Tuesday, March 19, 2024

Bà chủ mang hai dòng máu Ấn-Việt và quán bò kho ở Sài Gòn

Nguyễn Đạt/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hằng ngày, rất đông người tìm đến quán bò kho bà Út, người phụ nữ mang hai dòng máu Ấn-Việt, nằm trong hẻm số 194 Võ Văn Tần-đường Trần Quý Cáp thuở trước – ở quận 3, Sài Gòn.

Quán bò kho bà Út phục vụ thực khách ba món chính là bánh mì bò kho, hủ tiếu bò kho, và mì bò kho. Với cách chế biến các món ăn vừa mang hương vị đặc biệt của bò kho Ấn Độ, vừa gia giảm để thích hợp khẩu vị của người Việt Nam, nên ai đã thưởng thức bò kho ở đây đều trở lại, trở thành khách quen của quán.

Quán của bà có mặt tại hẻm này cách đây đã gần 20 năm, lúc đầu đặt tại đầu hẻm, sau chuyển vào nhà cũng trong hẻm này. Quán nhỏ hẹp, bàn ghế sắp đặt phục vụ thực khách trong và ngoài căn nhà, mỗi lượt chỉ khoảng 20 người có chỗ ngồi. Mở cửa hoạt động từ 2 giờ trưa đến 7 giờ tối mỗi ngày, thực khách liên tục tới quán thưởng thức món bò kho Ấn Độ.

Bà Út cho biết: “Quán chế biến ba món ăn với bò kho, nhưng thấy khách ưa kêu mì bò kho nhiều nhứt. Mì ở đây có hai thứ, mì gói và mì trứng. Cả ba món bán ở đây đều cùng một giá, 35,000 đồng/tô. Thực khách nào gọi ăn chỉ 15,000 hay 20,000 đồng, quán cũng phục vụ.”

Bà cho hay, mỗi ngày bà phải đi chợ rất sớm để chọn mua loại thịt bò tươi ngon nhất, ngoài thịt nạc còn có đầy đủ gân và ít mỡ thăn của bò…

Một góc quán bò kho Ấn Độ. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)

Một vị khách thân thuộc, từng thưởng thức bò kho tại quán bà Út từ nhiều năm, nói: “Làm nên hương vị đặc trưng cho tô bò kho quán này là cà ri chính hiệu, đặc sản của Ấn Độ. Kế đến là thứ sa tế do bà chủ quán chế biến. Ăn tô bò kho của quán, thực khách cần nêm thêm thứ sa tế này mới là trọn vẹn hương vị thơm cay của bò kho Ấn Độ.”

Tô mì trứng bò kho trước mặt chúng tôi bốc khói. Trong mỗi tô bò kho có khoảng 9-10 miếng thịt bò vừa miệng ăn, trong đó có những miếng gân trong veo, ít mỡ vàng hượm bên miếng thịt. Tất cả các thứ này được hầm kỹ, mềm vừa phải, lẫn trong nước bò kho được ninh nấu trở nên sền sệt, tỏa hơi nóng thơm ngon, không còn mùi hôi bò như bò kho nhiều hàng quán khác.

“Không có mùi hôi bò như thường thấy, vì chúng tôi tẩm ướp thịt bò với các loại gia vị như bột cà ri, bột quế, đinh hương, bột bắp… Chọn lựa những loại gia vị ấy làm cho nồi bò kho bớt cay nồng, nhiều người Việt Nam không quen ăn như người Ấn Độ. Nhưng đã gọi là bò kho Ấn Độ, ít nhiều cũng cay nồng hơn các thứ bò kho của người Việt Nam, nhất là người Sài Gòn, nói chung là người miền Nam, không quen ăn cay như người miền Trung,” bà chia sẻ.

Các món ăn chung với bò kho như hủ tiếu, mì… thì nước bò kho là phần quan trọng làm nên tô hủ tiếu, tô mì có phẩm chất.

Bà Út cho biết, nước dùng cho tô hủ tiếu, tô mì là từ nước hầm xương bò, ninh nấu tới bảy tiếng đồng hồ, sau đó mới nêm các loại gia vị, trong đó có bột cà ri Ấn Độ là chủ yếu.

Điều thích thú của thực khách tại quán bà Út là một rổ rau sống rau thơm khá lớn chất đầy, để ăn kèm với tô hủ tiếu bò kho và mì bò kho, gồm giá sống, ngò gai, húng quế, lá tía tô… và nhiều thứ làm nước chấm như muối tiêu chanh ớt, tương đen, sa tế.

Vì món ăn bà Út chế biến ngon, nên nhiều thực khách tới khi quán chuẩn bị đóng cửa, vào lúc 7 giờ tối, phải chờ hôm sau mới được thưởng thức tô bò kho đặc biệt này! (Nguyễn Đạt)

MỚI CẬP NHẬT