Thursday, March 28, 2024

Coi chừng mất nhà vì thế chấp ngược

(realtor.com) – Mặc dù đã làm việc trong kỹ nghệ nhà đất hàng chục năm, bà Sharon Voss, 79 tuổi, đã phạm một sai lầm có thể khiến bà mất căn nhà mà bà đã làm chủ gần 30 năm trong một vụ bán đấu giá vào tháng này. Thủ phạm: một vụ thế chấp ngược nhằm giúp bà có tiền chi tiêu lúc tuổi già.

Chồng bà Voss đã lấy ra một món thế chấp ngược được bảo đảm bằng trị giá căn nhà thuộc về họ, đối với căn nhà bốn phòng ngủ của hai vợ chồng, tại vùng Orlando, Florida, trên một con đường yên tĩnh. Họ đã đổi chủ quyền của căn nhà diện tích 2,000 foot vuông và equity của căn nhà (trị giá căn nhà thuộc về họ) lấy tiền mặt để trả hết nợ nần. Họ tin rằng họ sẽ có thể tiếp tục ở trong căn nhà cho tới khi chết. Đó là đường lối thường thấy của những món vay như vậy.

Nhưng sau khi chồng bà Voss qua đời sáu năm trước, các ngân hàng đã gọi tới và các báo thị xiết nhà bắt đầu. Vấn nạn là hai người đã đồng ý loại tên của bà Voss ra khỏi giấy chủ quyền nhà khi các nhà cho vay nói đó chỉ là cách để món vay được chấp thuận. Họ đã cam đoan với bà rằng tên của bà sẽ nằm trên giấy chủ quyền trở lại nếu chồng bà chết. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Với thế hệ hậu chiến bắt đầu nghỉ hưu hàng loạt, các món thế chấp ngược có thể sẽ được nhiều người ưa chuộng như một cách để giúp họ có tiền chi tiêu khi nghỉ hưu.

Vì chiều hướng nhân khẩu tại Hoa Kỳ, chắc chắn những vụ thế chấp ngược sẽ tiếp tục gia tăng.

Nhưng trường hợp của bà Voss làm nổi bật một trong những cạm bẫy của thế chấp ngược, từ lâu vẫn là một sản phẩm gây tranh cãi mà vài chuyên viên tài chánh cảnh cáo có thể khiến tình trạng tài chánh của người già tệ hại thêm.

Những món vay đó hiện giờ nằm dưới sự kiểm soát của liên bang, không phải vì những phàn nàn của giới tiêu thụ, mà vì chúng quá tốn kém. Những thay đổi của liên bang có thể khiến những nhà cho vay ít rộng rãi hơn với những khoản tiền ứng trước mà họ cung cấp cho các chủ nhà. Những người vay tiền có thể cũng khó được vay hơn.

Nên hay không nên thế chấp ngược 

Các món thế chấp ngược đã được tạo ra trong thập niên 1960 để cho phép người già có một nguồn lợi tức mới. Những người từ 62 tuổi trở lên có thế nhận được một khoản tiền gộp, những kỳ trả tiền hằng tháng, hoặc một khoản tín dụng được bảo đảm bằng trị giá căn nhà thuộc về họ (sau khi trừ số tiền thế chấp mà họ còn phải trả). Số tiền đó có thể giúp họ trả các hóa đơn y khoa, đi nghỉ Hè, hoặc thanh toán thuế bất động sản, lệ phí bảo hiểm, và các chi phí bảo trì cho căn nhà của họ.

Các món thế chấp ngược là một thỏa thuận tệ hại cho những người lớn tuổi, trừ khi họ không còn giải pháp nào khác. (Hình minh họa: John Moore/Getty Images)

Nhưng các món vay phải được trả hết trước khi những người chủ có tên trên giấy chủ quyền bán chỗ ở của họ, dọn nhà, hoặc qua đời. Nếu không, họ hoặc các thừa kế của họ có trách nhiệm trả số tiền còn nợ – nếu không nhà cho vay có thể tịch thu căn nhà.

Những món thế chấp ngược thịnh hành nhất ở California, chiếm khoảng 33% các món thế chấp ngược trên toàn quốc. Florida và Colorada được xếp hàng kế tiếp, mỗi tiểu bang khoảng 7%.

Nguy hiểm của những món thế chấp ngược 

Theo Luật Sư Ingrid Evans tại San Francisco, chính phủ liên bang nên hành động tích cực hơn để bảo vệ các chủ nhà lớn tuổi.

Các món thế chấp ngược cũng có thể tốn kém, với các phí tổn trả trước có thể lên tới $15,000 đến $20,000 đối với một căn nhà trị giá $200,000. Điều đó cần phải xem xét, nhất là đối với những người không có ý định ở trong căn nhà của họ lâu dài hoặc chỉ muốn vay một số tiền nhỏ.

Theo bà Evans, các món thế chấp ngược là một thỏa thuận tệ hại cho những người lớn tuổi, trừ khi họ không còn giải pháp nào khác.

Vài người góa vợ hoặc góa chồng nói họ không biết rằng họ sẽ mất căn nhà của họ. Những người khác nhận những món tiền trả trước để thanh toán các hóa đơn y khoa hoặc những chi phí khác, nhưng không đủ khả năng trả thuế bất động sản và các chi phí bảo trì nhà. Khoảng năm năm trước, có những biện pháp kiểm soát được thiết lập để cho phép những người phối ngẫu còn sống tiếp tục ở lại căn nhà của họ.

Bà Voss nói bà đã cố để đủ điều kiện trợ giúp quả phụ để bà có thể ở lại căn nhà của bà. Nhưng món thế chấp mà chồng bà lấy ra trước khi có những cải tổ dành cho những người phối ngẫu còn sống. Khoảng một năm sau khi chồng bà mất, vào năm 2013, bà bắt đầu nhận được các báo thị xiết nhà. Thủ tục diễn ra chậm vì món thế chấp được sang tay cho những nhà cho vay khác, và luật sư của bà đã giúp bà khiếu nại, nhưng bà đã không thể tiếp tục chi tiêu cho các phí tổn pháp lý.

Hiện giờ, bà đang cố hình dung sẽ phải làm gì. Bà đang nhìn vào các chúng cư và đang xem xét việc dọn tới một khu nhà lưu động.

Theo bà Voss, dù bạn làm gì, nên có một luật sư đọc kỹ mọi thứ trước khi bạn đồng ý với các điều khoản. Một món thế chấp ngược nghe có vẻ như một giải pháp tốt, nhưng hãy bảo đảm tên của bạn nằm trên giấy chủ quyền nhà. (N.N.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT