Thursday, April 25, 2024

Mát rượi mồng tơi

Con nít nhà quê, ngoài giờ đi học ở trường, thời gian còn lại thả rông đi tha thẩn hết vườn này qua ruộng nọ chơi, có khi đi chỉ một mình để trải nghiệm “cảm giác mạnh” tự khám phá, có khi kéo bầy kéo lũ ầm ĩ cho vui.

Cách nhà tôi khoảng một cây số, trên đầu xóm, có cái nghĩa địa Tàu xưa cũ lắm rồi. Nghĩa địa Tàu thường cái mả nào cái mả nấy bự cả công đất, lại trang trí hoa hòe hoa sói rồng phụng xanh đỏ tím vàng đủ màu như cung điện, tượng ông tướng này tướng nọ mặt trắng mặt đen vận giáp vác gươm cầm đao canh giữ mả nhìn hung dữ lắm. Từ ngoài vô trong nghĩa địa trồng rất nhiều cây dương (phi lao) mỗi lần gió thổi lá cây phát ra tiếng xào xạc vi vút, nhiều lúc hú rít lên từng chặp tùy theo gió lớn gió nhỏ. Người lớn hay nói cây phi lao kêu vì ở trong nghĩa địa ma nhập vô nó. Cái nghĩa địa này có đường mòn đi xuyên từ đường lộ ra sau ruộng vòng về cửa sau nhà tôi.

Năm tôi mười tuổi, mùa nắng, cứ chiều chiều gần chạng vạng là thỉnh thoảng tôi đi bộ một mình từ cửa trước theo đường lộ đất ngược lên đầu xóm, quẹo vô nghĩa địa Tàu, vừa đi vừa nhìn trời nhìn mây, nhìn cây, nghe chim hót cây kêu, nhìn ngó mấy cái mả xanh đỏ cho đến khi trổ ra ruộng vòng về nhà sau thì trời vừa sụp tối. Mỗi lần đi như vậy xong là cảm thấy mình “oai” lên một chút, khoe với đám bạn hàng xóm um sùm. Nói như bây giờ người ta kêu là thử cảm giác mạnh đó.

Cũng có khi, tôi rị mọ suốt ngày ở hàng rào mọc đầy dây mồng tơi ở sau nhà để hái trái mồng tơi chín đen thùi, hết hàng rào nhà tôi sang hàng rào nhà hàng xóm. Mồng tơi trái nào trái nấy mập mạp lớn hơn đầu đũa ăn cơm. Ðem về bóp ra lấy nước màu tím rịm cho vô cái hũ keo làm mực viết, màu vẽ. Màu tím mồng tơi, lúc tươi thì nó tươi đẹp lắm, nhưng lúc khô nó đổi thành màu nâu xám nhạt nhạt, xấu hoắc, dĩ nhiên là không bằng mực tím mua ngoài tiệp chạp phô của bà Hát Bội đầu đường, nhưng vẫn thích vì nó thỏa mãn cái tò mò, phá khuấy của con nít.

Lớn lên một chút, tôi bắt đầu đọc sách của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, đọc Thơ Mới:

“Hoa lá quanh người lác đác rơi/ Cuối vườn đeo giỏ hái mồng tơi/ Mồng tơi ứa đỏ đôi tay nõn/ Cô bé nhìn tay nhí nhảnh cười. Cách vườn tiếng gọi khẽ đưa sang/ Rẽ lá cô em trốn vội vàng/ Quên giỏ mồng tơi bên dậu vắng/ Tôi đem nhặt lấy gởi đưa nàng. Năm tháng ta vui chốn ngựa hồng/ Cảnh xưa gò ngựa một chiều đông/ Cây khô giậu đổ mồng tơi héo/ Cô bé nhà bên đã có chồng.” (Hái Mồng Tơi – Nguyễn Bính)

Hóa ra là ông nhà thơ khi còn nhỏ cũng hái mồng tơi giống như tụi tôi. Chỉ khác ở chỗ khi lớn lên rồi ổng không rời bỏ cái giậu mồng tơi mà vẫn vương vấn không rời:

“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn/ Hai người sống giữa cô đơn/ Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi/ Giá đừng có giậu mùng tơi/ Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng” (Cô Hàng Xóm – Nguyễn Bính).

Mồng tơi gắn bó với người Việt Nam trong Nam ngoài Bắc đều giống như nhau. Nó gắn với tuổi thơ hồn nhiên, gắn với cuộc sống của họ khi trưởng thành cho đến khi sắp sửa theo ông theo bà. Mùa Hè nắng nóng chói chang, có mồng tơi nấu cua đồng ăn cơm thì vừa giải nhiệt, thanh mát, vừa ngon không gì sánh kịp.

Nấu canh cua đồng mồng tơi dễ lắm. Lá mồng tơi rửa sạch, lấy dao cắt nhỏ vừa phải cỡ ngón tay, rửa sạch để ráo. Cua đồng lột bỏ cái mai, yếm, bẻ bớt một đoạn chân nhọn bên ngoài rồi xay, lọc bỏ bã, cho thêm vài hột muối rồi đổ vô nồi nấu sôi nhỏ lửa. Khi thấy thịt cua đóng thành mảng thì dùng cái dá lớn bằng lưới mịn vớt nhẹ nhàng ra cái tô lớn. Xong rồi cho lửa lớn lên để nước sôi sùng sục thì cho rau mùng tơi vô nấu vừa chín tới, nêm chút gia vị vừa miệng ăn. Tắt lửa, múc canh ra tô, cho mảng riêu cua lên trên là có tô canh mồng tơi cua đồng ngon tuyệt vời.

Canh cua mồng tơi ăn chung với tép đồng rang muối, tép kho tàu, tép chấy mỡ tỏi đều rất hợp, làm tăng thêm vị ngon của thức ăn.

Nói vậy chớ lúc nắng hạn khô rang, kiếm con cua đồng nấu canh không dễ, người ta chuyển qua nấu với tép ăn đỡ ghiền, cũng thơm ngọt, ngon không kém.

Nấu với tép có hai cách. Một là tép rửa sạch luộc vừa chín tới, đổ tép ra lột bỏ vỏ, lấy cây dao nhỏ khía nhẹ một đường trên lưng tép. Lấy cái nước luộc tép đó cho rau mồng tơi vô nấu canh luôn. Rau vừa chín tới đổ tép trở vô cho sôi lại rồi tắt lửa. Hai là lột tép tươi ra bỏ vỏ, rửa sạch để ráo rồi lấy tép để lên tấm thớt lớn, dùng con dao phay nặng đập tép cho hơi dập dập. Xong phi mỡ tỏi xào qua con tép cho săn và thơm, nêm gia vị, đảo qua vài lần rồi đổ nước vô nấu cho nước sôi lên mới cho rau mồng tơi đã cắt sẵn vô. Thấy nước sôi lên rau vừa chín tới thì tắt lửa.

Làm cách thứ nhất nhìn con tép rất đẹp mắt, nó đỏ au, cong tròn và nở loe trên đường lưng như cái bông, nước canh trong, đạt yêu cầu về thẩm mỹ, nhưng con tép khi ăn bị cứng, nhất là tép bự thì càng thấy cứng. Canh có mùi tép luộc đặc trưng, không thơm.

Làm cách thứ hai nhìn không đẹp, nhưng ăn cảm giác ngon hơn bởi thịt tép mềm hơn, ngọt lịm, nước canh không trong nhưng canh có mùi thơm nức mũi. Do đó, nếu nấu canh mồng tơi với tép thì tôi luôn nấu theo cách thứ hai ăn cho nó ngon miệng.

Có thể cắt nhỏ một trái mướp hương, thêm một nắm lá rau ngót vô nữa thì canh càng ngon ngọt, thơm mát hơn nữa. Thiệt quả là thiên nhiên ban tặng món quà vô giá cho người dân quê miền nhiệt đới.

Buổi trưa nắng nóng nực mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đi làm mệt mỏi bước vô nhà mà thấy mâm cơm có tô canh mồng tơi xanh dờn mát rượi điểm mấy miếng riêu cua tim tím hay con tép trắng hồng hồng, dĩa tép rang muối giòn tan, bảo đảm con mắt nhảy xuống mâm liền, thiệt bao nhiêu nóng bức bay đi đâu hết, chỉ muốn húp ngay một chén nước canh cho đỡ con khát đang cháy trong cổ họng.

Cơm trắng thơm phức, canh mồng tơi vừa thơm vừa mát con mắt lẫn mát cổ họng, tép rang mặn mặn, ngọt ngọt, giòn giòn, bọn con nít tụi tôi cứ muốn ăn hoài dù bụng đã no căng cứng.

Người miền Tây ăn canh cua mồng tơi đơn giản có vậy. Người miền Bắc ăn món này thường có thêm món cà ghém muối xổi.

Ăn như vầy, vua chúa cũng phải ganh tỵ, vậy mà không hiểu sao, người ta lại nói “nghèo rớt mồng tơi,” thiệt oan ức cho mồng tơi quá xá.

Rau mồng tơi chống được táo bón, nhuận tràng, thông tiểu tiện, giải nhiệt, lại trơn mềm, dễ nuốt nên người già ăn rất tốt, ăn đến khi nào hết ăn được nữa mới thôi.

Cơm nước xong rồi, leo lên cái võng lác treo dưới hai gốc cây xoài to đùng nằm đu đưa qua lại, gió mát hiu hiu thổi, mở cassette nghe danh ca Minh Cảnh ca bài tân cổ giao duyên “Mực tím mồng tơi” mới là “đúng bài” của dân miền Tây: “Nhà anh cách nhà em mấy nhịp cầu tre một dòng kênh nhỏ… Nhớ lúc còn thơ em hái mồng tơi pha làm mực tím anh dạy cho em hai chữ i… tờ…” thiệt nó mới ngọt ngào mùi mẫn làm sao.

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cá salmon và cơm chiên giòn tuyệt cú mèo”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT