Friday, March 29, 2024

‘Gánh Nặng Xã Hội’: 5 điều cần biết về ‘Dự Luật Di Dân Mới’ của TT Trump

Shefali Luthra (Kaiser Health News)

Giới chức của chính quyền Tổng Thống Trump nói chính sách mới sẽ thúc đẩy “người di dân tự lực cánh sinh và bảo vệ tài nguyên hữu hạn.” Nhưng các phê bình gia, bao gồm bộ trưởng tư pháp tiểu bang California, Xavier Becerra, nói dự luật mới có thể gây hậu quả nghiêm trọng về y tế công cộng và có các thách thức pháp lý.

Dự luật mới đề nghị từ Tòa Bạch Ốc sẽ gây khó khăn hơn cho di dân hợp pháp xin thẻ xanh nếu họ đã nhận vài loại trợ cấp, bao gồm Medicaid, phiếu thực phẩm (food stamps) và trợ cấp nhà ở (housing). Bởi vì thẻ xanh cho phép họ được cư ngụ và làm việc vĩnh viễn ở Mỹ.

“Những người di dân đến Mỹ cần chứng minh họ có thể tự hỗ trợ về tài chánh,” Bộ Trưởng Bộ Nội An Mỹ Kirstjen Nielsen nói trong một bản tuyên bố.

Dự luật đánh dấu một hạn định mới của chính quyền trong nỗ lực kiềm chế di dân, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Nó đã gây ra làn sóng chỉ trích dữ dội từ phía Dân Chủ, các nhà tranh đấu chống nghèo đói, các tổ chức y tế và những người bảo vệ quyền lợi di dân. Tất cả đều nói những hạn chế đó chưa từng có trước đây.

“Đây thực sự là sự ngăn chặn những người cần dịch vụ căn bản,” theo lời ông John Baackes, chủ tịch Điều Hành của L.A. Care Health Plan – nơi phục vụ cho khoảng 2 triệu cư dân ở Los Angeles County đang dùng Medi-Cal (Medicaid liên bang cho cư dân lợi tức thấp ở California).

Có khoảng 170,000 người trong số 2 triệu người này là di dân hợp pháp, ông Baackes nói.

Nếu người di dân sợ mà không tìm kiếm sự chăm sóc sức khỏe, “cuối cùng, nếu bị bệnh, họ sẽ vào phòng cấp cứu để được chăm sóc từ thiện,” ông Baackes nói thêm, đồng thời cam kết sẽ có hành động pháp lý.

Bộ Trưởng Tư Pháp California Xavier Becerra, người thường đụng độ với Tòa Bạch Ốc, có thể cũng phản kháng dự luật này.

“Chúng tôi muốn nói với các thành viên rằng chúng tôi sẽ tích cực bảo vệ quyền tiếp cận những dịch vụ của họ,” ông Baackes nói.

Nhưng hậu quả của dự luật này là gì?

Đó là một câu hỏi phức tạp, liên quan đến nhiều chương trình của nhà nước, lên đến nhiều tỷ đô la.  Trong khi những tác động chưa rõ ràng ngay, Kaiser Health News đề cập đến vài yếu tố chính.

1-Điều trước nhất: Tòa Bạch Ốc đề nghị gì?

Chính phủ Trump muốn định nghĩa lại thế nào là “gánh nặng xã hội” – tiêu chuẩn dùng để thẩm định người xin thường trú “có thể chủ yếu phụ thuộc vào trợ cấp nhà nước để sinh sống hay không.”

Trong quá khứ, người ta có nguy cơ bị cho là một “gánh nặng xã hội” nếu họ nhận trợ cấp tiền mặt như chương trình Temporary Assistance for Needy Families (TANF), Supplement Security Income (SSI) hay trợ cấp liên bang để giúp chi trả chăm sóc sức khỏe dài hạn. Người di dân phải ở trong nước Mỹ hợp pháp 5 năm trước khi đủ điều kiện nhận TANF hoặc SSI.

Và “gánh nặng xã hội” đó có thể gây khó khăn khi họ nộp đơn xin thường trú.

Luật mới sẽ nới rộng danh sách “gánh nặng xã hội” bao gồm bảo hiểm y tế, chương trình trợ cấp thực phẩm và nhà ở. Đặc biệt, nó sẽ trừng phạt những đơn xin thẻ xanh đã có dùng Medicaid, một chương trình liên bang tài trợ cho tiểu bang giúp người lợi tức thấp. Không áp dụng nếu dùng Medicaid trong trường hợp cấp cứu hay dịch vụ Medicaid qua nhà trường hay chương trình khuyết tật.

Phiếu thực phẩm, chương trình “Housing Section 8” hay trợ cấp thuê nhà ở liên bang bị tính vào khi họ nộp đơn. Chương trình “Medicare Part D” trợ cấp thuốc có toa bác sĩ giúp người lợi tức thấp cũng không được miễn trừ.

Dự luật chắc chắn là một sự thay đổi đáng kể trong việc đánh giá thể loại gánh nặng xã hội đang áp dụng hiện nay, theo Kelly Whitener, phó giáo sư tại Georgetown University’s Center for Children and Families, chuyên gia về phúc lợi y tế trẻ em và hệ thống chăm sóc sức khỏe có quản lý.

Một phiên bản của dự luật bị rò rỉ hồi Tháng Ba tiết lộ rằng giới chức thẩm quyền cũng cân nhắc việc trừng phạt những người có nhận trợ cấp để mua bảo hiểm y tế “Affordable Care Act” ngoài thị trường.  Nhưng điều đó không có ghi trong phiên bản phát hành cuối tuần.

“Họ thật sự nhắm vào người nhập cư có lợi tức thấp,” bà Kelly Whitener nói thêm.

2-Có phải điều này chưa từng có như các nhà phê bình nói không?

Phải.

Gánh nặng xã hội là một điều xưa cũ. Trong thập niên 90, các nhà làm luật đã nới rộng luật để xét xem người di dân có được nhận trợ cấp tiền mặt không.

Nhưng bao gồm cả những chương trình như Medicaid và phiếu thực phẩm, mà phạm vi rộng lớn hơn, là một thay đổi quan trọng. Nó sẽ ảnh hưởng đến người lao động, đa phần là những người dùng Medicaid và tự làm chủ, gần 80% gia đình có ít nhất một người đi làm, theo dữ liệu do Kaiser Family Foundation biên soạn.

Trẻ em công dân Mỹ nhưng cha mẹ là người di dân có nhiều khả năng bị ảnh hưởng hơn, vài chuyên gia cho biết. Khi cha mẹ từ chối trợ cấp vì lo sợ bị ảnh hưởng pháp lý, con cái họ có khả năng không ghi tên vào những chương trình như Bảo Hiểm Y Tế Trẻ Em (Children”s Health Insurance Program – CHIP) mà họ có thể đủ điều kiện.

“Tỷ lệ trẻ em nghèo trong tiểu bang chúng ta cao nhất nước, và những chính sách liên bang như dự luật này sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho những người dễ bị tổn thương nhất,” theo lời Cathy Senderling-McDonald, phó giám đốc điều hành của County Welfare Directors Association tại California – đại diện giám đốc dịch vụ nhân sự của tất cả các quận trong toàn tiểu bang.

Nhận trợ cấp không hẳn sẽ ngăn cản người di dân được thẻ xanh. Nhưng tỷ lệ bất lợi sẽ nghiêng về phía họ.

Mark Greenberg, một viên chức cao cấp của Migration Policy Institute, chuyên nghiên cứu chính sách di cư và người tị nạn ở các cấp địa phương, quốc gia và quốc tế cho biết: “Đây là quyết định rất lớn mà chính quyền sẽ có dựa theo dự luật này trong việc đưa ra phán quyết về những người được nhận vào đất nước và được nhận thẻ xanh.”

3-Khi nào chính sách có hiệu lực?

Đây là bước đầu trong quá trình làm luật liên bang phức tạp. Và nhiều thay đổi vẫn có thể xảy ra.

Một khi dự luật xuất hiện trong “Sổ đăng ký liên bang, thời hạn 60 ngày bắt đầu, và trong thời gian này bất cứ ai cũng có thể góp ý.

Cuối cùng khi được thông qua, luật sẽ bắt đầu vào năm 2019.

Và Bộ Nội An vẫn còn cần phản hồi về vài chi tiết. Thí dụ như chương trình CHIP chưa được quyết định có bị xem như một “gánh nặng xã hội” hay không.

Trong khi chờ đợi, những người nhận dịch vụ trợ cấp xã hội trước khi luật có hiệu lực sẽ không bị phạt.

4-Khi dự luật có hiệu lực

Bộ Nội An ước lượng có khoảng 2.5% người di dân đủ điều kiện nhưng sẽ không nhận chương trình phúc lợi xã hội vì sự thay đổi này – có thể lên đến $1.5 tỷ của liên bang mỗi năm. Nhưng những người khác tiên liệu một hậu quả lớn hơn.

“Hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều so với những cá nhân bị ảnh hưởng,” ông Greenberg nói. “Có lý do đáng kể để tin rằng điều Tòa Bạch Ốc ước lượng là quá giảm thiểu.”

Trong dự luật đệ trình, Bộ Nội An lưu ý thay đổi có thể gây kết quả “sức khỏe tồi tệ hơn,” “dùng phòng cấp cứu nhiều hơn,” “tăng lây lan bệnh truyền nhiễm,” “tăng tỷ lệ nghèo đói” và những mối quan tâm khác.

Các chuyên gia về di dân nhận định: Vì sự phức tạp của những chương trình và luật được đề nghị – hậu quả lớn lao sẽ xảy ra – di dân lợi tức thấp rất có thể sẽ hoàn toàn tránh dùng những phúc lợi công cộng. Hàng triệu di dân có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp, theo Center for Law and Social Policy (Trung Tâm Luật và Chính Sách Xã Hội,) một tổ chức bất vụ lợi tại Washingon D.C.

Điều đó có thể có tác động đến sức khỏe rõ rệt.

Chích ngừa miễn phí là chương trình mà trẻ em thường đủ điều kiện và không bị liệt kê vào tình trạng “gánh nặng xã hội.” Các gia đình lo sợ bị nguy hiểm khi xin thẻ xanh cũng rất có thể không cho con chích ngừa, bà Whitener nói.

Bà nói thêm, đã có báo cáo là người ta từ chối nhận trợ cấp của liên bang mặc dù chưa có gì xảy ra.

“Không thể xem thường yếu tố sợ hãi,” bà nói.

5-Sẽ có kiện tụng không?

Hành động pháp lý có khả năng xảy ra.

Giới chức thẩm quyền như Bộ Trưởng Tư Pháp California Becerra đang cân nhắc những thách thức pháp lý của dự luật.

“Dự luật chính quyền Trump đề nghị trừng phạt những gia đình di dân làm việc chăm chỉ, thậm chí nhắm cả vào những trẻ em là công dân vì dùng những chương trình căn bản như cung cấp dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Đây là một cuộc tấn công vào gia đình và cộng đồng chúng ta,” Becerra nói trong một bản tuyên bố.

Nhưng những hành động này tùy thuộc vào điều luật cuối cùng khi đã thành hình, có thể thay đổi trong quá trình làm luật.

“Sẽ có nhiều ý kiến phê bình mạnh mẽ, và không có cách nào để biết chắc những thay đổi mà họ có thể làm sẽ đem lại kết quả,” Greenberg nói.

(*) Bài này có sự đóng góp của Ana B. Ibarra (California Healthline) và do Kaiser Health News, một chương trình xã luận độc lập của Kaiser Family Foundation, xuất bản.

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT