Friday, April 19, 2024

Dân luật: Luật Tài Sản (Kỳ 4)

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. Website: www.lylylaw.com.

Luật Sư LyLy Nguyễn

Nếu người quá cố không có con cháu chỉ còn người hôn phối thì vợ hoặc chồng được hưởng trọn di sản. Tương tự nếu người quá cố chỉ có con mà không có người hôn phối thì con cháu sẽ hưởng di sản. Nếu còn lại cả hôn phối lẫn con cháu thì vợ hoặc chồng được hưởng từ một phần ba tới một nửa di sản, phần còn lại chia cho con cháu. (Hình minh họa: Joe Raedle/Getty Images)

Một vấn đề quan trọng nhất về sở hữu là để lại của cải khi chết, do đó một phần riêng biệt của Luật Tài Sản Hoa Kỳ đặc biệt chú trọng đến việc chuyển nhượng cho người khác khi qua đời. Đó là các Luật Di Chúc (wills), Luật Di Sản Không Trăn Trối (intestate succession), và Luật Tín Mục (trusts). Thông thường một người khi chết thì tài sản được để lại cho người hôn phối còn sống sót hoặc cho con cháu, hoặc điều hành qua các kế hoạch kế thừa đã dự trù trước, hoặc hiến tặng cho các cơ quan từ thiện.

Tại mỗi tiểu bang đều có thiết lập một tòa án đặc biệt chuyên giải quyết về di chúc gọi là tòa di sản (probate court). Khi một người qua đời thì di chúc của người đó được nộp cho tòa, nơi đây sẽ chỉ định một người thi hành di chúc (executor) để cai quản tài sản người chết, thu góp kết toán các khoản chưa thu, thanh toán nợ nần và phân chia theo như di chúc ấn định. Nếu không có di chúc thì tòa sẽ chỉ định một quản lý (administrator) để thanh toán tài sản để lại. Thủ tục giải quyết di sản (probate process) do tòa án giám sát có tính cách công cộng (public) nên kéo dài thời gian rất phiền phức, do đó nhiều người dùng cách lập tín mục ủy thác (living trust) để thanh toán tài sản dễ dàng và mau chóng hơn mà không bị tòa án dính vào.

Luật Di Sản không trăn trối áp dụng cho trường hợp một người qua đời không lập cả di chúc lẫn tín mục ủy thác. Theo tinh thần luật này tòa đặt giả thiết nguyện vọng thông thường của một người chết là muốn để lại cho thân nhân nào trong gia đình lệ thuộc nhất về mưu sinh. Nếu người quá cố không có con cháu chỉ còn người hôn phối thì vợ hoặc chồng được hưởng trọn di sản. Tương tự nếu người quá cố chỉ có con mà không có người hôn phối thì con cháu sẽ hưởng di sản. Nếu còn lại cả hôn phối lẫn con cháu thì vợ hoặc chồng được hưởng từ một phần ba tới một nửa di sản, phần còn lại chia cho con cháu.

Luật Di Sản cho người chết không trối trăn áp dụng rất tổng quát cho nên một người vợ hoặc chồng từng sống chung với người quá cố vài chục năm và không có việc làm cũng được kể bằng với người có nghề nghiệp vững chắc nhưng mới lấy một ngày. Con cái đã trưởng thành hay con còn nhỏ, con được cưng chiều lẫn con bị hắt hủi đều được coi như nhau. Do đó lý do chính để lập di chúc là tránh bị tòa án chi phối phân chia tài sản không đúng ý nguyện mình sau khi chết. Ngoài ra nếu chết không có di chúc mà con còn vị thành niên thì tòa sẽ chỉ định giám hộ (guardian) để giao cho trông nom con mình sau này mà đó có thể là một người không phải do cha mẹ muốn. Ngược lại nếu có di chúc thì có thể chỉ định trước người giám hộ cho con cái còn nhỏ và khi chết tòa chỉ việc chính thức công nhận người đó. Ngay cả trường hợp một trong hai cha mẹ chết không có di chúc, đứa con có được để lại gia tài bắt buộc cũng phải chịu dưới quyền người giám hộ do tòa chỉ định, có nghĩa là tòa án hoàn toàn nắm quyền chi phối không theo nguyện vọng người chết. Hơn nữa chính phủ đánh thuế di sản rất nặng mặc dầu nhiều khi của để lại không đáng giá bao nhiêu. Dù tiêu chuẩn thuế thay đổi luôn nhưng thông thường một người có nhà cửa với bảo hiểm nhân thọ cùng tiền hưu trí hay có ít tiền đầu tư đều là mục tiêu chính phải đóng thuế tài sản, do đó lập di chúc có nhiều lợi điểm hợp pháp để tránh bớt hoặc giảm thiểu tiền thuế trên di sản.

Vì những lý do trên cho nên đa số mọi người lập di chúc để giải quyết tài sản mình sau khi qua đới. Xưa kia không dễ phân chia tài sản bằng di chúc, nhưng ngày nay quyền chuyển lại di sản được chấp nhận như một quyền lợi căn bản của một người tương tự như quyền mua bán, trao đổi, quyền cho đi tài sản của mình khi sống cũng như quyền để lại sau khi chết ngoại trừ một vài biệt lệ. Nói chung những người thành hôn không có quyền cho đi tất cả tài sản mình mà không để lại gì cho vợ hoặc chồng. Hôn nhân được coi như một hình thức hùn hạp kinh tế có nghĩa là khi vợ chồng chung sống cả hai đều có nghĩa vụ tương trợ lẫn nhau nên khi ly dị có quyền được chia đôi tài sản lẫn lợi tức và ngay cả khi chết cũng không gạt bỏ được những bổn phận đó. Giả sử một người đàn ông khi mệnh một đem của cải ban phát lung tung, nào là cho con riêng, cho tình nhân, cho nhà thờ thì dĩ nhiên người vợ vẫn có quyền dành một phần di sản đó dù không được chồng kể trong di chúc. Tuy Luật Di Sản áp dụng khác nhau ở nhiều tiểu bang nhưng thường thường người vợ hay chồng cũng được ít nhất từ một phần ba tới phân nửa di sản bất kể di chúc ấn định ra sao. Gần đây Luật Di Sản Đồng Nhất (Uniform Probate Code) quy định phần thụ hưởng của người hôn phối được chia tùy theo số năm sống chung và còn tùy thuộc tình trạng tài chánh của người đó có cần nhiều hay không.

Chính phủ đánh thuế di sản rất nặng mặc dầu nhiều khi của để lại không đáng giá bao nhiêu. Dù tiêu chuẩn thuế thay đổi luôn nhưng thông thường một người có nhà cửa với bảo hiểm nhân thọ cùng tiền hưu trí hay có ít tiền đầu tư đều là mục tiêu chính phải đóng thuế tài sản. (Hình minh họa: Christopher Furlong/Getty Images)

Tuy nhiên người hôn phối còn sống sót có quyền đòi hay từ khước việc phân chia di sản và không bắt buộc phải nhận, thí dụ như một bà quả phụ khá giàu có, chồng chết để di chúc hiến cho nhà thờ thì bà vẫn vui lòng làm theo nguyện vọng của người quá cố, hoặc nhiều khi di chúc được hoạch định ủy thác cho những công trình người chồng đeo đuổi lúc còn sống mà không có gì làm bà buồn lòng thì vẫn cho thi hành như đã viết. Tuy nhiên Luật Chia Sẻ bảo đảm cho người hôn phối sống sót được chia di sản nhưng con cái thì không vì người vợ hoặc chồng đương nhiên phải cấp dưỡng cho con cái nên chuyển tiền bạc cho người hôn phối sẽ tránh được khỏi rơi vào tay giám hộ.

Phần đông những người sinh sống tại Mỹ vào tuổi trung niên trở lên có gia tài đáng kể đều lập di chúc vì đây là một lối chuyển tài sản khi chết rất thịnh hành. Trong mẫu di chúc căn bản phải viết bằng chữ nêu rõ dự định phân chia di sản ra sao, thêm vào đó người lập di chúc phải ký trước mặt nhân chứng và tòa án bắt buộc điều kiện này rất khắt khe. Di chúc là bằng cớ xác định người lập có ý muốn để lại tài sản làm tặng phẩm và minh định rõ trước pháp luật ý định đó đã được người lập quyết định một cách chín chắn. Di chúc bắt buộc phải viết thành văn bản chính thức để lưu thành hồ sơ vĩnh viễn và không thể dùng các phương thức khác thay thế như thâu băng không được chấp nhận. Ngoài ra tại nhiều tiểu bang còn bắt buộc di chúc phải được ký trước sự hiện diện của nhân chứng là người không có liên hệ thừa hưởng di sản sau này. Dĩ nhiên nhân chứng đó cũng phải ký vào di chúc sau khi chứng kiến người lập ký tên. Thông thường nhân chứng chính là luật sư giúp thiết lập di chúc để chính thức hóa văn kiện này. Theo thủ tục của tòa di sản thì người giữ di chúc sẽ trình tòa tờ di chúc đó để được công nhận có hiệu lực về sau. Thân nhân không có tên thừa hưởng nhưng tin rằng di sản đáng chia cho mình có quyền phản đối yêu cầu vô hiệu hóa di chúc vì họ thường đáng lẽ là kế thừa trong trường hợp người chủ tài sản chết không trăn trối. Hai lý do phản đối thông dụng nhất là vin cớ người lập trong tình trạng tâm thần không đủ minh mẫn để lập di chúc thật sự theo ý muốn, hoặc đương sự bị cưỡng bách ép buộc lập di chúc đem của cải cho người khác.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Tài Sản Hoa Kỳ với thủ tục kế thừa di sản bằng cách lập tín mục ủy thác. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quý độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708, Điện thoại: (714) 531-7080; website: www.lylylaw.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT