính trị của ông Chính, có biểu hiện thăm hỏi khá thân mật, khác thường.

Tại cuộc họp hôm 23 Tháng Hai, theo giới quan sát, vị trí ngồi của ông Chính cũng gây sự chú ý. Hôm đó, ông ngồi sát bên tay phải ông Trọng trên bàn chủ tọa.

Theo giới thạo tin, những điều kể trên cho thấy “sự nồng ấm” đã trở lại trong quan hệ giữa hai ông, trong khi trước đó mối quan hệ giữa hai người vốn có nhiều dấu hiệu ở mức quyết liệt, “một mất, một còn.”

Cụ thể, trước Hội Nghị Trung Ương 7 hồi Tháng Năm, 2023, ông Trọng nhiều lần nói với cử tri Hà Nội, “… các bác cứ chờ xem bỏ trốn cũng không trốn được đâu!”

Công luận cho rằng ông Trọng “bóng gió” nhắc đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC), một nhân vật đình đám bị tuyên án khiếm diện 30 năm tù giam, và đang trốn truy nã ở nước ngoài.

Vào thời điểm trước kỳ họp Hội Nghị Trung Ương 8 hồi Tháng Mười, 2023, ông Chính có một tâm trạng được cho là hết sức lo lắng.

Trọng tâm của hội nghị là sẽ bàn về nhân sự “chủ chốt” cho Đại Hội14, và như thường lệ, Ban Chấp Hành Trung Ương tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính Trị, thành viên Ban Bí Thư Khóa 13.

Theo dự trù, kỳ họp thứ 6 Quốc Hội khóa 15 sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc Hội bầu, phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc Hội sẽ mang tính quyết định cho việc “ai đi, ai ở” tại Đại Hội 14.

Vào thời điểm đó, việc Tòa Án Nhân Dân tỉnh Quảng Ninh mở hai phiên tòa xét xử sơ thẩm liên tiếp, liên quan tới bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng đồng phạm cũng là vấn đề nhằm chĩa mũi dùi từ ông Trọng vào ông Chính.

Tuy nhiên, một điều bất ngờ xảy ra tại Hội Nghị Trung Ương 8 Khóa 13. Đó là số phận lại mỉm cười với Thủ Tướng Phạm Minh Chính. Ngược lay, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lại thất bại nặng nề chưa từng thấy trong 12 năm trên cương vị người đứng đầu đảng CSVN.

Ông Trọng, trong cương vị Trưởng Tiểu Ban Nhân Sự các kỳ đại hội 12 và 13, theo yêu cầu của hội nghị, phải giải trình về những thắc mắc của đa số các ủy viên trung ương, về tình trạng lựa chọn nhân sự theo lối tùy hứng theo cảm tính, mang tính phe nhóm, hay có biểu hiện dung túng cho tình trạng chạy chọt mua bán ghế.

Ngoài ra, việc lựa chọn sắp xếp nhân sự không khoa học, thiếu công tâm, dẫn đến hệ quả khủng hoảng nhân sự lãnh đạo cấp cao. Vào thời điểm Tháng Mười, 2023, Ban Chấp Hành Trung Ương Khoá 13 mới được gần nửa nhiệm kỳ, nhưng trong số 180 ủy viên trung ương chính thức, chỉ còn lại 167. Đã có 13 người “nửa đường đứt gánh,” trong đó hai ủy viên Bộ Chính Trị.

Qua Hội Nghị Trung Ương 8, uy tín ông Trọng giảm sút nghiêm trọng chưa từng có. Không chỉ trên mạng xã hội, mà truyền thông chính thống của CSVN, giữa kỳ hội nghị, ngày 5 Tháng Mười, 2023, tung ra một bài viết, “Chúng ta đã để lọt cán bộ không đủ đức, đủ tài vào Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 12,” được coi là “trái bom tấn” tấn công trực diện ông Nguyễn Phú Trọng.

Trước Hội Nghị Trung Ương 8 Khóa 13, có rất nhiều ủy viên trung ương sợ ông Trọng, không dám ra mặt, nhưng vẫn ngấm ngầm chỉ trích, quy trách nhiệm thuộc về tổng bí thư.

Các diễn biến trước hội nghị bất ngờ “xoay chuyển” theo hướng có lợi cho ông Phạm Minh Chính. Vấn đề ông Trọng mong muốn kỷ luật ông Chính tại hội nghị trung ương này đã được xếp xuống hàng thứ yếu. Ngược lại, theo giới phân tích, ông Trọng rơi vào tình cảnh “thập diện mai phục” chưa từng thấy.

Đó là lý do vì sao trong diễn văn bế mạc hội nghị, ông Trọng buộc phải tuyên bố sẽ thôi chức vụ tổng bí thư khi hết kỳ đại hội vào cuối năm 2025 để trao cho người khác đảm trách.

Ngay sau đó, Ban Chấp Hành Trung Ương đã tín nhiệm để Thủ Tướng Phạm Minh Chính thay mặt Bộ Chính Trị chỉ đạo công tác nhân sự Đại Hội 14 và tiếp tục điều hành phiên thảo luận quy hoạch Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa 14. Đó là điều lâu nay vẫn được cho là sự “độc quyền” tuyệt đối của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng từ Đại Hội 12 cho đến nay.

Trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu “vòi bạch tuộc” của Bộ Trưởng Công An Tô Lâm đã và đang luồn rất sâu vào bộ máy đảng, nơi vốn là độc quyền của Tổng Bí Thư Trọng, việc Thiếu Tướng Vũ Hồng Văn, cục trưởng Cục An Ninh Chính Trị Nội Bộ, người được cho là em vợ của ông Tô Lâm, là một trong ba nhân sự được bầu bổ sung vào Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Khóa 13 là một minh chứng.

Trước khi “nhảy ngang” qua chiếc ghế thủ tướng của Đại Hội 13, ông Phạm Minh Chính khi đó là trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương đảng CSVN mà Tổng Bí Thư Trọng là người đứng đầu. Đừng quên ông Chính là một tay chân thân tín của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Câu chuyện bất ngờ giữa ông Trọng và ông Chính trở nên thân mật trong thời gian gần đây điển hình cho triết lý “Không có kẻ thù vĩnh viễn hay đồng minh vĩnh viễn.”

Điều đó cho thấy mối quan hệ giữa các cá nhân và phe nhóm trong nội bộ đảng CSVN cũng theo quy luật, “hợp rồi tan, tan rồi lại hợp,” trong cuộc đấu đá triền miên không có hồi kết, sân khấu chính trị cũng như một đám lục bình mà thôi. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT